Sign In

CHỈ THỊ

V/v dạy nghề, đào tạo lại nghề, bổ túc, bồi dưỡng nghề

cho người lao động trong doanh nghiệp Nhà nước

______

 

Lao động có năng suất, chất lượng và hiệu quả là yếu tố rất quan trọng nhằm đảm bảo kết quả trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ nhân viên chuyên môn, nghiệp vụ và công nhân kỹ thuật là nhiệm vụ hàng đầu và bức xúc của doanh nghiệp hiện nay. Người lao động phải được tuyển dụng, đào tạo tay nghề theo đúng tiêu chuẩn nhân viên chuyên môn, nghiệp vụ và cấp bậc công nhân kỹ thuật theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Số liệu báo cáo của các ngành chức năng quản lý lao động theo Bộ luật lao động cho thấy: khoảng 40% (trong số hơn 6.000 lao động) đang làm việc tại các doanh nghiệp Nhà nước được tuyển dụng có văn bằng đào tạo, nhưng đa số là nhân viên nghiệp vụ và viên chức quản lý doanh nghiệp; còn lại là công nhân kỹ thuật chưa được qua đào tạo nghề, bồi dưỡng nghề hoặc chưa được kiểm tra tay nghề theo quy định của bậc thợ.

Để thực hiện Nghị định số 90/CP ngày 15/12/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Bộ luật lao động về dạy nghề và Thông tư số 19/LĐ-TBXH ngày 12/9/1996 của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội hướng dẫn việc dạy nghề, đào tạo lại nghề, bổ túc nghề cho người lao động và dạy nghề dự phòng cho lao động nữ làm việc trong doanh nghiệp; Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang yêu cầu Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước trong toàn tỉnh thực hiện tốt những việc sau đây:

1- Doanh nghiệp phải tổ chức dạy nghề cho người lao động chưa được học nghề đang làm việc tại doanh nghiệp hoặc mới tuyển vào học nghề để làm việc theo tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ hoặc cấp bậc công nhân kỹ thuật do Nhà nước quy định.

2- Khi thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ và tổ chức sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có trách nhiệm đào tạo lại nghề cho người lao động.

3- Doanh nghiệp co trách nhiệm đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ theo quy định của Nhà nước và theo nguyện vọng, phù hợp với hoàn cảnh khả năng của từng người.

4- Doanh nghiệp phải thường xuyên bổ túc nghề, bồi dưỡng nghề cho người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp theo các nội dung:

- Bổ túc, hoàn thiện kiến thức, kỷ năng lao động để người lao động có khả năng làm tốt hơn những công việc theo quy định của bậc thợ.

- Bồi dưỡng mở rộng kiến thức, kỷ năng lao động liên quan đến nghề.

- Bồi dưỡng nâng cao bậc nghề hàng năm cho công nhân.

- Lập kế hoạch bồi dưỡng và tổ chức cho công nhân thi thợ giỏi cấp doanh nghiệp, cấp ngành và cấp quốc gia.

5- Kinh phí thực hiện: thuộc khoản chi phí cho đào tạo lấy từ quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm của doanh nghiệp (trích từ phần lợi nhuận để lại chia các quỹ theo quy định của Nhà nước).

Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Doanh nghiệp Nhà nước trong toàn tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh & Xã hội và các cơ quan chức năng thực hiện tốt Chỉ thị này. Quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc, kịp thời báo về Sở Lao động - Thương binh & Xã hội để tổng hợp báo cáo đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết.

 

 

                                                          TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

                                                                                    KT. CHỦ TỊCH

                                                                                   PHÓ CHỦ TỊCH

Nơi nhận:                                                                                  

- TT.TU, TT.HĐND

- UBMTTQ tỉnh

- Giám đốc các DNNN                                                            (Đã ký)

- Sở ban ngành liên quan                                                        

- Lưu.

 

 

                                                                                       Lâm Thanh Tùng

 

 

 

 

 

 

 

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lâm Thanh Tùng