THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn
______________
Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc giá bán điện năm 2009 và các năm 2010 - 2012 theo cơ chế thị trường;
Thực hiện công văn số 1287/VPCP-KTN ngày 02 tháng 03 năm 2009 của Văn phòng Chính phủ về việc hướng dẫn thực hiện giao, nhận và hoàn trả vốn lưới điện hạ áp nông thôn;
Liên Bộ: Công Thương, Tài chính hướng dẫn việc giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về phương pháp xác định giá trị tài sản lưới điện hạ áp nông thôn trong giao nhận; phương thức hoàn trả vốn và nguồn vốn hoàn trả lưới điện hạ áp nông thôn; trình tự giao nhận, quản lý và hoàn trả vốn tài sản lưới điện hạ áp nông thôn.
2. Thông tư này áp dụng đối với chủ sở hữu tài sản lưới điện hạ áp nông thôn (sau đây gọi tắt là Bên Giao), các Công ty Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (sau đây gọi tắt là Bên nhận) và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao nhận và hoàn trả vốn đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn (sau đây viết tắt là LĐHANT) theo hướng dẫn tại Thông tư này.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Tài sản lưới điện hạ áp nông thôn giao nhận bao gồm phần lưới điện có điện áp đến 0,4 kV gồm đường trục và nhánh rẽ được xác định từ thiết bị đóng cắt tổng (cầu dao, áp tô mát) phía thứ cấp của máy biến áp 6¸35/0,4 kV cấp điện cho các thôn, xã đến công tơ đo đếm điện năng hộ sử dụng điện nông thôn, thuộc tài sản của các tổ chức quản lý điện nông thôn đang quản lý được chuyển giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý và bán điện trực tiếp đến hộ nông thôn.
2. Bên giao là chủ sở hữu hoặc đại diện hợp pháp chủ sở hữu tài sản LĐHANT (Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, Ban quản lý dự án của các địa phương, hợp tác xã, cá nhân) tự nguyện bàn giao hay thuộc đối tượng bắt buộc bàn giao theo quyết định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (do không có đủ điều kiện kinh doanh bán điện theo biểu giá điện sinh hoạt bậc thang theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về giá bán điện năm 2009 và các năm 2010 – 2012 theo cơ chế thị trường và Điều 4 Thông tư số 05/2009/TT-BCT ngày 26 tháng 2 năm 2009 của Bộ Công Thương quy định về giá bán điện năm 2009 và hướng dẫn thực hiện).
Trường hợp không xác định được chủ sở hữu tài sản LĐHANT, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định cơ quan, tổ chức có liên quan làm đại diện Bên giao.
3. Bên nhận là các Công ty Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc Điện lực tỉnh, thành phố được Công ty Điện lực uỷ quyền; các Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Điện lực do Tập đoàn Điện lực Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Điều 3. Trách nhiệm của Bên giao và Bên nhận
1. Trách nhiệm Bên giao
Bên giao có trách nhiệm:
- Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, chứng từ theo qui định tại Điều 4 của Thông tư này, chủ trì cùng Bên nhận thực hiện kiểm kê, đánh giá giá trị còn lại của LĐHANT; xác định cơ cấu các nguồn vốn đầu tư LĐHANT.
- Thực hiện bàn giao tài sản LĐHANT và các hồ sơ có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận, quản lý, vận hành của Bên nhận.
- Thông báo công khai cho dân và các bên liên quan biết phần vốn vay, vốn huy động, vốn đầu tư đã được chấp nhận hoàn trả và thực hiện hoàn trả theo quy định. Đồng thời có trách nhiệm hoàn trả vốn cho dân và các Bên liên quan theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
2. Trách nhiệm Bên nhận
Bên nhận có trách nhiệm:
- Cùng với Bên giao kiểm kê, đánh giá giá trị còn lại của tài sản bàn giao; xác định cơ cấu nguồn vốn đầu tư lưới điện bàn giao;
- Thực hiện tiếp nhận, quản lý lưới điện và các hồ sơ có liên quan. Sau khi nhận tài sản LĐHANT bàn giao thực hiện hạch toán tăng tài sản và tăng vốn thuộc nguồn vốn nhà nước hoặc hoàn trả vốn, hoặc nhận nợ vay theo Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
- Tổ chức quản lý vận hành, cải tạo lưới điện theo đúng quy định của pháp luật. Lập kế hoạch và thực hiện việc hoàn trả vốn theo qui định tại Điều 7, Điều 8 của Thông tư này.
