• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2016
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2021
BỘ CÔNG THƯƠNG
Số: 47/2015/TT-BCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Giang, ngày 11 tháng 12 năm 2015

THÔNG TƯ

Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu trên mặt nước

_________________________

 

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định s 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định s 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;

Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một sđiều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;

Theo đề nghị ca Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ,

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu trên mặt nước.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu trên mặt nước”.

Ký hiệu QCVN 10 : 2015/BCT.

Điều 2. Hiu lc thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

Điều 3. Trách nhiệm thi hành

1. Tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phản ánh kịp thời về Bộ Công Thương để xem xét, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG


(Đã ký)

Cao Quốc Hưng

 QCVN 10 : 2015/BCT

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ YÊU CẦU THIẾT KẾ

CỬA HÀNG XĂNG DẦU TRÊN MẶT NƯỚC

National Technical Regulation on Design Requirements Of Water - Based Petroleum Filling Stations

 

Lời nói đầu

QCVN 10 : 2015/BCT do Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu trên mặt nước biên soạn, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Công Thương ban hành kèm theo Thông tư số 47/2015/TT-BCT ngày 11 tháng 12 năm 2015.

 

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ YÊU CẦU THIẾT KẾ

CỬA HÀNG XĂNG DẦU TRÊN MẶT NƯỚC

National Technical Regulation on Design Requirements Of Water - Based Petroleum Filling Stations

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

a) Quy chuẩn này quy định những yêu cầu kỹ thuật cơ bản để thiết kế, xây dựng mới, đóng mới, nâng cấp, mở rộng các cửa hàng xăng dầu trên mặt nước.

b) Việc thiết kế, xây dựng, nâng cấp, mở rộng các cửa hàng xăng dầu xây dựng cố định trên bờ thực hiện hoạt động kinh doanh xăng dầu cho cả phương tiện giao thông đường thủy và đường bộ thực hiện theo quy định tại QCVN 01 : 2013/BCT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này áp dụng đối với:

1. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động thiết kế, xây dựng mới, đóng mới, nâng cấp, mở rộng cửa hàng xăng dầu trên mặt nước.

2. Các thương nhân có hoạt động kinh doanh xăng dầu.

3. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Cửa hàng xăng dầu trên mặt nước

Cửa hàng xăng dầu trên mặt nước bao gồm cửa hàng xăng dầu xây cố định, tàu vỏ thép, xà lan đã được cải hoán hoặc các phương tiện nổi khác có hoạt động bán lẻ xăng dầu qua cột bơm cho các phương tiện tham gia giao thông đường thủy.

2. Đường ống công nghệ

a) Là đường ống (bao gồm ống và các mối liên kết) cùng các thiết bị lắp trên đường ống dùng để dẫn xăng dầu và hơi xăng dầu.

b) Đường ống công nghệ gồm có: Ống nhập (dùng để dẫn xăng dầu từ phương tiện vận chuyển xăng dầu vào bể chứa), họng nhập kín (thiết bị được gắn cố định ở đầu ống nhập dùng để nối kín với ống dẫn xăng dầu từ phương tiện vận chuyển vào bể chứa), ống xuất (dùng để dẫn xăng dầu từ bể chứa đến cột bơm) và các ống dẫn hơi (dùng để dẫn hơi xăng dầu từ bể chứa đến van thở hoặc từ bể chứa đến phương tiện vận chuyển xăng dầu).

3. Van thở

Là thiết bị để kiểm soát áp suất dư và áp suất chân không trong bể chứa xăng dầu với mục đích đảm bảo an toàn cho bể chứa và chống hao hụt xăng dầu do bay hơi trong quá trình vận hành.

4. Nhập kín

Là phương pháp nhập xăng dầu từ phương tiện vận chuyển xăng dầu vào bể chứa theo chu trình kín qua họng nhập kín.

5. Nước thải của cửa hàng xăng dầu

Là nước thải trong quá trình hoạt động của cửa hàng xăng dầu bao gồm: Nước thải nhiễm xăng dầu và nước thải sinh hoạt không nhiễm xăng dầu.

