• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 27/10/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 31/12/2010
UBND TỈNH BẮC GIANG
Số: 61/2006/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Giang, ngày 17 tháng 10 năm 2006

QUYẾT ĐỊNH

Về việc Ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược

Quốc gia về dinh dưỡng ở tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2006 – 2010

 

______________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

 

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 21/2001/QĐ-TTg ngày 22/02/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001- 2010”;

Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 802 /TTr-SYT, ngày 20/9/2006,

 QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Chương trình hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng ở tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2006 – 2010.

Điều 2.   Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3.  Giám đốc các Sở, thủ trưởng các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

 

Thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng

giai đoạn 2006-2010 tỉnh Bắc Giang

(Ban hành kèm theo Quyết định số 61 /2006/QĐ-UBND

ngày 17 tháng 10 năm 2006 của UBND tỉnh Bắc Giang).

1/01/clip_image001.gif" width="2" />__________

 

Phần một

ĐÁNH GIÁ KHÁI QUÁT KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC

 QUỐC GIA VỀ DINH DƯỠNG GIAI ĐOẠN 2001 – 2005.

 

Thực hiện Quyết định số 21/2001/QĐ-TTg ngày 22/02/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001-2010”, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng và Chính quyền các cấp, Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng (CLQGVDD) đã được triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh và đạt được những kết quả quan trọng.

Công tác truyền thông về dinh dưỡng được triển khai tích cực, lồng ghép trong các hoạt động của các cấp, các ngành, hàng năm đã tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông như: “Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ”, “Ngày vi chất dinh dưỡng”, hội thi "Cộng tác viên dinh dưỡng giỏi" ở các cấp... Thông qua các hoạt động truyền thông nhận thức và thực hành dinh dưỡng của người dân từng bước được nâng cao.

Chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em đạt kết quả khá; chất lượng chăm sóc sức khoẻ, nuôi dưỡng các bà mẹ có thai và trẻ em từng bước được cải thiện, tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 38,1% (năm 2000) xuống còn 28,1% (năm 2005), mức độ suy dinh dưỡng chủ yếu ở thể nhẹ và vừa; tỷ lệ trẻ sơ sinh cân nặng dưới 2.500 gam duy trì ở mức 4%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước.

Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng được cải thiện rõ rệt, hàng năm có trên 98% trẻ em trong độ tuổi từ 6 – 36 tháng được uống viên nang Vitamin A liều cao định kỳ 6 tháng một lần, đẩy lùi hoàn toàn bệnh mù dinh dưỡng. Chương trình phòng, chống thiếu máu do thiếu sắt đã làm giảm đáng kể tình trạng thiếu máu dinh dưỡng ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai và trẻ em. Các bệnh về rối loạn do thiếu hụt Iôt đã giảm rõ rệt, tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8 - 12 tuổi giảm từ 8% xuống dưới 4%.

Công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (CLVSATTP) đã được quan tâm chỉ đạo. Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm được quản lý. Số vụ ngộ độc thức ăn hàng loạt (có trên 30 người mắc) đã giảm rõ rệt.

Vấn đề dinh dưỡng hợp lý được quan tâm, chương trình xoá đói giảm nghèo có tác động tích cực đến tình hình dinh dưỡng của cộng đồng. Khẩu phần ăn ngày càng đa dạng, chất lượng bữa ăn của các hộ gia đình được cải thiện. Các bệnh liên quan đến dinh dưỡng như béo phì, tiểu đường, tim mạch, ung thư được phát hiện sớm, tích cực điều trị dự phòng những biến chứng của bệnh và từng bước được quản lý theo dõi.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện CLQGVDD còn một số hạn chế và khuyết điểm: Công tác truyền thông, giáo dục về dinh dưỡng chủ yếu tập trung thực hiện vào một số chiến dịch. Nhận thức của nhiều ngành, nhiều cấp về tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng cũng như trách nhiệm của cộng đồng về cải thiện dinh dưỡng còn chưa đầy đủ. Hoạt động thực hành dinh dưỡng mới chỉ nhằm tới đối tượng là các bà mẹ và trẻ em, chưa quan tâm nhiều đến công tác dinh dưỡng theo đối tượng, lứa tuổi hoặc ngành nghề khác nhau. Việc tư vấn dinh dưỡng ăn, uống trong điều trị tại các bệnh viện còn hạn chế. Tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em còn ở mức cao hơn trung bình cả nước. CLVSATTP có nhiều bất cập trên các lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng.

Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm trên là do: Công tác chỉ đạo quản lý, sự phối hợp liên ngành ở các cấp trong các hoạt động dinh dưỡng chưa đồng bộ; điều kiện kinh tế của tỉnh có nhiều khó khăn, kinh phí đầu tư cho hoạt động dinh dưỡng còn hạn hẹp, thu nhập bình quân chung của người dân thấp; còn tồn tại một số phong tục tập quán lạc hậu về dinh dưỡng trong nhân dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, mạng lưới cán bộ dinh dưỡng ở các cấp còn thiếu. 

Trong những năm tới, vấn đề dinh dưỡng ở tỉnh ta còn gặp những khó khăn, thách thức đó là: tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao, dân số tiếp tục gia tăng; các điều kiện phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ và dinh dưỡng như nước sạch, môi trường, các công trình vệ sinh… chưa đáp ứng được yêu cầu; tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn tăng trọng trong chăn nuôi và trồng trọt còn phổ biến; một số bệnh có liên quan đến vấn đề dinh dưỡng như béo phì, tiểu đường, tim mạch, ung thư… có xu hướng gia tăng; một số tập quán lạc hậu ảnh hưởng trực tiếp đến thực hành dinh dưỡng còn tồn tại nhiều nơi nhất là miền núi, vùng cao.

Để thực hiện tốt Chiến lược do Chính phủ đề ra, UBND tỉnh Bắc Giang xây dựng Chương trình hành động thực hiện CLQGVDD giai đoạn 2006 - 2010 với các nội dung sau:

Phần hai

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN

CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ DINH DƯỠNG GIAI ĐOẠN 2006 – 2010

 

I. MỤC TIÊU CHUNG

 

Đảm bảo đến năm 2010, tình trạng dinh dưỡng của nhân dân trong tỉnh được cải thiện rõ rệt, các gia đình, trước hết là trẻ em và bà mẹ được nuôi dưỡng và chăm sóc hợp lý, bữa ăn của người dân ở tất cả các vùng đủ hơn về số lượng, cải thiện hơn về chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh. Hạn chế các vấn đề sức khoẻ mới nảy sinh có liên quan tới dinh dưỡng.

II. CÁC MỤC TIÊU VÀ CHƯƠNG TRÌNH CỤ THỂ

 

1. Chương trình truyền thông - giáo dục và phổ cập kiến thức dinh dưỡng cho toàn dân.

1.1. Mục tiêu: Người dân được nâng cao về kiến thức và thực hành dinh dưỡng  hợp lý. 

1.2. Chỉ tiêu đến 2010:

- 60% bà mẹ có kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng cho trẻ ốm.

- Tỷ lệ bà mẹ cho con bú sữa mẹ hoàn toàn 4 tháng đầu đạt trên 60%.

- 40% nữ thanh niên được huấn luyện về dinh dưỡng và kiến thức làm mẹ.

1.3. Nội dung:

- Thực hiện các hoạt động truyền thông - giáo dục cho người dân các kiến thức cơ bản về dinh dưỡng, về VSATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên đưa nội dung kiến thức dinh dưỡng vào "chuyên mục sức khoẻ cho mọi người" trên Báo và Đài Phát thanh truyền hình tỉnh. Đối tượng giáo dục là toàn dân, không chỉ quan tâm tới phụ nữ mà cả nam giới. Cán bộ lãnh đạo, hội viên các đoàn thể nhân dân, những phụ nữ sắp đến tuổi lấy chồng, giáo viên, học sinh là những đối tượng truyền thông quan trọng, đặc biệt cần chú trọng công tác truyền thông ở vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng dân tộc ít người. Nội dung truyền thông tập trung tuyên truyền phổ cập, quảng bá những kiến thức cơ bản về dinh dưỡng và hướng dẫn kỹ năng thực hành dinh dưỡng cho mọi người như: Nhu cầu dinh dưỡng, chế độ ăn uống hợp lý, VSATTP, tầm quan trọng của sữa mẹ, dinh dưỡng thai nghén, dinh dưỡng theo lứa tuổi...

