Sign In

QUYẾT ĐỊNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

V/v ban hành bản Quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước

ở địa phương trên lĩnh vực Lao động Thương binh Xã hội

 

                              ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

 Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) được Quốc Hội thông qua ngày 21/6/1994;

 Căn cứ  Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND và UBND ở mỗi cấp được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 25/6/1996;

 Căn cứ Thông tư Liên bộ số 01/LB-TT ngày 11/01/1995 của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội và Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy làm công tác lao động thương binh và xã hội các cấp ở địa phương;

 Xét Tờ trình số 138/TT.LĐTBXH ngày 12 tháng 3 năm 2003 của Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội,

QUYẾT  ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước ở địa phương trên lĩnh vực Lao động Thương binh và Xã hội.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các văn bản về trách nhiệm quản lý nhà nước ở địa phương trên lĩnh vực Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành trước đây có nội dung trái với bản Quy định này đều bãi bỏ.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, thủ trưởng các Sở, Ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

                                      TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Nơi nhận:                                                         CHỦ TỊCH

- Như  Điều 3.                                                            

- TT. Tỉnh ủy.                                                             

- TT.HĐND tỉnh.                                                   (Da ky)

- Lưu VP.       

                                                                     Nguyễn Minh Nhị

ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH AN GIANG

==========

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

   ==========================qdqlnn

TP. Long Xuyên, ngày   08   tháng 4  năm 2002

 

 

QUY ĐỊNH

Trách nhiệm quản lý Nhà nước ở địa phương

trên lĩnh vực Lao động-Thương binh và Xã hội

(Ban hành kèm theo Quyết định số 487 /2003/QĐ-UB  ngày 08/4/2003

của UBND tỉnh An Giang)

_____

 

          Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, đổi mới cơ chế và phân định trách nhiệm quản lý Nhà nước ở địa phương trên lĩnh vực Lao động-Thương binh và xã hội của Giám đốc Sở và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố ( (gọi chung là UBND cấp huyện). UBND tỉnh quy định như sau:

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

          Điều 1: Quy định này điều chỉnh mối quan hệ giữa Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và xã hội với Chủ tịch UBND cấp huyện trên lĩnh vực Lao động-Thương binh và xã hội; phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Giám đốc Sở Lao động - TBXH và Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về phát triển các hoạt động Lao động-Thương binh và Xã hội.    

          Điều 2: Sở Lao động-Thương binh và xã hội là cơ quan hành chính sự nghiệp giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về Lao động-Thương binh và xã hội

Giám đốc Sở Lao động - TBXH là người chịu trách nhiệm trước HĐND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh về toàn bộ kết quả, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực Lao động - TBXH, được quyền quyết định và trực tiếp giải quyết các vấn đề do Chủ tịch UBND tỉnh phân công, phân cấp quản lý.

          Điều 3: UBND cấp huyện là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, có nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm về quản lý Nhà nước trên lĩnh vực Lao động-Thương binh và xã hội trên địa bàn huyện.

Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm cá nhân với UBND tỉnh và HĐND huyện toàn bộ hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực Lao động - TBXH trên địa bàn huyện; được quyền quyết định và trực tiếp giải quyết các vấn đề do Chủ tịch UBND tỉnh phân công, phân cấp quản lý.

 

CHƯƠNG II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA

SỞ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH & XÃ HỘI VÀ UBND CẤP HUYỆN

 

          Điều 4: Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Sở  Lao động-Thương binh và xã hội :

          1. Căn cứ vào chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc điểm kinh tế của tỉnh và hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và xã hội, Sở có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch dài hạn, hàng năm của tỉnh về lĩnh vực Lao động-Thương binh và xã hội trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện theo kế hoạch đã được duyệt.

2. Nghiên cứu đề xuất xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Lao động-Thương binh và xã hội, bổ sung các chính sách chế độ, nghĩa vụ của người lao động, đối tượng chính sách và đối tượng xã hội cho phù hợp với tình hình đặc điểm thực tế của tỉnh, trình UBND tỉnh ban hành.

3. Chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện Chương trình XĐGN và việc làm.

4. Thống kê tổng hợp nguồn lao động các doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh (kể cả đơn vị Trung ương đóng ở địa phương); phối hợp thực hiện Chương trình XĐGN - việc làm; Huy động lao động công ích.

5. Hướng dẫn thực hiện Bộ Luật lao động và các văn bản hướng dẫn đối với các doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh.

6. Tổ chức và quản lý Nhà nước về công tác dạy nghề xuất khẩu lao động và Dịch vụ việc làm trong tỉnh, chỉ đạo trực tiếp các Trường Dạy nghề; Trung tâm dạy nghề và Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở.

7. Tổ chức chi đúng, đủ kịp thời tiền trợ cấp chính sách ưu đãi cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ, thương binh và Người có công với cách mạng, người bị chất độc màu da cam. Chỉ đạo và thực hiện quản lý các nghĩa trang liệt sĩ, các nhà bia ghi danh liệt sĩ trong toàn tỉnh. Hướng dẫn việc tổ chức lễ tưởng niệm liệt sĩ nhân các ngày lễ lớn, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ.

8. Thực hiện kiểm tra, thanh tra nhà nước, các đơn vị trực thuộc Sở, các cơ sở kinh tế trong và ngoài quốc doanh về việc thực hiện Bộ Luật lao động. Xem xét và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân về lĩnh vực Lao động-Thương binh và Xã hội.

9. Quản lý và kiểm tra trực tiếp các tổ chức nuôi dưỡng tập trung các đối tượng xã hội như : người già, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, tổ chức cứu trợ kịp thời cho nhân dân bị thiên tai lũ lụt, hỏa hoạn.v.v...

10. Chỉ đạo thực hiện công tác giáo dục, chữa bệnh, dạy nghề, lao động sản xuất cho các đối tượng mại dâm, nghiện ma túy ở các Trung tâm xã hội trên địa bàn tỉnh.

11. Chủ động phối hợp với Ban chỉ đạo Chương trình phòng chống AIDS, ma túy và mại dâm để thực hiện chương trình phòng chống AIDS ma túy và mại dâm. Đồng thời phối hợp với Hội đồng Giám định y khoa tỉnh để giám định thương tật cho thương binh, người mất sức lao động và tai nạn lao động.

12.. Phối hợp với các ngành trong các hoạt động sau.

- Vận động và phát triển các hình thức bảo trợ xã hội và tham gia quản lý việc sử dụng quỹ Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

- Quản lý Nhà nước đối với các hoạt động nhân đạo của Hội Bảo trợ Người tàn tật trẻ mồ côi.

- Tham gia vận động và quản lý việc sử dụng Quỹ đền ơn đáp nghĩa; "Quỹ ngày vì người nghèo" và việc xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho đối tượng chính sách và người nghèo.

- Tham gia Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng chính sách xã hội.

- Tham gia nhóm tư vấn chương trình đào tạo nguồn nhân lực tỉnh.

13. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tài chính, nguồn vốn đầu tư (kể cả chương trình dự án tài trợ quốc tế) đảm bảo sử dụng đúng mục đích theo kế hoạch đã được duyệt.

14. Kiện toàn bộ máy tổ chức bố trí và quản lý quy hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Sở và các đơn vị trực thuộc, nhằm đảm bảo thực hiện hoàn thành nhiệm vụ của ngành. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn ngắn hạn để nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ tỉnh, huyện, xã từng bước cải cách hành chính.

Điều 5: Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội :

1. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về  công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nội dung quy định tại Điều 4.

2. Chủ động kết hợp với Chủ tịch UBND huyện triển khai và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, công tác của ngành Lao động-TBXH trên địa bàn huyện.