6. Hệ thống thu hồi hơi xăng dầu

Là hệ thống các thiết bị nhằm thu hồi và hạn chế hơi xăng dầu thoát ra ngoài không khí khi nhập xăng dầu vào bể chứa xăng dầu.

Điều 4. Các tài liệu viện dẫn

1. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy số 40/2013/QH13.

2. Nghị định số 13/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về An toàn công trình dầu khí trên đất liền.

3. QCVN 01 : 2013/BCT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu.

4. QCVN 72 : 2013/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa.

5. QCVN 29 : 2010/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải của kho và cửa hàng xăng dầu.

6. QCVN 06 : 2010/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.

7. TCVN 5307 : 2009 Kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ - Yêu cầu thiết kế.

8. TCVN 5334 : 2007 Thiết bị điện kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ - Yêu cầu an toàn trong thiết kế, lắp đặt và sử dụng.

9. TCVN 5684 : 2003 An toàn cháy các công trình dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ - Yêu cầu chung.

Chương II

QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

Điều 5. Phân cấp cửa hàng xăng dầu trên mặt nước

Cửa hàng xăng dầu trên mặt nước được phân cấp theo tổng dung tích chứa xăng dầu như quy định tại Bảng 1.

Bảng 1 - Phân cấp cửa hàng xăng dầu trên mặt nước

Loại hình cửa hàng

Tổng dung tích (m3)

1. Xây dựng cố định

 

Cấp 1

Từ 150 đến 210

Cấp 2

Từ 100 đến dưới 150

Cấp 3

<100

2. Xà lan, tàu vỏ thép và phương tiện nổi khác

 

Cấp 1

Từ 100 đến 2000

Cấp 2

Từ 16 đến dưới 100

Cấp 3

<16

Điều 6. Yêu cầu chung

1. Vị trí đặt, neo đậu cửa hàng xăng dầu trên mặt nước phải đúng quy định và phù hợp với quy hoạch của cấp có thẩm quyền và tuân thủ đúng các luồng tuyến đã được ghi trên giấy phép hoạt động, đảm bảo yêu cầu an toàn giao thông, an toàn phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường.

2. Cửa hàng xăng dầu trên mặt nước phải có phương án phòng cháy chữa cháy, phòng chống lụt bão và phòng ngừa sự cố tràn dầu và cam kết bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

a) Phương án phòng cháy chữa cháy của cửa hàng xăng dầu phải có các biện pháp xử lý xăng dầu rơi vãi và biện pháp dập lửa hoặc khống chế dập cháy trên mặt nước.

b) Phương án phòng chống lụt bão phải xác định vị trí neo đậu tránh bão theo quy định. Đối với cửa hàng xăng dầu xây cố định phải có biện pháp chống, néo và sơ tán để tránh bão theo quy định.

c) Phương án phòng ngừa sự cố tràn dầu thực hiện theo quy định tại Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế ứng phó sự cố tràn dầu và Quyết định số 63/2014/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế ứng phó sự cố tràn dầu ban hành kèm theo Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Khoảng cách tối thiểu từ cửa hàng xăng dầu trên mặt nước đến các hạng mục xây dựng quy định như sau:

a) Đối với cửa hàng xăng dầu xây dựng cố định, khoảng cách tối thiểu được quy định chi tiết tại Bảng 2.

Bảng 2 - Khoảng cách an toàn tối thiểu từ bể chứa và cột bơm đến công trình bên ngoài cửa hàng

Hạng mục xây dựng

Khoảng cách an toàn tối thiểu, m

{không nhỏ hơn (2), (3)}

Cửa hàng cấp 1

Cửa hàng cấp 2

Cửa hàng cấp 3

Nơi sản xuất có phát lửa hoặc tia lửa

18

18

18

Công trình công cộng (4)

50

50

50

Công trình dân dụng và các công trình xây dựng khác ngoài cửa hàng (5)

Bậc chịu lửa (1)

I, II

5

5

5

III

15

12

10

IV; V

20

14

14

- Đường cáp điện

- Theo quy định hiện hành về hành lang an toàn lưới điện.

