• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2002
  • Ngày hết hiệu lực: 22/01/2005
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 03/2002/TT-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Giang, ngày 9 tháng 1 năm 2002

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 28/CP ngày 28/3/1997 và Nghị định số 03/2001/NĐ-CP ngày 11/01/2001 của Chính phủ về đổi mới quản lý tiền lương và thu nhập trong doanh nghiệp xây dựng của nhà nước

______________

 

Thực hiện Nghị định số 28/CP ngày 28/3/1997 và Điều 2, Nghị định số 03/2001/NĐ-CP ngày 11/01/2001 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/CP ngày 28/3/1997 về đổi mới quản lý tiền lương và thu nhập trong các doanh nghiệp Nhà nước, sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính tại Công văn số 10537 TC/TSTC ngày 02/11/2001, Bộ Xây dựng tại Công văn số 1720/BXD-VKT ngày 28/9/2001, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại Công văn số 1602/TLĐ ngày 28/9/2001, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện cơ chế tiền lương trong doanh nghiệp xây dựng của Nhà nước như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:

Doanh nghiệp Nhà nước thực hiện thi công xây lắp công trình hoặc hạng mục công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh; vốn đầu tư phát triển doanh nghiệp Nhà nước.

Sau đây gọi tắt là doanh nghiệp xây lắp.

II. NGUYÊN TẮC

1. Căn cứ vào tính chất, quy mô của công trình hoặc hạng mục công trình, khả năng nguồn vốn, Chủ đầu tư xác định giá trị dự toán xây dựng trên cơ sở bộ định mức, đơn giá của Bộ Xây dựng ban hành hoặc Bộ Xây dựng thoả thuận cho Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành. Trong đó, chi phí tiền lương để xác định giá trị dự toán xây dựng làm cơ sở tổ chức đấu thầu hoặc chỉ định thầu phải bảo đảm các thông số tiền lương theo quy định tại mục III, Thông tư này.

2. Các doanh nghiệp xây lắp, trên cơ sở khối lượng, chất lượng, tiến độ yêu cầu của công trình hoặc hạng mục công trình, căn cứ vào thực tế trình độ kỹ thuật, công nghệ, trình độ quản lý, tay nghề của người lao động, trình độ tổ chức sản xuất, tổ chức lao động của doanh nghiệp mình, chủ động xác định định mức, đơn giá một cách phù hợp. Trong đó, chí phí tiền lương làm cơ sở để lập giá trị dự toán xây dựng tham gia đấu thầu hoặc thực hiện chỉ định thầu phải bảo đảm các thông số tiền lương theo quy định tại mục III, Thông tư này, không phụ thuộc vào bộ đơn giá của Chủ đầu tư.

3. Các doanh nghiệp xây lắp sau khi trúng thầu hoặc được chỉ định thầu, trên cơ sở thực tế thi công có thể điều chỉnh lại định mức, đơn giá, tiết kiệm các khoản chi phí để bổ sung vào quỹ tiền lương phân phối trực tiếp cho người lao động nhưng phải bảo đảm hoàn thành khối lượng, chất lượng công trình hoặc hạng mục công trình theo yêu cầu và giá trị dự toán được duyệt (đối với trường hợp chỉ định thầu), giá trúng thầu (đối với trường hợp đấu thầu).

III. CHI PHÍ TIỀN LƯƠNG ĐỂ LẬP DỰ TOÁN CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

1. Mức lương tối thiểu:

Mức lương tối thiểu để xác định chi phí tiền lương giá trị dự toán xây dựng được xác định theo công thức sau:

TLmindt = TLmin x (1 + Kde)

Trong đó:

- TLmindt: Mức lương tối thiểu để xác định chi phí tiền lương trong giá trị dự toán xây dựng;

- TLmin: Mức lương tối thiểu chung được Nhà nước công bố trong từng thời kỳ. Kể từ ngày 01/01/2001 mức lương tối thiểu chung áp dụng cho các doanh nghiệp Nhà nước được thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 1, Nghị định số 77/2000/NĐ-CP ngày 15/12/2000 của Chính phủ là 210.000 đồng/tháng. Khi Chính phủ điều chỉnh lại mức lương tối thiểu chung này thì áp dụng theo mức điều chỉnh mới.

