• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 26/05/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 10/06/2006
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 54/2001/QĐ-BNN/TY
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Giang, ngày 11 tháng 5 năm 2001

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành quy định về phòng chống bệnh lở mồm long móng gia súc

_________________________

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN 

Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 1/11/1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ban hành ngày 15/ 02 /1993, Nghị định số 93/CP ngày 27/11/1993 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thú y;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thú y.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành “ Quy định về phòng chống bệnh Lở mồm long móng gia súc”.

Điều 2. Cục trưởng Cục Thú y có nhiệm vụ hướng dẫn chi tiết việc thi hành bản quy định này.

Điều 3. Quy định này có hiệu lực kể từ 15 ngày sau khi ký.

Điều 4. Chánh văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Thú y, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan và Giám đốc các Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm thi hành Quy định này./.

QUY ĐỊNH

Về phòng chống bệnh lở mồm long móng gia súc

____________________

( Ban hành theo Quyết định số 54/2001/QĐ-BNN-TY

 ngày 11/05 /2001 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đặc điểm chung của bệnh Lở mồm long móng gia súc

1. Bệnh Lở mồm long móng gia súc (viết tắt là LMLM) là bệnh truyền nhiễm lây lan mạnh nhất, gây ra bởi 7 typ vi rút: A, O, C, Asia1, SAT1, SAT2, SAT3, với hơn 60 biến chủng (sub-typ).

ở khu vực Đông Nam á thường thấy 3 typ là O, A và Asia1, riêng ở Philippines có cả typ C. ở Việt Nam đã phát hiện typ O typ A và Asia1, nhưng typ thường hay gặp là typ O.

Bệnh lây từ nước này sang nước khác qua biên giới theo đường vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ở dạng tươi sống (kể cả thịt ướp đông, xông khói, da xương, sừng, móng, sữa . . .).

2. Động vật mắc bệnh LMLM là các loài móng guốc chẵn như: trâu, bò, lợn, dê, cừu, hươu, nai . . .

Thời kỳ ủ bệnh thường từ 2 - 5 ngày, nhiều nhất là 21 ngày. Khi bệnh có triệu chứng thì trong hai, ba ngày đầu sốt cao trên 40oC, kém ăn hoặc bỏ ăn, miệng gia súc chảy nhiều nước bọt. Viêm dạng mụn nước ở lợi, lưỡi, vành mũi, vành móng và kẽ móng. Mụn nước vỡ ra làm lở loét mồm và dễ long móng, nhất là ở lợn.

Sau khi phát bệnh 10 - 15 ngày, con vật khỏi bệnh nhưng gia súc vẫn mang trùng hàng tháng, thậm chí hàng năm.

Bệnh chưa có thuốc chữa đặc hiệu, chỉ có vắc xin phòng bệnh. Bệnh LMLM được Tổ chức dịch tễ thế giới (OIE) xếp đầu tiên ở bảng A (gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất cho chăn nuôi và hạn chế thương mại đối với động vật, sản phẩm động vật cũng như nông sản nói chung).

3. Vi rút LMLM dễ bị diệt bởi ánh nắng mặt trời, nhiệt độ cao (như đun sôi 100oC), các chất có độ toan cao (pH ( 3) và các chất kiềm mạnh như xút (pH ( 9). Vi rút sống, nhiều ngày trong các chất mùn hữu cơ ở chuồng nuôi, các chất có độ kiềm nhẹ (pH từ 7,2-7,8). Trong thịt ướp đông, vi rút tồn tại sau nhiều tháng.

Điều 2. Trách nhiệm thực hiện.

1.Tổ chức, cá nhân chăn nuôi, mua bán, giết mổ, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật dễ nhiễm bệnh LMLM trong vùng có dịch LMLM, vùng bị dịch uy hiếp hoặc đi qua vùng dịch đều phải tuân theo quy định này.

2. Cơ quan Thú y có trách nhiệm hướng dẫn địa phương áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng bệnh lây lan và chống dịch bệnh LMLM.

