• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 31/12/2010
HĐND TỈNH BẮC GIANG
Số: 05/2006/NQ- HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Giang, ngày 20 tháng 7 năm 2006

NGHỊ QUYẾT

Về việc Quy định phân cấp ngân sách các cấp chính quyền

địa phương tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2007 - 2010

---------------

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

KHOÁ XVI - KỲ HỌP THỨ 7

           Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân  ngày 26 tháng 11 năm 2003;

          Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

          Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ và Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23 tháng 6 năm 2003 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

         Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 28 /TTr-UBND ngày 07 tháng 7 năm 2006 của UBND tỉnh; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu,

QUYẾT NGHỊ:

          Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định về phân cấp ngân sách các cấp chính quyền địa phương tỉnh Bắc Giang.

          Điều 2. Quy định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2007 và ổn định trong giai đoạn 2007 - 2010. Các quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.

          Điều 3. Giao cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện nghị quyết này.

Trong quá trình thực hiện, có quy định nào chưa phù hợp, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định vào kỳ họp thích hợp.

          Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang Khoá XVI kỳ họp thứ 7 thông qua./.

 

                                                          

 

 

 

 

 

 

QUY ĐỊNH

Về phân cấp ngân sách các cấp chính quyền địa phương tỉnh Bắc Giang

(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 05 /2006/NQ- HĐND  ngày 20  tháng 7 năm 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang)

-------------------

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách chính quyền địa phương. Mỗi cấp chính quyền được phân cấp cụ thể nguồn thu, nhiệm vụ chi để chủ động đảm bảo cân đối ngân sách tích cực, theo nguyên tắc phù hợp, đồng bộ với phân cấp quản lý kinh tế- xã hội, với tổ chức bộ máy hành chính và khả năng quản lý từng cấp, ngành ở địa phương. Đảm bảo tính thống nhất của hoạt động ngân sách và vai trò chỉ đạo, chi phối của ngân sách tỉnh.

Điều 2. Mỗi cấp chính quyền có nhiệm vụ, thẩm quyền và chủ động trong tổ chức quản lý thu, chi ngân sách theo phân cấp, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của từng cấp trong việc khai thác, huy động các nguồn thu hợp pháp, huy động đóng góp của nhân dân theo quy định của pháp luật để tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, phục vụ dân sinh trên địa bàn.

Thông qua phân cấp ngân sách để thực hiện đẩy nhanh cải cách hành chính trong phân cấp quản lý tài chính ngân sách, phù hợp, đồng bộ với cải cách bộ máy hành chính các cấp.

Điều 3. Đảm bảo ngân sách tỉnh giữ vai trò chủ đạo để thực hiện các chủ trương lớn của tỉnh và thực hiện 5 chương trình phát triển kinh tế xã hội trọng tâm của tỉnh giai đoạn 2006-2010, đồng thời có khả năng điều hoà nguồn lực tài chính ngân sách trên địa bàn tỉnh.

Điều 4. Đảm bảo cân đối giữa nguồn thu với nhiệm vụ chi cho từng cấp ngân sách, phù hợp với phân cấp của Trung ương cho địa phương, theo hướng tăng cường phân cấp cho cấp dưới để chủ động thực hiện nhiệm vụ của cấp mình, hạn chế việc bổ sung từ ngân sách cấp trên.

Điều 5. Phân cấp rành mạch, rõ ràng đảm bảo cân bằng giữa các vùng của địa phương, hạn chế các khoản thu có quy mô nhỏ, phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) cho nhiều cấp. Đặc biệt là khoản thu có quy mô nhỏ gắn với nhiệm vụ quản lý ở từng cấp. Tỷ lệ phân chia các khoản thu cho từng cấp phải đơn giản, dễ hiểu, xác định tối đa cho cấp dưới nhưng phải đảm bảo đủ nguồn cho ngân sách cấp trên điều hoà chung; đồng thời thực hiện đúng các quy định của Luật Ngân sách nhà nước: Ngân sách cấp xã, thị trấn hưởng tối thiểu 70% đối với các khoản thu thuế chuyển quyền sử dụng đất, thuế nhà đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp từ hộ gia đình, thuế môn bài từ cá nhân, hộ kinh doanh.

