• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 06/10/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 20/08/2017
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 32/2004/CT-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
An Giang, ngày 17 tháng 9 năm 2004

CHỈ THỊ 

Về một số biện pháp phòng, tránh lũ quét ở các tỉnh miền núi

________________________

 

Trong những năm gần đây, ở các tỉnh miền núi thường xảy ra lũ, sạt lở đất đá, đặc biệt là lũ quét đã gây tổn thất lớn về người, tài sản, phá hoại môi trường sinh thái.

Để chủ động phòng, tránh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ quét gây ra, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện một số việc sau đây:

 

I. Ủy ban nhân dân các tỉnh miền núi có trách nhiệm:

1. Chỉ đạo công tác điều tra, thống kê các địa bàn dân cư, những bản làng, hộ sinh sống ở khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ quét, thiên tai (khu vực ven sông, ven suối, ven sườn đồi núi có tầng đất mặt mỏng dễ bị sạt lở...). Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch phòng, tránh lũ quét cụ thể cho các xã, xóm, thôn bản, hộ gia đình và tổ chức diễn tập để nâng cao ý thức chủ động phòng, tránh của đồng bào; đồng thời tổ chức cắm biển cảnh báo những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét cao, thực hiện việc thông báo, cảnh báo kịp thời cho người dân biết để chủ động đối phó. Đối với những hộ sống ở các địa bàn có nguy cơ cao về lũ quét thì phải chỉ đạo tổ chức di dời dân đến nơi an toàn.

2. Trong quá trình chỉ đạo xây dựng Chương trình phòng, tránh lũ quét cần kết hợp chặt chẽ việc thực hiện lồng ghép các chương trình, mục tiêu như Chương trình xóa đói, giảm nghèo, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, Chương trình ổn định dân cư và các chương trình khác trên địa bàn, bảo đảm có hiệu quả.

3. Rà soát, điều chỉnh việc xây dựng các công trình thuộc Chương trình “135”, Chương trình kiên cố hoá trường học... để vừa tránh được lũ quét, vừa là nơi an toàn để đồng bào có thể sơ tán khi cần thiết.

4. Cung cấp dụng cụ đo mưa đơn giản và hướng dẫn các xã nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét cách sử dụng các dụng cụ đo mưa này để kịp thời báo động (bằng trống, kẻng...) và cảnh báo cho nhân dân.

5. Kiện toàn, củng cố Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão các cấp, đặc biệt là ở cấp huyện, xã; đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy và thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, thông tin, báo cáo về diễn biến lũ quét, thiên tai kịp thời, đúng quy định; chỉ đạo các xã, thôn, bản xây dựng các phương án đối phó với lũ quét, thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

6. Về giải pháp lâu dài : các tỉnh cần xây dựng quy hoạch tổng thể bố trí lại dân cư, sản xuất, cơ cấu cây trồng, xây dựng cơ sở hạ tầng đối với vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét làm cơ sở xây dựng chương trình phòng tránh lũ quét và các dự án cụ thể để triển khai có hiệu quả.

II. Các Bộ, ngành Trung ương có trách nhiệm:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn :

Nghiên cứu và xây dựng tiêu chí xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét; biên soạn tài liệu chuyên môn, tổ chức tập huấn về công tác phòng, tránh lũ quét cho các tỉnh miền núi; hướng dẫn các tỉnh thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu đang triển khai trên địa bàn với việc di dời các hộ dân đang sinh sống ở những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, ổn định dân cư để phát triển.

Chỉ đạo các địa phương khôi phục rừng, trồng rừng nơi có khả năng xảy ra lũ quét. ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn vốn của Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng để thực hiện việc này.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có kế hoạch bổ sung, tăng cường cơ sở vật chất, máy móc và phương tiện cho các trạm khí tượng, thuỷ văn nằm trên địa bàn các tỉnh miền núi, để cung cấp số liệu kịp thời cho công tác dự báo sớm về  mưa, lũ và cảnh báo kịp thời nguy cơ xảy ra lũ quét.

3. Các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên ngành để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến những kiến thức và kinh nghiệm về công tác phòng, tránh lũ quét, thiên tai.

4. Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, có đề tài khoa học nghiên cứu về đặc điểm địa hình, thời tiết, khí hậu, những điều kiện và nguyên nhân gây ra lũ quét, làm cơ sở xây dựng chương trình  phòng, tránh lũ quét có hiệu quả.

5. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra và thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc triển khai thực hiện các giải pháp phòng, tránh lũ quét của các địa phương và các Bộ, ngành liên quan.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.