- Tổ chức, động viên toàn xã hội tham gia các hoạt động truyền thông và thực hành dinh dưỡng nhằm đưa kiến thức dinh dưỡng vào cuộc sống; tổ chức “Ngày vi chất dinh dưỡng”,  “Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển”, “Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ”, “Tháng hành động vì CLVSATTP”, “Ngày toàn dân dùng muối Iôt”…

- Tổ chức truyền thông, giáo dục trực tiếp, đưa thông tin và kiến thức thực hành dinh dưỡng tới các hộ gia đình do các cộng tác viên dinh dưỡng tiến hành. Phát hành tài liệu, tờ rơi...để đưa kiến thức đến người dân; tổ chức các hội thi văn hoá, văn nghệ, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức và thực hành dinh dưỡng tại cộng đồng.

- Công tác tuyên truyền - giáo dục cần tiếp cận và thích hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, ngành nghề khác nhau, nhất là các bà mẹ, trẻ em, người lao động nặng. Chú ý đến phong tục tập quán về dinh dưỡng của từng vùng. Hướng dẫn việc tổ chức bữa ăn gia đình, bữa ăn trong các nhà trẻ, mẫu giáo hợp lý, tiết kiệm. Từng bước gắn việc giáo dục về dinh dưỡng với giáo dục thể chất trong nhà trường thích hợp với từng cấp học. Đầu ra của các hoạt động truyền thông là cải thiện được việc thực hành dinh dưỡng, chăm sóc và mỗi người đều trở thành "Người tiêu dùng thông thái".

- Tổ chức hoạt động tư vấn dinh dưỡng cho các đối tượng khác nhau tại các cơ sở của ngành Y tế, tại các câu lạc bộ sức khoẻ thôn bản, câu lạc bộ không sinh con thứ 3, câu lạc bộ nuôi con bằng sữa mẹ... Nhấn mạnh các nội dung về dinh dưỡng hợp lý, dinh dưỡng bà mẹ trẻ em, dinh dưỡng người cao tuổi, dinh dưỡng bệnh lý…

2. Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em và bà mẹ.

2.1. Mục tiêu: Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và bà mẹ.

2.2. Chỉ tiêu đến 2010:

- Tỷ lệ SDD cân nặng theo tuổi ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn 19,5%.

- Tỷ lệ SDD chiều cao theo tuổi ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn 22%.

- Tỷ lệ trẻ sơ sinh cân nặng dưới 2.500 gam giảm xuống dưới 4%.

- Tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm trung bình mỗi năm 1%.

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân dưới 5%.

2.3. Nội dung:

- Triển khai có hiệu quả Chương trình phòng chống SDD trẻ em trên phạm vi toàn tỉnh theo phương châm dự phòng và mục tiêu tiếp cận phải đến hộ gia đình: Hộ gia đình là nơi diễn ra các hoạt động phòng chống SDD. Yếu tố then chốt cần được đặt ra là nâng cao kiến thức về dinh dưỡng cho mọi thành viên trong gia đình. Tập trung cải thiện chất lượng dinh dưỡng bằng việc tổ chức bữa ăn gia đình hợp lý, tiết kiệm; ưu tiên chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em, nhất là trẻ em dưới 2 tuổi và cho bà mẹ trước, trong khi có thai và thời kỳ cho con bú. Thực hành nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu, ăn bổ sung hợp lý từ tháng thứ 5. Chủ động thực hiện biện pháp vệ sinh, ăn uống nhằm phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn thông thường, nhất là bệnh tiêu chảy, giun sán, bệnh đường hô hấp ở trẻ em... là những bệnh dễ dẫn tới tình trạng SDD ở trẻ.