- Đường cáp viễn thông

- Theo quy định hiện hành của ngành viễn thông.

Chú thích:

1) Bậc chịu lửa của công trình theo QCVN 06:2010/BXD.

2) Khoảng cách đối với bể tính từ mép bể.

3) Khoảng cách đối với cột bơm tính từ tâm cột bơm.

4) Khoảng cách đối với công trình công cộng tính đến ranh giới công trình. Công trình công cộng bao gồm: trường học, bệnh viện, triển lãm quốc gia và trung tâm thương mại.

5) Khoảng cách đối với công trình dân dụng tính đến chân công trình.

- Khoảng cách an toàn trong Bảng 2 được phép giảm 30% khi cửa hàng có lắp hệ thống thu hồi hơi xăng dầu;

- Khoảng cách an toàn từ bể chứa và cột bơm đến công trình công cộng được giảm xuống còn 25 m (17 m nếu có hệ thống thu hồi hơi xăng dầu) nếu cửa hàng xăng dầu được trang bị hệ thống chữa cháy cố định hoặc bán cố định.

b) Đối với xà lan, tàu vỏ thép và phương tiện nổi khác, khoảng cách an toàn tối thiểu được quy định chi tiết tại Bảng 3.

Bảng 3 - Khoảng cách an toàn tối thiểu từ cửa hàng xăng dầu nổi trên mặt nước đến các hạng mục xây dựng

Hạng mục xây dựng

Khoảng cách an toàn tối thiểu, m

Cấp 1

Cấp 2

Cấp 3

1. Bến đò, bến phà, cảng, cầu, khu nuôi trồng thủy sản, chợ

100

100

70

2. Nơi sản xuất có phát hỏa hoặc tia lửa

50

50

30

Công trình dân dụng và các công trình xây dựng khác

Bậc chịu lửa

I, II

15

12

5

III

20

15

10

IV, V

25

20

12

Chú thích: Trường hợp công trình dân dụng và các công trình xây dựng khác trong bảng có bậc chịu lửa cấp I, II, III và mặt tường về phía cửa hàng xăng dầu là tường ngăn cháy thì không quy định khoảng cách

Điều 7. Bể chứa xăng dầu

1. Vật liệu làm bể chứa xăng dầu là vật liệu chịu xăng dầu và không cháy.

2. Đối với bể chứa bằng vật liệu không dẫn điện phải có biện pháp triệt tiêu tĩnh điện khi xuất, nhập xăng dầu.

3. Ở khi vực bể chứa xăng dầu phải thường xuyên vệ sinh công nghiệp và niêm yết biển báo “không phận sự miễn vào”.

Điều 8. Cột bơm xăng dầu

Vị trí lắp đặt cột bơm xăng dầu trong cửa hàng xăng dầu phải phù hợp các yêu cầu sau:

1. Cột bơm phải được đặt tại các vị trí thông thoáng, thuận tiện.

2. Đảm bảo các phương tiện có thể dừng đỗ dễ dàng dọc theo cột bơm và không làm cản trở các phương tiện giao thông khác ra, vào cửa hàng.

Điều 9. Đường ống công nghệ

1. Đường ống công nghệ trong cửa hàng xăng dầu phải được chế tạo từ vật liệu chịu xăng dầu và không cháy. Đường kính trong của ống ít nhất phải bằng 32 mm. Đối với đường ống thép phải có biện pháp bảo vệ chống ăn mòn. Đối với đường ống bằng vật liệu không dẫn điện phải có biện pháp triệt tiêu tĩnh điện trong quá trình xuất, nhập xăng dầu.

2. Các mối liên kết trên đường ống công nghệ phải đảm bảo kín, bền cơ học và hóa học.

3. Đường ống công nghệ trong cửa hàng phải đặt tại các vị trí không bị tác động bởi người và phương tiện qua lại.

4. Các đường ống công nghệ đi song song với nhau phải đặt cách nhau ít nhất bằng một lần đường kính ống. Đối với ống có liên kết bằng mặt bích đặt song song, khoảng cách giữa các ống ít nhất bằng đường kính mặt bích cộng thêm 3 cm.

