Sign In

QUYẾT ĐỊNH

V/v Ban hành bản quy định về quản lý và bảo vệ

môi trường nước mặt nuôi trồng thủy sản trong lồng, bè.

 

 
 

 

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 21/6/1994

- Căn cứ Luật bảo vệ môi trường được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 27/12/1993 và công bố của Chủ tịch nước số 29-L/CTN ngày 10/01/1994.

- Căn cứ Luật tài nguyên nước số 08/1998/QH10 được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ ba thông qua từ ngày 21/4/1998 đến 20/5/1998.

- Căn cứ Nghị định số 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường, Nghị định số 26/CP ngày 26/4/1996 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường và Nghị định số 48/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học, CN&MT, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tư pháp;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về quản lý và bảo vệ môi trường nước mặt nuôi trồng thủy sản trong lồng, bè.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các văn bản đã ban hành trước đây có nội dung trái với bản quy định kèm theo quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3: Ông Chánh văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở KH, CN&MT, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, Thủ trưởng các Sở, ban ngành cấp Tỉnh, Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

Nơi nhận:                                                                               ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

- Thường trực Tỉnh ủy                                                                            KT – CHỦ TỊCH

- Thường trực HĐND                                                               PHÓ CHỦ TỊCH

- Như điều 3

- Lưu

        

 

           Lâm Thanh Tùng

 

ỦY BAN NHÂN DÂN                    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

   TỈNH AN GIANG                                        Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

       
   

 

 

 

BẢN QUY ĐỊNH

Về quản lý và bảo vệ môi trường nước mặt

nuôi trồng thủy sản trong lồng, bè.

(Ban hành kèm theo quyết định số 1582/1999/QĐ-UB

ngày 19/7/1999 của UBND tỉnh An Giang)

 

 
 

 

 

 

 

Nhằm tăng cường các biện pháp quản lý và bảo vệ môi trường nước mặt nuôi trồng thủy sản trong lồng, bè, đảm bảo sự phát triển bền vững trong lĩnh vực nuôi thủy sản, đồng thời giảm tối đa sự ô nhiễm môi trường nước mặt, UBND Tỉnh quy định việc quản lý và bảo vệ môi trường nước mặt nuôi trồng thủy sản trong lồng, bè trên địa bàn tỉnh An Giang như sau:

 

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1: Nuôi trồng thủy sản trong lồng, bè là mọi hoạt động nuôi, trồng các loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học trong các dụng cụ làm bằng gỗ, tre, nứa hoặc vật liệu khác đặt trên sông, rạch, kênh mương, ao hồ.

Nước mặt nuôi trồng thủy sản nói trong bản quy định này bao gồm nước sông, kênh rạch, ao hồ đủ điều kiện nuôi trồng các loại thủy sản trong lồng, bè.

Điều 2: Mọi tổ chức, cá nhân có hoạt động nuôi trồng thủy sản trong lồng, bè không phân biệt quy mô lớn, nhỏ trên sông, kênh rạch trong phạm vi tỉnh An Giang phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường, có quyền và trách nhiệm phát hiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật hiện hành.

Điều 3:  Sở Khoa học, CN&MT, Sở Nông nghiệp & PTNT là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, chịu trách nhiệm giúp UBND Tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về môi trường đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Điều 4: UBND Huyện, Thị, Thành phố chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các hoạt động bảo vệ và ngăn ngừa sự suy thoái, ô nhiễm môi trường trên địa bàn thuộc quyền quản lý theo bản quy định này và các văn bản pháp luật hiện hành.

Điều 5: Mọi hành vi vi phạm các quy định trong bản quy định này và các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

CHƯƠNG II

QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NƯỚC MẶT SỬ DỤNG ĐỂ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRONG LỒNG, BÈ

 

Điều 6: Các tổ chức, cá nhân có hoạt động nuôi trồng thủy sản trong lồng, bè phải thực hiện các quy định sau:

1/ Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác định nguồn thải gây ô nhiễm và đề ra các giải pháp khắc phục theo tinh thần chỉ thị số 24/CT-UB ngày 10/6/1998 của UBND Tỉnh và công văn số 272/CV-KHCNMT ngày 31/7/1998 của Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

2/ Neo đậu lồng, bè nuôi trồng thủy sản đúng theo khu quy hoạch. Địa điểm cụ thể do UBND Huyện, Thị, Thành phố quyết định. Khi có yêu cầu di chuyển lồng, bè đến địa điểm khác phải báo cho UBND Huyện, Thị, Thành phố biết. Đối với những lồng, bè tọa lạc rải rác ngoài khu quy hoạch, vị trí neo đậu lồng, bè phải theo hướng dẫn của UBND phường, xã, thị trấn.

