THÔNG TƯ
Hướng dẫn các loại thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm được hỗ trợ theo Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 và Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ
_______________________
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 Quyết định 142/2009/QĐ-TTg;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư Hướng dẫn các loại thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm được hỗ trợ theo Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 và Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 1. Các loại thiên tai được hỗ trợ
Các loại thiên tai gây thiệt hại trực tiếp đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg bao gồm các loại thiên tai theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013.
Điều 2. Các loại sinh vật gây hại, dịch bệnh nguy hiểm đối với cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản được hỗ trợ
Các loại sinh vật gây hại, dịch bệnh nguy hiểm đối với cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản được hỗ trợ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg, bao gồm:
1. Loại sinh vật gây hại nguy hiểm đối với cây trồng:
a) Đối với cây lúa: Rầy nâu; bệnh vàng lùn, lùn sọc đen, lùn xoắn lá; bệnh đạo ôn; bệnh bạc lá, đốm sọc; bệnh đen lép hạt, thối hạt vi khuẩn;
b) Đối với các loại cây trồng khác: Bệnh chồi cỏ mía; Bệnh trắng lá mía; chổi rồng trên sắn (khoai mỳ), nhãn; Rệp sáp bột hồng hại sắn; Bệnh rụng lá cao su do nấm Corynespora cassiicola gây ra; Bệnh tuyến trùng rễ cà phê; Bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu; Bệnh đốm nâu (đốm trắng) hại cây thanh long; lùn sọc đen trên cây ngô.
2. Loại dịch bệnh nguy hiểm đối với vật nuôi gồm:
a) Bệnh cúm gia cầm;
b) Bệnh lở mồm long móng ở gia súc;
c) Bệnh tai xanh ở lợn.
3. Loại dịch bệnh nguy hiểm đối với động vật thuỷ sản gồm:
a) Bệnh đốm trắng ở tôm sú, tôm thẻ chân trắng;
b) Bệnh đầu vàng ở tôm sú, tôm thẻ chân trắng;
c) Hội chứng hoại tử gan tụy cấp ở tôm sú, tôm thẻ chân trắng;
d) Bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô ở tôm sú, tôm thẻ chân trắng;
đ) Bệnh hoại tử thần kinh ở cá song (cá mú), cá vược (cá chẽm);
e) Bệnh gan thận mủ ở cá tra, cá ba sa;
g) Bệnh sữa ở tôm hùm;
h) Bệnh Perkinsus đối với trường hợp tác nhân gây bệnh là Perkinsus marinus và Perkinsus olseni ở nghêu (ngao) và tu hài.
Điều 3. Thẩm quyền xác định thiệt hại do thiên tai gây ra; thẩm quyền công bố dịch hại, dịch bệnh nguy hiểm để được hưởng chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản
1. Thiên tai: Thẩm quyền xác định thiệt hại do thiên tai gây ra được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai.
2. Dịch hại, dịch bệnh nguy hiểm
a) Đối với cây trồng, vật nuôi: Thẩm quyền công bố dịch hại, dịch bệnh nguy hiểm được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y.
b) Đối với động vật thuỷ sản: Thẩm quyền công bố dịch bệnh thủy sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về thú y.
Trong trường hợp không công bố dịch, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận về loại dịch bệnh thuỷ sản xảy ra trên địa bàn cụ thể của địa phương để làm căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ.
Điều 4. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 8 năm 2014.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 39/2010/TT-BNNPTNT ngày 28/6/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các loại thiên tai dịch bệnh nguy hiểm được hỗ trợ theo Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu, giải quyết./.