5. Khoảng cách từ miệng ống hút của đường ống xuất xăng dầu đến đáy bể chứa để xuất xăng dầu cho cột bơm phải cách đáy bể ít nhất 15 cm.

6. Đối với công nghệ bơm hút, khi một bể chứa cùng cấp xăng dầu cho nhiều cột bơm thì mỗi cột bơm phải có đường ống xuất riêng biệt, ống xuất trong bể chứa phải có van một chiều.

7. Nhập xăng dầu vào bể chứa phải sử dụng phương pháp nhập kín. Đường ống nhập xăng dầu vào từng bể phải kéo dài xuống đáy bể và cách đáy bể không quá 20 cm.

8. Tất cả các bể chứa xăng dầu đều phải lắp đặt van thở. Cho phép lắp đặt chung một van thở đối với các bể chứa cùng nhóm nhiên liệu.

9. Van thở phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật sau:

a) Thông số kỹ thuật phù hợp với kết cấu, dung tích và điều kiện vận hành bể chứa. Miệng xả của van thở phải hướng sang ngang hoặc hướng lên phía trên;

b) Đường kính trong của ống nối từ bể tới van thở không được nhỏ hơn 50 mm;

c) Miệng xả của van thở phải cao hơn nóc hoặc mái che của cửa hàng ít nhất 1 m;

d) Van thở của cửa hàng xăng dầu phải có hệ thống chống sét đánh thẳng riêng hoặc phải nằm trong vùng bảo vệ của hệ thống chống sét đánh thẳng chung của cửa hàng.

Điều 10. Hệ thống điện

1. Các yêu cầu về an toàn trong thiết kế, lắp đặt và sử dụng trang thiết bị điện cho cửa hàng xăng dầu phải phù hợp với TCVN 5334 : 2007.

2. Trường hợp sử dụng máy phát điện trong khu vực cửa hàng xăng dầu thì vị trí đặt máy nằm ngoài vùng nguy hiểm cháy nổ. Ống khói của máy phát điện phải có bộ dập lửa và bọc cách nhiệt.

3. Dây dẫn và cáp điện lắp đặt trong cửa hàng xăng dầu phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Dây dẫn và cáp điện sử dụng loại ruột đồng, cách điện bằng nhựa tổng hợp, được luồn trong một ống lồng;

b) Trong một ống lồng để luồn dây dẫn và cáp điện, không được luồn cáp điện động lực và cáp chiếu sáng chung với các loại cáp điều khiển, cáp thông tin, cáp tín hiệu;

c) Các ống lồng để luồn cáp được nối với nhau bằng ren. Khi nối hoặc chia nhánh dây dẫn, dây cáp phải dùng hộp nối dây và hộp chia dây phòng nổ.

4. Đối với các đường dây cáp sử dụng cho thiết bị tự động hóa, thông tin tín hiệu phải tuân thủ theo khoản 3 Điều này.

5. Phải có hệ thống chống sét đánh thẳng cho các hạng mục xây dựng trong cửa hàng.

Chiều cao của kim thu sét phải đảm bảo cho van thở nằm hoàn toàn trong vùng bảo vệ của kim thu sét. Trường hợp các van thở đặt cao mà không nằm trong vùng bảo vệ chống sét của các công trình cao xung quanh thì phải chống sét đánh thẳng cho van thở bằng các cột thu sét được nối đẳng thế. Hệ thống chống sét phải được kiểm tra định kỳ hàng năm theo quy định hiện hành.

Điều 11. Trang thiết bị phòng cháy chữa cháy

1. Tại cửa hàng xăng dầu phải niêm yết nội quy phòng cháy chữa cháy ở các vị trí dễ thấy, có biển cấm lửa, cấm hút thuốc, cấm sử dụng điện thoại di động và hiệu lệnh báo cháy.

2. Cửa hàng xăng dầu phải được trang bị đủ số lượng phương tiện chữa cháy phù hợp để chữa cháy theo quy định tại Quy chuẩn này.