- Tăng cường quản lý chăm sóc về y tế cho các bà mẹ và trẻ em, thực hiện quản lý thai nghén cho tất cả các phụ nữ có thai tại các trạm y tế, đảm bảo cho các bà mẹ được khám thai ít nhất 3 lần trước khi sinh, hướng dẫn việc chăm sóc thai nghén, đề phòng các bệnh có thể làm SDD ngay từ bào thai. Thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho các bà mẹ và trẻ em theo quy định, điều trị kịp thời các bệnh cho trẻ em và các bà mẹ đang mang thai nhằm hạn chế tình trạng SDD trẻ em và giảm tỷ lệ sơ sinh có cân nặng dưới 2500 gam.

- Quản lý chặt chẽ sự phát triển thể chất của trẻ em dưới 5 tuổi, định kỳ tổ chức đo cân nặng, chiều cao và theo dõi tình trạng phát triển thể chất của trẻ bằng  biểu đồ theo dõi tăng trưởng, phát hiện kịp thời trẻ em bị SDD để có biện pháp khắc phục bằng ăn uống hợp lý và điều trị phục hồi kịp thời tại gia đình. Triển khai giám sát, lập sổ y bạ quản lý trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân tại các trạm y tế, tích cực hướng dẫn chế độ dinh dưỡng luyện tập hợp lý để hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em.

- Đẩy mạnh hoạt động phục hồi dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, nhất là ở các vùng khó khăn. Hướng dẫn thực hành, làm mẫu "ô dinh dưỡng" cho các gia đình có con SDD dựa vào khả năng của gia đình để phục hồi dinh dưỡng. Thực hiện tốt các chính sách bảo vệ bà mẹ, chế độ thai sản, giảm gánh nặng lao động nữ, nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình.

3. Chương trình phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng

3.1. Mục tiêu: Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu vitamin A, thiếu Iốt và giảm đáng kể tình trạng thiếu máu dinh dưỡng.

3.2. Chỉ tiêu đến 2010:

- Không để xảy ra trường hợp khô loét giác mạc và mù loà do thiếu vitamin A ở trẻ em dưới 5 tuổi.

- Giảm tình trạng thiếu Vitamin A thể tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi ở tỷ lệ dưới 5%.

- Tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8 - 12 tuổi dưới 4%.

- Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối Iốt duy trì ổn định trên 97%.

- Mức Iốt nước niệu trung bình đạt trên 20 mcg/dl 

- Tỷ lệ thiếu máu do thiếu sắt ở phụ nữ có thai ở tất cả các vùng có chương trình giảm còn dưới 25%.

3.3. Nội dung:

- Phòng chống thiếu Vitamin A cho trẻ em: Tiếp tục thực hiện “Ngày vi chất dinh dưỡng” 6 tháng một lần để bổ sung Vitamin A liều cao cho tất cả trẻ em từ 6 - 36 tháng tuổi, bà mẹ sinh con trong tháng đầu và trẻ em bị bệnh. Vận động và hướng dẫn các gia đình tích cực cho trẻ ăn thường xuyên những thức ăn, các loại củ,  quả có chứa nhiều Vitamin A.

- Phòng chống thiếu máu dinh dưỡng ở phụ nữ: Duy trì chương trình bổ sung viên sắt/acid folic cho phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và bổ sung dự phòng cho phụ nữ tuổi sinh đẻ 15 - 35 tuổi theo phác đồ thích hợp. Hướng dẫn bổ sung thực phẩm giàu chất sắt vào bữa ăn. Tăng cường các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng chống các bệnh đường tiêu hoá, định kỳ hàng năm tổ chức tẩy giun cho trẻ em và phụ nữ, nhất là các vùng có tỷ lệ nhiễm giun móc cao.

