CHỈ THỊ
Về việc tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm
_______________
Thời gian gần đây, tỉnh ta đã xảy ra ngộ độc thực phẩm chết người được phát hiện như: Vụ ngộ độc do ăn khoai mì cao sản, ăn cá nóc ở huyện Tịnh Biên; vụ ngộ độc do uống rượu có chất độc Methanol ở huyện Phú Tân và những vụ ngộ độc khác tuy không gây chết người nhưng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, gây hoang mang trong nhân dân như: Vụ ngộ độc ba khía, ngộ độc bánh mì nhiễm khuẩn, ngộ độc thức ăn ở căn tin Trường Trung học cơ sở Thị trấn Cái Dầu huyện Châu Phú …
Nguyên nhân chính của các vụ ngộ độc trên là do các hoạt động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được thực hiện triệt để, chưa được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của chính quyền các cấp; việc nhận thức, thực thi Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa đầy đủ; ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của người tiêu dùng còn nhiều hạn chế. Mặt khác, hệ thống tổ chức, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm chưa hoàn chỉnh, việc phối hợp hành động giữa các ngành có liên quan và việc phân cấp trách nhiệm cho các cấp chưa tốt, làm hạn chế năng lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm khắc phục những tồn tại trên, từng bước hạn chế số vụ ngộ độc thực phẩm, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn, giảm số người mắc và chết do ngộ độc thực phẩm, Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:
1. Sở Y tế:
-
Chịu trách nhiệm chính trước UBND tỉnh trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh với vai trò là Trưởng Ban Điều hành công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh (được thành lập theo Quyết định số 988/QĐ-UBND ngày 13/4/2007); vì vậy, cần khẩn trương xây dựng kế hoạch để Ban Điều hành đi vào hoạt động thực sự nhằm triển khai thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong cả tỉnh, chú ý tập trung cho công tác truyền thông giáo dục, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định; các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch của các cấp, các ngành và các cơ quan, tổ chức có liên quan phải thật cụ thể. Tham mưu cho UBND tỉnh các chủ trương, chính sách, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; xây dựng và hoàn thiện quy chế hoạt động của Ban Điều hành tỉnh.
-
Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan thường xuyên thanh tra, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt các quy định đối với thức ăn đường phố, chợ, cảng, khu du lịch, lễ hội; các nơi có tổ chức bếp ăn tập thể như: Nhà hàng, khách sạn, trường học, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp...
-
Chủ trì phối hợp với các ngành, các đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các biện pháp phòng ngừa, khắc phục và giải quyết hậu quả khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.
-
Chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ và các ngành liên quan khẩn trương xây dựng đề án củng cố mạng lưới quản lý, hệ thống thanh tra chuyên ngành từ tỉnh đến huyện, xã có đủ năng lực, điều kiện về tổ chức, biên chế để giúp Ủy ban nhân dân các cấp quản lý và điều hành các hoạt động vệ sinh an toàn thực phẩm trong tỉnh, trình UBND tỉnh trong quý III/2007.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thủy sản:
-
Chỉ đạo triển khai các chương trình thực hành sản xuất nuôi trồng tiên tiến nhằm tạo nguồn nguyên liệu thực phẩm an toàn trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường; bảo đảm các sản phẩm nông sản, thủy sản trước khi lưu thông phải có chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
-
Quản lý và phối hợp quản lý vùng nuôi, trồng, quản lý vệ sinh thú y đối với thực phẩm động vật và toàn bộ các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản.
-
Phối hợp với Sở Y tế, Sở Thương mại, Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các biện pháp truyền thông, giáo dục, thanh kiểm tra và xử lý các thực phẩm không an toàn, nguyên liệu chế biến thực phẩm không an toàn. Đặc biệt là xử lý triệt để tình trạng giết mổ lậu và buôn bán các loại sản phẩm động vật, thủy, hải sản chưa qua kiểm soát giết mổ và kiểm tra thú y.
-
Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.
3. Sở Thương mại:
-
Tăng cường chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, xử lý việc buôn bán, lưu thông các thực phẩm không đúng các quy định về bao bì, ghi nhãn hàng hóa, các loại thực phẩm giả hoặc thực phẩm không đảm bảo chất lượng… vi phạm các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.