3. Căn cứ vào tính chất nguy hiểm cháy của các chất, vật liệu trong từng hạng mục của cửa hàng xăng dầu để bố trí phương tiện chữa cháy phù hợp.

4. Phải trang bị và bố trí phương tiện, chữa cháy ban đầu tại các vị trí sau đây của cửa hàng:

a) Cột bơm xăng dầu;

b) Vị trí nhập xăng dầu vào bể;

c) Máy phát điện.

5. Số lượng phương tiện, dụng cụ chữa cháy ban đầu được quy định trong Bảng 4 và 5 như sau.

a) Đối với cửa hàng xăng dầu xây cố định, số lượng phương tiện, dụng cụ chữa cháy ban đầu được quy định chi tiết tại Bảng 4.

Bảng 4 - Số lượng phương tiện, dụng cụ chữa cháy ban đầu

Tên hạng mục cửa hàng

Bình bột
(cái)

Chăn sợi
(cái)

≥ 25 kg

≥ 4 kg

 

1. Cụm bể chứa cửa hàng cấp 1, 2

2

2

4

2. Cụm bể chứa cửa hàng cấp 3

1

2

2

3. Cột bơm xăng dầu và vị trí nhập xăng dầu vào bể chứa

-

2

1

4. Nơi bán dầu nhờn và sản phẩm khác (nếu có)

-

1 (1)

1

5. Phòng giao dịch bán hàng (nếu có)

-

1 (1)

-

6. Phòng bảo vệ (nếu có)

-

1 (1)

-

7. Máy phát điện, trạm biến áp (nếu có)

1

2

-

- Tùy điều kiện cụ thể của cửa hàng mà có thể thay thế bình bột chữa cháy bằng bình bọt, khí CO2 có tính năng chữa cháy tương đương;

- Số lượng bình chữa cháy trong ngoặc đơn ( ) là số lượng bình dự trữ. Bình dự trữ được bố trí thành một cụm riêng bên trong cửa hàng;

- Tại cửa hàng phải bố trí phương tiện chứa nước phù hợp để thấm ướt chăn sợi chữa cháy khi dùng.

b) Đối với xà lan, tàu vỏ thép và phương tiện nổi khác, số lượng các phương tiện, dụng cụ chữa cháy ban đầu được quy định chi tiết tại Bảng 5.

Bảng 5 - Số lượng phương tiện, dụng cụ chữa cháy ban đầu

Dung tích xăng dầu của cửa hàng (m3)

Bình bột (cái)

Bình khí CO2
5kg/bình

Chăn sợi
(cái)

≥ 25 kg

≥ 8 kg

 

100 đến 2000

2

4

1

4

16 đến dưới 100

1

3

1

3

<16

0

2

0

2

Tùy điều kiện cụ thể của cửa hàng mà có thể thay thế bình bột chữa cháy bằng bình bọt, bình khí CO2 có tính năng chữa cháy tương đương. Ngoài ra cần trang bị thêm các phao quây chống cháy lan hoặc trang bị hệ thống chữa cháy cố định bằng bột, bọt đảm bảo đủ số lượng để có thể tự chữa cháy khi có sự cố xảy ra.

7. Bố trí phương tiện dụng cụ chữa cháy phải đảm bảo:

a) Dễ thấy;

b) Dễ lấy để sử dụng;

c) Không cản trở lối thoát nạn, lối đi và các hoạt động khác;

d) Tránh mưa, nắng và sự phá hủy môi trường.

8. Chỉ được phép bố trí các phương tiện, dụng cụ chữa cháy đảm bảo chất lượng, còn niên hạn sử dụng.

9. Trong phạm vi cửa hàng được phép bố trí phương tiện, dụng cụ chứa cháy rải rác theo từng vị trí hoặc nếu có thể bố trí theo từng cụm tùy thuộc mức độ nguy hiểm cháy, nổ và diện tích mặt bằng cần bảo vệ, nếu bố trí theo từng cụm thì phải bố trí ít nhất 2 cụm.

