• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2019
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 43/2018/TT-BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
An Giang, ngày 28 tháng 12 năm 2018

THÔNG TƯ

Quy định một số nội dung về xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng, giống vật nuôi, nguồn gen cây trồng; nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật và nhập khẩu vật thể trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam

1/01/clip_image001.png" width="177" />          Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ  quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương ngày 12 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Pháp lệnh Giống cây trồng ngày 24 tháng 3 năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh Giống vật nuôi ngày 24 tháng 3 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương;

          Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định một số nội dung về xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng, giống vật nuôi, nguồn gen cây trồng; nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật và nhập khẩu vật thể trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định:

1. Hồ sơ, thời hạn, cơ quan cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu một số hàng hoá thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bao gồm:

a) Xuất khẩu giống cây trồng nông nghiệp có trong Danh mục giống cây trồng cấm xuất khẩu để phục vụ nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, hội chợ, triển lãm, làm quà tặng;

b) Nhập khẩu giống cây trồng nông nghiệp chưa có trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh để nghiên cứu, khảo nghiệm, sản xuất thử, hợp tác quốc tế, làm mẫu tham gia triển lãm, làm quà tặng hoặc để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư (trừ trường hợp giống cây trồng chưa có trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh nhưng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống cây trồng nông nghiệp mới);

c) Nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp chưa có trong Danh mục giống cây trồng lâm nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh để nghiên cứu, khảo nghiệm, trồng sản xuất thử nghiệm, làm cây cảnh, cây bóng mát, hợp tác quốc tế, làm mẫu tham gia triển lãm, làm quà tặng hoặc để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư (trừ trường hợp giống cây trồng chưa có trong Danh mục giống cây trồng lâm nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh nhưng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống cây trồng lâm nghiệp mới);

d) Xuất khẩu giống vật nuôi có trong Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu để phục vụ nghiên cứu khoa học và các mục đích đặc biệt khác;

đ) Nhập khẩu tinh, phôi của giống vật nuôi lần đầu vào Việt Nam; nhập khẩu giống vật nuôi chưa có trong Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh để khảo nghiệm, nghiên cứu và các mục đích đặc biệt khác (trừ trường hợp giống vật nuôi chưa có trong Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh nhưng đã có kết quả khảo nghiệm được cơ quan quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận);

e) Nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương;

g) Nhập khẩu vật thể trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.

2. Xuất khẩu, nhập khẩu nguồn gen cây trồng phục vụ nghiên cứu, trao đổi khoa học kỹ thuật.

3. Xuất khẩu giống cây trồng lâm nghiệp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tại Điều 1 Thông tư này.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Quy định về hồ sơ, thời hạn, cơ quan cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng nông nghiệp

1. Thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu giống cây trồng nông nghiệp:

a) Văn bản đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu theo Mẫu số 01/TT Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Tờ khai kỹ thuật theo Mẫu số 02/TT Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với trường hợp phải đăng ký) hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu (đối với cá nhân);

d) Trường hợp xuất khẩu phục vụ nghiên cứu, hợp tác quốc tế phải bổ sung 01 bản sao thỏa thuận hợp tác bằng tiếng nước ngoài kèm theo 01 bản dịch sang tiếng Việt có xác nhận của cơ quan dịch thuật;

đ) Trường hợp xuất khẩu tham gia hội chợ, triển lãm phải bổ sung 01 bản sao Giấy xác nhận hoặc Giấy mời tham gia hội chợ, triển lãm bằng tiếng nước ngoài kèm theo 01 bản dịch sang tiếng Việt có xác nhận của cơ quan dịch thuật;  

e) Trường hợp xuất khẩu làm quà tặng phải bổ sung 01 bản sao giấy chứng nhận giữa hai bên bằng tiếng nước ngoài kèm theo 01 bản dịch sang tiếng Việt có xác nhận của cơ quan dịch thuật;

          2. Thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu giống cây trồng nông nghiệp:

          a) Văn bản đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu theo Mẫu số 03/TT Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

          b) Tờ khai kỹ thuật theo Mẫu số 04/TT Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này (chỉ nộp khi nhập khẩu lần đầu);

          c) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với trường hợp phải đăng ký) hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu (đối với cá nhân);

          d) Trường hợp giống cây trồng nhập khẩu lần thứ hai trở đi để khảo nghiệm, sản xuất thử phải nộp báo cáo kết quả nhập khẩu, khảo nghiệm, sản xuất thử lần nhập trước;