-
Phối hợp với ngành y tế và các ngành chức năng tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh ăn uống; tổ chức đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trong quản lý thực phẩm cho đội ngũ cán bộ của ngành thương mại; quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị có cơ sở dịch vụ ăn uống, kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cung ứng dịch vụ ăn uống; xử lý nghiêm các vi phạm.
4. Sở Khoa học và Công nghệ:
-
Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các tiêu chuẩn, quy định sản phẩm thực phẩm đặc thù tại địa phương và đáp ứng nhu cầu công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm.
-
Phối hợp với các Sở, ngành liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm trong lĩnh vực thực phẩm.
-
Triển khai áp dụng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị, cá nhân ứng dụng khoa học, cộng nghệ sản xuất, kinh doanh tiên tiến.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các cơ sở có chất thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nguồn thực phẩm được nuôi, trồng, đánh bắt.
6. Công an tỉnh:
-
Phối hợp và hỗ trợ các ngành chức năng điều tra xử lý các hoạt động sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng gây hậu quả xấu đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng.
-
Tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để các hành vi lấn chiếm vĩa hè, lòng lề đường làm nơi buôn bán kinh doanh thực phẩm trái quy định, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
7. Bộ đội Biên phòng, Hải quan tỉnh:
Chủ động phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương dọc tuyến biên giới kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn hàng giả, thực phẩm nhập lậu qua biên giới.
8. Sở Văn hóa Thông tin, Đài PT-TH An Giang, Báo An Giang:
Chủ động có kế hoạch phối hợp với ngành y tế thực hiện tốt các hoạt động truyền thông giáo dục, phổ biến các kiến thức, quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trên các phương tiên thông tin đại chúng, đặc biệt trên hệ thống đài truyền thanh xã, phường, thị trấn, tại các khu vui chơi giải trí; công tác này phải được làm thường xuyên, liên tục trong năm.
9. Sở Giáo dục và Đào tạo:
-
Chỉ đạo cho các đơn vị trường học thường xuyên giáo dục học sinh ý thức giữ gìn vệ sinh ăn uống, hiểu rõ mối nguy hiểm do ăn uống thiếu vệ sinh gây ra, hạn chế việc ăn quà vặt, chủ động ăn uống tại nhà trước khi đến trường. Phối hợp với UBND các địa phương giải quyết dứt điểm tình trạng thức ăn đường phố bày bán trước cổng trường.
-
Chỉ đạo cho Ban Giám hiệu các trường thường xuyên nhắc nhỡ, kiểm tra việc chấp hành, thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn, căn tin trong trường. Phối hợp với ngành y tế thanh, kiểm tra các bếp ăn tập thể, căn tin trong các trường học, không để xảy ra ngộ độc tập thể.
-
Nghiên cứu đưa nội dung về vệ sinh an toàn thực phẩm vào chương trình giảng dạy cho học sinh. Chủ động phối hợp với ngành y tế củng cố công tác y tế học đường.
10. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố:
-
Thành lập Ban Điều hành công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cấp huyện và xã; xây dựng kế hoạch hoạt động, quy chế phối hợp của Ban Điều hành, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.
-
Chỉ đạo và tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện được hoạt động kinh doanh thực phẩm.
-
Tăng cường đầu tư ngân sách cho công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đề nghị Uỷ ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp cấp tỉnh có kế hoạch chủ động phối hợp với các Sở, ngành chức năng đẩy mạnh công tác thông tin hướng dẫn người tiêu dùng; giám sát, phát hiện và thông báo kịp thời đến các cơ quan chức năng những hiện tượng xấu trên thị trường, có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng nhân dân.
Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Ban Điều hành công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh nghiên cứu đưa nội dung bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vào Thỏa ước lao động của doanh nghiệp với người lao động, xem đây là trách nhiệm của chủ doanh nghiệp đối với quyền lợi của người lao động.
Giao cho Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Ban Điều hành công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hàng quý báo cáo cho UBND tỉnh.
Nơi nhận:
- Chính phủ, Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- Bộ Y tế, Cục VSATTP-Bộ Y tế;
- TT: Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh;
- VP. Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp cấp tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, TP;
- LĐVP, TT Công báo, Website AG;
- Lưu: VT, VX, TH, KT.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
đã ký
Lê Minh Tùng
|