CHỈ THỊ
Về củng cố công tác phổ cập giáo dục
và đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập
Trong thời gian qua, tỉnh An Giang đã phấn đấu hoàn thành công tác phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; kết quả xóa mù chữ tiếp tục được củng cố và duy trì. Phát huy thành quả trên, toàn tỉnh đang ra sức thực hiện phong trào xây dựng xã hội học tập, tiến tới triển khai nhiệm vụ phổ cập giáo dục trung học.
Ngoài hình thức học tập trung ở các trường lớp chính qui, hàng năm có hàng trăm ngàn lượt người tham gia học tập ở các trường lớp không chính qui, học theo phương thức thường xuyên về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, pháp luật, chính trị, ngoại ngữ, tin học,…ở các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề với thời gian ngắn hoặc dài hạn, đã góp phần vào việc cập nhật kiến thức, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.
Tuy nhiên, việc xây dựng xã hội học tập trong thời gian qua nhìn chung còn nhiều hạn chế, chưa huy động sức mạnh của toàn xã hội trong việc triển khai thực hiện các chủ trương khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Hoạt động của các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thu hút người học, thiếu phối hợp với nhau trong đào tạo và chưa đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, kinh phí hoạt động.
Tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng tự mãn với kết quả công tác phổ cập, một số ban chỉ đạo cấp huyện (thị xã, thành phố) và cấp xã (phường, thị trấn) có biểu hiện buông lỏng chỉ đạo, trở lại tình trạng khoán trắng cho ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT); thiếu điều tra, cập nhật, theo dõi để tổ chức các lớp phổ cập; một số địa phương đã có biểu hiện gian dối trong tổ chức lớp, thực hiện giảng dạy không đúng quy định, chất lượng học tập các lớp phổ cập, giáo dục thường xuyên thấp; tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng tuy có giảm nhưng còn chậm, tỷ lệ bỏ học bậc trung học đang ở mức cao là 5% (chưa tính trong hè). Đây là những nguy cơ dẫn đến tình trạng “mất chuẩn” ở các địa phương, làm cho công tác phổ cập thiếu vững chắc trong thời gian tới.
Để củng cố thành quả công tác phổ cập, khắc phục những yếu kém nêu trên và đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh chỉ thị:
1. Phải xác định xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ chính trị to lớn và lâu dài của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, dựa trên nền tảng giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục quốc dân. Việc củng cố vững chắc công tác phổ cập giáo dục chủ yếu bằng con đường giáo dục chính quy, đồng thời thực hiện tốt chủ trương phân luồng học sinh, mở ra nhiều hình thức học tập, tạo thêm cơ hội được học tập cho đối tượng học sinh còn khó khăn về hoàn cảnh, học sinh yếu kém.
Ủy ban nhân dân các cấp và ngành GD&ĐT cần tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp:
-
Củng cố vững chắc thành quả công tác phổ cập giáo dục, chống mù chữ, không để tái mù và tiến tới phổ cập tự nhiên.
-
Hạn chế tình trạng học sinh bỏ học theo tinh thần Chỉ thị số 30/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 15/KH-UBND của UBND tỉnh, để từng bước phát triển quy mô các cấp học, ngành học, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Trong đó phải xem giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục là giải pháp căn cơ để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học.
-
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, giảm khoảng cách chênh lệch về chất lượng giữa các vùng, giữa các hình thức học tập.
-
Thực hiện có hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau cấp THCS, THPT, tổ chức nhiều hình thức học tập thường xuyên ngay tại địa bàn xã (phường, thị trấn), để giúp học sinh không đỗ tốt nghiệp, học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập phù hợp.
Ngành GD&ĐT tiếp tục triển khai cuộc vận động “2 không” theo Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính Phủ, chấn chỉnh và nghiêm khắc xử lý các trường hợp vì bệnh thành tích mà gian dối trong tổ chức thi cử hay công nhận hoàn thành phổ cập, đưa học sinh chưa đủ chuẩn kiến thức lên lớp.
2. Củng cố hoạt động các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề, trung tâm học tập cộng đồng. Trước mắt phải bảo đảm các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất và đội ngũ quản lý, giáo viên cơ hữu để phục vụ hoạt động. Các trung tâm thực hiện việc liên kết, hỗ trợ lẫn nhau để tổ chức các hình thức vừa học văn hóa (theo chương trình giáo dục thường xuyên), vừa học nghề để đáp ứng nhu cầu học tập và chủ trương phân luồng.
Các ngành, đoàn thể tiếp tục phối hợp chặt với trung tâm học tập cộng đồng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ… từ nguồn kinh phí các chương trình, dự án.
Sở GD&ĐT, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) theo chức năng quản lý của ngành, chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ và Sở Tài chính xây dựng Đề án củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm có chức năng đào tạo nghề tại các huyện, trung tâm học tập cộng đồng, đề xuất những giải pháp lâu dài về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, để các trung tâm có khả năng đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.
3. Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các cơ quan truyền thông đại chúng và các ngành, đoàn thể tiếp tục làm tốt công tác vận động quần chúng để nâng cao nhận thức cho người dân, xây dựng thái độ cầu tiến trong học tập, học tập mọi nơi, mọi hình thức và học tập suốt đời; tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của việc học tập. Hội Khuyến học các cấp tiếp tục làm nòng cốt để đẩy mạnh phong trào xây dựng "Gia đình hiếu học", "Dòng họ hiếu học", kết hợp với chính quyền địa phương và ngành GD&ĐT tổ chức hội nghị biểu dương học sinh học giỏi, gia đình nuôi con học tập thành đạt, duy trì việc tổ chức biểu dương, khen thưởng các học sinh, sinh viên học giỏi vào dịp tháng 01 và tháng 07 hàng năm. Hưởng ứng “Tháng khuyến học” do Trung ương Hội phát động.
4. Sở LĐTB&XH tham mưu và tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhằm giúp cho người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách được ổn định cuộc sống, tạo điều kiện hưởng ứng phong trào xây dựng xã hội học tập và không để con em bỏ học giữa chừng.
Các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Hội Khuyến học các cấp, tổ chức vận động các doanh nghiệp, các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm tiếp tục hỗ trợ vật chất, tinh thần cho những gia đình khó khăn, thực hiện các chương trình bảo trợ học tập, cấp phát học bổng, học cụ, sách giáo khoa. Ngành GD&ĐT phát động phong trào quyên góp sách, tập, quần áo cũ trong học sinh để giúp đỡ bạn nghèo vào thời điểm thuận lợi trong năm học.
5. Sở GD&ĐT và các Sở ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh rà soát tất cả các chế độ, chính sách do địa phương ban hành, để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; đề xuất các chế độ, chính sách để đồng bộ với các chủ trương, định hướng của tỉnh về công tác GD&ĐT. Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xem xét để ban hành các chủ trương, chính sách đối với người học đã được nêu trong Nghị quyết 02-NQ/TU của ban Thường vụ Tỉnh ủy.
6. Thành lập “Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập và phổ cập giáo dục, chống mù chữ” cấp tỉnh và cấp huyện (thị xã, thành phố) trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo công tác phổ cập giáo dục, chống mù chữ, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và giáo dục trẻ em khuyết tật với Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch xây dựng xã hội học tập. Ban chỉ đạo có trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc triển khai công tác này tại các địa phương.
Yêu cầu các ngành, các cấp có liên quan tổ chức thực hiện tốt nội dung Chỉ thị này. Giao Sở GD&ĐT theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo và tham mưu UBND tỉnh.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đã ký
Lê Minh Tùng
|