3/ Mỗi bè phải lắp đặt thùng rác và chuyển đến nơi thu gom rác tập trung. Ở những nơi chưa tổ chức thu gom rác, các tổ chức, cá nhân phải tự xử lý bằng hình thức thích hợp.

4/ Thực hiện vệ sinh trong và xung quanh lồng, bè nuôi thủy sản. Không để các loại chất đốt hoặc tro rơi vãi trên sông, không để các loại thực vật, động vật tồn đọng xung quanh bè.

5/ Thực hiện cầu xí hợp vệ sinh phục vụ cho sinh hoạt trên bè.

6/ Chọn lựa các loại thức ăn có chất lượng cao, giảm lượng thực vật trong khẩu phần thức ăn, tăng cường độ kết dính của thức ăn cho thủy sản nhằm giảm dần nguồn thải từ phân thủy sản ra môi trường nước. Không sử dụng các loại thức ăn cho thủy sản đã thối rửa, các loại thức ăn cho thủy sản được bảo quản bằng các chất độc hại.

Điều 7: Các tổ chức, cá nhân khác có các hoạt động tác động đến môi trường trong khu quy hoạch làng bè phải thực hiện các quy định sau:

1/ Đối với những tổ chức, cá nhân hiện đang sinh sống, làm ăn trên sông phải đăng ký tạm trú theo quy định và thực thi các giải pháp giảm tối đa, ngăn chặn ô nhiễm môi trường theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.

2/ Các tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện thủy, khi đi ngang qua khu quy hoạch làng bè theo biển báo và hướng dẫn của cơ quan giao thông đường thủy.

3/ Các tổ chức, cá nhân sinh sống và hoạt động sản xuất kinh doanh --------- có nguồn thải gây ô nhiễm, phải tập trung rác thải ở nơi thuận tiện để thu gom xử lý; đối với nước thải phải qua hệ thống xử lý trước khi thải ra sông.

Điều 8: Nhiệm vụ và quyền hạn của Sở KH, CN&MT

1/ Tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong nhân dân, làm rõ tác hại của việc suy thoái, ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến phát triển thủy sản bền vững cũng như ảnh hưởng đến đời sống của cư dân trong lưu vực.

2/ Tổ chức quan trắc chất lượng nước làng bè, trên cơ sở đó đề xuất, tham mưu cho UBND Tỉnh các giải pháp giảm tối đa ô nhiễm.

3/ Triển khai thực hiện các thông tư của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, các Chỉ thị của UBND Tỉnh về đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm, cấp giấy phép môi trường cho các lồng, bè nuôi cá và thu hồi giấy phép môi trường những lồng, bè vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.

4/ Kiểm tra, thanh tra xử lý các hành vi vi phạm Luật bảo vệ môi trường và vi phạm bản quy định này.

5/ Giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường trong phạm vi thẩm quyền.

 

Điều 9: Nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Nông nghiệp & PTNT

1/ Tuyên truyền, hướng dẫn chi tiết kỹ thuật nuôi cá lồng, bè đạt hiệu quả cao, đồng thời ít gây ô nhiễm môi trường nước mặt như phổ biến cho ngư dân sử dụng thức ăn có độ tan rã ít, giảm hệ số chuyển hóa thức ăn, nuôi các loài thủy sản kinh tế có tính kháng bệnh và có thể xuất khẩu. Có các khuyến cáo phù hợp về cách thức quản lý, chăm sóc bè nuôi, cách thức phòng trị bệnh cho thủy sản và kiểm tra thường xuyên việc sử dụng thuốc phòng trị bệnh, các loại thực phẩm gây ô nhiễm cao… ở các lồng, bè nuôi trồng thủy sản thuộc địa bàn quản lý của mình. Tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân thực hiện các giải pháp giảm tối đa sử dụng thuốc nông dược.

2/ Quy hoạch các làng bè, cụm bè nuôi trồng thủy sản. Chú trọng quy mô của các làng bè, cụm bè và khoảng cách giữa các bè theo quy định này, sao cho khả năng tự làm sạch nguồn nước đạt yêu cầu tiêu chuẩn môi trường Việt Nam, tiêu chuẩn y tế, đồng thời đảm bảo sự phát triển thủy sản bền vững.