          đ) Trường hợp nhập khẩu phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, hợp tác quốc tế phải bổ sung 01 bản sao thỏa thuận hợp tác bằng tiếng nước ngoài kèm theo 01 bản dịch sang tiếng Việt có xác nhận của cơ quan dịch thuật;

          e) Trường hợp nhập khẩu tham gia hội chợ, triển lãm phải bổ sung Giấy xác nhận hoặc Giấy mời tham gia hội chợ, triển lãm tại Việt Nam;

          g) Trường hợp nhập khẩu làm quà tặng phải bổ sung 01 bản sao giấy xác nhận giữa hai bên bằng tiếng nước ngoài kèm theo 01 bản dịch sang tiếng Việt có xác nhận của cơ quan dịch thuật;

          h) Trường hợp nhập khẩu để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, hồ sơ phải bổ sung bản sao (mang theo bản chính để đối chiếu) hoặc bản sao có chứng thực của văn bản phê duyệt hoặc chấp thuận chương trình, dự án đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc dự án được doanh nghiệp phê duyệt theo quy định của pháp luật;

          i) Trường hợp nhập khẩu giống cây trồng để phục vụ dự án xây dựng đường giao thông phải bổ sung bản sao chứng thực Giấy chứng nhận lưu hành tự do (Certificate of Free Sale - CFS) do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ sau: Giấy công nhận giống cây trồng mới; Giấy xác nhận giống cây trồng không nằm trong Danh mục cấm sử dụng của nước xuất khẩu; Giấy chứng nhận khác có nội dung tương tự kèm theo bản dịch ra tiếng Việt có xác nhận của cơ quan dịch thuật hoặc kết quả nghiên cứu, khảo nghiệm tại Việt Nam cho thấy giống cây trồng an toàn với môi trường.

2. Thời hạn giải quyết:

a) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ.

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu theo Mẫu số 05/TT Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp từ chối cấp phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.  

3. Thời hạn hiệu lực của giấy phép xuất khẩu, giấy phép nhập khẩu không quá 12 tháng kể từ ngày được cấp.

4. Cơ quan thực hiện:

- Nơi tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả: Bộ phận “một cửa” - Văn phòng Cục Trồng trọt.

- Website: www.cuctrongtrot.gov.vn

- Địa chỉ: Nhà A6A, Số 02 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.

- Điện thoại: 024.3823.4651 Fax: 024.3734.4967.

- Email: tt@mard.gov.vn

Điều 4. Quy định về xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp

1. Đối với giống cây trồng lâm nghiệp thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài hoang dã nguy cấp (CITES), việc xuất khẩu thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước CITES.

2. Thành phần hồ sơ đề nghị nhập khẩu giống cây lâm nghiệp:

a) Văn bản đề nghị nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp theo Mẫu số 01/LN Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Lý lịch giống cây trồng lâm nghiệp đề nghị nhập khẩu theo Mẫu số 02/LN Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Các tài liệu liên quan như hợp đồng mua bán giống hoặc hợp đồng tặng cho giống cây trồng lâm nghiệp của đối tác;

d) Trường hợp nhập khẩu giống cây lâm nghiệp để trồng khảo nghiệm, trồng sản xuất thử nghiệm phải có hồ sơ thiết kế kỹ thuật trồng khảo nghiệm, trồng sản xuất thử nghiệm. Trường hợp nhập khẩu lần thứ hai trở đi để khảo nghiệm, sản xuất thử nghiệm phải nộp báo cáo kết quả nhập khẩu, khảo nghiệm, sản xuất thử nghiệm lần nhập trước;