Điều 6. Thời kỳ ổn định ngân sách:

Tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu và số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới được ổn định trong thời gian 4 năm (2007- 2010). Trong thời kỳ ổn định ngân sách, các cấp ngân sách được sử dụng nguồn tăng thu hàng năm (phần ngân sách mình được hưởng) để chi cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn. Kết thúc thời kỳ ổn định ngân sách, HĐND tỉnh quy định điều chỉnh tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách và mức bổ sung cân đối cho ngân sách huyện, thành phố phù hợp thời kỳ ổn định mới.

Trường hợp tỉnh quyết định ban hành chính sách, chế độ làm tăng chi ngân sách, sau khi dự toán đã được quyết định thì phải có giải pháp bố trí nguồn kinh phí thực hiện.

Điều 7. Số bổ sung ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới.

Thực hiện theo quy định tại điểm 4 phần II Thông tư số 59/2003/TT- BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ- CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 8. Cơ chế thưởng vượt thu cho ngân sách cấp dưới.

1. Đối với cấp huyện:

1.1. Chỉ xét thưởng đối với số thu vượt dự toán tỉnh giao, phần ngân sách tỉnh được hưởng từ các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách địa phương theo quy định tại khoản 2 Điều 9 của Quy định này sau khi đã loại trừ các khoản thu đã được cấp có thẩm quyền quy định dùng để chi cho những mục tiêu xác định.

1.2. Số thu vượt được tính trên tổng thể các khoản thu phân chia, không xét riêng từng khoản thu.

1.3. Tỷ lệ thưởng đối với các huyện, thành phố là 30% trên tổng số thu vượt phần ngân sách tỉnh hưởng.

2. Đối với cấp xã:

Căn cứ việc xét thưởng của ngân sách tỉnh theo ngân sách huyện, thành phố; UBND huyện, thành phố quyết định thưởng vượt thu cho ngân sách cấp xã.

 Chương II

PHÂN CẤP NGUỒN THU CÁC CẤP NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Điều 9. Nguồn thu của ngân sách cấp tỉnh.

1. Các nguồn thu ngân sách cấp tỉnh hưởng 100% gồm 25 khoản là:

- Thuế GTGT (trừ thuế GTGT hàng hoá nhập khẩu) của các doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi hình thức sở hữu) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

- Thuế TNDN (trừ thuế TNDN hạch toán toàn ngành) của các doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả các doanh nghiệp đã chuyển đổi hình thức sở hữu) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

- Tiền cho thuê đất, thuê mặt nước.

- Tiền cho thuê và bán nhà thuộc sở hữu nhà nước.

- Các khoản thu từ hoạt động xổ số kiến thiết.

- Thuế tài nguyên của các doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả các doanh nghiệp đã chuyển đổi hình thức sở hữu) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

- Thuế môn bài của các doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả các doanh nghiệp đã chuyển đổi hình thức sở hữu) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

- Thuế tiêu thụ đặc biệt từ hàng hoá, dịch vụ trong nước (trừ thuế TTĐB thu vào mặt hàng bài lá, vàng mã, kinh doanh vũ trường, mát xa, karaoke).

- Phí xăng, dầu.

- Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao.

- Thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài của các tổ chức, cá nhân nước ngoài có vốn đầu tư tại Việt Nam.

- Các khoản phí, lệ phí phần nộp ngân sách theo quy định của pháp luật do các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh quản lý.

- Viện trợ không hoàn lại bằng tiền, bằng hiện vật của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.

- Thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực, kể cả thu phạt an toàn giao thông và thu của các trạm cân xe, chống lậu ở các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh (trừ các khoản thu từ hoạt động chống lậu của hạt kiểm lâm và đội quản lý thị trường trên địa bàn huyện, thành phố).

- Thu huy động các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng theo quy định của pháp luật.

- Thu đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho ngân sách cấp tỉnh.

- Thu từ quỹ dự trữ tài chính trong trường hợp đặc biệt.

- Tiền đền bù thiệt hại đất.

- Thu nhập từ vốn góp của ngân sách tỉnh, tiền thu hồi vốn của ngân sách cấp tỉnh tại các cơ sở kinh tế, thu thanh lý tài sản và các khoản thu khác của doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý phần nộp ngân sách theo quy định của pháp luật.

- Thu sự nghiệp của các đơn vị do cơ quan cấp tỉnh quản lý.

- Thu vay đầu tư theo quy định khoản 3, Điều 8, Luật Ngân sách nhà nước.

- Thu kết dư ngân sách cấp tỉnh.

- Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

- Thu chuyển nguồn ngân sách từ ngân sách cấp tỉnh năm trước sang ngân sách cấp tỉnh năm sau.

- Thu bổ sung từ ngân sách Trung ương.

2. Các khoản thu phân chia tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện, thành phố (gọi chung là ngân sách cấp huyện) và ngân sách cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là ngân sách cấp xã) của thời kỳ ổn định gồm 9 khoản:

- Thuế GTGT và thuế TNDN của các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ.

- Thuế GTGT và thuế thu nhập từ các hộ sản xuất kinh doanh hàng hoá dịch vụ.

- Thuế nhà đất.

- Tiền sử dụng đất, kể cả kết quả đấu giá đất (sau khi trừ đi kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tiền đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc đối tượng đầu tư từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật và hỗ trợ người có đất bị thu hồi - nếu có).

- Thuế sử dụng đất nông nghiệp từ hộ gia đình.

- Lệ phí trước bạ (không kể lệ phí trước bạ nhà đất).

- Thuế môn bài từ cá nhân hộ kinh doanh ngoài quốc doanh.

- Thuế chuyển quyền sử dụng đất.

- Lệ phí trước bạ nhà đất.

Điều 10. Nguồn thu ngân sách cấp huyện.

Các khoản thu huyện hưởng 100% gồm 15 khoản:

- Thuế môn bài từ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, HTX trên địa bàn huyện.

- Các khoản thu phí và lệ phí phần nộp ngân sách do các cơ quan, đơn vị thuộc cấp huyện quản lý.

- Thu từ hoạt động sự nghiệp phần nộp ngân sách theo quy định của pháp luật của các đơn vị do cấp huyện quản lý.

- Viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho cấp huyện theo quy định của pháp luật.

- Đóng góp của các tổ chức, cá nhân để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng theo quy định của Chính phủ.

- Đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho ngân sách cấp huyện.

- Thuế sử dụng đất nông nghiệp của các doanh nghiệp nhà nước, kể cả các doanh nghiệp nhà nước đã chuyển đổi hình thức sở hữu.

- Thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực (kể cả  thu phạt an toàn giao thông); thu từ hoạt động chống buôn lậu và kinh doanh trái pháp luật của các đơn vị thuộc cấp huyện (kể cả thu từ hoạt động chống buôn lậu của đội quản lý thị trường và hạt kiểm lâm, chi cục thuế).

- Thuế tài nguyên do các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các hộ sản xuất hàng hoá dịch vụ nộp.

- Thu nhập từ vốn góp của ngân sách cấp huyện, tiền thu hồi vốn của ngân sách cấp huyện tại các cơ sở kinh tế.

- Thuế tiêu thụ đặc biệt thu vào mặt hàng bài lá, vàng mã, kinh doanh vũ trường, mát xa, karaoke.

- Các khoản thu khác của ngân sách cấp huyện theo quy định của pháp luật.

- Thu chuyển nguồn từ ngân sách cấp huyện năm trước sang ngân sách cấp huyện năm sau.

- Thu kết dư ngân sách cấp huyện.

- Thu bổ sung từ ngân sách cấp tỉnh.

Điều 11. Nguồn thu ngân sách cấp xã.

Các khoản thu xã hưởng 100%, gồm 8 khoản:

- Các khoản phí, lệ phí thu vào ngân sách xã theo quy định.

- Các khoản huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân gồm: Các khoản huy động đóng góp theo pháp luật quy định, các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng do HĐND xã quyết định đưa vào ngân sách xã quản lý và các khoản đóng góp tự nguyện khác.

- Thu đấu thầu, thu khoán theo mùa vụ từ quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác theo quy định của pháp luật do xã quản lý.

- Thu tiền từ các hoạt động sự nghiệp của xã phần nộp vào ngân sách nhà nước theo chế độ quy định.

- Viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho ngân sách xã theo quy định của pháp luật.

- Các khoản thu khác của ngân sách xã theo quy định của pháp luật.

- Thu kết dư ngân sách năm trước.

- Thu bổ sung từ ngân sách cấp trên.

Điều 12. Tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương.

1. Thuế GTGT, thuế TNDN của các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ:

a. Ngân sách tỉnh: 0%

b. Ngân sách huyện: 100%

c. Ngân sách xã, phường, thị trấn: 0%

2. Thuế GTGT và thuế TNDN từ các cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ:

a. Ngân sách tỉnh: 0%.

b. Ngân sách thành phố: thu trên địa bàn phường: 90%; thu trên địa bàn xã: 10%

- Ngân sách xã: 90%.

