• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/12/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2017
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 69/2014/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Giang, ngày 26 tháng 5 năm 2014

THÔNG TƯ

Hướng dẫn quy trình thí điểm thu phí, lệ phí tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo

trên Hành lang kinh tế Đông Tây theo mô hình “một cửa, một lần dừng”

________________________

 

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002 và Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 và Luật số 21/2012/QH12 ngày 20/11/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001; Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 và Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14/3/2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 45/2013/QĐ-TTg ngày 25/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế điều hành hoạt động tại các cửa khẩu biên giới đất liền;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn quy trình thí điểm thu phí, lệ phí tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo trên Hành lang kinh tế Đông Tây theo mô hình “một cửa, một lần dừng” như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn quy trình thí điểm thu, nộp các khoản phí, lệ phí phát sinh khi làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh người, phương tiện, quá cảnh hàng hóa, phương tiện (gọi chung là thủ tục xuất nhập khẩu) tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị trên Hành lang kinh tế Đông Tây (sau đây gọi chung là cửa khẩu Lao Bảo).

2. Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân đến làm thủ tục xuất nhập khẩu mà có phát sinh các khoản phí, lệ phí tại cửa khẩu Lao Bảo; Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành làm thủ tục xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Lao Bảo (Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm dịch y tế, Kiểm dịch động vật, Kiểm dịch thực vật); Cơ quan thu phí, lệ phí.

Điều 2. Người nộp phí, lệ phí và cơ quan thu phí, lệ phí

1. Người nộp phí, lệ phí là tổ chức, cá nhân đến làm thủ tục xuất nhập khẩu và được cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu Lao Bảo cấp Thông báo nộp phí, lệ phí;

2. Cơ quan thu phí, lệ phí là Kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại được ủy nhiệm thu tại cửa khẩu Lao Bảo (sau đây gọi chung là Kho bạc nhà nước).

Điều 3. Quy trình thực hiện thu phí, lệ phí

1. Nguyên tắc chung

Việc thu phí, lệ phí của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu Lao Bảo thực hiện theo nguyên tắc sau:

a) Khi tổ chức, cá nhân đến làm thủ tục xuất nhập khẩu (sau đây gọi chung là Khách hàng) có phát sinh loại phí, lệ phí liên quan đến chuyên ngành nào thì cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đó phải ra Thông báo số tiền phí, lệ phí phải nộp và giao Thông báo cho Khách hàng để đến Kho bạc nhà nước nộp tiền phí, lệ phí (theo Mẫu ban hành kèm theo Thông tư này).

b) Khách hàng nộp phí, lệ phí một lần tại Kho bạc nhà nước sau khi đã nhận đủ Thông báo nộp phí, lệ phí của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành; Xuất trình Thông báo số tiền phí, lệ phí (đã nộp, có xác nhận của Kho bạc nhà nước) cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu Lao Bảo khi có yêu cầu.

c) Trường hợp Khách hàng nộp lệ phí hải quan tại bước làm thủ tục hải quan bằng hình thức dán tem hoặc nộp lệ phí theo tháng, thực hiện theo quy định hiện hành.

2. Quy trình thực hiện đối với chiều xuất cảnh, xuất khẩu

a) Quy trình thực hiện nghiệp vụ của cơ quan chuyên ngành

Khách hàng → Hải quan → Kiểm dịch động vật, Kiểm dịch thực vật, Kiểm dịch y tế → Bộ đội biên phòng.

Theo đó, Khách hàng cần phải hoàn thành các thủ tục sau:

Bước 1: Khách hàng đến cơ quan Hải quan để làm thủ tục hải quan. Cơ quan Hải quan thực hiện nghiệp vụ hải quan; xác định và giao Thông báo về số tiền lệ phí hải quan phải nộp đến Khách hàng; chuyển thông tin về số tiền lệ phí mà Khách hàng phải nộp đến Kho bạc nhà nước.

Bước 2: Khách hàng đến các cơ quan Kiểm dịch để làm thủ tục kiểm dịch. Cơ quan Kiểm dịch thực hiện nghiệp vụ kiểm dịch, xác định và giao Thông báo số tiền phí, lệ phí phải nộp đến Khách hàng; chuyển thông tin về số tiền phí, lệ phí phải nộp cho Kho bạc nhà nước.

Bước 3: Khách hàng đến cơ quan Bộ đội biên phòng để làm thủ tục xuất cảnh. Bộ đội biên phòng thực hiện nghiệp vụ xuất cảnh; xác định và giao Thông báo số tiền lệ phí phải nộp đến Khách hàng và chuyển thông tin về số tiền lệ phí phải nộp cho Kho bạc nhà nước.

Trường hợp Khách hàng không phải thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình tại điểm này thì chỉ phải hoàn thành thủ tục của các bước tương ứng.

b) Quy trình thực hiện nộp phí, lệ phí

Khách hàng → Kho bạc nhà nước.