Chương II
HỒ SƠ GIAO NHẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ TÀI SẢN
LƯỚI ĐIỆN HẠ ÁP NÔNG THÔN TRONG GIAO NHẬN
Điều 4. Hồ sơ giao nhận
Hồ sơ giao nhận tài sản LĐHANT gồm có hồ sơ gốc theo qui định và hồ sơ được lập tại thời điểm giao, nhận. Cụ thể như sau:
1. Hồ sơ gốc bao gồm:
a) Quyết định đầu tư, thiết kế kỹ thuật và dự toán được duyệt, biên bản nghiệm thu công trình.
b) Các chứng từ sổ sách kế toán liên quan đến việc xác định nguyên giá và giá trị còn lại của tài sản lưới điện, cơ cấu nguồn vốn đầu tư, báo cáo quyết toán được duyệt của cấp có thẩm quyền.
c) Hợp đồng vay vốn Ngân hàng, các tổ chức kinh tế khác (kể cả vay của các đơn vị thi công); các chứng từ chứng minh khoản phải trả khác; biên bản đối chiếu công nợ có xác nhận nợ của Ngân hàng hoặc bên cho vay, bên cho nợ; hồ sơ thanh quyết toán (liên quan đến lưới điện bàn giao) có xác nhận số đã trả và số nợ còn phải trả đến thời điểm bàn giao (nếu có).
d) Giấy nợ đã vay của dân trên cơ sở các văn bản cam kết vay phải trả của Bên giao trong thời gian xây dựng công trình: Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã hoặc Ủy ban nhân dân xã hoặc Nghị quyết của Đại hội xã viên hợp tác xã; các chứng từ sổ sách phản ánh số nợ đã trả và số nợ chưa trả đến thời điểm bàn giao công trình và các tài liệu liên quan khác (nếu có).
đ) Các chứng từ thể hiện vốn của cá nhân (phiếu thu, chứng từ góp vốn vào công ty cổ phần, ....), vốn xã viên Hợp tác xã được sử dụng để xây dựng công trình.
2. Hồ sơ được lập tại thời điểm giao, nhận
Bên giao phối hợp với Bên nhận để thực hiện lập hồ sơ tại thời điểm giao nhận theo những nội dung sau:
a) Lập sơ đồ mặt bằng thực trạng lưới điện hạ áp nông thôn; Hồ sơ hiện trạng đường dây hạ áp theo quy định tại Quyết định số 34/2006/QĐ-BCN ngày 13 tháng 9 năm 2006 của Bộ Công nghiệp quy định về an toàn lưới điện nông thôn.
Căn cứ vào Hồ sơ hiện trạng đường dây hạ áp đã được lập, Bên giao phối hợp với Bên nhận trình Ủy ban nhân dân huyện xác nhận hiện trạng đường dây hạ áp để làm cơ sở pháp lý cho việc vận hành, quản lý sau này.
b) Lập Biên bản giao nhận LĐHANT theo mẫu quy định tại phụ lục 1 của Thông tư, gồm:
- Các hồ sơ gốc giao nhận LĐHANT theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này (nếu có) và liệt kê vào (Phụ lục 1.1);
- Lập bảng tổng hợp khối lượng và phân tích giá trị còn lại của tài sản LĐHANT (Phụ lục 1.2 hoặc 1.3);
- Lập bảng kê xác định cơ cấu các nguồn vốn đã đầu tư LĐHANT theo qui định tại Điều 6 của Thông tư (Phụ lục 1.4).
c) Lập Biên bản xác định giá trị còn lại LĐHANT theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư.
3. Đối với các công trình đã bàn giao và hoàn tất thủ tục bàn giao từ ngày 01 tháng 03 năm 2009 đến ngày Thông tư này có hiệu lực, hồ sơ được giữ nguyên và lập bổ sung Biên bản xác định phần vốn tổ chức, cá nhân được hoàn trả theo giá trị còn lại của tài sản LĐHANT theo mẫu quy định tại phụ lục số 3 của Thông tư.