- Ngân sách phường: 10%.

c. Ngân sách các huyện còn lại: Thu trên địa bàn thị trấn: 30%; thu trên địa bàn các xã: 10%.

- Ngân sách xã: 90%.

- Ngân sách thị trấn: 70%.

3. Thuế nhà đất:

a. Ngân sách tỉnh: 0%

b. Ngân sách thành phố: thu trên địa bàn phường: 30%; thu trên địa bàn xã: 10%.

- Ngân sách xã: 90%.

- Ngân sách phường: 70%.

c. Ngân sách các huyện còn lại:

- Ngân sách huyện: 10%.

- Ngân sách xã, thị trấn: 90%.

4. Thuế sử dụng đất nông nghiệp từ hộ gia đình:

a. Ngân sách tỉnh: 0%.

b. Ngân sách huyện, thành phố: 10%.

c. Ngân sách xã, phường, thị trấn: 90%

5. Lệ phí trước bạ (không kể lệ phí trước bạ nhà đất):

+ Ngân sách tỉnh: 0%.

+ Ngân sách các huyện, thành phố: 100% (thu trên địa bàn các huyện, thành phố)

+ Ngân sách xã, phường, thị trấn: 0%.

6. Thu tiền sử dụng đất:

6.1. Thành phố Bắc Giang:

a. Ngân sách  tỉnh: 80%

b. Ngân sách thành phố: thu trên địa bàn phường 20%; thu trên địa bàn xã: 10%.

c. Ngân sách xã: 10%.

d. Ngân sách phường: 0%.

6.2. Các huyện còn lại:

a. Ngân sách tỉnh: 0%

b. Ngân sách huyện:

- Thu trên địa bàn thị trấn: 80%.

- Thu trên địa bàn các xã trung du, núi  thấp: 70%.

- Thu trên địa bàn các xã núi cao: 30%.

c. Ngân sách xã, thị trấn:

- Thị trấn: 20%.

- Các xã trung du, núi thấp: 30%.

- Núi cao: 70%.

7. Thuế môn bài từ cá nhân, các hộ kinh doanh ngoài quốc doanh:

a. Ngân sách tỉnh: 0%.

b. Ngân sách thành phố: thu trên địa bàn phường: 50%; thu trên địa bàn xã: 10%.

- Ngân sách xã: 90%.

- Ngân sách phường: 50%.

c. Ngân sách các huyện còn lại:

- Ngân sách huyện 0%.

- Ngân sách xã, thị trấn: 100%.

8. Thuế chuyển quyền sử dụng đất:

a. Ngân sách tỉnh: 0%.

b. Ngân sách thành phố: thu trên địa bàn phường: 50%; thu trên địa bàn xã: 30%.

- Ngân sách xã: 70%.

- Ngân sách phường: 50%.

c. Các huyện còn lại:

- Ngân sách huyện: 0%.

- Ngân sách xã, thị trấn: 100%.

9. Lệ phí trước bạ nhà đất:

a. Ngân sách tỉnh: 0%.

b. Ngân sách thành phố: thu trên địa bàn phường: 50%; thu trên địa bàn xã: 10%.

- Ngân sách xã: 90%.

- Ngân sách phường: 50%.

c. Các huyện còn lại:

- Ngân sách huyện: 0%.

- Ngân sách xã, thị trấn: 100%.

Chương III

PHÂN CẤP NHIỆM VỤ CHI NGÂN SÁCH CÁC CẤP ĐỊA PHƯƠNG

Điều 13. Nhiệm vụ chi của ngân sách cấp tỉnh.  

1. Chi đầu tư phát triển:

- Đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng thu hồi vốn do cấp tỉnh quản lý.

- Đầu tư và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, các tổ chức tài chính của nhà nước theo quy định của pháp luật.

- Chi đầu tư phát triển các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia do cấp tỉnh quản lý.

- Các khoản chi đầu tư phát triển khác theo quy định của pháp luật.

2. Chi thường xuyên:

2.1. Các hoạt động sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế, xã hội, văn hoá, thông tin, thể dục - thể thao, sự nghiệp khoa học công nghệ, tài nguyên và môi trường và các sự nghiệp khác do các cơ quan cấp tỉnh quản lý, bao gồm:

- Các trường trung học phổ thông, trung học bổ túc văn hóa, trung học phổ thông dân tộc nội trú, các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố và các hoạt động giáo dục khác.

