CHỈ THỊ
Về việc tăng cường công tác chống chặt phá rừng, mua bán gỗ,
lâm sản và động vật hoang dã trái phép.
___________________
Trong những năm qua, công tác trồng rừng, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh An Giang đã mang lại nhiều hiệu quả như: phủ xanh đồi núi trọc, phát triển cây phân tán, cải tạo môi trường sinh thái, tạo cảnh quan du lịch, giải quyết việc làm và nhu cầu gỗ củi, gỗ xây dựng cho nhân dân...Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng chặt phá rừng, mua bán, săn bắt, vận chuyển gỗ, lâm sản và động vật hoang dã trái phép đang diễn ra phức tạp, khó kiểm soát.
Trước tình hình trên và để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang chỉ thị các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong địa bàn tỉnh khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong toàn tỉnh cần phải xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị 12/2003/CT-TTg ngày 16/5/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng; ngăn chặn cho được tình trạng chặt phá rừng, săn bắt, mua bán, vận chuyển, gỗ, lâm sản và động vật hoang dã trái phép; đồng thời phải có kế hoạch phát triển chương trình trồng rừng, trồng cây phân tán, cây chắn sóng chống sạt lỡ bảo vệ các công trình thủy lợi.
2. Đối với các địa phương có rừng trồng tập trung, cần tổ chức sơ kết kết quả sau một năm thực hiện Chỉ thị 12/2003/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kết hợp với triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2005. Nhằm đề ra các biện pháp mạnh và hữu hiệu hơn để ngăn chặn cho được tình hình vi phạm đang diễn ra trong lĩnh vực nầy.
3. Các địa phương có rừng và đất lâm nghiệp nếu để xảy ra tình trạng chặt phá rừng, mất rừng thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, xã nơi đó phải chịu kỷ luật trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh. Các địa phương không có rừng tập trung, nhưng có thực hiện chương trình trồng cây phân tán, cây chắn sóng, chống sạt lỡ, cũng phải đề ra các biện pháp quản lý bảo vệ cây trồng, phát huy hiệu quả. Nếu có vi phạm về chặt hạ cây trái phép cũng phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
4. Việc chuyển mục đích sử dụng, chuyển quyền nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp; việc xây dựng các công trình phục vụ du lịch, các công trình xây dựng khác và việc khai thác các loại tài nguyên có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp phải lập hồ sơ theo đúng trình tự thủ tục và phải có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền bằng văn bản.
5. Cấm các nhà hàng, quán ăn, khách sạn không được giới thiệu, quảng cáo, mua bán động vật hoang dã và các loại thức ăn, sản phẩm được chế biến từ động vật hoang dã. Nếu phát hiện, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
6. Các ngành Công an, Quân sự, Kiểm lâm, Quản lý thị trường, Hải Quan, Biên phòng và chính quyền các cấp phải có kế hoạch phối, kết hợp chặt chẽ, cương quyết triệt phá các đối tượng chặt phá rừng, mua bán vận chuyển gỗ, lâm sản và động vật hoang dã trái phép. Lập danh sách, thống kê, phân loại đối tượng chủ mưu chặt phá, đầu nậu thu gom, có biện pháp giáo dục, ngăn chặn hữu hiệu và xử lý nghiêm.
7. Lực lượng Công an phối hợp với Kiểm lâm tổ chức các hoạt động nghiệp vụ để phát hiện, điều tra các vụ vi phạm, lập hồ sơ khởi tố đưa ra xét xử điển hình nhằm giáo dục răn đe tạo ý thức chung.
8. Các cơ quan thông tin đại chúng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân nâng cao hiểu biết và chấp hành pháp luật về rừng, cần chú trọng vùng có người dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Nên thông tin rộng rãi kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong công tác quản lý bảo vệ rừng để nêu gương.
9. Giao trách nhiệm cho Chi cục Kiểm lâm phối hợp cùng Uỷ ban nhân dân các cấp và các Ban, Ngành có liên quan, đề xuất khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có công trong việc phát hiện và xử lý các đối tượng vi phạm.
Uỷ ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các Sở ngành liên quan chịu trách nhiêm tổ chức thực hiện tốt tinh thần chỉ thị này. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, báo cáo cho Uỷ ban nhân dân tỉnh để giải quyết (thông qua Chi cục Kiểm lâm An Giang là cơ quan thường trực của Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng và chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 12/2003/CT- TTg)./.