3. Tổ chức chỉ đạo và triển khai cho các ngành, các cấp thực hiện các văn bản pháp luật, các chủ trương chính sách của Trung ương và của tỉnh liên quan đến ngành Lao động-TBXH. Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết để đánh giá hiệu quả, kết quả của việc chấp hành chủ trương chính sách về công tác Lao động-Thương binh và Xã hội.

4. Tổng hợp tình hình, báo cáo và đề xuất kịp thời những chủ trương, chính sách, giải pháp với Chủ tịch UBND tỉnh trong việc triển khai và thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công, phân định trách nhiệm theo quy định.

 5. Làm chủ nhiệm các chương trình có liên quan đến ngành. Phân công người phụ trách và chỉ đạo điều hành các dự án liên quan đến các chương trình thuộc ngành Lao động-TBXH.

6. Chỉ đạo hoạt động của các đơn vị trực thuộc Sở và chịu trách nhiệm về hoạt động của các đơn vị này.

7. Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ đối với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thuộc UBND huyện, thị, thành phố.

8. Kết hợp với các ngành Trung ương và địa phương, các UBND huyện, thị, thành phố tìm kiếm thị trường để giải quyết lao động ra ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động.

9. Trực tiếp giải quyết các khiếu nại, tố cáo  thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở.

10. Trả lời chất vấn trước HĐND tỉnh những vấn đề về quản lý Nhà nước trên lĩnh vực Lao động-TBXH.

Điều 6: Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của UBND cấp huyện trong lĩnh vực Lao động-TBXH

1. Tổ chức triển khai và thực hiện các văn bản pháp luật, các chủ trương chính sách của Trung ương và tỉnh thuộc lĩnh vực Lao động TBXH trên địa bàn huyện.

2. Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án về Lao động - TBXH như : Xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, Phòng chống AIDS, ma túy mại dâm trên địa bàn huyện.

3. Tổ chức chỉ đạo cho Phòng Lao động-TBXH thực hiện các mặt công tác chuyên ngành thuộc chính sách và chế độ của người lao động theo quy định của Bộ luật lao động.

4. Tổ chức thực hiện các chế độ chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, người tàn tật, trẻ mồ côi, người già yếu không có người thân chăm sóc, người gặp khó khăn hiểm nghèo, nạn nhân chiến tranh, bị thiên tai, hoả hoạn, các đối tượng khác cần có sự giúp đỡ của nhà nước và xã hội.

5. Kết hợp với các đoàn thể xây dựng phong trào toàn dân chăm sóc, các đối tượng chính sách, vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa bảo trì, cất, sửa chữa nhà cho các đối tượng chính sách.

6. Chỉ đạo quản lý, xây dựng kế hoạch sửa chữa nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ và nhà bia ghi danh liệt sĩ trên địa bàn huyện.

Điều 7: Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp huyện:

1. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về  công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nội dung ở điều 6 của bản quy định này.

2. Chỉ đạo trực tiếp Phòng, ban tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá hiệu quả của việc chấp hành các chính sách và pháp luật về công tác Lao động-TBXH.

3. Chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra UBND xã và cán bộ xã làm công tác lao động-Thương binh và Xã hội.

4. Giải quyết các đơn thư khiếu nại của công dân trên lĩnh vực lao động-TBXH.

CHƯƠNG III

PHÂN ĐỊNH TRÁCH NHIỆM VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA

 GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG-TBXH VÀ UBND CẤP HUYỆN

Điều 8: Công tác tổ chức và đào tạo:

1. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Lao động-TBXH.

- Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên ngành đối với cán bộ Phòng lao động-TBXH.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng hoặc đưa cán bộ Phòng Lao động-TBXH và cán bộ xã, phường phụ trách công tác Thương binh và Xã hội đi tập huấn các chương trình do tỉnh và Bộ Lao động-TBXH tổ chức.

- Xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ công tác ở Phòng Lao động-TBXH theo Thông tư 01/LB-TT ngày 11/01/1995 của Bộ Lao động-TBXH và Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ và Quy chế số 2348/1999/QĐ-UB-TC ngày 13/10/1999 của UBND tỉnh. Có quyền kiến nghị với Chủ tịch UBND huyện thay đổi nhân sự nếu xét thấy cán bộ đang đảm nhiệm chức danh không đáp ứng yêu cầu công việc. Khi không có sự thống nhất giữa Giám đốc Sở Lao động-TBXH và Chủ tịch UBND huyện thì báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

2. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện :

- Chỉ đạo toàn diện về hoạt động của Phòng Lao động-TBXH cấp huyện, thị, thành phố.

- Căn cứ vào tiêu chuẩn công chức, viên chức do Sở Lao động-TBXH xây dựng, Chủ tịch thực hiện việc bổ nhiệm Trưởng, Phó Phòng và chỉ đạo tuyển dụng cán bộ Lao động-TBXH (kể cả cán bộ Lao động-TBXH, cán bộ Xóa đói giảm nghèo cấp xã).

Điều 9: Quan hệ giữa Giám đốc Sở Lao động-TBXH và Chủ tịch UBND cấp huyện, thị, thành phố:

1. Quan hệ giữa Sở Lao động-TBXH và UBND huyện, thị xã, thành phố là quan hệ phối hợp thực hiện, thống nhất giải quyết các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Sở trên địa bàn huyện. Giám đốc Sở Lao động-TBXH có thể phân công cấp phó làm việc và quyết định giải quyết công việc nhưng Giám đốc Sở và Chủ tịch UBND huyện là người chịu trách nhiệm cuối cùng.

2. Giám đốc Sở Lao động-TBXH có trách nhiệm nghiên cứu giải quyết hoặc trả lời các đề nghị của Chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố những công việc liên quan tới lĩnh vực Lao động-TBXH (kể cả khi vấn đề đó không thể giải quyết hoặc vượt thẩm quyền của Sở). Trong thời gian 7 ngày (kể từ ngày nhận văn bản đề nghị) giám đốc Sở Lao động-TBXH phải trả lời bằng văn bản cho Chủ tịch UBND cấp huyện, nếu quá thời hạn 7 ngày mà Giám đốc Sở Lao động-TBXH không trả lời thì Chủ tịch UBND huyện báo cáo với UBND tỉnh bằng văn bản để xử lý giải quyết.

3. Đối với các vấn đề mang tính chất liên ngành cần có ý kiến của các Sở ban, ngành thì Giám đốc Sở Lao động-TBXH làm đầu mối, chủ động bàn bạc với các Sở, ban, ngành có liên quan và trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định. Sau khi có Quyết định của UBND tỉnh, trong thời hạn 15 ngày Giám đốc Sở Lao động-TBXH phải có văn bản trả lời cho UBND cấp huyện.

4. Giám đốc Sở Lao động-TBXH và Chủ tịch UBND huyện phải sắp xếp lịch làm việc thường xuyên với nhau, để phối hợp hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra đôn đốc các cơ quan chuyên môn cấp huyện trong việc thực hiện pháp luật, chủ trương chính sách của Trung ương và của tỉnh, kịp thời chấn chỉnh các việc làm sai trái của cấp dưới.

CHƯƠNG IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

          Điều 10: Giám đốc Sở Lao động-TBXH chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện bản quy định này đến các cơ quan, đơn vị thuộc Sở.

          Điều 11: Chủ tịch UBND cấp huyện phối hợp Giám đốc Sở Lao động-TBXH, tổ chức triển khai và thực hiện bản quy định này đến các cơ quan, đơn vị cấp huyện và UBND cấp xã.

          Điều 12: Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện quy định này và kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quá trình cải cách hành chính.

 

                                                     TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

                                                                                    CHỦ TỊCH

                                                                                      (Da ky)

 

 

                                                                          Nguyễn Minh Nhị

 

 

 

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Minh Nhị