- Kde: Hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương tối thiểu.

Hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương tối thiểu (Kde)

Căn cứ vào cung - cầu lao động, giá thuê nhân công và mức chi dùng tối thiểu theo các địa bàn, hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương tối thiểu (Kde) thấp nhất được quy định như sau:

Hệ số điều chỉnh tăng thêm thấp nhất

0,4

0,3

0,2

Địa bàn

Các quận nội thành thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố loại II, gồm: Hải Phòng; Nam Định; Vinh; Huế; Đà Nẵng; Quy Nhơn; Nha Trang; Đà Lạt; Biên Hoà; Vũng Tàu; Cần Thơ và thành phố Hạ Long, các khu công nghiệp tập trung và các huyện ngoại thành thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh

Các tỉnh còn lại

Công trình xây dựng ở địa bàn nào thì áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương tối thiểu (Kde) theo địa bàn đó.

Căn cứ vào tình hình thực tế của từng doanh nghiệp xây lắp trên các địa bàn, doanh nghiệp có thể lựa chọn hệ số điều chỉnh tăng thêm cao hơn mức quy định trên.

Ví dụ: Công trình A xây dựng trên địa bàn có hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương tối thiểu 0,2 thì mức lương tối thiểu để xác định chi phí tiền lương trong giá trị dự toán công trình áp dụng với mức thấp nhất là:

TLmindt = 210.000 đồng/tháng x (1 + 0,2) = 252.000 đồng/tháng

Với điều kiện cụ thể của mình, doanh nghiệp có thể chọn hệ số điều chỉnh tăng thêm cao hơn 0,2 để xác định chi phí tiền lương trong giá trị dự toán công trình A.

2. Hệ số lương cấp bậc công việc bình quân:

Doanh nghiệp xây lắp xác định hệ số lương cấp bậc công việc bình quân căn cứ vào độ phức tạp và cơ cấu lao động phải sử dụng phù hợp với yêu cầu của công trình hoặc hạng mục công trình trên cơ sở hệ số mức lương theo các thang lương, bảng lương Nhà nước quy định tại Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ.

3. Các khoản phụ cấp lương:

a. Phụ cấp khu vực: công trình xây dựng trên địa bàn có phụ cấp khu vực thì được thực hiện mức phụ cấp quy định tại Thông tư số 03/2001/TTT-BLĐTBXH-BTC-UBDTMN ngày 18/01/2001 của Liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Uỷ ban Dân tộc và Miền núi.

b. Phụ cấp lưu động:

- Mức 0,2 so với mức lương tối thiểu, áp dụng đối với công trình xây dựng ở đồng bằng.

- Mức 0,4 so với mức lương tối thiểu, áp dụng đối với công trình xây dựng ở vùng trung du, miền núi, vùng sâu, vùng xa;

- Mức 0,6 so với mức lương tối thiểu, áp dụng đối với công trình xây dựng ở hải đảo.

c. Hệ số không ổn định sản xuất:

- Mức 15% lương cấp bậc, chức vụ áp dụng đối với các công trình trọng điểm Nhà nước;

- Mức 10% lương cấp bậc, chức vụ áp dụng đối với các công trình còn lại.

IV. CƠ CHẾ TRẢ LƯƠNG CỦA DOANH NGHIỆP XÂY LẮP SAU KHI TRÚNG THẦU HOẶC ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH THẦU

1. Lập phương án chi phí tiền lương:

Trên cơ sở giá trị dự toán công trình hoặc các hạng mục công trình đã trúng thầu hoặc được chỉ định thầu và căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình, doanh nghiệp lập phương án chi phí tiền lương trên cơ sở các quy định tại Nghị định số 28/CP ngày 28/3/1997 của Chính phủ về đổi mới quản lý tiền lương, thu nhập trong các doanh nghiệp Nhà nước, Nghị định số 03/2001/NĐ-CP ngày 11/01/2001 của Chính phủ bổ sung, sửa đổi Nghị định số 28/CP và Thông tư số 05/2001/TT-BLĐTBXH ngày 29/01/2001 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn xây dựng đơn giá tiền lương và quản lý tiền lương, thu nhập trong doanh nghiệp Nhà nước.