đ) Trường hợp nhập khẩu giống cây lâm nghiệp để làm cây cảnh, cây bóng mát phải có văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sở tại chấp thuận phương án và đề nghị cho nhập khẩu giống;

          e) Trường hợp nhập khẩu phục vụ nghiên cứu, hợp tác quốc tế phải bổ sung 01 bản sao thỏa thuận hợp tác bằng tiếng nước ngoài kèm theo 01 bản dịch sang tiếng Việt có chữ ký xác nhận của cơ quan dịch thuật;

          g) Trường hợp nhập khẩu tham gia hội chợ, triển lãm phải bổ sung Giấy xác nhận hoặc Giấy mời tham gia hội chợ, triển lãm tại Việt Nam;

          h) Trường hợp nhập khẩu làm quà tặng phải bổ sung 01 bản sao giấy xác nhận giữa hai bên bằng tiếng nước ngoài kèm theo 01 bản dịch sang tiếng Việt có xác nhận của cơ quan dịch thuật;

          i) Trường hợp nhập khẩu để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, hồ sơ phải bổ sung bản sao (mang theo bản chính để đối chiếu) hoặc bản sao có chứng thực của văn bản phê duyệt hoặc chấp thuận chương trình, dự án đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc dự án được doanh nghiệp phê duyệt theo quy định của pháp luật;

3. Thời hạn giải quyết:

a) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ.

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép nhập khẩu theo Mẫu số 03/LN Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp từ chối cấp phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.  

4. Thời hạn hiệu lực của giấy phép nhập khẩu không quá 12 tháng kể từ ngày được cấp.

5. Cơ quan thực hiện: Tổng cục Lâm nghiệp

- Nơi tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả: Văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp

- Địa chỉ: Số 2 Ngọc Hà - Ba Đình - Hà Nội.

- Điện thoại: 024.3843.8792 Fax: 024.3843.8793

- Email: ln@mard.gov.vn

Điều 5. Quy định về hồ sơ, thời hạn, cơ quan cấp giấy phép nhập khẩu giống cây trồng biến đổi gen

1. Hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu giống cây trồng biến đổi gen:

a) Văn bản đề nghị nhập khẩu theo Mẫu số 06/TT Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Tờ khai kỹ thuật theo Mẫu số 07/TT Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này (chỉ nộp khi nhập khẩu lần đầu);

c) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với trường hợp phải đăng ký) hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu (đối với cá nhân);

d) Bản sao Giấy chứng nhận an toàn sinh học và Giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam;

đ) Kế hoạch khảo nghiệm so sánh, bao gồm khảo nghiệm so sánh diện hẹp và diện rộng theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư 29/2014/TT-BNNPTNT ngày 05 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung Điều 7 Thông tư số 23/2010/TT-BNNPTNT ngày 07 tháng 4 năm 2010 về công nhận tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

2. Thời hạn giải quyết:

a) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ.

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép nhập khẩu theo Mẫu số 08/TT Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp từ chối cấp phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.  

3. Thời hạn hiệu lực của giấy phép nhập khẩu không quá 12 tháng, kể từ ngày được cấp.

4. Cơ quan thực hiện:

- Nơi tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả: Bộ phận “một cửa” - Văn phòng Cục Trồng trọt

- Website: www.cuctrongtrot.gov.vn.

- Địa chỉ: Nhà A6A, Số 02 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.

- Điện thoại: 024.3823.4651 Fax: 024.3734.4967

- Email: tt@mard.gov.vn

Điều 6. Quy định về xuất khẩu, nhập khẩu nguồn gen cây trồng phục vụ nghiên cứu, trao đổi khoa học kỹ thuật

Việc xuất khẩu, nhập khẩu nguồn gen cây trồng phục vụ nghiên cứu, trao đổi khoa học kỹ thuật thực hiện theo quy định tại Nghị định số 59/2017/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen.

Điều 7. Quy định về hồ sơ, thời hạn, cơ quan cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu giống vật nuôi; nhập khẩu tinh, phôi giống vật nuôi lần đầu vào Việt Nam

1. Thành phần hồ sơ đề nghị xuất khẩu giống vật nuôi:

a) Văn bản đề nghị xuất khẩu giống vật nuôi theo Mẫu số 01/CN Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Lý lịch giống vật nuôi: Lý lịch giống vật nuôi có xác nhận của cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu, trong đó ghi rõ tên giống, phẩm cấp giống, xuất xứ, số lượng, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật;

c) Bản sao dự án hợp tác nghiên cứu hoặc hợp đồng nghiên cứu có nội dung liên quan đến xuất khẩu giống vật nuôi.

