Sign In

CHỈ THỊ

Tăng cường quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

trên địa bàn tỉnh An Giang

__________________

Trong thời gian qua, các ngành, các cấp đã có nhiều tác động tích cực trong công tác quản lý, khai thác và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đặc biệt tổ chức nhiều phong trào thả cá bản địa về thiên nhiên do Sở Nông nghiệp và PTNT phát động hàng năm. Kết quả, đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hoạt động khai thác thủy sản đã dần được đi vào nề nếp, ổn định.

Tuy nhiên, hiện nay một số nơi vẫn còn tình trạng ngư dân sử dụng ngư cụ cấm (xung điện, lưới kích thước mắt lưới nhỏ, hóa chất độc hại) để khai thác thủy sản. Điều này, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của nhiều giống loài thủy sản tự nhiên, hủy diệt nguồn lợi và phá hủy sinh vật cảnh. Nghiêm trọng hơn là việc khai thác, kinh doanh các loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định, các loài thủy sản không được phép khai thác (kể cả các loài thủy sản quý hiếm cần được bảo vệ, bảo tồn) đã vi phạm Luật Thủy sản và các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Để chấn chỉnh lại công tác quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo đúng quy định pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang chỉ thị:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản năm 2003, Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/09/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản và các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2013-2016, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành. Ưu tiên đưa các nội dung tuyên truyền này vào Đề án “Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2013 đến năm 2016”.

b) Phối hợp với Công an tỉnh thông qua Phòng Cảnh sát Đường thủy (PC68), Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (PC49) xây dựng kế hoạch hàng năm đối với công tác kiểm tra việc sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản, kiên quyết xử lý theo thẩm quyền.

c) Có kế hoạch phối hợp kiểm tra đột xuất việc thực hiện của các huyện, thị xã, thành phố đối với công tác quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh những địa phương vẫn còn để xảy ra tình trạng sử dụng ngư cụ cấm trên địa bàn để Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

d) Có kế hoạch vận động nguồn kinh phí cho hoạt động thả giống bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Việc thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản phải được duy trì thường xuyên hàng năm.

đ) Phối hợp với Sở Tư Pháp tổ chức tuyên truyền Luật Thủy sản năm 2003, Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản và các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho người dân. Trong tuyên truyền cần chú ý mở rộng đến các đối tượng là cá nhân, tổ chức kinh doanh thủy sản tươi sống dùng cho nhu cầu thực phẩm hàng ngày tại các chợ cá, quán ăn, nhà hàng. Từ đó giúp các cá nhân, tổ chức kinh doanh này hiểu rõ và chấp hành việc kinh doanh thủy sản tươi sống theo đúng quy định của pháp luật.

e) Phối hợp với Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương cấp huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuần tra, kiểm tra việc sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Kiên quyết đấu tranh, phát hiện những cá nhân tự chế, cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh những công cụ kích điện dùng cho hoạt động khai thác thủy sản, xử lý triệt để theo đúng quy định của pháp luật.

g) Phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, ưu tiên việc bố trí, sử dụng nguồn kinh phí của chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp để đào tạo chuyển đổi nghề cho các hộ sử dụng ngư cụ cấm và có kế hoạch tư vấn giới thiệu việc làm cho các đối tượng này sau khi đã đào tạo nghề.

h) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng, biên soạn nội dung phù hợp công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đưa vào giảng dạy trong nhà trường thông qua các buổi học ngoại khóa của trường, qua đó hình thành ý thức, hành vi và trách nhiệm cho học sinh về vấn đề này ngay từ khi còn học ở nhà trường, từ đó nâng cao hiệu quả trong định hướng lâu dài cho việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh cho những năm tiếp theo. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật này được tiến hành từ năm học 2013-2014.

2. Ngân hàng Chính sách xã hội bố trí nguồn vốn cho vay từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nguồn vốn xóa đói giảm nghèo và các nguồn vốn cho vay khác để hỗ trợ vốn cho các đối tượng sử dụng ngư cụ cấm (là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác) được vay vốn để chuyển đổi nghề.