3. UBND các cấp chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, cấp kinh phí phục vụ chống dịch .

Điều 3. Nghiêm cấm.

Nghiêm cấm việc mua bán, giết mổ tuỳ tiện động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, nghi nhiễm bệnh LMLM hoặc vứt bỏ bừa bãi xác chết, phủ tạng, sản phẩm và chất thải gia súc chết vì bệnh LMLM.

 Chương II

PHÒNG BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG GIA SÚC

Điều 4. Quy định về tiêm phòng

Chủ vật nuôi phải thực hiện việc tiêm phòng bắt buộc cho gia súc để phòng bệnh LMLM theo quy định tại Điều 10 của Pháp lệnh Thú y, Quyết định 1242 NN-TY/QĐ và Quyết định 1243 NN-TY/QĐ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 24/7/1996.

Điều 5. Trong vùng có dịch

1. Không mua bán động vật hoặc sản phẩm động vật trong vùng có dịch.

2. Không chăn thả gia súc ở bãi chăn, đồng cỏ trong vùng có dịch. Không thuê, mượn trâu, bò, lợn giống từ vùng có dịch về địa phương mình.

3. Không vận chuyển động vật và sản phẩm động vật, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi (cuốc, xẻng, máng ăn, máng uống...) ra khỏi vùng có dịch.

4. Không tổ chức triển lãm, tham quan, hội họp trong vùng có dịch, tiếp xúc với động vật mắc bệnh, bị chết tại ổ dịch hoặc tham gia mổ thịt nếu không được phép của cơ quan thú y có thẩm quyền.

5. Đối với trâu bò đã khỏi về lâm sàng trong thời gian 2 năm không được vận chuyển ra khỏi vùng dịch, trừ trường hợp đưa đi giết mổ theo hướng dẫn của cơ quan Thú y.

Điều 6. Đối với các cơ quan Thú y

1.Có trách nhiệm đề xuất kế hoạch tổ chức việc phòng, chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ đàn gia súc, kiểm soát chặt chẽ việc xuất, nhập và giết mổ gia súc của địa phương.

2.Trong trường hợp phát hiện gia súc có biểu hiện nghi mắc bệnh LMLM thì phải báo cáo ngay lên cơ quan Thú y cấp trên và chính quyền địa phương, đồng thời hướng dẫn thực hiện các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn dịch bệnh lây lan

3. Quản lý chặt chẽ việc mua bán, giết mổ, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật. Vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến kinh doanh động vật, sản phẩm động vật viết cam kết với Uỷ ban nhân dân xã, phường sở tại về việc thực hiện nghiêm chỉnh những quy định về phòng chống bệnh LMLM.

4. Thường xuyên phổ biến, tuyên truyền cho nhân dân kiến thức về bệnh LMLM và các biện pháp phòng chống bệnh.

5. Tổ chức tiêm phòng cho gia súc vùng xung quanh ổ dịch, ven đường giao thông chính, nơi tập trung mua bán, giết mổ gia súc.

Điều 7. Đối với tỉnh có đường biên giới với nước khác:

Khi có dịch LMLM xẩy ra ở vùng biên giới giáp Việt Nam thì Chi cục Thú y phải báo cáo với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh và Cục Thú y đồng thời tiến hành các biện pháp khẩn cấp ngăn chặn dịch:

1. Đình chỉ vận chuyển, động vật và sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào.

2. Khử trùng phương tiện vận chuyển qua cửa khẩu trước khi vào lãnh thổ Việt Nam.

3. Phối hợp chặt chẽ với Bộ đội biên phòng, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường để kiểm soát và xử lý việc nhập lậu gia súc, sản phẩm gia súc dọc theo đường biên giới.

4. Trình các cấp có thẩm quyền ra quyết định thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời ở các đầu mối giao thông quan trọng.

