QUYẾT ĐỊNH
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 667/2016/QĐ-UBND
ngày 21/11/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định thu tiền bảo vệ,
phát triển đất trồng lúa và quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ,
phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
––––––––––––––––––––
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;
Căn cứ Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;
Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Thông tư số 18/2016/TT-BTC ngày 21 tháng 01 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;
Căn cứ Nghị quyết số 11/2016/NQ-HĐND ngày 05 tháng 7 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang;
Theo đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 16/TTr-STC ngày 17 tháng 02 năm 2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 667/2016/QĐ-UBND ngày 21/11/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3 Điều 2 như sau:
“2. Thủ tục nộp tiền bảo vệ đất trồng lúa khi chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước sang mục đích phi nông nghiệp: Thực hiện theo Khoản 3 Điều 1, Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa”.
3. Tổ chức thu, nộp tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa
a) Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất chuyên trồng lúa nước để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp có trách nhiệm kê khai và nộp số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, tương ứng với diện tích đất chuyên trồng lúa nước được Nhà nước giao, cho thuê đất theo quy định.
b) Giao Sở Tài nguyên và môi trường, phòng Tài nguyên và môi trường các huyện thành phố xác nhận (bằng văn bản) rõ diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa gửi đến người được nhà nước giao đất, cho thuê đất, đồng thời gửi Sở Tài chính, phòng Tài chính kế hoạch các huyện, thành phố làm căn cứ để xác định số tiền phải nộp.
c) Giao Sở Tài chính, phòng Tài chính kế hoạch các huyện, thành phố căn cứ vào văn bản xác nhận diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp tiền của cơ quan tài nguyên và môi trường, xác định số tiền phải nộp theo quy định đối với diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp và thông báo cho người được nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định.
d) Cơ quan Kho bạc nhà nước (Kho bạc Nhà nước tỉnh, huyện) có trách nhiệm thu và hạch toán khoản thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa vào tài khoản 7111; Mã cơ quan quản lý thu 1062753; Chương 412, Mục 4914 và thực hiện điều tiết 100% ngân sách tỉnh”.
2. Sửa đổi điểm d, đ khoản 2 Điều 3 như sau:
d) Hỗ trợ cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa: Thực hiện theo Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về khuyến nông và Thông tư số 75/2019/TT-BTC ngày 04/11/2019 của Bộ Tài chính Quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông.
đ) Hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm: Thực hiện theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:
“Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Sở Tài chính
a) Hàng năm, chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, căn cứ kế hoạch chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, dự kiến nguồn thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh;
b) Xác định số tiền phải nộp theo quy định đối với diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp được Sở Tài nguyên và môi trường xác nhận và thông báo cho người được nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định.
c) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị liên quan tổng hợp, thẩm định, đề xuất nhiệm vụ, nội dung sử dụng nguồn thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ theo quy định.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Xác nhận diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa gửi đến người được nhà nước giao đất, cho thuê đất, đồng thời gửi Sở Tài chính làm căn cứ để xác định số tiền phải nộp đối với diện tích đất thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất.
b) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện xác định cụ thể diện tích, ranh giới đất trồng lúa ngoài thực địa, lập bản đồ đất trồng lúa.
c) Hàng năm, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình quản lý và sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành, đơn vị có liên quan thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất trồng lúa của các địa phương trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chủ trì thực hiện xây dựng các mô hình trình diễn, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện lập phương án khai hoang, phục hóa, cải tạo, nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại, cải tạo các vùng đất chưa sử dụng, đất trồng lúa kém chất lượng, đất trồng trọt khác thành đất chuyên trồng lúa nước theo giai đoạn và từng năm;
b) Tổng hợp, đề xuất danh mục các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn do cấp tỉnh quản lý phục vụ tưới cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp được đầu tư từ nguồn thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa gửi Sở Tài chính thẩm định;
c) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, tổng hợp kết quả thực hiện hàng năm của các địa phương, đơn vị, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Tài chính thẩm định, đề xuất danh mục duy tu, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp được đầu tư từ nguồn thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
a) Chỉ đạo phòng Tài nguyên và môi trường xác nhận diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa gửi đến người được nhà nước giao đất, cho thuê đất, đồng thời gửi phòng Tài chính kế hoạch các huyện, thành phố làm căn cứ để xác định số tiền phải nộp đối với diện tích đất thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân huyện quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất
b) Chỉ đạo phòng Tài chính kế hoạch xác định số tiền phải nộp theo quy định đối với diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp được phòng Tài nguyên và môi trường xác nhận và thông báo cho người được nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định.
c) Quyết định giao đất; thực hiện thủ tục ký hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi người được nhà nước giao đất, cho thuê đất đã nộp tiền sử dụng, bảo vệ phát triển đất trồng lúa theo đúng quy định;
d) Hàng năm, trên cơ sở diện tích đất lúa, nội dung, nhiệm vụ bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, đề xuất danh mục, nội dung, dự toán thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa gửi Sở Tài chính thẩm định. Quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, thanh quyết toán hàng năm theo quy định hiện hành”.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/03/2020./.