2. Thành phần hồ sơ đề nghị nhập khẩu giống vật nuôi:

a) Văn bản đề nghị nhập khẩu giống vật nuôi để khảo nghiệm, nghiên cứu và các mục đích đặc biệt khác theo Mẫu số 02/CN Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Đối với trường hợp khảo nghiệm phải bổ sung:

Lý lịch giống vật nuôi có xác nhận của cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu, trong đó ghi rõ tên giống, phẩm cấp giống, xuất xứ, số lượng, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật. Lý lịch là bản chính hoặc bản sao có chứng thực kèm theo bản dịch ra tiếng Việt. Trong trường hợp nộp trực tiếp, lý lịch là bản sao đồng thời phải xuất trình bản chính để đối chiếu;

Đề cương khảo nghiệm, quy trình chăn nuôi;

Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với trường hợp phải đăng ký) hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) hoặc Quyết định thành lập. Quy định này chỉ áp dụng đối với thương nhân đăng ký nhập khẩu lần đầu.

3. Thành phần hồ sơ đề nghị nhập khẩu tinh, phôi giống vật nuôi lần đầu vào Việt Nam:

a) Văn bản đề nghị nhập khẩu tinh, phôi theo Mẫu số 03/CN Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Tinh, phôi của giống gia súc lớn (trâu, bò, dê, cừu): Lý lịch 3 đời của đực giống cho tinh đối với trường hợp nhập khẩu tinh; lý lịch 3 đời của con bố, con mẹ cho phôi đối với trường hợp nhập khẩu phôi. Lý lịch bao gồm tên giống, cấp giống, năng suất của từng cá thể giống cho tinh, phôi, cơ sở nuôi, khai thác giống cho tinh, phôi và phải có xác nhận của cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu. Không nhập khẩu tinh quá 60 tháng kể từ ngày sản xuất;

c) Tinh, phôi lợn giống: Lý lịch của lợn giống cho tinh, phôi, bao gồm tên giống, cấp giống, năng suất của từng cá thể giống cho tinh, phôi; cơ sở nuôi và khai thác giống cho tinh, phôi;

d) Lý lịch là bản chính hoặc bản sao có chứng thực kèm theo bản dịch ra tiếng Việt. Trong trường hợp nộp trực tiếp, hồ sơ là bản sao đồng thời phải xuất trình bản chính để đối chiếu.

đ) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với trường hợp phải đăng ký) hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) hoặc Quyết định thành lập. Quy định này chỉ áp dụng đối với thương nhân đăng ký nhập khẩu lần đầu.

4. Thời hạn giải quyết:

a) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ.

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xuất khẩu/nhập khẩu giống vật nuôi; tinh, phôi giống vật nuôi theo Mẫu số 04/CN Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp từ chối cấp phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.  

5. Thời hạn hiệu lực của giấy phép nhập khẩu không quá 12 tháng, kể từ ngày được cấp.

6. Cơ quan thực hiện: Cục Chăn nuôi

- Nơi tiếp nhận hồ sơ: Bộ phận “Một cửa” - Văn phòng Cục Chăn nuôi

- Địa chỉ: Số 16 Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội

- Điện thoại: 024.3734.5443, Fax: 024.3734.5444

- Email: cn@mard.gov.vn

Điều 8. Quy định về hồ sơ, thời hạn, cơ quan cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật

1. Thành phần hồ sơ:

a) Trường hợp nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật chưa có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam để tạm nhập, tái xuất hoặc nhập khẩu để sản xuất tại Việt Nam nhằm mục đích xuất khẩu theo hợp đồng đã ký với nước ngoài:

Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật theo Mẫu số 01/BVTV Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đóng dấu của thương nhân (chỉ nộp khi nhập khẩu lần đầu);

Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp đồng nhập khẩu, hợp đồng xuất khẩu hoặc hợp đồng gia công với đối tác nước ngoài;

Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) tại nước xuất khẩu (chỉ nộp khi nhập khẩu lần đầu).

b) Trường hợp nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật để xông hơi khử trùng chứa hoạt chất methyl bromide và các hoạt chất có độ độc cấp tính loại I, II theo Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS):

Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật theo Mẫu số 01/BVTV Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đóng dấu của thương nhân (chỉ nộp khi nhập khẩu lần đầu);

Bản sao Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bằng biện pháp xông hơi khử trùng do Cục Bảo vệ thực vật cấp (chỉ nộp khi nhập khẩu lần đầu) đối với trường hợp nhập khẩu thuốc xông hơi khử trùng;