Chương III

CHỐNG DỊCH LỞ MỒM LONG MÓNG GIA SÚC

Điều 8. Điều kiện công bố dịch

Khi có dịch LMLM xảy ra, Chi cục Thú y phải nhanh chóng xác định và báo cáo ngay bằng văn bản với Cục Thú y, Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời trình UBND tỉnh ra quyết định công bố dịch với các điền kiện sau:

1. Bệnh dịch đang xảy ra trên gia súc và có chiều hướng lây lan rộng.

2. Có báo cáo bằng văn bản của UBND huyện, quận, thành phố trực thuộc tỉnh về diễn biến tình hình dịch bệnh;

3. Có kết luận chẩn đoán xác định bệnh của Trung tâm chẩn đoánThú y Trung ương,Trung tâm Thú y vùng hoặc Chi cục Thú y tỉnh, thành phố.

Điều 9. Khoanh vùng dịch và kiểm soát vận chuyển gia súc

Tại vùng có dịch, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Giám đốc Sở NN - PTNT, Chi cục thú y thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Xác định thôn, xã, huyện có dịch để khoanh vùng ổ dịch và lập các trạm gác (có người canh gác 24/24 giờ), có biển báo, hướng dẫn giao thông; ngăn cấm việc đưa gia súc và sản phẩm của chúng ra ngoài ổ dịch. Tại các trạm gác này phải có phương tiện và chất sát trùng để xử lý mọi đối tượng ra khỏi vùng dịch.

2. Nghiêm cấm các hoạt động buôn bán gia súc, sản phẩm gia súc và việc chữa bệnh của thú y tư nhân trong vùng có dịch.

Điều 10. Quy định về việc giết mổ gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh LMLM.

1. Việc giết mổ những gia súc mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh LMLM được thực hiện như sau:

a). Lò mổ, điểm giết mổ phải do Chi cục Thú y tỉnh, thành phố chỉ định, và tại đó phải thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh thú y như đối với vùng có dịch.

b). Phương tiện vận chuyển gia súc đưa đi giết mổ phải đảm bảo không để rơi vãi chất thải trên đường.

c). Nước thải trong quá trình giết mổ gia súc phải được khử trùng theo quy định tại điều 11.

d). Nơi giết mổ và các chất phế thải phải được khử trùng.

e). Thịt gia súc phải cắt nhỏ 2 kg luộc chín. Phủ tạng, sản phẩm khác và chất thải phải xử lý theo điều 11.

2. Chi cục Thú y chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc vận chuyển, giết mổ gia súc và quá trình xử lý, khử trùng nêu tại điều này.

Điều 11. Giết huỷ gia súc mắc bệnh LMLM

1. Việc giết huỷ những gia súc mắc bệnh phải được thực hiện theo quy định sau:

a). Đối với trâu, bò: Nếu số lượng trâu, bò mắc bệnh ít từ 1-10 con ở cách biệt thì giết huỷ. Trong trường hợp có số lượng trâu bò mắc bệnh nhiều phải nuôi nhốt cách ly trong phạm vi gia đình, không chăn thả ra bãi chăn chung hoặc thả rông.

b). Đối với lợn, hươu, nai: Giết huỷ những con mắc bệnh.

2. Xử lý chất độn chuồng, chất thải phải đốt, xử lý bằng hoá chất sát trùng. Sau đó chôn sâu xuống dưới mặt đất ít nhất 1m . Quá trình xử lý xác gia súc chết do bệnh LMLM phải có sự giám sát, chứng nhận của cơ quan thú y như quy định tại Khoản 2 - Điều 25 của Điều lệ Phòng chống bệnh dịch động vật.

3. Trách nhiệm của cơ quan Thú y và chủ gia súc:

a). Chi cục Thú y đề nghị UBND tỉnh ra quyết định xử lý gia súc mắc bệnh :

b). Chi cục Thú y có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật xử lý gia súc mắc bệnh cho Thú y cơ sở thực hiện.

c). Chủ gia súc có nhiệm vụ thực hiện việc xử lý gia súc bị mắc bệnh LMLM theo hướng dẫn của Thú y.