- Phòng chống các rối loạn do thiếu Iốt: Thực hiện có hiệu quả chương trình phòng chống các rối loạn do thiếu hụt Iốt tại cộng đồng, duy trì “Ngày toàn dân dùng muối Iốt” hàng năm, đảm bảo trên 97% hộ gia đình sử dụng muối Iốt. Tăng cường giám sát, kiểm tra chất lượng muối Iốt. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bướu cổ, phát hiện kịp thời các trường hợp bướu cổ và các bệnh do thiếu hụt Iốt để tích cực điều trị phục hồi kịp thời.

- Thực hiện đa dạng hoá bữa ăn, bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là giải pháp cơ bản lâu dài để khắc phục tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Hướng dẫn kỹ thuật bảo quản, chế biến thực phẩm để hạn chế hao hụt vi chất dinh dưỡng.

4. Chương trình dinh dưỡng hợp lý và phòng chống các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng.

4.1. Mục tiêu: Giảm tỷ lệ hộ gia đình có mức năng lượng ăn vào thấp. Hạn chế mắc các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng.

4.2. Chỉ tiêu đến 2010:

Giảm tỷ lệ hộ có mức năng lượng ăn vào bình quân đầu người thấp (< 1.800 Kcal) dưới mức 5%.

4.3. Nội dung:

- Phổ biến rộng rãi "Lời khuyên dinh dưỡng hợp lý", "Bảng thành phần dinh dưỡng thức ăn Việt Nam" và "Bảng nhu cầu dinh dưỡng hợp lý của người Việt Nam" làm cơ sở hướng dẫn người dân, nhất là đối tượng những người nội trợ trong gia đình, những người quản lý, phục vụ ở các bếp ăn tập thể biết cách ước tính giản đơn năng lượng đầu vào của mỗi bữa ăn đáp ứng mức năng lượng cần thiết, tối thiểu đạt mức 1.800 kcal/người/ngày. Xây dựng khẩu phần ăn hợp lý cho từng loại đối tượng, lứa tuổi, người làm ở những ngành nghề khác nhau, đáp ứng  nhu cầu năng lượng hoạt động và phục hồi sức khoẻ sau lao động.

- Vận động người dân sản xuất và sử dụng các lương thực, thực phẩm sạch và có giá trị dinh dưỡng cao, một số thức ăn có tác dụng phòng và chữa bệnh. Sử dụng các  thực phẩm sạch, an toàn, nhằm đáp ứng đủ và cân đối các thành phần đạm, đường, mỡ, vi chất, vitamin và năng lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày, đảm bảo an toàn thực phẩm trong mỗi gia đình.

- Tổ chức giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, tích cực điều trị và dự phòng các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng (béo phì, tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp và một số bệnh ung thư) và các biến chứng. Củng cố hoạt động khoa dinh dưỡng tại các bệnh viện để phục vụ người bệnh.

5. Chương trình đảm bảo CLVSATTP

5.1. Mục tiêu: Cải thiện rõ rệt tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm.

5.2. Chỉ tiêu đến 2010:

- Khống chế, mỗi năm không để xảy ra quá 1 vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt (trên 30 người mắc/vụ).

- Hàng năm giảm số mắc, tử vong do ngộ độc thực phẩm so với năm trước.

- Giảm tỷ lệ ô nhiễm vi sinh vật thức ăn đường phố, thực phẩm chế biến sẵn (năm sau giảm hơn so với năm trước).

5.3. Nội dung:

- Thực hiện quản lý chặt chẽ CLVSATTP trên địa bàn, nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp liên ngành và công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành về CLVSATTP, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Thực hiện đúng quy trình thẩm định, cấp chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm đạt tiêu chuẩn qui định. Khuyến khích phát triển công nghệ bảo quản, chế biến thực phẩm an toàn, chỉ đạo làm thí điểm mô hình "Thức ăn đường phố đạt tiêu chuẩn vệ sinh" tại thành phố Bắc Giang và một số cơ sở chế biến thực phẩm đạt tiêu chuẩn "Thực hành sản xuất tốt" (GMP – Theo tiêu chuẩn ASEAN).

