• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2018
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 05/2018/TT-BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Giang, ngày 15 tháng 5 năm 2018

THÔNG TƯ

Quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi

 

 
  1/01/clip_image001.gif" width="177" />

 

 

 

Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi.

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về lập, ban hành và thực hiện quy trình vận hành công trình thủy lợi; điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

  1.  Quy trình vận hành công trình thủy lợi là văn bản quy định về nguyên tắc, trách nhiệm, tổ chức thực hiện, trình tự vận hành và các thông số kỹ thuật công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế khác; đảm bảo các công trình làm việc đúng năng lực thiết kế và an toàn, hài hòa lợi ích giữa các nhu cầu dùng nước (sau đây gọi là Quy trình vận hành).

2. Mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi là mốc xác định đường ranh giới phân định phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và ngoài phạm vi bảo vệ công trình (sau đây gọi là Mốc chỉ giới).

3. Mốc tham chiếu là mốc đã có hoặc cắm mới, được sử dụng để thay thế mốc chỉ giới trong trường hợp không thể cắm mốc chỉ giới theo quy định.

4. Tiêu nước đệm là việc vận hành công trình thủy lợi nhằm tiêu, thoát trước một lượng nước khi có dự báo các hiện tượng thời tiết gây mưa lớn có thể xảy ra ngập úng.

 

Chương II

QUY TRÌNH VẬN HÀNH CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

 

Điều 3. Yêu cầu về quy trình vận hành công trình thủy lợi

1. Bảo đảm an toàn cho công trình và an toàn cho người, tài sản trong khu vực.

2. Bảo đảm cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thủy lợi theo nhiệm vụ thiết kế của công trình.

3. Phù hợp với quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa có liên quan đến công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

4. Bảo đảm hài hòa các lợi ích, hạn chế tác động bất lợi đến các vùng liên quan; phát huy hiệu quả khai thác tổng hợp, phục vụ đa mục tiêu của công trình thủy lợi.

5. Bảo đảm tính công khai, minh bạch có sự tham gia của tổ chức, cá nhân trong cung cấp, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.

Điều 4. Nội dung quy trình vận hành công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi lớn và công trình thủy lợi vừa

1. Cơ sở pháp lý để lập quy trình, nguyên tắc vận hành công trình, thông số kỹ thuật chủ yếu, nhiệm vụ công trình.

2. Quy định về vận hành tưới, cấp nước

a) Trình tự vận hành tưới, cấp nước của công trình trường hợp nguồn nước đáp ứng nhiệm vụ thiết kế trong điều kiện bình thường;

b) Trình tự vận hành tưới, cấp nước của công trình khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ô nhiễm nước theo nguyên tắc quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 26 Luật Thủy lợi.

3. Quy định về vận hành tiêu, thoát nước

a) Trình tự vận hành tiêu, thoát nước; mực nước, lưu lượng của công trình theo nhiệm vụ thiết kế trong điều kiện bình thường;

b) Trình tự vận hành tiêu, thoát nước; mực nước, lưu lượng của công trình khi xảy ra lũ, ngập lụt, úng theo nguyên tắc quy định tại điểm a, d khoản 2 Điều 26 Luật Thủy lợi.

4. Quy định trình tự vận hành công trình trong trường hợp ngăn lũ, ngăn triều cường, lấy mặn, ngăn mặn, đẩy mặn, rửa mặn, rửa phèn, giữ ngọt, cải thiện chất lượng nước.

5. Quy định trình tự vận hành công trình khi có nguy cơ xảy ra sự cố hoặc xảy ra sự cố và trong các trường hợp khác.

6. Quy định các vị trí trạm đo; chế độ quan trắc, các thông số liên quan đến vận hành công trình; lưu trữ tài liệu quan trắc khí tượng thủy văn.

7. Quy định trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện quy trình vận hành.

8. Quy định tổ chức thực hiện, trường hợp sửa đổi, bổ sung quy trình vận hành.

Điều 5. Nội dung quy trình vận hành công trình thủy lợi nhỏ

1. Quy định vận hành công trình tưới, cấp nước của công trình trường hợp nguồn nước đáp ứng nhiệm vụ thiết kế trong điều kiện bình thường; vận hành công trình tưới, cấp nước khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

2. Quy định vận hành công trình tiêu, thoát nước theo nhiệm vụ thiết kế trong điều kiện bình thường; vận hành công trình tiêu, thoát nước khi xảy ra lũ, ngập lụt, úng.

