• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 04/01/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 25/11/2023
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 41/2012/TT-BGDĐT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Giang, ngày 19 tháng 11 năm 2012

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia ban hành kèm theo

Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

__________________________________

 

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia ban hành kèm theo Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia ban hành kèm theo Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, như sau:

1. Khoản 2 Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic: thí sinh là học sinh đang học cấp trung học phổ thông và thuộc một trong các diện sau đây:

a) Được Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyển chọn trong số các học sinh đã đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cùng năm theo nguyên tắc tuyển từ cao xuống thấp theo điểm thi, đảm bảo số học sinh được tuyển chọn cho mỗi môn thi không vượt quá 8 lần số học sinh cần chọn vào đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn đó;

b) Không tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cùng năm, nhưng đã tham gia tập huấn chuẩn bị dự thi Olympic khu vực và quốc tế trong năm trước đó”.

2. Khoản 2 Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic: Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc tuyển chọn, triệu tập thí sinh tham dự kỳ thi, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 4 và khoản 2 Điều 16 của Quy chế này”.

3. Khoản 2 Điều 16 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic: Số lượng thí sinh dự thi mỗi môn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định theo từng năm, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 4 của Quy chế này.”

4. Điều 26 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 26. Quy định về các tài liệu, vật dụng được mang vào phòng thi

1. Thí sinh được phép mang vào phòng thi tài liệu, vật dụng liên quan đến việc làm bài thi:

a) Bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình;

b) Máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; riêng đối với môn thi Toán, thí sinh không được mang máy tính vào phòng thi;

c) Bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học và Bảng tính tan đối với môn thi Hoá học, Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí; không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì trong tài liệu.

2. Việc mang tài liệu, vật dụng vào phòng thi thực hành đối với các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học và vào phòng thi nói đối với các môn Ngoại ngữ được thực hiện theo Hướng dẫn tổ chức thi hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.”

5. Điểm b khoản 4 Điều 32 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“b) Giám khảo Hội đồng chấm thi của kỳ thi không được tham gia Hội đồng phúc khảo.”

6. Điều 34 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 34. Chọn học sinh vào các đội tuyển Olympic

1. Sau khi hoàn tất việc chấm điểm bài thi các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, xếp thứ tự số phách theo điểm thi từ cao xuống thấp để xét chọn thí sinh tham gia tập huấn chuẩn bị dự thi Olympic khu vực và quốc tế, đảm bảo số thí sinh được tuyển chọn không vượt quá 1,5 lần số thí sinh của đội tuyển mỗi môn thi.

2. Chủ tịch Hội đồng chấm thi các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt danh sách thí sinh (theo số phách bài thi) được tuyển chọn tham gia tập huấn chuẩn bị dự thi Olympic khu vực và quốc tế.

3. Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn cho các thí sinh được tuyển chọn tham gia tập huấn chuẩn bị dự thi và căn cứ kết quả tập huấn trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt danh sách chính thức của các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế”.

7. Bổ sung khoản 5 vào Điều 36, như sau:

“5. Học sinh tham gia tập huấn chuẩn bị dự thi Olympic khu vực và quốc tế do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, được tuyển thẳng vào các trường đại học theo nguyện vọng đăng ký.”

8. Bổ sung Điều 39a sau Điều 39, như sau:

“Điều 39a. Xử lý thông tin phản ánh về tiêu cực trong kỳ thi

1. Cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm quy chế thi:

a) Khuyến khích thí sinh, những người tham gia công tác tổ chức thi, quần chúng nhân dân phát hiện và tố giác những hành vi vi phạm quy chế thi;

b) Người phát hiện những hành vi vi phạm quy chế thi cần kịp thời thông báo và cung cấp bằng chứng cho nơi tiếp nhận được quy định tại khoản 2 của Điều này để có biện pháp xử lý;

c) Người cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm quy chế thi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin và bằng chứng đã cung cấp, không được lợi dụng việc cung cấp thông tin để gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi.

2. Nơi tiếp nhận thông tin, bằng chứng về vi phạm quy chế thi:

a) Ban chỉ đạo thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

b) Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Các bằng chứng vi phạm quy chế thi sau khi đã được xác minh về tính xác thực là cơ sở để xử lý đối tượng vi phạm.

4. Đối với tổ chức, cá nhân tiếp nhận thông tin và bằng chứng về vi phạm quy chế thi:

a) Tổ chức việc tiếp nhận thông tin, bằng chứng theo quy định; bảo vệ nguyên trạng bằng chứng; xác minh tính xác thực của thông tin và bằng chứng.

b) Triển khai kịp thời các biện pháp ngăn chặn tiêu cực, vi phạm quy chế thi theo thông tin đã được cung cấp.

c) Xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý và công bố công khai kết quả xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy chế thi.

d) Bảo mật thông tin và danh tính người cung cấp thông tin.”

9. Điểm a khoản 2 Điều 40 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Đối với thí sinh:

a) Thí sinh mang vào phòng thi tài liệu, vật dụng liên quan đến việc làm bài thi vi phạm quy định tại Điều 26 của Quy chế này hoặc vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi, dù sử dụng hay chưa sử dụng đều bị đình chỉ thi”.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 04 tháng 01 năm 2013.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo; Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Hiệu trưởng các trường đại học có trường trung học phổ thông Chuyên và Hiệu trưởng các trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Phạm Vũ Luận

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.