• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/04/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 15/09/2015
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 04/2013/TT-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
An Giang, ngày 1 tháng 3 năm 2013

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2010

của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định

 số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành

một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp

_______________________

 

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp (sau đây được viết tắt là Nghị định số 127/2008/NĐ-CP);

Căn cứ Nghị định số 100/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Việc làm;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 10 năm 2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp (Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 10 năm 2010 nêu trên sau đây được viết tắt là Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH) như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:

“Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

Đối tượng và phạm vi áp dụng của Thông tư này là những đối tượng và phạm vi áp dụng quy định tại Điều 1, Điều 2 và Điều 3 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung.”

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 2 như sau:

“Điều 2. Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp

1. Người đang đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung được hướng dẫn thực hiện như sau:

Người đang đóng bảo hiểm thất nghiệp là người có tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau:

a) Người lao động có các tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương, tiền công tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.

b) Người lao động có các tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương, tiền công tháng tại đơn vị.

2. Người thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 15 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung được hướng dẫn thực hiện như sau:

a) Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ mười hai tháng trở lên trong thời gian hai mươi bốn tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo đúng quy định của pháp luật.

Tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc ít nhất 01 ngày trong tháng đó.

b) Đã đăng ký thất nghiệp với Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây được viết tắt là Trung tâm Giới thiệu việc làm) khi mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

c) Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày đăng ký thất nghiệp với Trung tâm Giới thiệu việc làm theo quy định tại Điểm b Khoản này, ngày thứ nhất trong 15 ngày nêu trên là ngày ngay sau ngày người lao động đăng ký thất nghiệp, tính theo ngày làm việc.

Ngày làm việc áp dụng cho tất cả các trường hợp trong Thông tư này là ngày làm việc từ ngày thứ hai đến hết ngày thứ sáu hằng tuần.”

3. Sửa đổi, bổ sung Khoản 6 và Khoản 7 Điều 3 như sau:

“6. Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 23 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP, được hướng dẫn thực hiện như sau:

a) Hết thời hạn hưởng theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

b) Có việc làm.

Người lao động được xác định là có việc làm thuộc một trong các trường hợp sau:

- Đã giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (kể cả thời gian thử việc có hưởng lương) từ đủ 3 tháng trở lên. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực theo quy định của pháp luật;

- Có quyết định tuyển dụng đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Ngày có việc làm trong trường hợp này được xác định là ngày bắt đầu làm việc của người đó ghi trong quyết định tuyển dụng;

- Chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ quan có thẩm quyền cấp:

Đối với ngành nghề kinh doanh không điều kiện: ngày có việc làm đối với chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là ngày ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

Đối với ngành nghề chỉ kinh doanh các ngành nghề có điều kiện: ngày có việc làm đối với chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là ngày đáp ứng đủ các điều kiện để hoạt động kinh doanh.

c) Thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ngày mà người lao động được xác định thực hiện nghĩa vụ quân sự là ngày người lao động nhập ngũ.

d) Được hưởng lương hưu hằng tháng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Ngày mà người lao động được xác định nghỉ hưu là ngày bắt đầu tính hưởng lương hưu được ghi trong Quyết định hưởng lương hưu hằng tháng.

đ) Sau hai lần từ chối nhận việc làm do Trung tâm Giới thiệu việc làm giới thiệu mà không có lý do chính đáng.

Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ chối nhận việc làm thuộc một trong các trường hợp sau, được xác định là không có lý do chính đáng:

- Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ chối nhận việc làm mà việc làm đó người lao động đã được đào tạo;

- Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ chối những việc làm mà người lao động đó đã từng thực hiện;

- Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp là lao động phổ thông từ chối những việc làm chỉ cần lao động phổ thông thực hiện.

e) Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, ba tháng liên tục không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm với Trung tâm Giới thiệu việc làm theo quy định.

g) Ra nước ngoài để định cư. Ngày mà người lao động được xác định ra nước ngoài định cư là ngày xóa đăng ký thường trú của người lao động theo quy định của pháp luật về cư trú.

h) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh (kể cả trường hợp đi cai nghiện tại các Trung tâm cai nghiện) hoặc chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo. Ngày mà người lao động được xác định chấp hành Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính là ngày bắt đầu thực hiện biện pháp xử lý hành chính được ghi trong quyết định.

i) Bị chết.

Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tất cả các trường hợp nêu trên vào những ngày của tháng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp của cả tháng đó.

7. Trường hợp người lao động thuộc các trường hợp theo quy định tại Điểm b, c, d, g và h Khoản 6 Điều này thì trong thời hạn 3 ngày tính theo ngày làm việc phải thông báo với Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu số 21 ban hành kèm theo Thông tư này (trường hợp gửi theo đường bưu điện thì tính theo ngày ghi trên dấu bưu điện) và kèm theo giấy tờ có liên quan đến việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp (bản chụp) cụ thể như sau:

a) Bản chụp hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc quyết định tuyển dụng hoặc giấy phép đăng ký kinh doanh đối với trường hợp theo quy định tại Điểm b Khoản 6 Điều này.

b) Bản chụp giấy triệu tập thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với trường hợp theo quy định tại Điểm c Khoản 6 Điều này.

c) Bản chụp quyết định hưởng lương hưu đối với trường hợp theo quy định tại Điểm d Khoản 6 Điều này.

d) Bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc xóa đăng ký thường trú đối với trường hợp theo quy định tại Điểm g Khoản 6 Điều này.

đ) Bản chụp quyết định đối với trường hợp theo quy định tại Điểm h Khoản 6 Điều này.”

4. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 và Khoản 3 Điều 4 như sau:

“2. Mức hỗ trợ học nghề quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung được hướng dẫn thực hiện như sau:

Mức hỗ trợ học nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tùy theo mức chi phí học nghề của từng nghề và thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu học nghề với mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ chi phí học nghề theo quy định thì phần vượt quá mức chi phí này do người lao động chi trả.

3. Thời gian được hỗ trợ học nghề quy định tại Khoản 3 Điều 17 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung được hướng dẫn thực hiện như sau:

Thời gian được hỗ trợ học nghề phụ thuộc vào thời gian đào tạo của từng nghề và nhu cầu đào tạo của từng người lao động, nhưng không quá 6 tháng. Thời gian bắt đầu để được hỗ trợ học nghề tính từ ngày người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng.

Trong thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định, nếu người lao động có nhu cầu học nghề thì phải làm đơn đề nghị hỗ trợ học nghề. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định hỗ trợ học nghề trong thời hạn 15 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị hỗ trợ học nghề của người lao động. Trường hợp người lao động đã hưởng hết thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định mà vẫn tiếp tục học nghề hoặc chuẩn bị tham gia học nghề theo quyết định của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thì vẫn được hỗ trợ học nghề cho đến hết thời gian học nghề.”

5. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 và Khoản 2 và khoản 3 Điều 9 như sau:

“1. Đăng ký thất nghiệp theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung được hướng dẫn thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày người lao động bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, nếu người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động phải trực tiếp đến Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc để đăng ký thất nghiệp. Trường hợp người lao động có nhu cầu đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm không phải là nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc thì khi đăng ký thất nghiệp phải có xác nhận về việc chưa đăng ký thất nghiệp của Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Người lao động đề nghị xác nhận chưa đăng ký thất nghiệp theo mẫu 1a ban hành kèm theo Thông tư này, Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có trách nhiệm xem xét và xác nhận việc chưa đăng ký thất nghiệp cho người lao động theo mẫu số 1b ban hành kèm theo Thông tư này. Trung tâm Giới thiệu việc làm chỉ cấp duy nhất 01 bản xác nhận cho người lao động, người lao động phải có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn bản xác nhận.

Thời hạn 3 tháng nêu trên được tính theo tháng dương lịch và được tính từ ngày người lao động mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đến ngày đó của 3 tháng sau. Nếu tháng kết thúc thời hạn không có ngày tương ứng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó.