3. Quy định vận hành công trình khi có nguy cơ xảy ra sự cố hoặc xảy ra sự cố.

4. Quy định trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân quản lý khai thác trong việc thực hiện quy trình vận hành.

5. Nội dung cụ thể quy trình vận hành tại mẫu 03 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Lập quy trình vận hành công trình thủy lợi

1. Đối với công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi lớn, công trình thủy lợi vừa

a) Đề xuất nhiệm vụ lập quy trình vận hành công trình thủy lợi;

Đối với công trình thủy lợi xây dựng mới hoặc nâng cấp, chủ đầu tư đề xuất nhiệm vụ khi lập dự án;

Đối với công trình thủy lợi đang khai thác chưa có quy trình vận hành hoặc quy trình vận hành không còn phù hợp, tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi đề xuất nhiệm vụ vào kế hoạch sản xuất kinh doanh;

b) Lựa chọn đơn vị lập quy trình vận hành công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

c) Tổ chức lập quy trình vận hành công trình thủy lợi;

d) Lấy ý kiến của tổ chức thủy lợi cơ sở, tổ chức khai thác công trình thủy lợi, các cơ quan, tổ chức liên quan đối với Dự thảo quy trình vận hành công trình thủy lợi;

đ) Thẩm định quy trình vận hành;

e) Trình, phê duyệt quy trình vận hành.

2. Đối với công trình thủy lợi nhỏ, tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác lập quy trình vận hành theo quy định tại Điều 5 và mẫu 03 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 7. Thẩm định quy trình vận hành đối với công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi lớn và công trình thủy lợi vừa

1. Hồ sơ trình thẩm định quy trình vận hành

Tổ chức, cá nhân đề nghị phê duyệt quy trình vận hành công trình thủy lợi nộp hồ sơ bao gồm 01 bản giấy và 01 bản điện tử trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều này. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ trình đề nghị phê duyệt quy trình vận hành được lập theo mẫu 04 Phụ lục I Thông tư này;

b) Dự thảo quy trình vận hành công trình theo mẫu 02 Phụ lục I Thông tư này;

c) Báo cáo thuyết minh kết quả tính toán kỹ thuật;

d) Văn bản góp ý kiến của các tổ chức thủy lợi cơ sở, tổ chức khai thác công trình thủy lợi, cơ quan, đơn vị liên quan;

đ) Bản đồ hiện trạng công trình thủy lợi.

2. Nội dung thẩm định

a) Kiểm tra cơ sở pháp lý, sự cần thiết lập quy trình vận hành công trình thủy lợi và hồ sơ trình thẩm định;

b) Kiểm tra, đánh giá độ tin cậy các tài liệu sử dụng trong tính toán, kết quả tính toán các trường hợp vận hành;

c) Lấy ý kiến của các tổ chức, cơ quan đơn vị liên quan

Tổng cục Thủy lợi có trách nhiệm lấy ý kiến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các đơn vị liên quan đối với quy trình vận hành công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt và công trình mà việc khai thác và bảo vệ liên quan đến 02 tỉnh trở lên;

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm lấy ý kiến Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan có liên quan đối với Dự thảo quy trình vận hành công trình thủy lợi trên địa bàn, trừ quy trình vận hành công trình thủy lợi nhỏ.

d) Nhận xét, đánh giá tính hợp lý, khả thi của dự thảo quy trình vận hành.

3. Cơ quan thẩm định quy trình vận hành

a) Tổng cục Thủy lợi tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định quy trình vận hành công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt và công trình mà việc khai thác và bảo vệ liên quan đến 02 tỉnh trở lên;

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định quy trình vận hành công trình thủy lợi trên địa bàn, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này và công trình thủy lợi nhỏ;

c) Cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về thủy lợi cấp huyện là đầu mối tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định quy trình vận hành công trình do Ủy ban nhân dân cấp huyện được phân cấp phê duyệt.

4. Trình tự, thủ tục thẩm định

a) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận xem xét, kiểm tra; trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận thông báo cho tổ chức đề nghị phê duyệt quy trình vận hành để hoàn chỉnh theo quy định;

b) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận tổ chức thẩm định và trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Trường hợp không đủ điều kiện phê duyệt, cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản và trả lại hồ sơ cho tổ chức đề nghị phê duyệt để bổ sung, hoàn thiện.

