• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 02/03/1993
CHÍNH PHỦ
Số: 12-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Giang, ngày 2 tháng 3 năm 1993

NGHỊ ĐỊNH

Ban hành bản quy địnhvề sắp xếp lại tổ chức và đổi mới cơ chế quản lý các doanh nghiệp nông nghiệp

Nhà nước

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Để phát huy vai trò và hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp nông nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế quốc dân;

Theo đề nghị của Bộ trưởng các Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Lâm nghiệp, Thuỷ sản, Thuỷ lợi;

 

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này bản Quy định về sắp xếp lại tổ chức và đổi mới cơ chế quản lý các doanh nghiệp nông nghiệp Nhà nước.

Điều 2. Các bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Điều 3. Nghị định này thi hành kể từ ngày ký, những quy định trước đây trái với Nghị định bày đều bãi bỏ./.

 

QUY ĐỊNH

VỀ SẮP XẾP LẠI TỔ CHỨC VÀ

ĐỔI MỚI CƠ CHẾ QUẢN LÝ CÁC DOANH NGHIỆP

NÔNG NGHIỆP NHÀ NƯỚC.

(Ban hành kèm theo Nghị định số 12-CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ).

 

SẮP XẾP LẠI TỔ CHỨC CÁC DOANH NGHIỆP NÔNG NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Điều 1. Doanh nghiệp nông nghiệp Nhà nước bao gồm các đơn vị quốc doanh sản xuất và dịch vụ nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, thuỷ lợi, các xí nghiệp, trạm trại, trung tâm sản xuất thực nghiệm nông - lâm - ngư nghiệp do Nhà nước thành lập, cấp vốn và quản lý với tư cách là chủ sở hữu, hoạt động theo cơ chế thị trường có định hướng của Nhà nước và thực hiện nguyên tắc hạch toán kinh tế, có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn.

Điều 2. Sắp xếp lại các doanh nghiệp nông nghiệp Nhà nước hiện có theo hướng như sau:

1. Những doanh nghiệp đang thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh quan trọng, làm ra sản phẩm xuất khẩu ở các vùng tập trung chuyên canh, có gắn với chế biến, kinh doanh có hiệu quả kinh tế, có khả năng tái đầu tư và phát triển tốt thì được đăng ký lại theo Nghị định số 388-HĐBT ngày 20-11-1991 và tiếp tục phát triển theo khả năng của doanh nghiệp.

Những doanh nghiệp tuy đạt hiệu quả kinh tế chưa cao nhưng có vị trí trọng yếu đối với kinh tế - xã hội của vùng, có khả năng vươn lên khắc phục khó khăn để đạt hiệu quả kinh tế cao thì được đăng ký lại theo Nghị định số 388-HĐBT.

2. Các doanh nghiệp yếu kém, làm ăn thua lỗ, không có khả năng đổi mới và phát triển thì giải thể theo quy định chung của Nhà nước. Doanh nghiệp phải kiểm kê và bảo quản chặt chẽ toàn bộ vốn, tài sản, đất đai theo quy định hiện hành và làm thủ tục giao lại đất cho chính quyền địa phương để giao đất ổn định, lâu dài cho các hộ công nhân và nông dân sản xuất.

3. Chuyển giao phần lớn doanh nghiệp nông nghiệp Nhà nước hiện do Trung ương quản lý cho địa phương quản lý; chỉ giữ lại một số doanh nghiệp quy mô lớn, gắn với chế biến, xuất khẩu hoặc làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, làm giống gốc cần do Trung ương quản lý.

4. Những doanh nghiệp chủ yếu làm dịch vụ kỹ thuật như thuỷ lợi, sản xuất giống cây, giống con... được đăng ký hoạt động theo quy chế của các doanh nghiệp làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng cho sản xuất, được Nhà nước đầu tư vốn và các điều kiện khác để hoạt động; đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp phát triển kinh doanh đa dạng nhằm tăng thu nhập cho đơn vị và người lao động. Các doanh nghiệp thuỷ nông cần sắp xếp lại theo hướng tinh giản bộ máy quản lý, bảo đảm tính hệ thống, tính lưu vực của công trình, xoá bỏ sự chia cắt máy móc theo địa giới hành chính; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tổ chức cũng như hiệu quả sử dụng công trình.

5. Những doanh nghiệp có nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa giữ gìn an ninh quốc phòng ở những địa bàn xung yếu sẽ có quy định riêng.

Điều 3. Doanh nghiệp nông nghiệp Nhà nước sau khi sắp xếp và đăng ký lại kinh doanh theo Nghị định số 388-HĐBT phải chú trọng đổi mới và tăng cường quan hệ giữa doanh nghiệp với vùng sản xuất, cụ thể là:

1. Đi đôi với tổ chức sản xuất, kinh doanh trong phạm vi quản lý, doanh nghiệp phải tích cực góp phần vào việc tạo ra môi trường thuận lợi sản xuất của vùng như thực hiện dịch vụ kỹ thuật, cung ứng vật tư, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhận uỷ thác xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn, sớm trở thành trung tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.

2. Các dự án định canh, định cư, dự án trồng cây công nghiệp dài ngày, trồng rừng, nuôi trồng thuỷ sản hình thành các khu kinh tế mới thực hiện trên địa bàn có các doanh nghiệp nông nghiệp Nhà nước trực tiếp kinh doanh thì các doanh nghiệp đó có thể được Nhà nước giao làm chủ dự án đầu tư để làm các khâu dịch vụ kỹ thuật, xây dựng kết cấu hạ tầng và tổ chức lực lượng nhân dân thực hiện các dự án.