Điều 5. Phương pháp xác định giá trị còn lại của tài sản bàn giao
Căn cứ vào tình hình thực tế về quản lý tài sản lưới điện hạ áp của Bên giao, giá trị còn lại của tài sản LĐHANT bàn giao được xác định theo một trong hai phương pháp sau:
1. Phương pháp đánh giá theo sổ kế toán: áp dụng đối với những tài sản được quản lý theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Giá trị còn lại của tài sản
|
=
|
Nguyên giá tài sản trên sổ kế toán
|
-
|
Giá trị hao mòn lũy kế tài sản trên sổ kế toán
|
2. Phương pháp đánh giá theo giá trị thực tế: căn cứ số lượng và chất lượng tài sản bàn giao, giá trị thực tế của tài sản LĐHANT bàn giao được xác định như sau:
Giá trị còn lại của tài sản
|
=
|
Số lượng thực tế của tài sản
|
x
|
Đơn giá của từng tài sản
|
x
|
Chất lượng còn lại của từng tài sản (%)
|
Trong đó:
a) Số lượng thực tế của tài sản được xác định trên cơ sở số liệu kiểm kê thực tế của LĐHANT bàn giao;
b) Đơn giá của từng tài sản làm cơ sở xác định giá trị còn lại của tài sản LĐHANT được tính theo quy định tại thời điểm bàn giao của từng địa phương (cấp tỉnh quy định) hoặc theo bộ đơn giá chuyên ngành điện;
c) Chất lượng còn lại của từng tài sản (%) do Bên giao, Bên nhận xác định trên cơ sở chất lượng thực tế của tài sản, nhưng tỷ lệ xác định chất lượng còn lại của tài sản từ 10% trở lên.
3. Trường hợp Bên giao và Bên nhận không thống nhất được tỷ lệ chất lượng còn lại của tài sản bàn giao thì hai Bên thống nhất lựa chọn và ký hợp đồng thuê các tổ chức định giá được Bộ Tài chính công bố hàng năm để xác định giá trị còn lại của tài sản LĐHANT để làm cơ sở giao nhận. Nếu hai Bên không thống nhất được việc lựa chọn các tổ chức định giá để xác định giá trị còn lại của tài sản bàn giao thì Bên giao có trách nhiệm trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố xem xét, quyết định lựa chọn tổ chức định giá để xác định giá trị còn lại của tài sản LĐHANT bàn giao.
Trong trường hợp chi phí thuê tổ chức định giá lớn hơn giá trị còn lại của tài sản bàn giao thì Hội đồng định giá trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định giá trị tài sản bàn giao.
Các tổ chức định giá chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của kết quả định giá theo quy định của pháp luật. Căn cứ kết quả định giá của tổ chức định giá nêu trên, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Công Thương thẩm tra, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt. Chi phí thuê tổ chức định giá do Bên giao, Bên nhận cùng chịu trách nhiệm chi trả theo tỷ lệ 50-50.
4. Đối với những tài sản được đầu tư không theo hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật được quy định tại Quyết định số 34/2006/QĐ-BCN ngày 13 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định về kỹ thuật an toàn lưới điện hạ áp nông thôn như: đường dây hạ áp xây dựng bằng những cột tự tạo (như: cột tre, cột gỗ, cột xi măng tự đúc, ....), hệ thống đo đếm điện năng không đúng quy định của Pháp lệnh đo lường thì không đưa vào đánh giá giá trị tài sản. Trước mắt Bên giao có trách nhiệm thực hiện bàn giao nguyên trạng tài sản này để Bên nhận tạm thời duy trì việc cấp điện cho dân. Sau khi tiếp nhận, Bên nhận phải có kế hoạch bố trí vốn để nâng cấp, thay thế lưới điện đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả, đồng thời thu hồi tài sản cũ trả lại cho Bên giao.
Đối với những công tơ điện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mẫu và còn thời hạn sử dụng, sau khi kiểm định và hiệu chỉnh lại đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật thì hai Bên thỏa thuận trên cơ sở thống nhất chất lượng còn lại và giá cả thị trường đối với loại tài sản đó.
Điều 6. Xác định cơ cấu các nguồn vốn xây dựng công trình
Căn cứ vào hồ sơ tài sản LĐHANT bàn giao (Quyết định đầu tư, thiết kế kỹ thuật và dự toán được duyệt, biên bản nghiệm thu công trình, ...) và sổ sách kế toán, chứng từ có liên quan của công trình đầu tư LĐHANT để xác định tổng vốn đầu tư, phân loại từng nguồn vốn làm cơ sở xử lý vốn, tài sản khi bàn giao như sau:
1. Vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước bao gồm: ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn của các chương trình quốc gia, vốn từ nguồn thuế nông nghiệp được miễn để đầu tư xây dựng công trình điện, vốn của doanh nghiệp nhà nước...và phần vốn không xác minh được nguồn gốc;
2. Vốn của các tổ chức, cá nhân: Vốn của công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, vốn huy động của dân, vốn của cá nhân.
