• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/09/2011
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Số: 13/2011/TT-BTTTT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
An Giang, ngày 6 tháng 6 năm 2011

THÔNG TƯ

Quy định về văn phòng đại diện tại việt nam của nhà xuất bản nước ngoài,

tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài

______________________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Căn cứ Luật Xuất bản ngày 03 tháng 12 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 11/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2009 và Nghị định số 110/2010/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất bản,

QUY ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này quy định việc thành lập (đặt), hoạt động và quản lý Văn phòng đại diện tại Việt Nam của nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài trong hoạt động xuất bản (sau đây gọi tắt là Văn phòng đại diện).

2. Đối tượng áp dụng:

a) Nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài (bao gồm doanh nghiệp, tổ chức được thành lập tại nước ngoài hoạt động đa ngành nghề, đa lĩnh vực trong đó có xuất bản, phát hành xuất bản phẩm) thành lập (đặt) Văn phòng đại diện tại Việt Nam;

b) Văn phòng đại diện tại Việt Nam của nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài;

c) Cục Xuất bản, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 2. Thành lập (đặt) Văn phòng đại diện tại Việt Nam

Việc thành lập (đặt) Văn phòng đại diện tại Việt Nam của nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài phải được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép cấp giấy phép.

Điều 3. Cấp giấy phép thành lập (đặt) Văn phòng đại diện

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập (đặt) Văn phòng đại diện (sau đây gọi tắt là giấy phép) được lập thành 01 (một) bộ bằng tiếng Việt và tiếng Anh (trường hợp có sự khác nhau về nội dung giữa bản tiếng Việt và bản tiếng Anh thì sử dụng bản tiếng Việt), gửi trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện, dịch vụ chuyển phát đến Cục Xuất bản, bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép (theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này);

b) Văn bản của cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại nước nơi đặt trụ sở chính;

c) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hợp đồng thuê trụ sở tại Việt Nam để làm Văn phòng đại diện hoặc giấy tờ có giá trị tương đương;

d) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đứng đầu Văn phòng đại diện.

2. Trường hợp hồ sơ không đúng quy định tại khoản 1 Điều này, trong thời hạn 05 (năm) ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Xuất bản phải thông báo bằng văn bản để nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ hoặc trả lại hồ sơ.

3. Cục Xuất bản có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này. Thời hạn cấp giấy phép không bao gồm thời gian bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ đối với trường hợp hồ sơ không đúng quy định.

4. Giấy phép có thời hạn 05 (năm) năm kể từ ngày ký và được gia hạn mỗi lần không quá 05 (năm) năm.

5. Trường hợp không cấp giấy phép, Cục Xuất bản phải thông báo bằng văn bản cho nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài về lý do không cấp giấy phép ngay khi hết thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 4. Thông báo hoạt động của Văn phòng đại diện

Trong thời gian 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép, Văn phòng đại diện phải thông báo bằng văn bản cho Sở Thông tin và Truyền thông sở tại và đăng tải trên báo in hoặc báo điện tử đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (trong 03 số liên tiếp hoặc 03 ngày liên tiếp) về các thông tin sau đây:

1. Tên, địa chỉ, số điện thoại, website (nếu có) của nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài;

2. Tên, địa chỉ, số điện thoại của Văn phòng đại diện và các thông tin khác (nếu có);

3. Họ và tên, quốc tịch của người đứng đầu Văn phòng đại diện;

4. Số giấy phép, ngày cấp giấy phép, thời hạn của giấy phép, tên cơ quan cấp giấy phép;

5. Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện ghi trong giấy phép;

6. Ngày, tháng, năm bắt đầu hoạt động.

Điều 5. Cấp lại giấy phép, gia hạn giấy phép, xác nhận thông tin thay đổi vào giấy phép

1. Cấp lại giấy phép:

Khi bị mất, bị hư hỏng giấy phép, nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài thực hiện hoặc ủy quyền cho người đứng đầu Văn phòng đại diện đề nghị cấp lại giấy phép theo quy định sau đây:

a) Trong thời gian 05 (năm) ngày, kể từ ngày bị mất, bị hư hỏng giấy phép, phải thông báo bằng văn bản gửi Cục Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông sở tại trong đó nêu rõ lý do bị mất, bị hư hỏng giấy phép;

b) Trong thời gian 10 (mười) ngày, kể từ ngày bị mất, bị hư hỏng giấy phép phải có hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép. Hồ sơ gồm đơn đề nghị cấp lại giấy phép (theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này) và bản sao giấy phép (nếu có) hoặc giấy phép bị hư hỏng gửi trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện, dịch vụ chuyển phát đến Cục Xuất bản.