 

ĐỔI MỚI CƠ CHẾ QUẢN LÝ NỘI BỘ DOANH NGHIỆP

Điều 4. Các doanh nghiệp nông nghiệp Nhà nước phải đổi mới cơ chế quản lý nội bộ theo hướng khai thác mạnh tiềm năng vốn có của doanh nghiệp cũng như tiềm năng của các hộ công nhân, hộ nông dân. Hoạt động của các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện và môi trường kinh tế thuận lợi để phát triển sản xuất với tốc độ nhanh và đạt hiệu quả kinh tế xã hội cao:

1. Doanh nghiệp phải điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất phù hợp với yêu cầu của thị trường và lợi thế của doanh nghiệp, chuyển các hoạt động sản xuất gắn trực tiếp với đất đai, mặt nước, cây trồng, vật nuôi cho kinh tế hộ gia đình công nhân, kể cả hộ nông dân ngoài doanh nghiệp, kể cả đất đai thừa trong các trường bắn, kho tàng, doanh trại quân đội.

2. Các doanh nghiệp nông nghiệp Nhà nước phải kiểm kê và báo cáo đầy đủ tình hình sử dụng đất của doanh nghiệp với cơ quan chủ quản để thực hiện dứt điểm chủ trương giao cho chính quyền địa phương diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả để giao cho nông dân sử dụng.

3. Số ruộng đất do doanh nghiệp quản lý thì thực hiện khoán ổn định lâu dài cho người lao động hoặc hộ thành viên doanh nghiệp để tổ chức sản xuất kinh doanh; doanh nghiệp tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ. Thực hiện định mức khoán chi phí, sản lượng trên cơ sở hợp đồng kinh tế, phần vượt khoán người nhận khoán được hưởng.

Đối với các vườn cây lâu năm và đàn gia súc mà hướng phát triển tập thể khó khăn: cần tiến hành tổng kết các hình thức khoán gọn, cho thuê, bán vườn cây, đàn gia súc cho hộ công nhân và hộ nông dân để từng bước mở rộng các hình thức có hiệu quả nhằm mục đích thu hồi được vốn sớm để tái đầu tư khai hoang đất mới. Các Bộ chủ quản cùng các ngành liên quan khẩn trương chuẩn bị các văn bản hướng dẫn để mở rộng thí điểm hình thức bán vườn cây, đàn gia súc cho các hộ thành viên và các hộ nông dân theo phương thức trả tiền ngay hoặc trả dần. Việc bán vườn cây, đàn gia súc cho các hộ phải được tiến hành từng bước trên cơ sở đánh giá đúng giá trị và định giá công khai, dân chủ, chính xác dưới sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp, không được để thất thoát tài sản Nhà nước. Bộ nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Tài chính và Ban Vật giá Chính phủ chỉ đạo chặt chẽ công việc này và báo cáo kết quả vào cuối năm 1993 để Chính phủ xem xét cho thực hiện mở rộng.

4. Đối với hoạt động chế biến tập trung có thể thực hiện khoán dưới nhiều hình thức như khoán doanh thu kết hợp khoán sản lượng và chất lượng sản phẩm, gắn tiền lương, tiền thưởng của công nhân, cán bộ doanh nghiệp với kết quả thu nhập cuối cùng của doanh nghiệp... ở những vùng nguyên liệu tập trung gắn với cơ sở chế biến lớn, cần mở rộng hình thức tổ chức gắn nhà máy với các hộ sản xuất nguyên liệu, nhà máy có trách nhiệm phát triển vùng nguyên liệu ổn định lâu dài, bảo đảm lợi ích của nhà máy và lợi ích của người sản xuất ở vùng nguyên liệu.

5. Đối với các hoạt động xây dựng cơ bản, vận tải, sửa chữa, thương nghiệp... thực hiện đấu thầu theo công trình, theo công việc, theo chuyến hàng hoặc khoán doanh thu tới từng công việc cụ thể.

6. Các doanh nghiệp dịch vụ sản xuất thì thực hiện các hình thức khoán thích hợp với đặc điểm của từng đơn vị như khoán gọn cả dịch vụ, công việc hoặc khoán từng công đoạn... nhằm gắn trách nhiệm và quyền lợi của người thực hiện với kết quả cuối cùng.

Điều 5. Bộ máy quản lý doanh nghiệp nông nghiệp Nhà nước cần được tinh giản thật gọn nhẹ, mỗi doanh nghiệp có Giám đốc và 1-2 Phó Giám đốc, kế toán trưởng, giúp việc Giám đốc có một số chuyên viên giỏi về chuyên môn nghiệp vụ.

Những doanh nghiệp lớn, có tổ chức đội hoặc phân xưởng sản xuất thì cán bộ quản lý của mỗi đơn vị chỉ gồm đội trưởng (hoặc quản đốc phân xưởng) và một kế toán.

Giám đốc doanh nghiệp có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Đảng trong doanh nghiệp phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc lựa chọn, bồi dưỡng đào tạo đội ngũ cán bộ của doanh nghiệp đủ khả năng quản lý doanh nghiệp theo cơ chế mới.

 

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 6. Bản Quy định này áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp nông nghiệp Nhà nước do các Bộ, các địa phương quản lý.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan trực thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm của mình, ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Quy định này./.

 

 

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.