3. Vốn vay của các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước và các đơn vị khác (kể cả khoản vay còn nợ của các đơn vị thi công), được xác định trên cơ sở khế ước vay (hợp đồng vay) tại thời điểm xây dựng công trình và có xác nhận của tổ chức tín dụng hoặc bên cho vay, bên cho nợ, biên bản đối chiếu công nợ đến thời điểm bàn giao.
4. Đối với công trình đầu tư chung, trong đó LĐHANT chỉ là một hạng mục của công trình, thì việc xác định cơ cấu nguồn vốn đầu tư LĐHANT được tính tương ứng theo tỷ trọng cơ cấu nguồn vốn đầu tư chung của cả công trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt khi xây dựng công trình.
Chương III
PHƯƠNG THỨC HOÀN TRẢ VỐN VÀ NGUỒN VỐN HOÀN TRẢ TRONG GIAO NHẬN
TÀI SẢN LƯỚI ĐIỆN HẠ ÁP NÔNG THÔN
Điều 7. Nguyên tắc xử lý và hoàn trả vốn
Phần giá trị công trình LĐHANT bàn giao đã được xác định tại biên bản bàn giao và xác nhận từng nguồn vốn, được xử lý như sau:
1. Đối với nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước: thực hiện tăng vốn thuộc nguồn ngân sách nhà nước cho Bên nhận theo giá trị còn lại thực tế của tài sản bàn giao và giảm vốn thuộc nguồn ngân sách cho Bên giao theo giá trị sổ sách.
2. Đối với vốn của các tổ chức, cá nhân thì Bên nhận hoàn trả theo giá trị còn lại thực tế của tài sản bàn giao. Bên giao nếu là doanh nghiệp được hạch toán khoản chênh lệch giữa giá trị còn lại trên sổ sách kế toán với giá trị còn lại thực tế của tài sản bàn giao vào doanh thu hoặc chi phí hoạt động kinh doanh khác.
3. Trường hợp LĐHANT bàn giao được đầu tư từ nguồn vốn vay hoặc từ các khoản phải trả khác có cam kết trả: nếu đủ hồ sơ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 của Thông tư này và được UBND cấp tỉnh, thành phố phê duyệt, Bên nhận thực hiện hoàn trả cho Bên giao số tiền vay còn nợ Ngân hàng hoặc các đối tượng khác theo quy định trong hợp đồng vay hoặc khế ước vay nợ (mức tối đa không vượt quá giá trị còn lại thực tế của tài sản bàn giao), đồng thời hạch toán tăng vốn kinh doanh thuộc nguồn Ngân sách nhà nước đối với số chênh lệch giữa giá trị tài sản thực nhận (sau khi đã đánh giá lại) với số tiền phải hoàn trả cho Bên giao (nếu có).
4. Trong trường hợp công trình được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, căn cứ vào giá trị và cơ cấu nguồn vốn đầu tư ban đầu, hai Bên xác định tỷ lệ tương ứng vốn của từng nguồn vốn trong tổng giá trị còn lại của công trình tại Biên bản bàn giao và thực hiện xử lý và hoàn trả vốn theo hướng dẫn tại khoản 1, 2 và 3 Điều này.
5. Để được hoàn trả vốn theo hướng dẫn nêu trên, đại diện chủ sở hữu công trình LĐHANT phải lập đủ hồ sơ theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này. Hồ sơ để hoàn trả vốn tuyệt đối không được lập lại, sửa chữa, tẩy xóa các chứng từ, hồ sơ vay, nợ.
Trong trường hợp không còn hoặc không đủ hồ sơ, Bên giao và Bên nhận cần lập biên bản miêu tả hiện trạng hồ sơ, tài sản bàn giao, đánh giá giá trị còn lại thực tế của tài sản bàn giao, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xem xét quyết định việc hoàn trả vốn.
6. Thời điểm xác định công trình LĐHANT bàn giao và hoàn trả vốn
a) Các công trình LĐHANT được bàn giao kể từ ngày Thông tư có hiệu lực, thực hiện việc hoàn trả vốn theo quy định tại Thông tư này.
b) Các công trình LĐHANT đã thực hiện bàn giao từ ngày 01 tháng 3 năm 2009 đến trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện theo thỏa thuận của hai bên đã ký; trường hợp chưa có thỏa thuận hoàn trả vốn thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
c) Các công trình LĐHANT đã thực hiện bàn giao trước ngày 01 tháng 03 năm 2009 thì giữ nguyên như Quyết định bàn giao.
