• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 19/01/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 19/06/2014
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 1856/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
An Giang, ngày 27 tháng 12 năm 2007

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt

______________________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 14/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt;

Căn cứ Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Mục tiêu

a) Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của hành lang và quản lý hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; lập lại trật tự, kỷ cương pháp luật trong việc giữ gìn hành lang an toàn đường bộ, đường sắt;

b) Tạo lập lại, xác định và duy trì hệ thống hành lang an toàn đường bộ, hệ thống hành lang an toàn đường sắt; hoàn thành việc xây dựng hệ thống đường gom, đường đấu nối vào quốc lộ, đường ngang, các công trình phụ trợ bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt nhằm đảm bảo an toàn giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt.

2. Giải pháp thực hiện

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông để mọi người tự giác chấp hành; yêu cầu tất cả các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, các cơ quan thông tin, báo chí phải thực hiện thường xuyên, kiên trì và liên tục;

b) Rà soát, phân loại và thống kê các công trình vi phạm nằm trong hành lang an toàn đường bộ, các đường đấu nối trái phép vào quốc lộ; rà soát, phân loại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt để đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây dựng đường ngang có phòng vệ phù hợp với quy định hiện hành; xây dựng rào chắn ngăn cách quốc lộ với đường sắt ở những đoạn quốc lộ chạy sát với đường sắt;

c) Thực hiện cưỡng chế giải toả các công trình đã được bồi thường, công trình tái lấn chiếm mà không tự tháo dỡ và các công trình xây dựng trái phép trong hành lang an toàn đường bộ, xoá bỏ đường đấu nối trái phép vào đường bộ; hoàn thiện mốc chỉ giới hành lang an toàn đường bộ, quản lý bảo vệ phần hành lang an toàn đường bộ đã giải toả, bảo vệ mốc lộ giới; tổ chức giải toả dứt điểm các trường hợp lấn chiếm đất hành lang an toàn đường sắt trong phạm vi đã được đền bù; ngăn chặn việc mở đường ngang trái phép, từng bước xoá bỏ các đường ngang trái phép có nguy cơ gây ra tai nạn giao thông;

d) Thống nhất quy hoạch hệ thống đường gom các khu kinh tế, khu thương mại, dân cư, các vị trí đấu nối đường gom vào hệ thống quốc lộ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố; thực hiện quy hoạch hệ thống hàng rào đường gom các đường dân sinh, ngăn chặn việc mở đường ngang trái phép vượt qua đường sắt;

đ) Rà soát các văn bản của pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; đề xuất các nội dung cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo phù hợp với yêu cầu về quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

II. TIẾN ĐỘ, NỘI DUNG THỰC HIỆN

Để đảm bảo triển khai thực hiện tốt mục tiêu và yêu cầu của kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, lộ trình thực hiện giải toả và lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt được chia làm ba giai đoạn, cụ thể:

1. Đối với đường bộ

a) Giai đoạn I: từ nay đến hết quý II năm 2008:

- Các đơn vị quản lý đường bộ thực hiện việc rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác các công trình sai phạm và công trình cần giải toả trong hành lang an toàn đường bộ;

- Tổng hợp kinh phí hỗ trợ giải toả hành lang an toàn đường bộ đã được đền bù từ 5 m - 7 m trên tất cả các tuyến quốc lộ;

- Thực hiện giải toả các vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên quốc lộ 1 trong phạm vi đã đền bù giải toả 5 m - 7 m và các công trình lều lán, quán bán hàng, biển hiệu, biển quảng cáo ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Thực hiện thí điểm 4 đoạn tuyến trên quốc lộ 1:

Đoạn 1: Hà Nội - Ninh Bình;

Đoạn 2: Vinh - Huế;

Đoạn 3: Đà Nẵng - Nha Trang;

Đoạn 4: Ninh Thuận - thành phố Hồ Chí Minh.