3. Sở Tài Chính phải bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động tái tạo, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản; tổ chức tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật phục vụ công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo An Giang, Đài Phát thanh Truyền hình An Giang căn cứ chức năng nhiệm vụ, tăng cường công tác tuyên truyền Luật Thủy sản năm 2003, Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản và các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản một cách thường xuyên, liên tục; đặc biệt là chú trọng tuyên truyền ở các Đài truyền thanh cấp xã và phải đưa tin, đưa các hình ảnh trên báo, đài về các vụ việc vi phạm được phát hiện.

5. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện)

a) Tăng cường công tác tuyên truyền Luật Thủy sản năm 2003, Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/09/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản và các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc địa bàn quản lý, việc tuyên truyền tập trung vào những đối tượng hoạt động khai thác thủy sản và mở rộng thêm cho các đối tượng là những người kinh doanh thủy sản tươi sống trên địa bàn, qua đó giúp họ nắm rõ và chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với lĩnh vực này.

b) Đưa công tác khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và công tác kiểm tra, xử lý việc khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm trên địa bàn quản lý vào nhiệm vụ  thường xuyên và xem đây là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của địa phương.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khi để tình trạng khai thác nguồn lợi thủy sản bằng ngư cụ cấm tại địa phương mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để.

c) Chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động tái tạo, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản; tổ chức tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật phục vụ công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn quản lý.

d) Cần chấn chỉnh và thực hiện nghiêm đối với việc không cho phép đặt chà cá, đáy cá, cất vó trên các tuyến sông, kênh từ cấp I đến cấp VI, lòng xép, lòng búng, lòng hồ là nơi có giao thông thủy hoặc không có giao thông thủy. Đối với việc tổ chức khai thác đáy cá linh non tại các tuyến sông kênh từ cấp I trở lên, vào mùa lũ phải thực hiện theo đúng quy định về mùa vụ khai thác, kích thước được phép khai thác hàng năm cũng như đảm bảo các quy định về giao thông thủy.

 đ) Hàng năm tổ chức khảo sát, điều tra, thống kê hàng năm các hộ khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm trên địa bàn và yêu cầu các hộ khai thác thủy sản làm cam kết không sử dụng ngư cụ cấm. Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các Sở ngành có liên quan trong việc đào tạo chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm cho các đối tượng này, phấn đấu đến năm 2015 không còn việc sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản trên địa bàn.

e) Xây dựng kế hoạch huy động, vận động nguồn kinh phí đóng góp của các tổ chức, cá nhân có quan tâm đến việc bảo vệ, bảo tồn các loài thủy sản tự nhiên để tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên vào những thời điểm thích hợp trong năm tại những nguồn thủy vực tự nhiên (sông, kênh, rạch, lòng hồ, lòng búng) trên địa bàn tỉnh.

6. Hàng năm, các Sở ban ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm định kỳ báo cáo kết quả việc thực hiện Chỉ thị này (báo cáo 6 tháng trước ngày 10 tháng 6, báo cáo năm trước ngày 10 tháng 12) gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Lưu ý, trong báo cáo gởi về Ủy ban nhân dân tỉnh có đề xuất khen thưởng và phê bình những tổ chức, cá nhân, đơn vị thực hiện tốt và chưa tốt các nhiệm vụ được phân công theo tinh thần Chỉ thị này.

7. Giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT theo dõi việc tổ chức triển khai thực hiện tinh thần Chỉ thị này, tổng hợp báo cáo kết quả tình hình thực hiện Chỉ thị cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh định kỳ 6 tháng, năm.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 04/2005/CT-UB ngày 12 tháng 01 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc nghiêm cấm sử dụng các ngư cụ cấm để khai thác thủy sản.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc báo cáo kịp thời cho UBND tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để có chỉ đạo, xử lý kịp thời./.

 

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Huỳnh Thế Năng