Điều 8. Nguồn vốn, phương thức hoàn trả vốn và xử lý chi phí phát sinh của hoạt động giao nhận tài sản LĐHANT
1. Nguồn vốn hoàn trả: Các Công ty Điện lực sử dụng nguồn vốn khấu hao trong các năm 2010, 2011, 2012 để hoàn trả vốn cho Bên giao hoặc Ủy ban nhân dân xã (đối với các LĐHANT đầu tư từ nguồn vốn đóng góp của dân).
2. Phương thức hoàn trả
Căn cứ quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Công ty Điện lực nhận bàn giao công trình LĐHANT nào thì thực hiện hoàn trả trực tiếp cho bên có công trình lưới điện bàn giao theo hồ sơ nhận bàn giao. Đối với các công trình LĐHANT do huy động vốn góp của dân thì Công ty Điện lực chuyển tiền cho Ủy ban nhân dân xã nơi có công trình LĐHANT bàn giao để UBND xã hoàn trả cho từng người dân có góp vốn.
Việc hoàn trả vốn cho các chủ đầu tư thực hiện chia đều trong 03 năm kể từ năm 2010 đến hết năm 2012. Kết thúc việc hoàn trả vốn trước ngày 31 tháng 12 năm 2012.
Trường hợp tài sản LĐHANT bàn giao được đầu tư từ nguồn vốn vay (theo quy định tại khoản 3 Điều 6 của Thông tư này), các công ty Điện lực cùng chủ đầu tư, chủ nợ cùng nhau ký bàn giao khoản nợ cho Công ty Điện lực nhận LĐHANT (giá trị nợ bàn giao cho Công ty Điện lực không vượt quá giá trị còn lại thực tế của tài sản bàn giao). Công ty Điện lực có trách nhiệm trả nợ cho các chủ nợ theo khế ước đã ký ban đầu hoặc theo thoả thuận giữa chủ nợ với Công ty Điện lực.
3.Chi phí cho hoạt động giao nhận tài sản LĐHANT
a) Đối với chi phí phục vụ công việc có liên quan đến công tác giao, nhận tài sản LĐHANT (chi phí đi lại, ăn nghỉ, công tác phí…) do các đơn vị cử cán bộ tham gia có trách nhiệm thanh toán theo chế độ quy định và hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trường hợp Bên giao là cá nhân: chi phí phục vụ công việc có liên quan đến công tác giao nhận tài sản LĐHANT (chi phí đi lại, ăn nghỉ, công tác phí) do cá nhân tự thanh toán.
b) Các chi phí in ấn tài liệu, hội họp do Bên nhận chịu trách nhiệm chi và được hạch toán vào chi phí hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Chương IV
TRÌNH TỰ GIAO NHẬN, QUẢN LÝ VÀ HOÀN TRẢ VỐN TÀI SẢN LƯỚI ĐIỆN HẠ ÁP NÔNG THÔN
Điều 9. Giao, nhận tài sản LĐHANT
1. Giai đoạn giao, nhận quản lý vận hành: Sau khi có Quyết định của UBND tỉnh, thành phố về việc giao nhận tài sản LĐHANT Bên giao, Bên nhận thực hiện bàn giao tài sản; thực hiện tăng giảm tài sản LĐHANT. Bên nhận có trách nhiệm tiếp nhận tài sản LĐHANT quản lý vận hành và tổ chức bán điện trực tiếp đến hộ dân.
2. Giai đoạn hoàn trả vốn
Giai đoạn hoàn trả vốn được thực hiện từ năm 2010 đến năm 2012. Việc hoàn trả vốn được hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2012.
Bên nhận có trách nhiệm hoàn trả vốn cho Bên giao hàng năm bằng nguồn vốn khấu hao được trích trong năm theo quy định của Bộ Tài chính và hướng dẫn tại Thông tư này.
Điều 10. Hội đồng định giá tài sản LĐHANT
1. Hội đồng định giá tài sản LĐHANT cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện có đủ năng lực thành lập Hội đồng định giá tài sản LĐHANT.
2. Thành viên Hội đồng định giá tài sản LĐHANT bao gồm:
a) Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản do Lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phụ trách khối Công nghiệp đảm nhiệm hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong trường hợp được ủy quyền.
b) Các thành viên là đại diện các ngành Tài chính, Công Thương cùng cấp, đại diện Bên giao, Bên nhận.