+ Thời gian đến ngày 31 tháng 3 năm 2008: các khu quản lý đường bộ phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, xác minh phạm vi hành lang an toàn đường bộ đã được đền bù xử lý; thống kê các công trình, lều quán xây dựng trái phép;

+ Thời gian đến ngày 30 tháng 4 năm 2008: tổ chức tuyên truyền, vận động các đơn vị, cá nhân tự nguyện tháo dỡ các công trình, lều quán xây dựng trái phép, vi phạm trên đất hành lang an toàn đường bộ đã được đền bù, xử lý (không đền bù, hỗ trợ kinh phí cho việc tự nguyện tháo dỡ này);

+ Thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2008 đến ngày 30 tháng 6 năm 2008: thực hiện cưỡng chế, giải toả dứt điểm trong phạm vi từ 5 m - 7 m đã được đền bù giải toả thuộc các đoạn tuyến trên quốc lộ 1 nêu trên.

b) Giai đoạn II: từ quý III năm 2008 đến năm 2010:

- Tháng 7 năm 2008: tổng kết rút kinh nghiệm việc giải tỏa thí điểm 04 đoạn tuyến trên quốc lộ 1 của giai đoạn I và triển khai toàn tuyến quốc lộ 1 cho giai đoạn tiếp theo;

- Đến ngày 31 tháng 12 năm 2008: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc lập quy hoạch tổng thể các vị trí đấu nối vào quốc lộ, hệ thống đường gom đến năm 2010, thoả thuận với Bộ Giao thông vận tải;

- Đến ngày 31 tháng 3 năm 2009:

+ Thực hiện giải toả các vi phạm hành lang an toàn đường bộ trong phạm vi 5 m - 7 m đã được đền bù xử lý trên tất cả các tuyến quốc lộ và hoàn thành cơ bản việc xoá bỏ các đường đấu nối trái phép vào quốc lộ;

+ Các đơn vị quản lý đường bộ phối hợp với chính quyền địa phương thống kê, phân loại các công trình nằm trong hành lang an toàn đường bộ theo thời gian vi phạm;

+ Ủy ban nhân dân địa phương lập dự toán kinh phí phải đền bù, giải tỏa hành lang an toàn đường bộ và các công trình làm mất an toàn giao thông, báo cáo Bộ Giao thông vận tải.

c) Giai đoạn III: từ năm 2010 đến năm 2020:

- Đền bù, giải toả xong hành lang an toàn đường bộ, các công trình ảnh hưởng đến an toàn đường bộ trên toàn quốc theo Luật Giao thông đường bộ và Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

- Hoàn thành cắm đầy đủ mốc lộ giới trên tất cả các tuyến quốc lộ bàn giao cho địa phương quản lý.

2. Đối với đường sắt

a) Giai đoạn I: từ nay đến hết năm 2008:

- Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân để mọi người hiểu rõ các quy định của pháp luật về đường sắt, đặc biệt là hành lang an toàn đường sắt;

- Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng tình hình vi phạm hành lang an toàn đường sắt và đề xuất các phương án giải quyết; vận động các tổ chức, cá nhân tự giác tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trong hành lang an toàn đường sắt;

- Cải tạo nâng cấp các đường ngang hiện có và bổ sung mới các đường ngang.

b) Giai đoạn II: từ năm 2009 đến hết năm 2010:

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua lập quy hoạch tổng thể các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, hệ thống đường gom thỏa thuận với Bộ Giao thông vận tải trước tháng 12 năm 2009;

- Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương lập dự toán, tổng hợp kinh phí phải đền bù giải tỏa trong hành lang an toàn đường sắt và các công trình làm mất an toàn giao thông đường sắt;

- Các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố tổ chức cưỡng chế giải tỏa các công trình vi phạm hành lang an toàn đường sắt đã được đền bù, công trình tái lấn chiếm;

- Cắm đầy đủ mốc giới hạn hành lang an toàn đường sắt trên tất cả các tuyến bàn giao cho các địa phương quản lý;

- Xây dựng các tường rào hộ lan, hàng rào bảo vệ hành lang, lập đường gom rào cách ly an toàn giao thông đường sắt;

- Xây dựng các đường ngang, cầu vượt, hầm chui mới;

- Trong năm 2009, tập trung giải quyết các công việc nêu trên tại các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và tại các địa phương khác có điểm giao cắt đường bộ, đường sắt xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông;