5. Đối với công trình thủy lợi xây dựng mới hoặc nâng cấp, Chủ đầu tư xây dựng quy trình vận hành theo các trình tự, thủ tục quy định tại Điều 6 và khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 7 Thông tư này.

Điều 8. Hội đồng thẩm định quy trình vận hành công trình thủy lợi

1. Đối với quy trình vận hành của công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi lớn, công trình thủy lợi mà việc khai thác và bảo vệ liên quan đến 02 tỉnh trở lên phải thành lập Hội đồng thẩm định. Hội đồng thẩm định do cơ quan phê duyệt quy trình vận hành quyết định.

2. Hội đồng thẩm định do cơ quan phê duyệt quy trình vận hành quyết định; số thành viên Hội đồng thẩm định tối thiểu là 07 người, tối đa là 11 người tùy theo tính chất từng công trình do cơ quan phê duyệt quy trình quyết định, bao gồm chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký, ủy viên phản biện và các ủy viên đại diện cơ quan thẩm định, cơ quan chuyên môn địa phương, tổ chức quản lý, khai thác, chuyên gia.

3. Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể, lấy ý kiến theo nguyên tắc đa số và giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

4. Hội đồng thẩm định có trách nhiệm tư vấn cho cơ quan thẩm định các nội dung có liên quan đến quy trình vận hành.

Điều 9. Thẩm quyền phê duyệt quy trình vận hành công trình thủy lợi

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt quy trình vận hành công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt và công trình mà việc khai thác và bảo vệ liên quan đến 02 tỉnh trở lên.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy trình vận hành công trình thủy lợi hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt quy trình vận hành công trình thủy lợi trên địa bàn, trừ công trình thủy lợi quy định tại khoản 1 và công trình thủy lợi nhỏ.

3. Quyết định phê duyệt quy trình vận hành theo mẫu 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 10. Điều chỉnh quy trình vận hành công trình

1. Khi nhu cầu dùng nước hoặc nguồn nước, quy mô, nhiệm vụ công trình thay đổi thì phải điều chỉnh quy trình vận hành.

2. Nội dung, trình tự, thủ tục điều chỉnh quy trình vận hành công trình thủy lợi được thực hiện theo quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 Thông tư này.

Điều 11. Công bố quy trình vận hành

1. Quy trình vận hành được phê duyệt và Phụ lục kèm theo phải được gửi đến các cơ quan liên quan ngay sau khi ký quyết định ban hành.

2. Công bố trên cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan phê duyệt, cơ quan thẩm định, chủ quản lý công trình và tổ chức, cá nhân khai thác đối với công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi lớn, công trình thủy lợi vừa.

3. Công khai quy trình vận hành tại trụ sở tổ chức khai thác, công trình đầu mối và Ủy ban nhân dân cấp xã có liên quan đến hoạt động vận hành đối với công trình thủy lợi nhỏ.

Điều 12. Tổ chức thực hiện quy trình vận hành

1. Tổ chức, cá nhân khai thác công trình có trách nhiệm vận hành công trình theo đúng quy trình được phê duyệt.

2. Hoạt động vận hành công trình phải được tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi ghi chép vào nhật ký vận hành công trình.

3. Tổ chức khai thác công trình thủy lợi báo cáo kết quả vận hành tới chủ quản lý công trình chậm nhất vào ngày 31 tháng 3 hàng năm.

4. Sau 5 năm thực hiện quy trình vận hành, tổ chức khai thác công trình thủy lợi phải tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện gửi chủ sở hữu, chủ quản lý công trình. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả tổng hợp thực hiện quy trình vận hành trên địa bàn tỉnh, gửi Tổng cục Thủy lợi.

5. Mẫu báo cáo kết quả vận hành theo quy định tại mẫu 06, mẫu 07 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 13. Kinh phí lập, điều chỉnh quy trình vận hành

1. Kinh phí lập, điều chỉnh quy trình vận hành công trình thủy lợi xây dựng mới, nâng cấp được lấy trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình thủy lợi.

