• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 19/07/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 21/11/2022
HĐND TỈNH AN GIANG
Số: 09/2010/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
An Giang, ngày 9 tháng 7 năm 2010

NGHỊ QUYẾT

Về điều chỉnh một phần Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội

tỉnh An Giang đến năm 2020

________________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

KHÓA VII KỲ HỌP THỨ 16

(Từ ngày 07 đến ngày 09/7/2010)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 71/2007/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long;

Sau khi xem xét Tờ trình số 36/TTr-UBND ngày 16 tháng 6 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang đến năm 2020; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất thông qua một số nội dung về ”Điều chỉnh một phần Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang đến năm 2020” theo Tờ trình số 36/TTr-UBND ngày 16 tháng 6 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh và nhất trí khẳng định với những nội dung sau:

1. Mục tiêu phát triển cụ thể:

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,5%/năm giai đoạn 2011 – 2020

- GDP bình quân đầu người tính theo giá thực tế đến năm 2015 đạt 2.115 USD, năm 2020 khoảng 3.500 USD.

- Đến năm 2015, tỷ trọng nông – lâm – ngư nghiệp trong GDP của tỉnh khoảng 20%; công nghiệp – xây dựng đạt 20% và khu vực dịch vụ 60%, đến năm 2020 tỷ trọng nông nghiệp 15%; công nghiệp – xây dựng 23% và khu vực dịch vụ 62%.

- Đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD và năm 2020 là 1,8 đến 2 tỷ USD.

- Phấn đấu đến năm 2020 đạt chuẩn phổ cập bậc trung học, toàn tỉnh có 746/765 (tương đương 97,6%) trường đạt chuẩn quốc gia.

- Phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2020 đạt cao hơn 65%.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân là 1,5 – 2%/năm trong giai đoạn 2011 – 2020.

2. Định hướng phát triển các ngành và lĩnh vực:

a) Lĩnh vực Nông nghiệp:

- Đảm bảo diện tích trồng lúa nước theo quy hoạch phát triển nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Hướng phát triển là nâng cao năng suất cây trồng, sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, trong đó có lúa nước.

- Duy trì quan điểm ”đưa ngành thủy sản thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh”, hướng trọng tâm phát triển thủy sản vào khâu nâng cao chất lượng sản phẩm. Diện tích và sản lượng thủy sản có thể không tăng nhưng giá trị và doanh thu không giảm.

- Xác định sản phẩm gạo và cá tra, ba sa là sản phẩm đặc biệt, sản phẩm chiến lược của tỉnh. Quan tâm phát triển thêm một số sản phẩm khác có giá trị kinh tế cao.

- Xây dựng Viện công nghệ sinh học cao nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009.

Quan tâm đến trữ nước cục bộ cho tiêu dùng và sản xuất.

b) Lĩnh vực công nghiệp:

- Xây dựng hoàn chỉnh các khu công nghiệp tập trung, gồm khu Vàm Cống (thành phố Long Xuyên) với diện tích 500 ha, khu Hội An (huyện Chợ Mới) với diện tích 100 ha và một số cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp cấp huyện khác, ưu tiên công nghệ cao.

- Mở rộng khu công nghiệp Bình Hòa lên 281,7 ha và khu công nghiệp Bình Long lên 180,6 ha.

- Phấn đấu đến năm 2020 lấp đầy các khu công nghiệp theo hướng ưu tiên, khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ cao.

c) Lĩnh vực thương mại:

- Hoàn chỉnh quy hoạch chung và đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu gồm 02 cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Vĩnh Xương và 02 cửa khẩu quốc gia Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông.

- Khu thương mại cửa khẩu Tịnh Biên: Kêu gọi thu hút đầu tư để mở rộng, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với phân bổ dân cư và phát triển các dịch vụ kinh doanh xuất nhập khẩu.

- Phát triển khu du lịch Ô Tà Sóc (huyện Tri Tôn) kết hợp với khu du lịch vùng núi Thất Sơn (huyện Tri Tôn) và sản phẩm thuốc trồng trên vùng núi Thất Sơn để hình thành tuyến du lịch liên hoàn.

d) Lĩnh vực kết cấu hạ tầng:

- Hạ tầng giao thông được xác định là lĩnh vực đầu tư có tính đột phá và cần phải đầu tư hoàn chỉnh với bốn loại hình: Đường bộ, đường sông, đường sắt và hàng không. Cụ thể bổ sung các danh mục như:

- Đường cao tốc: Cần Thơ – An Giang – Biên giới Việt Nam – Campuchia.

- Đường cao tốc: Đường tỉnh 948 – 943 – Bạc Liêu.