Người lao động khi đến đăng ký thất nghiệp có trách nhiệm kê khai đầy đủ các nội dung trong bản Đăng ký thất nghiệp theo mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này nộp cho Trung tâm Giới thiệu việc làm. Riêng đối với trường hợp người lao động đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm khác nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc thì phải nộp cho Trung tâm Giới thiệu việc làm đó bản xác nhận về việc chưa đăng ký thất nghiệp theo mẫu số 1b nêu trên.

Trung tâm Giới thiệu việc làm có trách nhiệm hướng dẫn, xem xét các nội dung của người lao động kê khai trong bản Đăng ký thất nghiệp và khi nhận bản đăng ký thất nghiệp phải trao lại cho người lao động bản Thông tin đăng ký thất nghiệp theo mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

Ví dụ 5: Ông Nguyễn Văn A chấm dứt hợp đồng lao động ngày 15/1/2013 thì ngày ông A hết thời hạn đăng ký thất nghiệp là ngày 15/4/2013.

b) Những trường hợp người lao động đăng ký thất nghiệp quá thời hạn theo quy định tại Điểm a Khoản này nhưng nhiều nhất không quá 7 ngày tính theo ngày dương lịch kể từ ngày hết hạn đăng ký thất nghiệp theo quy định thì được đăng ký thất nghiệp và xem xét giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

- Ốm đau, thai sản có giấy xác nhận của Bệnh viện cấp huyện hoặc cấp tương đương trở lên;

- Bị tai nạn có giấy xác nhận của Bệnh viện cấp huyện hoặc cấp tương đương trở lên hoặc xác nhận của cảnh sát giao thông đối với trường hợp bị tai nạn giao thông;

- Do thiên tai, dịch họa có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây được viết tắt là cấp xã) theo đơn đề nghị của người lao động.

2. Hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 37 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung, bao gồm:

a) Đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Bản sao hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc quyết định thôi việc hoặc xác nhận của đơn vị cuối cùng trước khi thất nghiệp về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, người lao động phải xuất trình sổ Bảo hiểm xã hội có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp hoặc bản xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp

Người lao động phải trực tiếp nộp đầy đủ hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 15 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày đăng ký thất nghiệp (ngày thứ nhất trong thời hạn mười lăm ngày là ngày làm việc ngay sau ngày người lao động đăng ký thất nghiệp).

Trung tâm Giới thiệu việc làm chỉ nhận hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi đã đầy đủ các giấy tờ theo quy định, sau khi nhận hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp phải trao lại cho người lao động phiếu hẹn trả lời kết quả theo mẫu số 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

Ví dụ 6:

Ông Hoàng Văn An đăng ký thất nghiệp ngày 15/1/2013 thì ngày thứ nhất được tính trong thời hạn nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp của ông An là ngày 16/1/2013. Như vậy, thời hạn nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp của ông An theo quy định (15 ngày làm việc kể từ ngày đăng ký thất nghiệp) là ngày 05/2/2013.

Những trường hợp người lao động không phải trực tiếp nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp:

- Ốm đau, thai sản có giấy xác nhận của Bệnh viện cấp huyện hoặc cấp tương đương trở lên;

- Bị tai nạn có giấy xác nhận của Bệnh viện cấp huyện hoặc cấp tương đương trở lên hoặc xác nhận của cảnh sát giao thông đối với trường hợp bị tai nạn giao thông;

- Do thiên tai, dịch họa có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo đơn đề nghị của người lao động.

Các trường hợp không trực tiếp đến Trung tâm Giới thiệu việc làm để nộp hồ sơ thì người lao động gửi hồ sơ theo quy định thông qua người khác hoặc qua đường bưu điện (trường hợp gửi theo đường bưu điện thì tính theo ngày ghi trên dấu bưu điện).

3. Giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 38 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung được hướng dẫn thực hiện như sau:

a) Thời hạn giải quyết:

Trong thời hạn 20 ngày tính theo ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

b) Đối với những trường hợp được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp:

- Trợ cấp thất nghiệp:

+ Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm có trách nhiệm xác định mức hưởng, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, dự thảo Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp của từng người lao động và trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ký quyết định.

+ Quyết định của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội gửi một bản đến Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Bảo hiểm xã hội tỉnh) để thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp; một bản lưu tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; một bản gửi Trung tâm Giới thiệu việc làm để thực hiện việc tư vấn, giới thiệu việc làm và theo dõi việc tìm kiếm việc làm của người thất nghiệp, xác định người thất nghiệp trong trường hợp tạm dừng hoặc chấm dứt hay tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp; một bản trao trực tiếp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm cho người lao động để thực hiện. Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu số 5 ban hành kèm theo Thông tư này.

Đối với các trường hợp được hưởng trợ cấp một lần theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP thì người lao động có đơn đề nghị hưởng trợ cấp một lần theo mẫu số 6 ban hành kèm theo Thông tư này; Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm có trách nhiệm xác định mức hưởng trợ cấp một lần, dự thảo Quyết định về việc hưởng trợ cấp một lần của từng người lao động và trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ký quyết định; Quyết định của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội gửi một bản đến Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để thực hiện chi trả trợ cấp một lần; một bản lưu tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; một bản gửi Trung tâm Giới thiệu việc làm và một bản gửi người lao động để thực hiện. Quyết định hưởng trợ cấp một lần thực hiện theo mẫu số 7 ban hành kèm theo Thông tư này.

Trình tự, thủ tục chi trả trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

- Tư vấn, giới thiệu việc làm:

Khi đăng ký thất nghiệp, người lao động có trách nhiệm ghi rõ nhu cầu tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề trong bản Đăng ký thất nghiệp. Trung tâm Giới thiệu việc làm tổ chức thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho người lao động ngay khi người lao động đến đăng ký thất nghiệp. Kinh phí cho hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

- Hỗ trợ học nghề:

+ Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu học nghề thì phải làm đơn đề nghị hỗ trợ học nghề theo mẫu số 8 ban hành kèm theo Thông tư này gửi Trung tâm Giới thiệu việc làm. Người lao động có nhu cầu học nghề có thể nộp đơn đề nghị hỗ trợ học nghề ngay sau khi đăng ký thất nghiệp.

+ Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm có trách nhiệm xác định nghề, mức hỗ trợ học nghề, thời gian học nghề, nơi học nghề, dự thảo Quyết định về việc hỗ trợ học nghề đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ký quyết định. Trường hợp, người lao động có đơn đề nghị hỗ trợ học nghề ngay sau khi đăng ký thất nghiệp thì thời điểm để tính thời hạn giải quyết của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là ngày đầu tiên người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

+ Quyết định của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội gửi một bản đến Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để thực hiện chi trả chi phí dạy nghề cho cơ sở dạy nghề; một bản lưu tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; một bản gửi Trung tâm Giới thiệu việc làm để tiếp tục thực hiện việc tư vấn, giới thiệu việc làm sau khi học nghề; một bản gửi cho cơ sở dạy nghề để thực hiện việc dạy nghề cho người lao động; một bản gửi người lao động để thực hiện.

Quyết định hưởng hỗ trợ học nghề thực hiện theo mẫu số 9 ban hành kèm theo Thông tư này.

Trình tự, thủ tục chi trả hỗ trợ học nghề theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

c) Sau 2 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày ghi trong phiếu trả kết quả, nếu người lao động không đến nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc quyết định hỗ trợ học nghề thì được coi là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc hỗ trợ học nghề. Trung tâm Giới thiệu việc làm có trách nhiệm trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ký, ban hành quyết định về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc quyết định về việc hủy quyết định hỗ trợ học nghề của người lao động.

Quyết định về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu số 22, Quyết định về việc hủy quyết định hỗ trợ học nghề của người lao động theo mẫu số 23 ban hành kèm theo Thông tư này.