2. Kinh phí lập, điều chỉnh quy trình vận hành công trình thủy lợi đang khai thác, được lấy từ nguồn tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi hoặc nguồn vốn khác do chủ sở hữu công trình thủy lợi quyết định.

Điều 14. Quy trình vận hành hồ chứa nước

Việc lập, điều chỉnh, phê duyệt, công bố công khai, tổ chức thực hiện quy trình vận hành hồ chứa nước được thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

Chương III

PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

VÀ ĐIỂM GIAO NHẬN SẢN PHẨM, DỊCH VỤ THỦY LỢI

 

Điều 15. Phân cấp quản lý công trình thủy lợi

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý công trình thủy lợi mà việc khai thác và bảo vệ liên quan đến 02 tỉnh trở lên. Danh mục phân giao nhiệm vụ quản lý công trình thủy lợi mà việc khai thác và bảo vệ liên quan đến 02 tỉnh trở lên quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định điều chỉnh, bổ sung danh mục công trình phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý căn cứ hiệu quả quản lý công trình của địa phương.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều này.

4. Công trình thủy lợi do tổ chức, cá nhân tự đầu tư xây dựng thì tổ chức, cá nhân đó có trách nhiệm quản lý.

5. Công trình thủy lợi đầu mối làm nhiệm vụ liên quan đến đê điều, việc phân cấp quản lý công trình phải phù hợp với quy định của pháp luật về đê điều và các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 16. Vị trí điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi

1. Điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi giữa tổ chức khai thác công trình thủy lợi do Bộ quản lý và tổ chức khai thác công trình thủy lợi do địa phương quản lý là vị trí được xác định theo quyết định phân cấp của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi giữa tổ chức, cá nhân khai thác công trình với tổ chức thủy lợi cơ sở là vị trí được xác định theo quy mô thủy lợi nội đồng quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Quy mô thủy lợi nội đồng được quy định theo diện tích tưới, tiêu thiết kế của khu vực tưới, tiêu đối với từng vùng như sau:

a) Miền núi: Nhỏ hơn hoặc bằng 50 ha;

Việc xác định xã, huyện miền núi được căn cứ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

b) Đồng bằng sông Hồng: Nhỏ hơn hoặc bằng 250 ha;

c) Trung du, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ: Nhỏ hơn hoặc bằng 200 ha;

d) Đồng bằng sông Cửu Long: Nhỏ hơn hoặc bằng 400 ha.

Trường hợp tổ chức thủy lợi cơ sở đáp ứng điều kiện năng lực, việc mở rộng quy mô thủy lợi nội đồng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

4. Các trường hợp không xác định được vị trí cụ thể thì tổ chức, cá nhân cung cấp và tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi tự thỏa thuận điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.

Điều 17. Thẩm quyền quyết định phân cấp quản lý công trình thủy lợi và vị trí điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi

1. Đối với công trình thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, Tổng cục Thủy lợi chủ trì, phối hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan xác định vị trí điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định.

2. Đối với công trình thủy lợi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi và tổ chức, cá nhân có liên quan xác định quy mô thủy lợi nội đồng, phân cấp quản lý công trình thủy lợi trong phạm vi tỉnh và vị trí điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

 

Chương IV

CẮM MỐC CHỈ GIỚI PHẠM VI BẢO VỆ

CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

 

Điều 18. Yêu cầu về cắm mốc chỉ giới

1. Việc cắm mốc chỉ giới phải căn cứ vào phạm vi bảo vệ, hiện trạng công trình và yêu cầu quản lý.

2. Trường hợp không thể cắm mốc chỉ giới theo quy định thì dùng mốc tham chiếu để thay thế.

3. Trường hợp mốc chỉ giới cần cắm trùng với mốc hành lang bảo vệ nguồn nước hoặc mốc của công trình khác đã được cắm trước đó thì coi mốc hành lang bảo vệ nguồn nước hoặc mốc của công trình khác là mốc tham chiếu.

Điều 19. Các trường hợp phải cắm mốc chỉ giới

1. Đập của hồ chứa nước có dung tích từ 500.000 m3 trở lên hoặc đập có chiều cao từ 10 m trở lên.

2. Lòng hồ chứa nước có dung tích từ 500.000 m3 trở lên.

3. Kênh có lưu lượng từ 5 m3/s trở lên hoặc chiều rộng đáy kênh từ 5 m trở lên, trừ kênh chìm.

4. Cống có tổng chiều rộng thoát nước từ 10 m trở lên đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, từ 5 m trở lên đối với các vùng còn lại.