Báo cáo về tình hình nhập khẩu, sử dụng và mua bán methyl bromide theo Mẫu số 02/BVTV Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này đối với trường hợp nhập khẩu thuốc xông hơi khử trùng chứa hoạt chất methyl bromide.

c) Trường hợp nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật chưa có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam để khảo nghiệm nhằm mục đích đăng ký thuốc bảo vệ thực vật; thử nghiệm, nghiên cứu:

Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật theo Mẫu số 01/BVTV Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đóng dấu của thương nhân (chỉ nộp khi nhập khẩu lần đầu);

Bản sao Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật hoặc Phiếu an toàn hóa chất của thuốc mẫu khảo nghiệm, thử nghiệm;

Đề cương nghiên cứu về thuốc bảo vệ thực vật đề nghị nhập khẩu (đối với trường hợp nhập khẩu để nghiên cứu).

d) Trường hợp nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong các dự án của nước ngoài tại Việt Nam; thuốc bảo vệ thực vật làm hàng mẫu, hàng phục vụ triển lãm, hội chợ và sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật theo Mẫu số 01/BVTV Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đóng dấu của thương nhân (chỉ nộp khi nhập khẩu lần đầu);

Bản sao có chứng thực hợp đồng nhập khẩu;

Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) tại nước xuất khẩu trong trường hợp nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất chưa có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam.

đ) Trường hợp nhập khẩu thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam nhưng nhập khẩu để làm chất chuẩn:

Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật theo Mẫu số 01/BVTV Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đóng dấu của thương nhân (chỉ nộp khi nhập khẩu lần đầu).

2. Thời hạn giải quyết:

a) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ.

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật theo Mẫu số 03/BVTV Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp từ chối cấp phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

3. Hiệu lực của Giấy phép:

Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật có giá trị cho toàn bộ lô hàng ghi trong giấy phép và hiệu lực được ghi trong giấy phép theo từng loại thuốc, nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày cấp. Giấy phép nhập khẩu methyl bromide chỉ có hiệu lực trong năm cấp phép.

4. Cơ quan thực hiện: Cục Bảo vệ thực vật

- Địa chỉ: 149 Hồ Đắc Di, Đống Đa - Hà Nội

- ĐT: 024.3533.0361 Fax: 024.3533.0043;

- Email: cchc.bvtv@mard.gov.vn

Điều 9. Quy định về hồ sơ, thời hạn, cơ quan cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với vật thể trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam

1. Thành phần hồ sơ:

          a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu theo Mẫu số 04/BVTV Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

          b) Bản sao Hợp đồng thương mại;

  c) Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của thương nhân (chỉ nộp khi nhập khẩu lần đầu).

2. Thời hạn giải quyết:

a) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ.

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu theo Mẫu số 05/BVTV Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp từ chối cấp phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

3. Hiệu lực của Giấy phép:

Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu có giá trị cho toàn bộ lô hàng ghi trong giấy phép và hiệu lực được ghi trong giấy phép theo từng mặt hàng nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày cấp.

4. Cơ quan thực hiện: Cục Bảo vệ thực vật

- Địa chỉ: 149 Hồ Đắc Di, Đống Đa - Hà Nội

- ĐT: 024.3533.0361 Fax: 024.3533.0043;

- Email: cchc.bvtv@mard.gov.vn

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Điều khoản chuyển tiếp

1. Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có liên quan đến giống cây trồng, giống vật nuôi; giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật và giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu đã được cơ quan có thẩm quyền cấp được tiếp tục thực hiện các nội dung và thời hạn hiệu lực của các giấy phép này.

2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu/nhập khẩu giống cây trồng, giống vật nuôi; giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật và giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu đã nộp trước ngày 01 tháng 01 năm 2019, nếu đầy đủ, đúng quy định thì thực hiện theo Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12 tháng 02 năm 2015.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

2. Thông tư này bãi bỏ Điều 40 Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT ngày 08 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân, thương nhân phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời sửa đổi, bổ sung./.

Nơi nhận:

- Văn phòng Chính phủ;

- Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;

- Sở NN&PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW;

- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);

- Các đơn vị liên quan thuộc Bộ NN&PTNT;

- Công báo Chính phủ;

- Cổng TTĐT: Chính phủ, Bộ NN&PTNT;

- Lưu: VT, CBTTNS (300 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

(đã ký)

 


Trần Thanh Nam

 

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.