- Tích cực giám sát nguy cơ ô nhiễm và ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, các bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, đặc biệt là thực hiện vệ sinh môi trường, bảo quản nguồn nước sạch, quản lý chặt chẽ và hạn chế việc dùng hoá chất độc hại trong chăn nuôi, trồng trọt, nhằm giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc hàng loạt. 

- Triển khai có hiệu quả “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm”, vận động đông đảo người dân tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động bảo đảm CLVSATTP.

III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

 

1. Tăng cường sự lãnh đạo, quản lý.

Tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm trong việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng. Hàng năm đưa chỉ tiêu dinh dưỡng vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Ban chỉ đạo BV&CSSKND các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc thực hiện CLQGVDD, tham mưu cho UBND cùng cấp xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình hành động của UBND tỉnh, xây dựng cơ chế phối hợp trong việc chỉ đạo, điều hành hoạt động dinh dưỡng giữa các cấp, các ngành phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đối với khu vực miền núi và vùng dân tộc ít người cần tập trung ưu tiên đầu tư với những nội dung và hình thức phù hợp.

Tích cực đôn đốc kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện ở các cấp. Định kỳ sơ, tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện Chiến lược để có sự chỉ đạo kịp thời. Để chương trình hành động được thực hiện có hiệu quả thiết thực, các địa phương cần tập trung lãnh đạo thực hiện một số giải pháp có tính chất then chốt liên quan chặt chẽ đến dinh dưỡng như:

- Thực hiện các biện pháp đồng bộ để chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất và sản lượng. Khuyến khích các gia đình tăng gia sản xuất, tạo đủ nguồn lương thực, thực phẩm để từng bước nâng cao chất lượng bữa ăn.

- Thực hiện tốt Chương trình giảm nghèo: Giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao kinh tế hộ gia đình nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng có tỷ lệ SDD cao để tăng dinh dưỡng cho người dân. 

- Cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ thiết yếu cho công tác chăm sóc bà mẹ, trẻ em như: Cung cấp nước sạch, giải quyết vệ sinh môi trường, củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo, trường học và các trạm y tế xã…

2. Đẩy mạnh xã hội hoá. 

Là giải pháp chiến lược nhằm tạo được sự quan tâm và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các hoạt động liên quan đến vấn đề dinh dưỡng từ khâu sản xuất, chế biến, kinh doanh đến sử dụng lương thực, thực phẩm đảm bảo CLVSATTP với hai yêu cầu cơ bản là sản xuất chế biến thực phẩm sạch (Không còn tồn dư độc chất quá mức cho phép) và thực hiện chế độ ăn uống hợp lý.

Tăng cường sự phối hợp liên ngành thông qua việc lồng ghép các nội dung hoạt động về dinh dưỡng vào các chương trình chăm sóc sức khoẻ khác như: Tiêm chủng mở rộng, phòng chống SDD, phòng chống các bệnh đường tiêu hoá, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, chăm sóc trẻ bị bệnh và hướng dẫn thực hành dinh dưỡng. Xây dựng mô hình điểm về dinh dưỡng ở cấp xã, phường, từ đó rút kinh nghiệm chỉ đạo nhân rộng trong toàn tỉnh. 

Thực hiện việc phân công hợp lý và giao nhiệm vụ cụ thể, định kỳ tổ chức trao đổi kinh nghiệm, thông tin và phối hợp hành động nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành thông qua các chương trình  mục tiêu Quốc gia về y tế như: Chương trình phòng chống SDD, Chương trình phòng chống bướu cổ....

3. Đào tạo nhân lực, củng cố và phát triền mạng lưới chuyên môn về dinh dưỡng.

Đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn về dinh dưỡng cho các cấp, đảm bảo có đủ các bác sỹ có trình độ chuyên khoa dinh dưỡng cho các khoa dinh dưỡng và cơ sở kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm, tích cực đào tạo, tập huấn các kiến thức dinh dưỡng cho các cán bộ làm công tác dinh dưỡng của y tế cơ sở, đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng tại cộng đồng và cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể. Xây dựng nguồn nhân lực có đủ khả năng lập kế hoạch, quản lý, triển khai, theo dõi, đánh giá các chương trình dinh dưỡng.

Củng cố và phát triển các khoa dinh dưỡng tại các bệnh viện nhằm tư vấn và hướng dẫn chế độ ăn bệnh lý thích hợp cho người bệnh.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các phòng xét nghiệm,  kiểm nghiệm thực phẩm tại Trung tâm kiểm nghiệm, Trung tâm YTDP tuyến tỉnh và tuyến huyện, đồng thời nâng cao năng lực hoạt động và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về dinh dưỡng và VSATTP, hình thành một mạng lưới hoạt động về chuyên môn và giám sát dinh dưỡng từ tỉnh đến cơ sở. Thường xuyên cung cấp đủ tài liệu, phương tiện truyền thông và phổ biến thông tin dinh dưỡng định kỳ đến cơ sở. Hàng năm tiến hành điều tra, tổng hợp số liệu và đánh giá tình hình dinh dưỡng nhất là đánh giá tỷ lệ SDD.

 4. Tăng cường đầu tư các nguồn lực và thực hiện các chính sách hỗ trợ hoạt động dinh dưỡng.

Tăng dần mức đầu tư từ ngân sách hàng năm của tỉnh cho nhiệm vụ thực hiện CLQGVDD, đặc biệt là đảm bảo vốn đối ứng cho các chương trình, dự án về dinh dưỡng. Tích cực tranh thủ các nguồn kinh phí đầu tư của Trung ương, đồng thời các địa phương có trách nhiệm chủ động bố trí thêm ngân sách cho công tác dinh dưỡng và VSATTP. Ưu tiên đầu tư cho các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ SDD cao và người dân tộc thiểu số. Tăng cường quản lý và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn kinh phí.

Tích cực tranh thủ các nguồn hỗ trợ, viện trợ của các tổ chức quốc tế, các dự án, các chương trình mục tiêu và sự đóng góp của nhân dân để tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất - trang thiết bị cho hoạt động dinh dưỡng, nhất là các labô xét nghiệm về dinh dưỡng, VSATTP ở các tuyến và hệ thống nhà trẻ – mẫu giáo.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

1. Giao cho Sở Y tế là cơ quan thường trực có trách nhiệm tham mưu giúp UBND tỉnh, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Chương trình hành động trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn được giao; phối hợp với các ban, ngành và các địa phương chỉ đạo, giám sát việc thực hiện, tổ chức sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh.

2. UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp triển khai các nội dung Chương trình hành động, xây dựng các mục tiêu về dinh dưỡng cụ thể trong kế hoạch hàng năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2006 - 2010 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để chỉ đạo thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.

3. Giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính hàng năm tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kế hoạch ngân sách của tỉnh trên cơ sở các nội dung nhiệm vụ để triển khai thực hiện được các mục tiêu và chỉ tiêu của Chương trình hành động.

4. Các Sở, Ban, Ngành thuộc UBND tỉnh có trách nhiệm chủ động xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện CLQGVDD để chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với đặc thù của ngành; chủ động đầu tư nguồn lực cho công tác này.

5. Các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh và các địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền, đa dạng các hình thức và nội dung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và thực hành dinh dưỡng hợp lý của nhân dân.

6. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận tổ quốc tỉnh và các đoàn thể, các tổ chức xã hội có kế hoạch tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia thực hiện tốt CLQGVDD, tổ chức các hoạt động thiết thực góp phần thực hiện tốt chương trình hành động này.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chương trình này. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vấn đề gì mới hoặc khó khăn, vướng mắc, các cơ quan báo cáo về Sở Y tế để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét quyết định./.

 

 

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Bùi Văn Hạnh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.