Điều 12. Hệ thống cấp thoát nước và vệ sinh môi trường

1. Nước thải nhiễm dầu của cửa hàng phải được thu gom theo hệ thống rãnh thoát riêng có nắp đậy chắc chắn, có lỗ thoát khí hoặc tấm đan nan thép để tránh tích tụ hơi xăng dầu.

2. Nước thải nhiễm dầu của cửa hàng phải được xử lý đáp ứng các quy định tại QCVN 29 : 2010/BTNMT trước khi xả ra môi trường bên ngoài.

3. Khi bơm rót nhiên liệu phải có khăn vải để hứng xăng dầu thừa từ vòi bơm, không được để xăng dầu rơi xuống mặt nước. Khăn vải đã nhiễm dầu phải được để vào thùng kín và xử lý theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.

Điều 13. Hệ thống thu hồi hơi xăng dầu

1. Hệ thống thu hồi hơi phải đảm bảo toàn bộ hơi xăng dầu sinh ra trong quá trình nhập hàng phải được hoàn lưu về bể chứa.

2. Các thiết bị sử dụng trong hệ thống thu hồi hơi phải làm bằng vật liệu chịu xăng dầu và không cháy.

3. Yêu cầu chung đối với hệ thống thu hồi hơi:

a) Hệ thống van thở của các bể chứa phải đáp ứng các quy định tại khoản 9 Điều 9 Quy chuẩn này;

b) Họng chờ thu hồi hơi của cửa hàng được lắp đặt độc lập tương ứng với hệ thống van thở của bể chứa;

c) Các khớp nối nhanh phải đảm bảo yêu cầu chất lượng và độ kín: gioăng cao su phải là loại chịu dầu, đầu đực và đầu cái của các khớp nối nhanh tại cửa hàng xăng dầu và trên ôtô xitéc phải đồng bộ;

d) Sau khi lắp đặt hệ thống phải tiến hành thử nghiệm độ kín và kiểm tra chất lượng của các chi tiết van thở, van chặn, khớp nối nhanh của toàn bộ hệ thống.

Chương III

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ

Điều 14. Quy định về công bố hợp quy và kiểm tra

1. Tổ chức, cá nhân có cửa hàng xăng dầu trên mặt nước được xây dựng mới, đóng mới, nâng cấp, mở rộng phải thực hiện việc công bố hợp quy theo quy định tại Chương III Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

2. Việc kiểm tra các cửa hàng xăng dầu trên mặt nước được thực hiện theo quy định của Quy chuẩn này và quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu.

Điều 15. Trách nhiệm của thương nhân kinh doanh xăng dầu

1. Thương nhân có cửa hàng xăng dầu trên mặt nước chịu trách nhiệm thực hiện việc chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy theo quy định.

2. Khi phát hiện sự không phù hợp so với quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình kinh doanh xăng dầu phải:

a) Kịp thời thông báo với cơ quan quản lý tiếp nhận công bố hợp quy về sự không phù hợp;

b) Tiến hành các biện pháp khắc phục sự không phù hợp. Khi cần thiết, tạm ngừng việc xuất sản phẩm.

3. Lưu giữ hồ sơ công bố hợp quy làm cơ sở cho việc kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước.

4. Thực hiện việc công bố lại khi có bất kỳ sự thay đổi nào về nội dung của hồ sơ công bố hợp quy đã đăng ký hoặc có bất kỳ sự thay đổi nào về tính năng, công dụng, đặc điểm của cửa hàng xây dựng mới, đóng mới, nâng cấp, mở rộng các cửa hàng xăng dầu trên mặt nước đã công bố hợp quy.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Tổ chức thc hin

1. Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương chủ trì và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn này. Căn cứ vào yêu cầu quản lý, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương có trách nhiệm kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn này cho phù hợp với thực tiễn.

2. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn này tại địa phương, báo cáo Bộ Công Thương về tình hình thực hiện, những khó khăn, vướng mắc định kỳ trước ngày 31 tháng 01 của năm tiếp theo hoặc đột xuất.

3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu, tiêu chuẩn được viện dẫn trong Quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới.

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.