- Trong năm 2010 thực hiện đối với các địa phương.

c) Giai đoạn III: từ năm 2011 đến năm 2020: xây dựng cầu vượt giao cắt lập thể tại những điểm giao cắt giữa đường sắt với quốc lộ:

- Từ năm 2011 đến năm 2015 tập trung cho tuyến đường sắt Bắc - Nam;

- Từ năm 2016 đến năm 2020 tập trung cho tất cả các tuyến đường sắt trên cả nước.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí để thực hiện lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt do ngân sách nhà nước bố trí. Nguồn kinh phí này được bố trí để:

- Tuyên truyền phổ biến pháp luật trật tự an toàn giao thông;

- Thống kê, rà soát, phân loại các vi phạm trong hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, diện tích hành lang đã đền bù giải tỏa, diện tích hành lang cần đền bù giải tỏa;

- Thống kê, phân loại các điểm đấu nối với quốc lộ;

- Cưỡng chế, giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt;

- Đền bù, hỗ trợ việc giải tỏa hành lang;

- Xây dựng các công trình phụ trợ đảm bảo an toàn trong hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

1. Đối với đường bộ

a) Kinh phí dự kiến cho thực hiện giai đoạn I: từ nay đến hết quý II năm 2008 là 14 tỷ đồng để tập trung giải toả các vi phạm trong phần đất đã được đền bù, thực hiện giải toả thí điểm 4 đoạn tuyến trên quốc lộ 1 nêu tại điểm a khoản 1 mục II Điều 1 Quyết định này.

b) Đối với giai đoạn II và giai đoạn III: từ quý III năm 2008 đến năm 2020:

 Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kinh phí dự kiến để thực hiện giải toả, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ trên tất cả các tuyến quốc lộ sau khi các tỉnh, thành phố hoàn thành công tác thống kê, dự trù kinh phí giải toả, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ. Riêng kinh phí dự kiến cho thực hiện giải tỏa lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ của toàn tuyến quốc lộ 1 là 14.365 tỷ đồng.

2. Đối với đường sắt

Tổng kinh phí dự kiến khoảng: 4.173,998 tỷ đồng

a) Giai đoạn I: từ nay đến hết năm 2008 (kinh phí 118,761 tỷ đồng) để:

- Thống kê rà soát các vị trí vi phạm hành lang an toàn đường sắt và tổ chức tuyên truyền vận động các tổ chức cá nhân tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm hành lang an toàn đường sắt;

- Bổ sung biển báo, gờ giảm tốc, vạch dừng, tầm nhìn và các trang thiết bị cảnh báo còn thiếu hoặc không bảo đảm quy định tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt;

- Cải tạo, nâng cấp đường ngang và bổ sung xây dựng các đường ngang.

b) Giai đoạn II: từ năm 2009 đến hết năm 2010 (kinh phí 1.798,237 tỷ đồng) để:

- Đền bù, giải tỏa hành lang an toàn đường sắt và cưỡng chế giải tỏa các công trình vi phạm hành lang an toàn đường sắt đã được đền bù (kinh phí thực hiện 644,154 tỷ đồng);

- Lập đường gom rào cách ly (kinh phí 313,221 tỷ đồng);

- Xây dựng rào bảo vệ hành lang an toàn đường sắt (kinh phí 387,454 tỷ đồng);

- Xây dựng rào hộ lan ngăn cách đường bộ - đường sắt (kinh phí 283,944 tỷ đồng);

- Xây dựng đường ngang mới, làm cầu vượt, hầm chui (kinh phí 160,464 tỷ đồng).

c) Giai đoạn III: từ năm 2011 đến hết năm 2020: xây dựng cầu vượt giao cắt lập thể tại những điểm giao cắt giữa đường sắt với quốc lộ (kinh phí 2.266 tỷ đồng).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Giao thông vận tải:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát các văn bản của pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định nhằm hoàn thiện thể chế quản lý trong lĩnh vực này; triển khai các nhiệm vụ liên quan để thực hiện việc lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt;

- Khi triển khai các dự án xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo tuyến quốc lộ phải triển khai đồng bộ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng hết hành lang an toàn đường bộ;

- Tổng hợp kinh phí giải toả hành lang an toàn đường bộ, đường sắt do các địa phương báo cáo; chỉ đạo các cơ quan quản lý đường bộ, đường sắt, Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính trong việc phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt;

- Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt của các đơn vị quản lý đường bộ, đơn vị quản lý đường sắt và chính quyền địa phương các cấp.