5. Căn cứ yêu cầu công tác quản lý, bảo vệ công trình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể các trường hợp cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khác trên địa bàn.

Điều 20. Quy định về cột mốc và khoảng cách các mốc chỉ giới

1. Quy định về cột mốc

a) Cột mốc bao gồm thân mốc và đế mốc: Thân mốc bằng bê tông cốt thép mác 200 đúc sẵn, mặt cắt ngang thân mốc hình vuông, kích thước 15x15 cm. Đế mốc bằng bê tông mác 200 đổ tại chỗ, kích thước mặt cắt ngang 40x40 cm, mặt trên đế mốc bằng mặt đất tự nhiên, chiều sâu từ 30-50 cm tùy thuộc vào địa hình khu vực cắm mốc và yêu cầu quản lý;

b) Thân mốc nhô lên khỏi mặt đất tự nhiên 50 cm. Phần trên cùng cao 10 cm từ đỉnh cột trở xuống sơn màu đỏ, phần còn lại sơn màu trắng. Trên thân mốc có ký hiệu CTTL và được đánh số hiệu chi tiết CTTL.01..., chữ số được ghi bằng chữ in hoa đều nét, khắc chìm, tô bằng sơn đỏ;

c) Mốc tham chiếu cắm mới có kích thước, hình thức giống mốc giới cần cắm, có ký hiệu MTC và được đánh số hiệu chi tiết MTC.01....

2. Khoảng cách các mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập và lòng hồ chứa nước

a) Đối với đập quy định tại khoản 1 Điều 19 Thông tư này, khoảng cách giữa hai mốc liền nhau là 100 m; trường hợp đập gần khu đô thị, dân cư tập trung là 50 m;

b) Đối với lòng hồ chứa nước quy định tại khoản 2 Điều 19 Thông tư này, căn cứ địa hình khu vực cắm mốc và yêu cầu quản lý, khoảng cách giữa hai mốc liền nhau từ 200 m đến 500 m; khu vực lòng hồ có độ dốc lớn hoặc không có dân cư sinh sống khoảng cách giữa hai mốc liền nhau lớn hơn 1000 m.

 3. Đối với kênh quy định tại khoản 3 Điều 19 Thông tư này, căn cứ vào địa hình khu vực cắm mốc và yêu cầu quản lý, khoảng cách hai mốc liền nhau từ 200 m đến 300 m; trường hợp kênh ở khu vực đô thị, khu dân cư tập trung khoảng cách hai mốc liền nhau từ 100 m đến 150 m. Tại các điểm chuyển hướng của đường chỉ giới phải có mốc.

4. Đối với cống quy định tại khoản 4 Điều 19 Thông tư này, căn cứ vào địa hình khu vực cắm mốc và yêu cầu quản lý, khoảng cách giữa hai mốc liền nhau từ 20 m đến 50 m. Tại các điểm góc của đường chỉ giới phải có mốc.

5. Khoảng cách giữa các mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể.

Điều 21. Hồ sơ phương án cắm mốc chỉ giới

Chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 43 Luật Thủy lợi nộp hồ sơ bao gồm 01 bản giấy và 01 bản điện tử trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Thông tư này. Hồ sơ bao gồm:

1. Tờ trình đề nghị phê duyệt phương án cắm mốc chỉ giới.

2. Bản sao chụp quyết định giao thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư đối với công trình xây dựng mới, quyết định giao cho tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi hoặc Hợp đồng khai thác công trình thủy lợi.

3. Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công của công trình thủy lợi hoặc quyết định phê duyệt liên quan có chỉ tiêu thiết kế công trình.

4. Thuyết minh hồ sơ phương án cắm mốc chỉ giới, gồm các nội dung:

a) Căn cứ lập hồ sơ phương án cắm mốc chỉ giới;

b) Đánh giá hiện trạng khu vực cắm mốc chỉ giới;

c) Số lượng mốc chỉ giới cần cắm; phương án định vị mốc chỉ giới; khoảng cách các mốc chỉ giới; các mốc tham chiếu (nếu có);

d) Phương án huy động nhân lực, vật tư, vật liệu thi công, giải phóng mặt bằng;

đ) Tiến độ cắm mốc, bàn giao mốc chỉ giới, kinh phí thực hiện;

e) Tổ chức thực hiện.