Quyết định về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, Quyết định về việc hủy quyết định hỗ trợ học nghề được gửi một bản đến Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để dừng việc chi trả trợ cấp thất nghiệp hoặc hỗ trợ học nghề, một bản lưu tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, một bản gửi Trung tâm Giới thiệu việc làm và một bản gửi người lao động để biết.

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động trong trường hợp hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp được cộng dồn theo quy định tại Điều 21 Nghị định 127/2008/NĐ-CP.

d) Đối với những trường hợp người lao động đã nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng chưa nhận trợ cấp thất nghiệp mà không có nhu cầu nhận trợ cấp thất nghiệp để cộng dồn thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 21 Nghị định 127/2008/NĐ-CP thì người lao động làm đơn đề nghị không hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu số 24 ban hành kèm theo Thông tư này. Trung tâm Giới thiệu việc làm có trách nhiệm dự thảo Quyết định về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu số 22 ban hành kèm theo Thông tư này và trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ký, ban hành.

Quyết định về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp nêu trên gửi một bản đến Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để dừng việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, một bản lưu tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, một bản gửi Trung tâm Giới thiệu việc làm và một bản gửi người lao động để biết.

đ) Đối với những trường hợp không được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp: Trung tâm Giới thiệu việc làm phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do theo mẫu số 10 ban hành kèm theo Thông tư này.”

6. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:

“Điều 10. Chuyển hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động có nhu cầu chuyển hưởng đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác để tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phải làm đơn đề nghị chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu số 11 ban hành kèm theo Thông tư này và gửi Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có trách nhiệm giới thiệu chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đề nghị của người lao động kèm theo bản sao quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định hỗ trợ học nghề (nếu có); bản chụp các bản thông báo về việc tìm kiếm việc làm, quyết định tạm dừng và tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có) và thông báo bằng văn bản với Bảo hiểm xã hội tỉnh về việc chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động đó.

Trong thời hạn 10 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày người lao động nhận giấy giới thiệu chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải nộp giấy giới thiệu chuyển hưởng và các giấy tờ nêu trên đến Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi chuyển đến để Trung tâm Giới thiệu việc làm đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh tiếp tục thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp (kèm theo bản sao quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp) và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định. Giấy giới thiệu chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo mẫu số 12 ban hành kèm theo Thông tư này.

Việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện.”

7. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 11 như sau:

“1. Thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm theo quy định tại Khoản 2 Điều 34 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung được hướng dẫn thực hiện như sau:

Hằng tháng, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải trực tiếp đến Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp để thông báo về việc tìm kiếm việc làm, trừ các trường hợp sau:

- Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị ốm đau, thai sản thì phải có giấy xác nhận của Bệnh viện cấp huyện hoặc cấp tương đương trở lên;

- Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị tai nạn thì phải có giấy xác nhận của Bệnh viện cấp huyện hoặc cấp tương đương trở lên hoặc xác nhận của cảnh sát giao thông đối với trường hợp bị tai nạn giao thông;

- Do thiên tai, dịch họa thì phải có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo đơn đề nghị của người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Các trường hợp không trực tiếp đến Trung tâm Giới thiệu việc làm nêu trên, chậm nhất 3 ngày tính theo ngày làm việc sau ngày thông báo về việc tìm việc làm theo quy định thì người lao động phải gửi giấy tờ theo quy định nêu trên đến Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, trường hợp gửi theo đường bưu điện thì tính theo ngày ghi trên dấu bưu điện.

Ngày thông báo và xác nhận của Trung tâm Giới thiệu việc làm được ghi tại bản Thông tin về việc thông báo tìm kiếm việc làm theo mẫu số 25 ban hành kèm theo Thông tư này. Bản Thông tin về việc thông báo tìm kiếm việc làm được gửi cho người lao động khi đến nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Khi thực hiện việc thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định, người lao động phải cầm theo quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp và tờ thông tin nêu trên để Trung tâm xác nhận về việc thông báo của người lao động. Nếu bị thất lạc tờ thông tin về việc thông báo tìm kiếm việc làm thì người lao động phải đề nghị Trung tâm Giới thiệu việc làm cấp lại để theo dõi.