- Đại học tại chức, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, đào tạo nghề, đào tạo ngắn hạn và các hình thức đào tạo khác.    

- Các hoạt động sự nghiệp y tế: Chi phòng bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tỉnh, các cơ sở y tế như trung tâm y tế dự phòng cấp tỉnh, trạm mắt, trạm da liễu, trạm tâm thần…; bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện, thành phố và các hoạt động y tế khác.

- Các trại xã hội, cứu tế xã hội, phòng, chống các tệ nạn xã hội và các hoạt động xã hội khác (quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo, hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, chi quà lễ, tết cho các đối tượng chính sách,…).

- Bảo tồn, bảo tàng, thư viện, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động văn hóa khác.

- Phát thanh, truyền hình và các hoạt động thông tin khác.

- Bồi dưỡng, huấn luyện viên, vận động viên các đội tuyển cấp tỉnh, các giải thi đấu cấp tỉnh, quản lý các cơ sở thể dục thể thao và các hoạt động thể dục thể thao khác.

- Nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các sự nghiệp khoa học kỹ thuật khác.

- Các sự nghiệp văn hoá xã hội khác do cấp tỉnh quản lý.

2.2. Các sự nghiệp kinh tế do các cơ quan cấp tỉnh quản lý:

- Sự nghiệp giao thông, duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa cầu đường và các công trình giao thông khác; lập biển báo và các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường.

- Sự nghiệp nông nghiệp, thuỷ lợi, ngư nghiệp và lâm nghiệp, duy tu, bảo dưỡng các tuyến đê, các công trình thuỷ lợi, các trạm, trại nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chi khoanh nuôi, bảo vệ phòng chống cháy rừng, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

- Đo đạc, lập bản đồ và lưu trữ hồ sơ địa chính.

- Điều tra cơ bản.

- Các hoạt động về môi trường.

- Các hoạt động sự nghiệp kinh tế khác.

2.3. Các nhiệm vụ về quốc phòng – an ninh, trật tự, an toàn xã hội do ngân sách tỉnh đảm bảo thực hiện theo quy định của chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

2.4. Hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam cấp tỉnh.

 2.5. Hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh: Uỷ ban mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân.

2.6. Hỗ trợ các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp ở cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.

2.7. Thực hiện các chính sách xã hội do cấp tỉnh quản lý.

2.8. Chi thường xuyên các chương trình mục tiêu quốc gia do cấp tỉnh quản lý.

2.9. Trợ giá theo chính sách của nhà nước.

2.10. Các khoản chi thường xuyên theo quy định của pháp luật.

3. Trả nợ gốc, lãi tiền vay huy động cho đầu tư phát triển theo quy định tại khoản 3, Điều 8, Luật Ngân sách nhà nước.

4. Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh.

5. Chi bổ sung cho ngân sách cấp dưới.

6. Chi chuyển nguồn từ ngân sách cấp tỉnh năm trước sang ngân sách cấp tỉnh năm sau.

Điều 14. Nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện.

1. Chi đầu tư phát triển:

- Chi đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng thu hồi vốn từ nguồn thu tiền sử dụng đất và vượt thu ngân sách huyện theo phân cấp quản lý đầu tư và xây dựng của tỉnh.

- Chi hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hoá kênh mương, trường học, trạm y tế.

- Các khoản chi đầu tư phát triển khác theo quy định của pháp luật.

2. Chi thường xuyên:

- Các hoạt động sự nghiệp giáo dục - đào tạo: Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông dân tộc nội trú (cấp 2), bổ túc văn hoá và các hoạt động sự nghiệp giáo dục – đào tạo khác do cấp huyện quản lý.

- Các hoạt động sự nghiệp văn hoá, thông tin, thể dục - thể thao, truyền thanh, truyền hình và các sự nghiệp khác do cơ quan cấp huyện quản lý.

- Chi sự nghiệp y tế: Chi lương và phụ cấp cho cán bộ y tế xã trong định biên; chi phụ cấp cho cán bộ y tế thôn, bản.

- Các sự nghiệp kinh tế do các cơ quan cấp huyện quản lý: Sự nghiệp nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi, giao thông:

+ Sự nghiệp thị chính: duy tu, bảo dưỡng hệ thống đèn chiếu sáng vỉa hè, hệ thống cấp thoát nước, giao thông đô thị, công viên, hoạt động về môi trường và các sự nghiệp thị chính khác.