5. Bản vẽ phương án cắm mốc chỉ giới thể hiện phạm vi bảo vệ công trình, vị trí, tọa độ của các mốc chỉ giới, mốc tham chiếu (nếu có) trên nền bản đồ hiện trạng công trình thủy lợi.

Điều 22. Phê duyệt phương án cắm mốc chỉ giới

1. Chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi lập phương án cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận, thẩm định hồ sơ phương án cắm mốc chỉ giới.

3. Thời gian thẩm định, phê duyệt

a) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ; trường hợp hồ sơ không hợp lệ phải thông báo cho tổ chức, cá nhân lập hồ sơ để hoàn thiện hồ sơ theo quy định;

b) Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan. Nếu đủ điều kiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; trường hợp không đủ điều kiện thì thông báo lý do cho tổ chức, cá nhân biết.

Điều 23. Điều chỉnh phương án cắm mốc chỉ giới

1. Việc điều chỉnh phương án cắm mốc chỉ giới được thực hiện khi công trình thay đổi phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

2. Trình tự, thủ tục điều chỉnh phương án cắm mốc chỉ giới theo quy định tại Điều 21, Điều 22 Thông tư này.

Điều 24. Trách nhiệm cắm mốc, bảo vệ mốc chỉ giới

1. Chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình, công bố công khai phương án cắm mốc chỉ giới, tổ chức cắm mốc chỉ giới trên thực địa và bàn giao mốc chỉ giới cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình để phối hợp quản lý, bảo vệ.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm trực tiếp quản lý, bảo vệ mốc chỉ giới và lưu trữ hồ sơ cắm mốc; hàng năm tổ chức kiểm tra, bảo trì, khôi phục các mốc bị mất hoặc sai lệch so với hồ sơ cắm mốc chỉ giới được phê duyệt. Kinh phí bảo trì, khôi phục mốc được lấy từ nguồn tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

3. Việc sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đất đai.

 

Chương V

QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI NHỎ,

THỦY LỢI NỘI ĐỒNG

 

Điều 25. Tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng

1. Công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng do tổ chức thủy lợi cơ sở trực tiếp quản lý, khai thác hoặc lựa chọn tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác.

2. Loại hình tổ chức thủy lợi cơ sở và phương thức quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng do tổ chức thủy lợi cơ sở quyết định khi được tối thiểu 75% thành viên của tổ chức thông qua.

3. Tổ chức thủy lợi cơ sở thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hợp tác xã, pháp luật về dân sự và điều lệ hoặc quy chế hoạt động dịch vụ thủy lợi được trên 50% thành viên của tổ chức thủy lợi cơ sở thông qua và Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận. Toàn bộ người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi là thành viên của tổ chức thủy lợi cơ sở.

4. Tổ chức thủy lợi cơ sở được hỗ trợ kỹ thuật, nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn về thủy lợi và của doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn.

5. Đối với công trình thủy lợi phục vụ cấp, tưới, tiêu và thoát nước cho 2 xã trở lên thì thành lập tổ chức thủy lợi cơ sở theo loại hình Hợp tác xã hoặc liên hiệp tổ chức thủy lợi cơ sở.

Điều 26. Bộ máy quản lý, bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ của tổ chức thủy lợi cơ sở

1. Bộ máy quản lý được lựa chọn thông qua bầu cử dân chủ tại đại hội thành viên hoặc đại hội đại biểu người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi. Tùy theo quy mô và loại hình tổ chức được lựa chọn để quyết định bộ máy quản lý phù hợp, đảm bảo gọn nhẹ và hiệu quả, cụ thể như sau:

a) Hợp tác xã bao gồm: Hội đồng quản trị, giám đốc và ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên;

b) Tổ hợp tác: Đại diện là tổ trưởng. Trường hợp tổ hợp tác có từ 30 thành viên trở lên thì thành lập ban điều hành. Số lượng thành viên ban điều hành do tổ hợp tác quy định.

2. Bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ được quy định như sau:

a) Đối với tổ chức thủy lợi cơ sở có quy mô liên thôn, xã, liên xã: Thành lập tổ kinh tế và tổ kỹ thuật;

b) Đối với tổ chức thủy lợi cơ sở có quy mô thôn: Thành lập tổ tổng hợp phụ trách chung về kinh tế và kỹ thuật;

c) Đối với tổ chức thủy lợi cơ sở là Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp có thực hiện dịch vụ thủy lợi: Thành lập tổ hoặc đội thủy nông.

Điều 27. Phương thức quản lý, khai thác thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng

1. Tổ chức thủy lợi cơ sở trực tiếp quản lý, khai thác.

2. Trường hợp tổ chức thủy lợi cơ sở không trực tiếp quản lý, khai thác thì lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện quản lý, khai thác theo hình thức giao quản lý hoặc đấu thầu. Tổ chức, cá nhân được lựa chọn phải đáp ứng các yêu cầu về năng lực theo quy định tại Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi.

3. Trường hợp thuê quản lý, khai thác thì thời hạn của hợp đồng quản lý, khai thác không quá 05 năm.

Điều 28. Nội dung hoạt động của tổ chức thủy lợi cơ sở

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch cấp, tưới, tiêu và thoát nước, bảo trì công trình thủy lợi, bao gồm:

a) Xây dựng và thực hiện kế hoạch cấp, tưới, tiêu và thoát nước, bảo trì công trình thủy lợi phải có sự tham gia của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi. Kế hoạch được thực hiện theo mùa, vụ hoặc theo năm và phù hợp với hợp đồng với tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi;

b) Tham gia xây dựng kế hoạch cấp, tưới, tiêu, thoát nước của tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi;

c) Thông báo lịch cấp, tưới, tiêu và thoát nước cho người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi;

d) Theo dõi hiệu quả hoạt động và đánh giá chất lượng, kết quả dịch vụ sau mỗi mùa, vụ.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng.

3. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất, cung cấp dịch vụ khác. Khuyến khích tổ chức thủy lợi cơ sở tham gia cung cấp dịch vụ thủy lợi hoạt động theo chuỗi trong tổ chức sản xuất đối với cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Điều 29. Tài sản và tài chính của tổ chức thủy lợi cơ sở

1. Tài sản

a) Công trình thủy lợi do Nhà nước đầu tư giao cho tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, khai thác;

b) Tài sản thuộc các nguồn vốn do tập thể, cá nhân đóng góp, Nhà nước hỗ trợ hoặc các tổ chức khác tài trợ;

c) Tổ chức thủy lợi cơ sở có trách nhiệm quản lý, bảo tồn và phát huy hiệu quả tài sản được giao.

2. Tài chính

a) Kinh phí hoạt động của tổ chức thủy lợi cơ sở bao gồm: Đóng góp của tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; hỗ trợ của Nhà nước; tổ chức, cá nhân khác đầu tư;

b) Các thành viên của tổ chức thủy lợi cơ sở thống nhất mức đóng góp để đảm bảo chi trả tiền sản phẩm, dịch vụ thủy lợi theo quy định, chi các hoạt động quản lý, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng theo nguyên tắc đa số, tính đúng, tính đủ và công khai;

c) Hàng năm tổ chức thủy lợi cơ sở lập kế hoạch tài chính, cân đối thu chi, thực hiện công khai, minh bạch các nguồn thu và các khoản mục chi;

d) Đối với kinh phí được Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, kinh phí bảo trì được thực hiện theo quy định lộ trình tính giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi;

đ) Đối với các nguồn kinh phí đóng góp và các nguồn thu khác, tỷ lệ cơ cấu các khoản mục chi do tổ chức thủy lợi cơ sở quy định trong điều lệ, quy chế của tổ chức.

Điều 30. Thành lập, củng cố tổ chức thủy lợi cơ sở

1. Trong thời hạn không quá 03 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thành lập, củng cố các tổ chức thủy lợi cơ sở, cụ thể:

a) Đối với các địa phương chưa có tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng phải thành lập tổ chức thủy lợi cơ sở;

b) Các Ban quản lý thủy nông, Ban Thủy lợi xã quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đang hoạt động với hình thức lãnh đạo, cán bộ xã kiêm nhiệm thì phải chuyển đổi sang loại hình hợp tác xã hoặc tổ hợp tác;

c) Đối với các hợp tác xã, tổ hợp tác có dịch vụ thủy lợi đang hoạt động phải củng cố tổ chức bộ máy quản lý, bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định tại Điều 26 và thực hiện các nội dung theo quy định tại Điều 25, 27, 28, 29 của Thông tư này.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ của tổ chức thủy lợi cơ sở trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này khi chưa thành lập được tổ chức thủy lợi cơ sở.