2. Bộ Xây dựng:

Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát việc lập và thực hiện quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư... dọc theo các tuyến quốc lộ.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất trong hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; hướng dẫn Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, thống kê, phân loại và xử lý các tồn tại về sử dụng đất trong hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải kiểm tra việc thực thi các quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến quản lý, sử dụng và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

4. Bộ Công an:

Chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí lực lượng tham gia tổ công tác liên ngành ở địa phương trong việc cưỡng chế giải toả các công trình vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

5. Bộ Giáo dục và Đào tạo:

- Nghiên cứu đưa nội dung các quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt vào chương trình giảng dạy pháp luật trật tự an toàn giao thông;

- Phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải, các đơn vị quản lý đường bộ, các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt xây dựng các nội dung và biện pháp đẩy mạnh phong trào bảo vệ đường bộ, đường sắt; xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến để động viên khuyến khích phong trào này phát triển mạnh hơn trên tất cả các địa phương.

6. Bộ Thông tin và Truyền thông:

Phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Bộ Giao thông vận tải đẩy mạnh việc tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo khí thế mạnh mẽ trong toàn quốc, tạo sự đồng nhất trong cộng đồng dân cư đối với việc thực hiện các giải pháp lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Đồng thời tập trung tuyên truyền, phổ biến về vai trò, tác dụng của hành lang an toàn đường bộ, đường sắt cho các cấp chính quyền cơ sở và các tổ chức cá nhân ven các tuyến quốc lộ, tuyến đường sắt được biết và thực hiện.

7. Bộ Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan bố trí đủ kinh phí thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt theo đúng tiến độ của kế hoạch;

- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ giải tỏa hành lang an toàn đường bộ, đường sắt;

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn việc sử dụng tiền xử phạt vi phạm hành chính theo h­ướng tăng nguồn chi cho việc mua trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.

8. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Phối hợp với Bộ Tài chính bố trí đủ kinh phí cho công tác bồi thường, giải tỏa hành lang an toàn đường bộ, đường sắt phù hợp với các nội dung và lộ trình thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

9. Ngành Đường sắt:

- Chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý và bảo vệ đất dành cho đường sắt; đảm bảo sử dụng đúng mục đích đã được phê duyệt và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai;

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng về tài nguyên và môi trường xây dựng phương án và thực hiện việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình đ­ường sắt, phạm vi hành lang an toàn đường sắt sau khi đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Rà soát, thống kê hiện trạng sử dụng đất và các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và phạm vi hành lang an toàn đường sắt để đề xuất các phương án giải quyết và đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm theo đúng quy định tại Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, phường nơi có đường sắt đi qua thực hiện tốt các hoạt động bảo vệ trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt;

- Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền giáo dục cán bộ, công nhân viên trong đơn vị thực hiện, tuyên truyền gia đình, người thân, nhân dân nơi cư trú các kiến thức pháp luật về đường sắt và ý thức chấp hành pháp luật để mọi cán bộ công nhân viên hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đường sắt;

- Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Công an, Thanh tra giao thông đường sắt, chính quyền địa phương phát hiện và xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật về đường sắt đặc biệt là các hành vi mở đường ngang trái phép, xâm phạm hành lang an toàn đường sắt theo đúng quy định của pháp luật.

10. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Đối với đường bộ:

- Thành lập Tổ công tác liên ngành (gồm đại diện Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, Công ty quản lý trực tiếp đường bộ) triển khai thực hiện các việc sau:

+ Xây dựng và thực hiện kế hoạch giải toả đối với các tuyến quốc lộ, đường địa phương theo lộ trình thực hiện;

+ Dự trù kinh phí bồi thường, hỗ trợ các công trình vi phạm phải giải toả theo quy định của pháp luật;

+ Tuyên truyền, thông báo đến các tổ chức, cá nhân có công trình xây dựng trong hành lang an toàn đường bộ về các quy định của pháp luật trong việc quản lý, sử dụng và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, kế hoạch giải toả trong hành lang an toàn đường bộ;

+ Rà soát lại diện tích đất trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân và tổ chức, có phương án thu hồi diện tích đã cấp.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã:

+ Rà soát, phân loại và thống kê các công trình nằm trong hành lang an toàn đường;

+ Thành lập tổ công tác liên ngành (các thành phần tương ứng tổ công tác liên ngành cấp tỉnh) thực hiện kế hoạch giải toả trên địa bàn, thông báo, tuyên truyền kế hoạch thực hiện giải toả đến cá nhân, đơn vị có công trình vi phạm hành lang an toàn đường bộ. Thực hiện đối với các công trình đã được bồi thường, giải toả nay tái lấn chiếm, chủ công trình phải tự tháo dỡ và không được đền bù;

+ Tổ chức thực hiện cưỡng chế giải toả các công trình đã được bồi thường, công trình tái lấn chiếm mà không tự tháo dỡ và các công trình xây dựng trái phép trong hành lang an toàn đường bộ. Thành lập Tổ cưỡng chế gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã (làm Tổ trưởng), Trưởng Công an huyện, đại diện Cơ quan quản lý trực tiếp đường bộ, Thanh tra chuyên ngành.

- Căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, triển khai xây dựng hệ thống đường gom, hệ thống đường nội bộ, khu dân cư, lập quy hoạch tổng thể các điểm đấu nối hoặc nâng cấp quy mô đấu nối với tuyến quốc lộ đi qua địa phương, thoả thuận một lần với Bộ Giao thông vận tải;

- Tổ chức tiếp nhận và phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ cắm mốc chỉ giới hành lang an toàn đường bộ, quản lý, bảo vệ phần hành lang an toàn đường bộ đã giải toả, bảo vệ mốc lộ giới và xử lý các hành vi vi phạm;

- Có hình thức xử lý nghiêm, triệt để đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ.

b) Đối với đường sắt:

- Triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm chấn chỉnh việc giao, cho thuê đất và sử dụng đất đai vi phạm quy định bảo vệ hành lang an toàn đường sắt;

- Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch giải tỏa các công trình vi phạm trong hành lang an toàn đường sắt và xử lý các hành vi vi phạm;

- Rà soát lại diện tích đất trong hành lang an toàn đường sắt đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân có phương án thu hồi diện tích đất đã cấp;

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị trấn, phường, xã phối hợp với cơ quan quản lý đường sắt phụ trách tuyến đường để tổ chức rà soát, thống kê và phân loại các công trình vi phạm và các công trình gây ảnh hưởng đến an toàn đường sắt. Xác định các công trình nằm trong hành lang an toàn đường sắt cần giải tỏa để dự trù kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho chủ công trình bị giải tỏa theo quy định của pháp luật;

- Có hình thức xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang đường sắt;

- Chịu trách nhiệm bảo vệ đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn đường sắt. Nếu để xảy ra các vi phạm như lấn chiếm, sử dụng trái phép đất trong phạm vi này mà không có biện pháp giải quyết thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật;

- Chủ trì phê duyệt kịp thời phương án cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn đường sắt do doanh nghiệp kinh doanh đường sắt xây dựng. Đồng thời, có trách nhiệm công bố công khai các mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, phạm vi bảo vệ hành lang an toàn đường sắt đã được phê duyệt cho nhân dân trong địa bàn biết;

- Chỉ đạo các cơ quan thông tin tuyên truyền của địa phương, các Ban, ngành và chính quyền các cấp phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên và các tổ chức đoàn thể xã hội tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các kiến thức pháp luật về đường sắt trong địa phương nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về đường sắt trong các tầng lớp nhân dân, góp phần bảo vệ đường sắt và phòng ngừa tai nạn giao thông đ­ường sắt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.