+ Các sự nghiệp kinh tế khác.

- Các nhiệm vụ về quốc phòng – an ninh, trật tự, an toàn xã hội do ngân sách cấp huyện đảm bảo theo quy định của Chính phủ.

- Hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam cấp huyện.

- Hoạt động các tổ chức chính trị xã hội cấp huyện: Uỷ ban mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân.

- Hỗ trợ các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp cấp huyện theo quy định của pháp luật.

- Chi đảm bảo xã hội, bao gồm: Chi cứu trợ xã hội, chi chương trình phòng chống tội phạm, ma tuý, mại dâm.

- Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

3. Chi bổ sung cho ngân sách cấp xã, phường, thị trấn.

4. Chi chuyển nguồn từ ngân sách cấp huyện năm trước sang ngân sách cấp huyện năm sau.

Điều 15. Nhiệm vụ của ngân sách cấp xã.

1. Chi đầu tư phát triển:

- Chi đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội không có khả năng thu hồi vốn từ nguồn thu tiền sử dụng đất và vượt thu ngân sách xã theo phân cấp quản lý đầu tư và xây dựng của tỉnh.

- Chi đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của xã từ nguồn huy động đóng góp của tổ chức, cá nhân cho từng dự án nhất định theo quy định của pháp luật, do HĐND xã quyết định đưa vào ngân sách cấp xã quản lý.

- Chi hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hoá kênh mương, trường học, trạm y tế và chi trả nợ đầu tư XDCB.

- Các khoản chi đầu tư phát triển khác theo quy định của pháp luật.

2. Chi thường xuyên:

2.1. Hoạt động của các cơ quan nhà nước cấp xã.

2.2. Hoạt động của các cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam cấp xã.

2.3. Hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội cấp xã: Uỷ ban mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân.

   2.4. Đóng BHXH, BHYT cho cán bộ xã và các đối tượng khác theo chế độ quy định.

2.5. Chi cho công tác dân quân tự vệ, trật tự an toàn xã hội:

- Chi huấn luyện dân quân tự vệ và các khoản phụ cấp huy động dân quân tự vệ, các khoản chi khác về dân quân tự vệ thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp xã theo quy định Pháp lệnh về dân quân tự vệ.

- Chi thực hiện việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, công tác nghĩa vụ quân sự khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp xã theo quy định của pháp luật.

- Công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức phong trào quần chúng bảo vệ an ninh - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã.

- Các khoản chi khác theo chế độ quy định.

2.6. Công tác xã hội và hoạt động văn hóa, thông tin, truyền thanh, thể dục thể thao do xã quản lý:

- Trợ cấp hàng tháng cho cán bộ xã, phường, thị trấn theo chế độ quy định (không kể trợ cấp hàng tháng cho cán bộ xã nghỉ việc và trợ cấp thôi việc một lần cho cán bộ xã nghỉ việc từ 01/01/1998 trở về sau do tổ chức bảo hiểm xã hội chi); thăm hỏi các gia đình chính sách; cứu tế xã hội và công tác xã hội khác.

2.7. Hỗ trợ các lớp bổ túc văn hóa, nhà trẻ, lớp mẫu giáo, kể cả trợ cấp cho giáo viên mẫu giáo và cô nuôi dậy trẻ do xã quản lý (riêng với phường do ngân sách thành phố chi), trung tâm học tập cộng đồng.

2.8. Hỗ trợ chi thường xuyên và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho khám chữa bệnh của trạm y tế xã.

2.9. Chi sửa chữa cải tạo các công trình phúc lợi, các công trình kết cấu hạ tầng do xã quản lý: Trường học, trạm y tế, nhà trẻ, lớp mẫu giáo, nhà văn hóa, thư viện, đài tưởng niệm, cơ sở  thể dục, thể thao, cầu, đường giao thông, công trình cấp thoát nước công cộng… Riêng đối với phường do ngân sách thành phố chi.

Hỗ trợ khuyến khích các sự nghiệp kinh tế: khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo chế độ quy định.

  2.10. Chi phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã và thôn, bản, tổ dân phố theo quy định của UBND tỉnh và các hỗ trợ khác cho hoạt động của thôn, bản, tổ dân phố.

  2.11. Chi thường xuyên khác ở xã theo quy định của pháp luật./.

 

 

 

 

 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Quốc Cường

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.