2. Gia hạn giấy phép:

a) Ít nhất 30 (ba mươi) ngày, trước ngày giấy phép hết hạn, nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài được đề nghị gia hạn giấy phép thành lập (đặt) Văn phòng đại diện. Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép được gửi trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện, dịch vụ chuyển phát đến Cục Xuất bản, bao gồm đơn đề nghị gia hạn giấy phép (theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này) và giấy phép đã được cấp;

b) Đối với Giấy phép đã cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành có thời hạn 05 (năm) năm kể từ ngày ký. Trường hợp giấy phép đã quá thời hạn 05 (năm) năm thì nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài phải lập hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép theo quy định tại điểm a khoản này.

3. Xác nhận thông tin thay đổi vào giấy phép:

Ít nhất 10 (mười) ngày, trước ngày có sự thay đổi về địa điểm, người đứng đầu, tên gọi, nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện, nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài phải thực hiện như sau:

a) Đối với trường hợp thay đổi địa điểm của Văn phòng đại diện:

Trực tiếp hoặc ủy quyền cho Văn phòng đại diện thông báo bằng văn bản để Cục Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông sở tại biết về việc thay đổi địa điểm. Gửi trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện, dịch vụ chuyển phát giấy phép đã được cấp, bản sao có chứng thực hoặc bản chính kèm theo bản sao để đối chiếu giấy tờ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 Thông tư này và đơn đề nghị (theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này) đến Cục Xuất bản.

b) Đối với trường hợp thay đổi người đứng đầu, tên gọi, nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện:

Trực tiếp hoặc ủy quyền cho Văn phòng đại diện thông báo bằng văn bản để Cục Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông sở tại biết về việc thay đổi người đứng đầu, tên gọi, nội dung hoạt động. Gửi trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện, dịch vụ chuyển phát giấy phép đã được cấp, phiếu lý lịch tư pháp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Thông tư này (đối với trường hợp thay đổi người đứng đầu) và đơn đề nghị (theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này) đến Cục Xuất bản.

4. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đối với các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, Cục Xuất bản có trách nhiệm xem xét, trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cấp lại giấy phép, gia hạn giấy phép, xác nhận thông tin thay đổi vào giấy phép; Trường hợp không cấp lại giấy phép, gia hạn giấy phép, xác nhận thông tin thay đổi vào giấy phép, Cục Xuất bản phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

5. Trong thời gian chờ cấp lại giấy phép, gia hạn, xác nhận thông tin thay đổi vào giấy phép, Văn phòng đại diện vẫn được hoạt động.

Điều 6. Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện

1. Giới thiệu về tổ chức và sản phẩm của nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài mà mình đại diện dưới hình thức giới thiệu trực tiếp, trưng bày, triển lãm, quảng cáo và hình thức khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Thực hiện chức năng liên lạc giữa tổ chức, cá nhân tại Việt Nam với nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài mà mình đại diện.

3. Nghiên cứu thị trường để thúc đẩy cơ hội mua, bán xuất bản phẩm giữa nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài mà mình đại diện với tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam.

4. Hỗ trợ xúc tiến các hoạt động trao đổi, hợp tác về bản quyền, về xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm giữa nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài mà mình đại diện với tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

5. Được nhập khẩu xuất bản phẩm không nhằm mục đích kinh doanh theo quy định của pháp luật.

6. Các việc khác theo quy định của pháp luật Việt Nam về Văn phòng đại diện.

Điều 7. Chế độ báo cáo của Văn phòng đại diện

1. Định kỳ 06 (sáu) tháng một lần, Văn phòng đại diện phải báo cáo bằng văn bản (theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này) gửi đến Cục Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông sở tại vào ngày 30 tháng 6 và 31 tháng 12 hằng năm.

2. Trong trường hợp đột xuất, khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, Văn phòng đại diện có nghĩa vụ báo cáo, cung cấp tài liệu hoặc giải trình những vấn đề có liên quan đến hoạt động của mình.

Điều 8. Chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện

1. Văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau:

a) Nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài tự nguyện chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện tại Việt Nam;

b) Nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài chấm dứt hoạt động hoặc giải thể, phá sản;

c) Giấy phép thành lập (đặt) Văn phòng đại diện hết hạn;

d) Bị thu hồi giấy phép theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này.

2. Trước khi chấm dứt hoạt động 30 (ba mươi) ngày đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này, Văn phòng đại diện phải thực hiện các việc sau:

a) Niêm yết công khai tại trụ sở của Văn phòng đại diện về việc chấm dứt hoạt động và nêu rõ thời điểm chấm dứt hoạt động;

b) Gửi thông báo về việc chấm dứt hoạt động và nêu rõ thời điểm chấm dứt hoạt động đến Cục Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông sở tại và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

c) Đăng tải trên báo viết hoặc báo điện tử đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (03 số liên tiếp hoặc 03 ngày liên tiếp) về việc chấm dứt hoạt động và thời điểm chấm dứt hoạt động.