Phương án chi phí tiền lương của doanh nghiệp phải bảo đảm các điều kiện sau:

- Bảo đảm khối lượng, chất lượng và tiến độ công trình theo đúng quy định;

- Không làm tăng giá trị dự toán xây dựng công trình hoặc hạng mục công trình đã nhận thầu hoặc chỉ định thầu;

- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động và lợi nhuận theo đúng quy định của Nhà nước;

- Bảo đảm tăng năng suất lao động.

2. Thẩm định phương án chi phí tiền lương:

Phương án chi phí tiền lương của doanh nghiệp trước khi thực hiện phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp quản lý thẩm định, cụ thể:

- Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thẩm định phương án của doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý;

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định phương án của doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý;

- Hội đồng quản trị Tổng Công ty thẩm định phương án của doanh nghiệp thuộc Tổng công ty 90/TTg hoặc 91/TTg quản lý.

Hồ sơ đề nghị thẩm định gồm:

+ Văn bản đề nghị;

+ Phương án chi phí tiền lương do doanh nghiệp lập.

3. Xác định quỹ tiền lương thực hiện:

Căn cứ vào mức độ hoàn thành công trình hoặc hạng mục công trình và các điều kiện quy định tại điểm 1, mục IV của Thông tư này, doanh nghiệp được quyết toán quỹ tiền lương thực hiện theo phương án chi phí tiền lương của doanh nghiệp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp quản lý thẩm định.

Trường hợp doanh nghiệp không bảo đảm được các điều kiện quy định tại điểm 1, mục IV của Thông tư này thì phải trừ lùi quỹ tiền lương. Mức bình quân thấp nhất sau khi trừ lùi phải bằng tiền lương bình quân tính theo mục III khi lập giá trị dự toán xây dựng công trình hoặc hạng mục công trình.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Căn cứ vào nội dung quy định và hướng dẫn tại Thông tư này, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty 91/TTg, 90/TTg và các doanh nghiệp xây lắp có trách nhiệm thực hiện đúng quy định tại Thông tư này.

2. Bộ Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn việc xác định chi phí tiền lương trong giá trị dự toán đối với các công trình hoặc hạng mục công trình theo quy định tại Thông tư này.

3. Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp xây lắp về quản lý tiền lương và thu nhập được thực hiện theo quy định tại mục IV, Thông tư số 05/2001/TT-BLĐTBXH ngày 29/01/2001 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Việc báo cáo tình hình thực hiện lao động, tiền lương và thu nhập trong các doanh nghiệp xây lắp được quy định như sau:

- Chậm nhất vào tháng 4 hàng năm, các doanh nghiệp xây lắp phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý tình hình thực hiện lao động, tiền lương và thu nhập đối với những công trình hoặc hạng mục công trình hoàn thành năm trước liền kề theo mẫu số 1, kèm theo Thông tư này.

- Chậm nhất vào tháng 5 hàng năm, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố theo phân cấp quản lý báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tình hình thực hiện lao động, tiền lương và thu nhập năm trước liền kề của các doanh nghiệp xây lắp theo mẫu số 2, kèm theo Thông tư này.

4. Chi phí tiền lương để lập dự toán quy định tại mục III của Thông tư này chỉ áp dụng đối với công trình hoặc hạng mục công trình được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt đầu tư nhưng chưa tổ chức đấu thầu hoặc chỉ định thầu kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành.

Đối với các công trình hoặc hạng mục công trình đã đấu thầu hoặc chỉ định thầu trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì không lập lại giá trị dự toán xây dựng. Đối với khối lượng công việc còn lại, nếu doanh nghiệp có phương án tiết kiệm các khoản mục chi phí khác mà bảo đảm được các điều kiện quy định tại điểm 1, mục IV của Thông tư này thì có thể lập phương án và trả lương theo quy định tại mục IV nói trên.

5. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2002.

Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, đề nghị các Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp Nhà nước phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Hằng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.