- Đường cao tốc kết nối đoạn: Sóc Trăng – Cần Thơ – Châu Đốc – Khánh Bình.

- Tuyến N1: Giai đoạn 2011 – 2015, hoàn thành xây dựng đoạn tuyến Tân Châu – Châu Đốc, đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng.

- Tuyến N2 (đường Hồ Chí Minh), giai đoạn 2011 - 2015, hoàn thành cầu Vàm Cống, đường dẫn cầu Vàm Cống gắn với đường tránh thành phố Long Xuyên, qua Thoại Sơn để đi Kiên Giang.

- Nâng cấp đường tỉnh 956 thành quốc lộ.

- Đường tỉnh 942, 954, 952 nâng cấp thành quốc lộ 80B.

- Đường tỉnh 941 và tuyến Tri Tôn – Vàm Rầy nâng cấp thành quốc lộ.

- Đường tỉnh tuyến Nam Vịnh Tre (đường tỉnh 945), tuyến Nam Cây Dương (đường tỉnh 947); tuyến Chi Lăng – Núi Voi – Tân Lập – Châu Phú – Châu Thành – Thoại Sơn – quốc lộ 80 (Cái Sắn); tuyến hương lộ 1 (đường tỉnh 946); tuyến Long Điền A – B (Kinh Thần Nông – đầu nối đường dẫn cầu Tân An), đường Đông sông Hậu (Phú Tân).

- Xây dựng cầu Châu Đốc qua sông Hậu.

- Đường sắt: Cần Thơ – An Giang -  Biên giới Việt Nam – Campuchia.

- Xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống cảng: Cảng biển Mỹ Thới; Cảng sông: Bình Long, Tân Châu, Vĩnh Tế, Chợ Mới, Phú Tân.

- Khai thác các tuyến giao thông đường sông gắn với hệ thống cảng của tỉnh.

- Xây dựng sân bay tại huyện Châu Thành.

đ) Các lĩnh vực xã hội:

- Giáo dục – đào tạo:

+ Hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển giáo dục, phấn đấu 100% trường lớp học được kiên cố trong giai đoạn 2012 – 2015.

+ Nâng cấp Trung tâm dạy nghề Tân Châu thành trường Trung cấp nghề Tân Châu và Trung tâm dạy nghề Chợ Mới thành trường Trung cấp nghề Chợ Mới vào năm 2011; Trung tâm dạy nghề Tri Tôn thành trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú và hoàn thành xây dựng vào năm 2012.

+ Hoàn thành xây dựng cơ bản trường Cao đẳng nghề và Cao đẳng chuyên nghiệp vào năm 2013 – 2014.

- Y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng:

+ Xây dựng bệnh viện chuyên khoa tim mạch hạng I cấp vùng đồng bằng sông Cửu Long quy mô 600 giường.

+ Nâng cấp bệnh viện đa khoa Tân Châu thành bệnh viện đa khoa khu vực quy mô 250 giường.

+ Xây dựng bệnh viện Sản Nhi có quy mô 500 giường.

- Văn hóa và Thể thao:

+ Xây dựng 01 trung tâm văn hóa tỉnh trong giai đoạn 2011 – 2015 và nâng cấp các trung tâm văn hóa huyện trong giai đoạn 2011 – 2020.

+ Xây dựng một số trung tâm văn hóa – thể thao tại một số xã, phường, đặc biệt là tại vùng biên giới; giai đoạn 2011 – 2015 là 50% các trung tâm được đầu tư và giai đoạn 2016 – 2020 là 100% trung tâm được đầu tư.

+ Trùng tu tôn tạo di tích văn hóa Óc eo theo 02 giai đoạn: Thăm dò, khai thác, bảo tồn và đưa vào hoạt động phục vụ nghiên cứu, tham quan, du lịch nhằm phát huy giá trị văn hóa.

+ Nâng cấp khu di tích Bác Tôn thành di tích cấp quốc gia đặc biệt.

+ Phát triển khu du lịch rừng tràm Tân Tuyến (huyện Tri Tôn); rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên).

+ Phát triển các loại hình văn hóa đa dạng (nhà hát, rạp chiếu phim), đặc biệt là ở thành phố Long Xuyên.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh hoàn chỉnh các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ”Điều chỉnh một phần Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang đến năm 2020”, cụ thể hóa các định hướng quy hoạch bằng các kế hoạch 5 năm theo từng giai đoạn và điều hành bằng kế hoạch hàng năm để phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, của vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước.

Điều 3. Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII, kỳ họp    thứ 16 thông qua ngày 09 tháng 7 năm 2010 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Võ Thanh Khiết

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.