Ngoài ra, Chủ tịch hội đồng định giá tài sản có thể mời thêm đại diện một số cơ quan ban ngành có liên quan tại địa phương tham gia Hội đồng định giá tài sản.
3. Hội đồng định giá tài sản LĐHANT có trách nhiệm tổ chức thẩm định, lập biên bản thẩm định giá trị còn lại của tài sản LĐHANT bàn giao và xác nhận cơ cấu nguồn vốn đầu tư theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt để làm căn cứ hoàn trả vốn và ra quyết định tăng vốn cho các Công ty Điện lực thuộc EVN.
Điều 11. Trình tự giao nhận tài sản LĐHANT và hoàn trả vốn
1. Bên giao có trách nhiệm lập hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này gửi Bên nhận.
2. Chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày Bên nhận nhận được hồ sơ do Bên giao gửi, Bên giao và Bên nhận tiến hành kiểm kê số lượng, đánh giá chất lượng còn lại của từng tài sản bàn giao theo hướng dẫn nêu trên; lập biên bản bàn giao tài sản LĐHANT và hoàn chỉnh hồ sơ giao nhận theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này, trình Hội đồng định giá tài sản thẩm định.
3. Trên cơ sở hồ sơ giao nhận do Bên giao và Bên nhận lập, Hội đồng định giá tài sản có trách nhiệm thẩm định gía trị tài sản còn lại, xác định cơ cấu nguồn vốn đầu tư, giá trị vốn vay còn nợ và số vốn được hoàn trả và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt.
4. Chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt hai Bên tiến hành bàn giao và tiếp nhận tài sản LĐHANT. Việc thực hiện tăng giảm tài sản, vốn hoặc hoàn trả vốn giữa hai Bên được thực hiện kể từ ngày có Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt giá trị tài sản bàn giao.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Trách nhiệm UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
1. Căn cứ vào kế hoạch bàn giao tài sản LĐHANT đã thỏa thuận với các Công ty Điện lực thuộc EVN chỉ đạo các tổ chức kinh doanh điện nông thôn trên địa bàn không có đủ điều kiện kinh doanh bán điện theo biểu giá điện sinh hoạt bậc thang theo Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 05/2009/TT-BCT ngày 26 tháng 2 năm 2009 của Bộ Công Thương thực hiện bàn giao tài sản LĐHANT theo hướng dẫn tại Thông tư này cho các Công ty Điện lực thuộc EVN quản lý.
2. Thành lập Hội đồng định giá tài sản LĐHANT tỉnh hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện có đủ năng lực thành lập Hội đồng định giá tài sản LĐHANT (trong trường hợp cần thiết).
3. Chỉ định tổ chức phù hợp làm đại diện của Bên giao trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu tài sản LĐHANT.
4. Quyết định lựa chọn tổ chức định giá xác định giá trị còn lại tài sản LĐHANT khi Bên giao và Bên nhận không thống nhất được tỷ lệ chất lượng còn lại của tài sản bàn giao.
5. Phê duyệt giá trị tài sản bàn giao, cơ cấu nguồn vốn đầu tư, giá trị vốn vay còn nợ và số vốn được hoàn trả để làm cơ sở cho hai Bên thực hiện tăng giảm tài sản, vốn hoặc hoàn trả vốn.
Điều 13. Trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm:
1. Chỉ đạo và hướng dẫn các Công ty Điện lực phối hợp với Bên giao, tổ chức tiếp nhận, quản lý, vận hành và bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn; Lập kế hoạch bố trí vốn hoàn trả, vốn đầu tư, nâng cấp, cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn để đảm bảo vận hành an toàn và kinh doanh bán điện lâu dài.
2. Định kỳ hàng năm (chậm nhất vào ngày 31 tháng 3) tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính về kết quả thực hiện giao, nhận tài sản LĐHANT, giá trị tăng vốn, hoàn trả vốn của năm trước.
3. Sau khi kết thúc chương trình giao, nhận tài sản LĐHANT có báo cáo tổng hợp gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương về toàn bộ kết quả thực hiện giao, nhận tài sản, giá trị tăng vốn và hoàn trả vốn của chương trình giao, nhận tài sản LĐHANT.
Điều 14. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 3 năm 2010. Trong quá trình thực hiện nếu có những vướng mắc đề nghị các đơn vị, địa phương báo cáo Bộ Công Thương (Cục Điều tiết Điện lực), Bộ Tài chính để kịp thời phối hợp, giải quyết./.