Điều 9. Những việc không được thực hiện

1. Đối với Văn phòng đại diện:

a) Hoạt động mà không có giấy phép theo quy định tại Thông tư này;

b) Làm đại diện cho nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài khác mà không có giấy phép;

c) Thành lập, tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp về xuất bản, in xuất bản phẩm và phát hành sách tại Việt Nam hoặc thực hiện công việc trực tiếp tạo ra lợi nhuận tại Việt Nam;

d) Hoạt động sau khi nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài đã chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản.

2. Đối với người đứng đầu Văn phòng đại diện:

a) Ký kết hợp đồng, giao dịch hoặc thực hiện công việc trực tiếp tạo ra lợi nhuận tại Việt Nam cho Văn phòng đại diện, nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài mà mình đại diện;

b) Thành lập, tham gia dưới mọi hình thức để thành lập hoặc điều hành doanh nghiệp về xuất bản, in xuất bản phẩm và phát hành sách tại Việt Nam.

Điều 10. Các trường hợp bị từ chối cấp giấy phép, bị thu hồi giấy phép

1. Nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài bị từ chối cấp giấy phép thành lập (đặt) Văn phòng đại diện tại Việt Nam theo một hoặc nhiều trường hợp sau đây:

a) Trong thời hạn 02 (hai) năm, kể từ ngày bị thu hồi giấy phép theo quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Có lý do hoặc bằng chứng cho thấy việc đặt Văn phòng đại diện gây phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân Việt Nam, vi phạm điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, làm ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ của Việt Nam với một hoặc nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

2. Nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài bị thu hồi giấy phép thành lập (đặt) Văn phòng đại diện tại Việt Nam và buộc phải chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện theo một hoặc nhiều trường hợp sau đây:

a) Văn phòng đại diện hoạt động không đúng nội dung ghi trong giấy phép;

b) Vi phạm quy định tại Điều 10 của Luật Xuất bản;

c) Không thành lập (đặt) Văn phòng đại diện hoặc Văn phòng đại diện không hoạt động trong 06 tháng kể từ ngày được cấp, cấp lại, gia hạn giấy phép;

d) Vi phạm các điểm b, c, d khoản 1 Điều 9 của Thông tư này;

đ) Có lý do hoặc bằng chứng cho thấy, trong quá trình hoạt động, Văn phòng đại diện gây phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân Việt Nam, vi phạm điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, làm ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ của Việt Nam với một hoặc nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Điều 11. Trách nhiệm của nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài

1. Tuân thủ đúng các quy định của Thông tư này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam về Văn phòng đại diện.

2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ hoạt động của Văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Điều 12. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước

1. Đối với Cục Xuất bản:

a) Quản lý các Văn phòng đại diện trên phạm vi cả nước theo quy định của Thông tư này và các quy định pháp luật có liên quan;

b) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn, xác nhận thông tin thay đổi vào giấy phép thành lập (đặt) Văn phòng đại diện theo quy định tại Thông tư này.

2. Đối với Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông:

a) Chủ trì, phối hợp với Cục Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đối với Văn phòng đại diện trên phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật và Thông tư này;

b) Giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân liên quan đến Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

3. Đối với Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Quản lý hoạt động của các Văn phòng đại diện trên địa bàn theo quy định của Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan; báo cáo kịp thời với Bộ Thông tin và Truyền thông khi phát hiện có sai phạm;

b) Tham gia, phối hợp với Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản trong việc kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đối với Văn phòng đại diện.

Điều 13. Ban hành biểu mẫu

Ban hành kèm theo Thông tư này 05 biểu mẫu gồm:

1. Mẫu số 1: Đơn đề nghị cấp, cấp lại giấy phép thành lập (đặt) Văn phòng đại diện tại Việt Nam;

2. Mẫu số 2: Đơn đề nghị gia hạn, xác nhận thông tin thay đổi vào giấy phép thành lập (đặt) Văn phòng đại diện tại Việt Nam;

3. Mẫu số 3: Giấy phép thành lập (đặt) Văn phòng đại diện tại Việt Nam của nhà xuất bản nước ngoài;

4. Mẫu số 4: Giấy phép thành lập (đặt) Văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài;

5. Mẫu số 5: Báo cáo tình hình hoạt động của Văn phòng đại diện.

Điều 14. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2011.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh bằng văn bản về Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Đỗ Quý Doãn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.