• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 13/08/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 09/12/2008
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 58/2005/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Giang, ngày 18 tháng 7 năm 2005

THÔNG TƯ

Hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng

phí, lệ phí cảng vụ đường thuỷ nội địa

Căn cứ Luật Giao thông đường thuỷ nội địa;

Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí ngày 28/8/2001 và Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 3/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;

Sau khi có ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí cảng vụ đường thuỷ nội địa như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG THU VÀ MỨC THU:

1. Các phương tiện thuỷ ra, vào hoạt động tại các cảng, bến thủy nội địa (kể cả cảng, bến chuyên dùng) đã được cơ quan Nhà nước công bố hoặc cấp phép hoạt động phải nộp phí, lệ phí cảng vụ đường thuỷ nội địa theo quy định tại Thông tư này (trừ trường hợp không phải nộp quy định tại điểm 2 mục này).

Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác thì thực hiện theo quy định đó.

2. Những trường hợp sau đây không phải nộp phí cảng vụ đường thuỷ nội địa:

a) Phương tiện sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an (trừ các phương tiện sử dụng vào hoạt động kinh tế).

b) Phương tiện tránh bão, cấp cứu.

c) Phương tiện vận chuyển hàng hoá có trọng tải toàn phần dưới 10 tấn hoặc chở khách dưới 13 ghế.

d) Phương tiện vận chuyển phòng chống lụt bão.

e) Phương tiện của cơ quan Hải quan đang làm nhiệm vụ (trừ các phương tiện sử dụng vào hoạt động kinh tế).

g) Phương tiện của các Cơ quan thanh tra giao thông, Cảng vụ Đường thuỷ nội địa khi làm nhiệm vụ (trừ các phương tiện sử dụng vào hoạt động kinh tế).

3. Mức thu phí, lệ phí cảng vụ đường thuỷ nội địa quy định như sau:

 

TT

NỘI DUNG CÁC KHOẢN THU

MỨC THU

 

1

Phí trọng tải

Trong đó:  - Lượt vào (kể cả có tải, không tải)

                - Luợt ra (kể cả có tải, không tải)

 

150 đồng/tấn trọng tải toàn phần

150 đồng/tấn trọng tải toàn phần

2

Lệ phí ra, vào cảng, bến thuỷ nội địa:

- Phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần  từ 10 tấn đến 50 tấn

 

5.000 đồng/chuyến

 

- Phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần  từ 51 tấn đến 200 tấn hoặc chở khách có sức chở  từ 13 ghế đến 50 ghế.

 

10.000 đồng/chuyến

 

- Phương tiện chở hàng, đoàn lai có trọng tải toàn phần  từ 201 đến 500 tấn hoặc chở khách có sức chở từ 51 ghế đến 100 ghế

 

20.000 đồng/chuyến

 

- Phương tiện chở hàng, đoàn lai có trọng tải toàn phần từ  501 tấn trở lên,  hoặc chở khách từ 101 ghế trở lên, tàu biển có trọng tải toàn phần đến dưới 200 GT

 

30.000 đồng/chuyến

 

- Tàu biển có trọng tải toàn phần từ 200 GT đến dưới 1000 GT

50.000 đồng/chuyến

 

- Tàu biển có trọng tải toàn phần từ 1000 GT đến dưới 5000 GT

100.000 đồng/chuyến

 

 

- Tàu biển có trọng tải toàn phần trên 5000 GT

 

200.000 đồng/chuyến

 

- Trường hợp tàu biển ra, vào cảng bến thuỷ nội địa phải nộp phí trọng tải, phí bảo đảm hàng hải theo quy định tại Quyết định số 88/2004/QĐ-BTC ngày 19/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành mức thu phí, lệ phí hàng hải. Riêng tàu biển trong cùng một chuyến đi vào, rời nhiều cảng biển và cảng bến thuỷ nội địa trong cùng một khu vực hàng hải thì chỉ phải nộp một lần phí trọng tải và phí bảo đảm hàng hải, trường hợp này chủ tàu phải xuất trình cho cảng vụ đường thuỷ nội địa biên lai đã nộp phí trọng tải và phí bảo đảm hàng hải tại cảng vào đầu tiên.

- Trường hợp trong cùng một chuyến đi phương tiện thuỷ vào, ra nhiều cảng, bến thuỷ nội địa trong cùng một khu vực do một cảng vụ đường thuỷ nội địa quản lý thì chỉ phải nộp một lần phí trọng tải theo mức thu phí trọng tải quy định tại điểm 3 mục này.

- Phương tiện thuỷ vào, ra cảng lấy nhiên liệu, thực phẩm, thay đổi thuyền viên mà không bốc dỡ hàng hoá, không nhận trả khách áp dụng mức thu phí trọng tải bằng 70% so với mức thu phí trọng tải quy định tại điểm 3 mục này.

- Phương tiện thuỷ vào, ra cảng trong cùng một khu vực do một cảng vụ đường thuỷ quản lý nhiều hơn 3 chuyến/tháng thì từ chuyến thứ 4 trở đi trong tháng áp dụng mức thu phí trọng tải bằng 60% so với mức thu phí trọng tải quy định tại điểm 3 mục này.

- Tổ chức cá nhân có tàu thuỷ chở hàng hoá vào, rời cảng trong cùng một khu vực do một cảng vụ đường thuỷ nội địa quản lý nhiều hơn 8 chuyến/tháng thì từ chuyến thứ 9 trở đi trong tháng áp dụng mức thu phí trọng tải bằng 60% so với mức thu quy định tại điểm 3 mục này.

- Trọng tải đối với các phương tiện không phải là tàu sông chở hàng được quy đổi khi tính phí trọng tải như sau:

+ Tàu chuyên dùng: 1 mã lực tương đương 1 tấn trọng tải toàn phần.