Thông báo về việc tìm kiếm việc làm được thực hiện theo mẫu số 13 ban hành kèm theo Thông tư này.”

8. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 17 như sau:

“1. Hằng năm thông báo cho từng người lao động về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.

2. Thực hiện việc chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội hoặc bản xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động chậm nhất trong 5 ngày tính theo ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

3. Tổ chức chi trả trợ cấp thất nghiệp hằng tháng, trợ cấp một lần cho người lao động trong thời hạn 5 ngày, tính theo ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trường hợp, không thực hiện việc chi trả theo đúng thời gian hoặc từ chối yêu cầu chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp không đúng quy định của pháp luật thì phải có văn bản thông báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và người lao động biết, nêu rõ lý do theo mẫu số 26 ban hành kèm theo Thông tư này.

Cấp thẻ bảo hiểm y tế và giải quyết quyền lợi về bảo hiểm y tế cho người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.”

9. Sửa đổi, bổ sung Khoản 4 và Khoản 7 Điều 20 như sau:

“4. Bảo quản hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp và cung cấp thông tin cho người lao động về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp sau 2 ngày tính theo ngày làm việc, kể từ ngày người lao động yêu cầu.”

“7. Thông báo với Trung tâm Giới thiệu việc làm tại địa phương về số lao động đang làm việc tại thời điểm ngày 01 tháng 5 năm 2013 theo mẫu số 27 ban hành kèm theo Thông tư này trong thời hạn 30 ngày kể từ thời điểm nêu trên. Đối với các đơn vị thành lập sau ngày 15 tháng 4 năm 2013 thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập phải thông báo về Trung tâm Giới thiệu việc làm số lao động làm việc tại đơn vị theo mẫu số 27 ban hành kèm theo Thông tư này.

Trước ngày 25 hằng tháng người sử dụng lao động phải thông báo với Trung tâm Giới thiệu việc làm tại địa phương về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị (tính từ ngày 20 tháng trước đến ngày 20 của tháng thông báo) theo mẫu số 28 ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp, người sử dụng lao động giảm từ 50 lao động trở lên thì phải thông báo ngay với Trung tâm Giới thiệu việc làm địa phương sở tại để tư vấn, hỗ trợ kịp thời nhằm thực hiện đúng quy định pháp luật.”

10. Sửa đổi tên biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH:

a) Bãi bỏ “mẫu số 11” và “mẫu số 12”;

b) Sửa “mẫu số 13” thành “mẫu số 11”;

c) Sửa “mẫu số 14” thành mẫu số 12”;

d) Sửa “mẫu số 15” thành “mẫu số 13”;

đ) Sửa "mẫu số 16” thành “mẫu số 14”;

e) Sửa “mẫu số 17” thành “mẫu số 15”;

f) Sửa “mẫu số 18” thành “mẫu số 16”;

g) Sửa “mẫu số 19” thành “mẫu số 17”;

h) Sửa “mẫu số 20” thành “mẫu số 18”;

i) Sửa “mẫu số 21” thành “mẫu số 19”;

k) Sửa “mẫu số 22” thành “mẫu số 20”.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2013.

2. Người lao động bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trước ngày 15 tháng 1 năm 2013 mà đến ngày 15 tháng 1 năm 2013 vẫn đang trong thời hạn 7 ngày đăng ký thất nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP nhưng chưa đăng ký thất nghiệp thì được thực hiện đăng ký thất nghiệp với Trung tâm Giới thiệu việc làm trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

3. Những trường hợp tính thời hạn theo dương lịch tại Thông tư này mà ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ lễ hoặc ngày nghỉ hàng tuần thì ngày cuối cùng của thời hạn là ngày làm việc liền kề sau ngày nghỉ.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để hướng dẫn, bổ sung kịp thời./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thanh Hoà

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.