Điều 12. Vệ sinh Khử trùng tiêu độc

1. Chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, nơi chăn thả, phương tiện vận chuyển, nơi giết mổ, nơi động vật chết phải được vệ sinh khử trùng tiêu độc theo quy định tại Điều 26 của Điều lệ Phòng chống bệnh dịch động vật.

2. Các hoá chất sử dụng cho việc vệ sinh khử trùng tiêu độc như sau:

Xút % hoặc Formol 1-2% , Prophyl 0,5%, IODA VIC, Biodine 0,333%, Lindores 0,42%, Halamid 0,5%, Antec 1%.... Lối ra vào ngõ xóm, chuồng nuôi cần rải thêm vôi bột.

Điều 13. Tiêm phòng bắt buộc

1. Đối tượng tiêm phòng: trâu, bò, dê, cừu, lợn ở các vùng uy hiếp hoặc có nguy cơ tái phát dịch, vùng chăn nuôi xuất khẩu đều phải tiêm phòng.

2. Vùng tiêm: Tiêm vùng vành đai, không được tiêm thẳng vào ổ dịch.

3. Thời gian tiêm phòng:

a).Tiêm phòng chống dịch khi có dịch xảy ra

b). Tiêm phòng định kỳ hàng năm và phương thức tiêm phòng theo hướng dẫn của Cục Thú y.

Điều 14. Điều kiện và thể thức bãi bỏ công bố dịch

1. Điều kiện bãi bỏ quyết định công bố dịch:

a). Những động vật dễ nhiễm bệnh LMLM trong vùng vành đai bảo vệ đã được tiêm phòng sau 21 ngày;

b). Sau 21 ngày kể từ ngày con vật chết hoặc lành bệnh hoặc con vật bị giết mổ bắt buộc cuối cùng mà không có con vật nào bị mắc bệnh hoặc chết vì bệnh LMLM nữa;

c). Đã thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc toàn bộ ổ dịch đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y theo yêu cầu của cơ quan Thú y sở tại.

2. Thể thức bãi bỏ quyết định công bố dịch:

a). Chi cục trưởng Chi cục Thú y cùng Giám đốc Trung tâm Thú y vùng sau khi kiểm tra thấy đủ các điều kiện nêu tại Khoản 1 Điều này gửi báo cáo cho Cục trưởng và được Cục trưởng Cục Thú y đồng ý thì đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, ra quyết định bãi bỏ công bố dịch.

b). Cục trưởng Cục Thú y đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ra quyết định bãi bỏ công bố dịch đối với những trường hợp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố.

Điều 15. Quy định báo cáo dịch

1. Cán bộ thú y cơ sở, thú y hành nghề tư nhân và chủ vật nuôi phải báo cáo ngay lên Trạm thú y huyện, khi có gia súc ốm nghi là bệnh LMLM , đồng thời đề nghị chính quyền sở tại cho quản lý chặt con vật ốm, không để bán chạy hoặc mổ thịt tuỳ tiện.

2. Nhận được báo cáo của Trạm Thú y huyện Chi cục Thú y phải:

a). Báo cáo ngay về Cục và Trung tâm Thú y vùng thuộc địa bàn quản lý;

b). Báo cáo ngay với Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh đề xuất các biện pháp phòng chống dịch kịp thời.

c). Trong thời gian có dịch phải báo cáo 7 ngày một lần cho đến khi hết dịch theo mẫu quy định của Cục Thú y .

d). Sau khi có quyết định bãi bỏ công bố dịch phải báo cáo tổng kết dịch.

Chương IV

XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHEN THƯỞNG

Điều 16. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định này thì ngoài việc xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong công tác thú y còn phải bồi thường theo quy định của Pháp luật.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17.

Bản quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các văn bản phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng trước đây trái với bản quy định này đều bãi bỏ.

Cục trưởng Cục Thú y trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện, hướng dẫn kiểm tra thi hành bản quy định này và thường xuyên báo cáo Bộ.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Ngô Thế Dân

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.