+ Tàu khách: 1 ghế hành khách tương đương 1 tấn trọng tải toàn phần.

4. Phí, lệ phí cảng vụ đường thuỷ nội địa thu bằng Đồng Việt Nam. Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu nộp phí, lệ phí bằng ngoại tệ thì thu bằng đô la Mỹ (USD) theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu tiền.

II. TỔ CHỨC THU, NỘP VÀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG:

1. Cơ quan thu phí, lệ phí cảng vụ đường thủy nội địa là các Cảng vụ Đường thuỷ nội địa quy định tại Điều 71, khoản 10 của Điều 72 Luật Giao thông đường thuỷ nội địa. Cơ quan thu phí, lệ phí có trách nhiệm đăng ký, kê khai nộp phí, lệ phí vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí, lệ phí.

2. Cơ quan thu phí, lệ phí được trích để lại 95% trên tổng số tiền phí, lệ phí thu được trước khi nộp vào ngân sách nhà nước để chi cho hoạt động của cảng vụ theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy định tại tiết a, b, c sau đây:

a) Chi thường xuyên bảo đảm hoạt động của bộ máy tổ chức của cảng vụ: các khoản chi theo định mức chi quản lý nhà nước hiện hành đối với biên chế của cảng vụ gồm: Các khoản chi tiền lương, tiền công, các khoản có tính chất tiền lương, tiền công; Chi bảo hộ lao động hoặc đồng phục theo chế độ quy định (nếu có), trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Chi công tác phí; Chi thông tin liên lạc; Chi dịch vụ công cộng (tiền điện, nước văn phòng); Chi hội họp; Chi sửa chữa thường xuyên nhà cửa, phương tiện, thiết bị văn phòng, Chi bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; Chi tiền ăn giữa ca cho người lao động với mức tối thiểu do nhà nước quy định ; Chi khác cho hoạt động tổ chức thu phí. Biên chế của cảng vụ do Bộ Giao thông Vận tải giao.

b) Chi đặc thù, gồm:

- Chi mua nhiên liệu phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghiệp vụ của cảng vụ.

- Chi mua sắm, sửa chữa lớn phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ việc thu phí, lệ phí.

- Chi cho công tác tìm kiếm cứu nạn tàu và người trong khu vực trách nhiệm, chi xử lý công việc có liên quan đến môi trường như xử lý dầu loang do phương tiện thải xuống mặt nước vùng cảng bến.

- Chi thuê trụ sở (nếu có)

- Chi mua biên lai, ấn chỉ.

c) Chi trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho cán bộ, nhân viên thực hiện thu phí, lệ phí cảng vụ đường thuỷ nội địa. Mức trích lập 2 (hai) quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi bình quân một năm, một người tối đa không quá 3 (ba) tháng lương thực hiện nếu số thu cao hơn năm trước hoặc bằng 2 (hai) tháng lương thực tế nếu số thu thấp hơn hoặc bằng số thu năm trước.

d) Các Cảng vụ Đường thuỷ nội địa, căn cứ vào số tiền được trích để chi phí phục vụ công tác tổ chức thu phí (95%) và số chi theo dự toán được duyệt (dự toán năm chia cho từng tháng, quý), nếu số tiền được trích lớn hơn số chi thì phải nộp số chênh lệch vào tài khoản của Cục Đường sông Việt Nam để Cục Đường sông Việt Nam điều hoà cho các cảng vụ trực thuộc không đủ nguồn chi bảo đảm quỹ tiền lương tối thiểu cho cán bộ công nhân viên thu phí và các khoản chi phục vụ hoạt động của cảng vụ theo chế độ quy định.

Cục Đường sông Việt Nam thực hiện mở tài khoản riêng tại Kho bạc nhà nước nơi giao dịch để theo dõi việc thu - chi đối với khoản tiền điều hoà phục vụ công tác tổ chức thu phí do các đơn vị thu phí còn chênh lệch thừa nộp về để chuyển cho đơn vị thiếu. Đồng thời phải mở sổ hạch toán riêng từng quỹ, cuối năm nếu chưa sử dụng hết thì được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng và hàng năm phải quyết toán với Bộ Tài chính.

3. Tổng số tiền phí, lệ phí thực thu được, sau khi trừ số tiền được trích theo tỷ lệ nêu tại điểm 2 trên đây, số còn lại (5%) cơ quan thu phải nộp vào ngân sách nhà nước (chương, loại, khoản, mục, tiểu mục tương ứng của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành).

4. Thực hiện quyết toán phí, lệ phí cùng thời gian với việc quyết toán ngân sách nhà nước. Hàng năm cơ quan thu lệ phí thực hiện quyết toán việc sử dụng biên lai thu phí, lệ phí, số tiền lệ phí thu được, số để lại cho đơn vị, số phải nộp ngân sách, số đã nộp và số còn phải nộp ngân sách nhà nước với cơ quan Thuế; quyết toán việc sử dụng số tiền được trích để lại với cơ quan tài chính cùng cấp theo đúng quy định.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo, thay thế Thông tư 50/2000/TT-BTC ngày 2/6/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý sử dụng phí, lệ phí cảng vụ đường thuỷ nội địa và Quyết định số 142/1999/QĐ-BTC ngày 19/11/1999 của Bộ Trưởng Bộ Tài chính ban hành mức thu phí, lệ phí cảng vụ đường thuỷ nội địa.

2. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng phải nộp phí, lệ phí cảng vụ đường thủy nội địa và các cơ quan liên quan có trách nhiệm thực hiện đúng quy định tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ảnh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trương Chí Trung

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.