Theo đó, Khách hàng cầm Thông báo về số tiền phí, lệ phí phải nộp đến Kho bạc nhà nước để hoàn thành nghĩa vụ nộp phí, lệ phí.

Kho bạc nhà nước xác nhận trên Thông báo về số tiền phí, lệ phí đã nộp và xuất biên lai cho Khách hàng; chuyển số tiền phí, lệ phí đã xác nhận ghi trên Thông báo vào tài khoản tạm gửi của cơ quan nhà nước chuyên ngành làm thủ tục xuất cảnh, xuất khẩu tại cửa khẩu Lao Bảo.

3. Quy trình thực hiện đối với chiều nhập cảnh, nhập khẩu

a) Quy trình thực hiện nghiệp vụ của cơ quan chuyên ngành

Khách hàng → Bộ đội biên phòng → Kiểm dịch động vật, Kiểm dịch thực vật, Kiểm dịch y tế → Hải quan.

Theo đó, Khách hàng cần hoàn thành các thủ tục sau:

Bước 1: Khách hàng đến cơ quan Bộ đội biên phòng để làm thủ tục nhập cảnh. Bộ đội biên phòng thực hiện nghiệp vụ nhập cảnh; xác định và giao Thông báo số tiền lệ phí phải nộp đến Khách hàng và chuyển thông tin về số tiền lệ phí phải nộp cho Kho bạc nhà nước.

Bước 2: Khách hàng đến cơ quan Kiểm dịch để làm thủ tục kiểm dịch. Cơ quan Kiểm dịch thực hiện nghiệp vụ kiểm dịch; xác định và giao Thông báo số tiền phí, lệ phí phải nộp đến Khách hàng; chuyển thông tin về số tiền phí, lệ phí phải nộp cho Kho bạc nhà nước.

Bước 3: Khách hàng đến cơ quan Hải quan để làm thủ tục hải quan. Cơ quan Hải quan thực hiện nghiệp vụ hải quan; xác định và giao Thông báo về số tiền lệ phí hải quan phải nộp đến Khách hàng; chuyển thông tin về số tiền lệ phí mà Khách hàng phải nộp đến Kho bạc nhà nước.

Trường hợp Khách hàng không phải thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình tại điểm này thì chỉ phải hoàn thành thủ tục của các bước tương ứng.

b) Quy trình thực hiện nộp phí, lệ phí

Khách hàng → Kho bạc nhà nước.

Theo đó, Khách hàng cầm Thông báo về số tiền phí, lệ phí phải nộp đến Kho bạc nhà nước để hoàn thành nghĩa vụ nộp phí, lệ phí.

Kho bạc nhà nước xác nhận trên Thông báo về số tiền phí, lệ phí đã nộp và xuất biên lai cho Khách hàng; chuyển số tiền phí, lệ phí đã xác nhận ghi trên Thông báo vào tài khoản tạm gửi của cơ quan nhà nước chuyên ngành làm thủ tục nhập cảnh, nhập khẩu tại cửa khẩu Lao Bảo.

Điều 4. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc thu phí, lệ phí tại cửa khẩu Lao Bảo

1. Cơ quan Hải quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và Kho bạc nhà nước phải thiết lập hệ thống kết nối và trao đổi thông tin, dữ liệu điện tử để đảm bảo xác định số tiền phí, lệ phí phải nộp của Khách hàng; số tiền phí, lệ phí mà Khách hàng đã nộp tại Kho bạc nhà nước theo quy trình tại Điều 3 Thông tư này; số tiền phí, lệ phí được trích để lại cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và số tiền nộp ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành.

2. Hàng tháng, căn cứ vào số tiền phí, lệ phí thu được, Kho bạc nhà nước phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu Lao Bảo thực hiện:

a) Trích chuyển số tiền phí, lệ phí được để lại theo tỷ lệ phần trăm (%) quy định tại các văn bản về thu phí, lệ phí hiện hành để chuyển vào tài khoản của các cơ quan: Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm dịch y tế, Kiểm dịch động vật, Kiểm dịch thực vật. Số còn lại nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

b) Đối chiếu (qua hệ thống mạng kết nối thông tin) về số tiền phí, lệ phí thu được, trích để lại cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và nộp ngân sách nhà nước theo quy định.

Điều 5. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014.

2. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Kho bạc nhà nước tại cửa khẩu Lao Bảo có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.

3. Sau một năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Trị tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện thí điểm mô hình “một cửa, một lần dừng” theo hướng dẫn tại Thông tư này.

4. Mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí thu tại cửa khẩu Lao Bảo thực hiện theo các văn bản hiện hành.

5. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí, lệ phí và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, hướng dẫn./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Thị Mai

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.