Điều 31. Liên hiệp các tổ chức thủy lợi cơ sở

1. Thành lập liên hiệp các tổ chức thủy lợi cơ sở

a) Các tổ chức thủy lợi cơ sở trên cùng một địa bàn (nhiều thôn, nhiều xã) có liên quan với nhau về nguồn nước, có đủ năng lực và tự nguyện hợp tác với nhau thì có thể thành lập liên hiệp các tổ chức thủy lợi cơ sở để nhận chuyển giao quản lý, khai thác hệ thống dẫn, chuyển nước đấu nối với hệ thống thủy lợi nội đồng; khuyến khích áp dụng cho vùng khó khăn về nguồn nước, thường xảy ra thiếu nước ở cuối hệ thống dẫn, chuyển nước;

b) Liên hiệp tổ chức thủy lợi cơ sở được thành lập từ 2 tổ chức thủy lợi cơ sở trở lên, hoạt động theo Luật Hợp tác xã, Bộ Luật dân sự và điều lệ hoặc quy chế được đa số các đại diện của các tổ chức thủy lợi cơ sở là thành viên thông qua.

2. Bộ máy quản lý, bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ của liên hiệp các tổ chức thủy lợi cơ sở

a) Bộ máy quản lý của liên hiệp hợp tác xã: Thực hiện theo quy định tại Điều 29 Luật Hợp tác xã;

b) Bộ máy quản lý của liên hiệp tổ hợp tác hoặc liên hiệp tổ chức thủy lợi cơ sở mà thành viên là tổ hợp tác và hợp tác xã: Thành lập Ban quản lý;

c) Bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ gồm: 01 kế toán, 01 thủ quỹ và tổ kỹ thuật.

3. Hoạt động của liên hiệp các tổ chức thủy lợi cơ sở

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch cấp, tưới, tiêu và thoát nước, bảo trì công trình thủy lợi do liên hiệp các tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý để đảm bảo phân phối nước công bằng, hợp lý giữa các tổ chức thủy lợi cơ sở thành viên;

b) Tham gia xây dựng kế hoạch cấp, tưới, tiêu, thoát nước của tổ chức khai thác công trình thủy lợi cấp tỉnh và của tổ chức thủy lợi cơ sở thành viên;

c) Xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ công trình thủy lợi do liên hiệp các tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý.

4. Quy trình chuyển giao quản lý hệ thống dẫn, chuyển nước liên xã đấu nối với hệ thống thủy lợi nội đồng cho liên hiệp các tổ chức thủy lợi cơ sở

a) Các tổ chức thủy lợi cơ sở trong khu tưới có ý kiến bằng văn bản đề nghị tiếp nhận, gửi tổ chức khai thác công trình thủy lợi đầu mối;

b) Tổ chức khai thác công trình thủy lợi đầu mối và liên hiệp tổ chức thủy lợi cơ sở họp thống nhất phương án chuyển giao, thỏa thuận về tỷ lệ chia sẻ kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi trên cơ sở các công việc được chuyển giao quản lý, quy mô diện tích phụ trách tưới, tiêu và hiện trạng công trình;

c) Tổ chức khai thác công trình thủy lợi đầu mối phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức chuyển giao công trình cho liên hiệp các tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý.

 

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 32. Quy định chuyển tiếp

1. Công trình thủy lợi đang khai thác chưa có quy trình vận hành, chậm nhất là 03 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, phải có quy trình vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trừ công trình thủy lợi nhỏ.

2. Đối với hồ chứa nước đang khai thác chưa có quy trình vận hành, thời hạn phải có quy trình vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

Điều 33. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018, thay thế Thông tư số 65/2009/TT-BNNPTNT ngày 12/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi; Thông tư số 75/2004/TT-BNN ngày 20/12/2004 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc thành lập, củng cố và phát triển tổ chức hợp tác dùng nước.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, tổ chức, cá nhân phản ánh bằng văn bản về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời nghiên cứu, giải quyết./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

 

Hoàng Văn Thắng

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Hoàng Văn Thắng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.