Đối với số bè hiện có tại các cụm bè, cần bố trí khoảng cách neo đậu thưa ra để tăng khả năng tự làm sạch của đoạn sông và tránh gây cản trở dòng chảy, đặc biệt là cần tiến hành ngay đối với khu vực Vĩnh Ngươn và Đa Phước. Khoảng cách giữa hai dãy bè tối thiểu là 50m, khoảng cách ngang giữa hai bè tối thiểu là 05m và phải trong phạm vi phân luồng theo quy định của ngành Giao thông vận tải.

 

3/ Cấp giấy phép hoạt động nuôi trồng thủy sản lồng, bè khi các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản lồng, bè đã thực thi bản quy định này và chấp hành Luật tài nguyên nước.

Thu hồi giấy phép hoạt động nuôi trồng thủy sản khi các tổ chức, cá nhân vi phạm bản quy định này hoặc vi phạm các quy phạm pháp luật khác có liên quan.

4/ Kiểm tra, thanh tra xử lý các hành vi vi phạm Luật tài nguyên nước, Nghị định số 48/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ, quyết định số 986/QĐ-UB ngày 29/8/1996 của UBND Tỉnh về việc quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bản quy định này.

5/ Giải quyết các kiếu nại, tố các có liên quan.

Điều 10: Nhiệm vụ và quyền hạn của UBND Huyện, Thị, Thành phố

1/ Thực hiện việc sắp xếp vị trí neo đậu lồng, bè nuôi thủy sản theo quy hoạch của Sở Nông nghiệp & PTNT. Sắp xếp các ghe, bè sửa chữa máy, buôn bán trên sông vào khu vực riêng biệt để tránh cản trở dòng chảy và hạn chế ô nhiễm môi trường.

2/ Tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải ở các cụm bè, làng bè tập trung. Hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản riêng lẽ các giải pháp thu gom, xử lý chất thải.

3/ Kiểm tra, thanh tra xử lý các hành vi vi phạm bản quy định này và các quy định khác có liên quan.

4/ Tiếp nhận, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và kiến nghị có liên quan đến bản quy định này.

Điều 11: Mối quan hệ giữa Sở KH, CN&MT, Sở NN&PTNT và UBND Huyện, Thị, Thành phố.

1/ Sở KH, CN&MT, Sở NN&PTNT và UBND Huyện, Thị, Thành phố trên cơ sở nhiệm vụ quyền hạn quy định tại điều 7, 8, 9 bản quy định này, phối hợp trao đổi bàn bạc, hỗ trợ cùng nhau giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường.

2/ Những vấn đề chưa thống nhất với nhau giữa Sở KH, CN&MT, Sở NN&PTNT và UBND Huyện, Thị, Thành phố thì trình lên UBND Tỉnh quyết định.

 

 

CHƯƠNG III

XỬ LÝ VI PHẠM

 

Điều 12: Các tổ chức, cá nhân đang hoạt động nuôi trồng thủy sản trong lồng, bè phải có giấy phép và các giấy tờ có liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản. Nếu vi phạm, tùy theo từng trường hợp sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 13: Việc xử lý vi phạm hành chánh về quản lý và bảo vệ môi trường nước mặt nuôi trồng thủy sản lồng, bè phải đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Nghị định 26/CP ngày 26/4/1996 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường (điều 6, điều 9), và Nghị định 48/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản (điều 8, khoản 1, mục a).

Điều 14: Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền khiếu nại về quyết định xử phạt, tố cáo vi phạm của cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm theo luật định.

 

CHƯƠNG IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 15: Sở Sở KH, CN&MT, Sở Nông nghiệp & PTNT chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện bản quy định này.

Các Sở, ngành liên quan có trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ theo chức năng nhiệm vụ của mình.

Điều 16: UBND Huyện, Thị, Thành phố và cơ quan quản lý phân luồng (Sở GT-VT) chịu trách nhiệm sắp xếp lại vị trí neo đậu lồng, bè và quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản lồng, bè trên địa bàn và các hoạt động khác có liên quan đến làng bè theo các quy định trong bản quy định này.

Điều 17: Các văn bản ban hành trước đây trài với quy định này đều bãi bỏ.

Bản quy định có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

       ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

       KT – CHỦ TỊCH

       PHÓ CHỦ TỊCH

 

 

 

        Lâm Thanh Tùng

 

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lâm Thanh Tùng