• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 31/05/1995
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Số: Không số
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Giang, ngày 31 tháng 5 năm 1995

PHÁP LỆNH

VỀ HÀM, CẤP NGOẠI GIAO

Để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, từng bước thực hiện chính quy hoá ngành ngoại giao, tiêu chuẩt hoá đội ngũ công chức ngành ngoại giao Việt Nam và phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế;

Căn cứ vào các Điều 84, 91 và 103 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;

Căn cứ vào Nghị quyết Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 6 về công tác xây dựng pháp luật năm 1995;

Pháp lệnh này quy định về hàm, cấp ngoại giao Việt Nam;

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Hàm ngoại giao là chức danh Nhà nước phong cho công chức ngành ngoại giao để phục vụ công tác đối ngoại ở trong nước và ở nước ngoài.

Điều 2

Công chức đang công tác trong ngành ngoại giao có đủ các tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ ngoại giao và năng lực hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại thì được xét phong hàm ngoại giao và được xếp vào một cấp ngoại giao theo quy định của Pháp lệnh này.

Điều 3

Người mang hàm ngoại giao phải không ngừng rèn luyện và học tập nhằm nâng cao trình độ và năng lực về mọi mặt, tích cực góp phần vào việc xây dựng và phát triển nền ngoại giao Việt Nam, giữ gìn phẩm chất và danh dự của công chức ngành ngoại giao Việt Nam, chịu trách nhiệm trước Nhà nước và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

Điều 4

Trong Pháp lệnh này ngành ngoại giao bao gồm những cơ quan, tổ chức thuộc Bộ Ngoại giao.

CHƯƠNG II

HÀM, CẤP NGOẠI GIAO, MỐI QUAN HỆ GIỮA HÀM NGOẠI GIAO

VÀ CHỨC VỤ NGOẠI GIAO

Điều 5

Hệ thống hàm, cấp ngoại giao Việt Nam được quy định như sau:

Cấp ngoại giao cao cấp gồm có:

- Hàm Đại sứ;

- Hàm Công sứ;

- Hàm Tham tán.

Cấp ngoại giao trung cấp gồm có:

- Hàm Bí thư thứ nhất;

- Hàm Bí thư thứ hai.

Cấp ngoại giao sơ cấp gồm có:

- Hàm Bí thư thứ ba;

- Hàm Tuỳ viên.

Điều 6

Người mang hàm ngoại giao nào được giữ hàm ngoại giao đó khi được cử đi công tác ở nước ngoài với cương vị ngoại giao hoặc cương vị lãnh sự.

Điều 7

Người mang hàm ngoại giao khi được điều động sang công tác tại cơ quan, tổ chức khác hoặc nghỉ hưu thì được ngữ nguyên hàm, cấp ngoại giao mang khi đó như một vinh dự của ngành ngoại giao.

Điều 8

1- Công chức thuộc cơ quan, tổ chức khác được điều động sang công tác tại ngành ngoại giao, nếu có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Pháp lệnh này thì được xét phong hàm ngoại giao.

2- Người mang hàm ngoại giao đã được điều động sang cơ quan, tổ chức khác, khi được điều động trở lại ngành ngoại giao được xét phong hàm ngoại giao phù hợp với trình độ hiện có.

Điều 9

1- Chức vụ ngoại giao là chức vụ bổ nhiệm cho thành viên có cương vị ngoại giao công tác tại Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hoặc Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Tổ chức quốc tế Liên chính phủ.

2- Chức vụ ngoại giao Việt Nam gồm có:

- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Công sứ đặc mệnh toàn quyền, Đại biện, Trưởng đoàn đại diện thường trực tại Tổ chức quốc tế Liên chính phủ;

- Công sứ;

- Tham tán công sứ;

- Tham tán;

- Bí thứ thứ nhất;

- Bí thứ thứ hai;

- Bí thứ thứ ba;

- Tuỳ viên

Điều 10

1- Người mang hàm ngoại giao được cử đi công tại tại Cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, được bổ nhiệm giữ một chức vụ ngoại giao hoặc chức vụ lãnh sự tương ứng với hàm ngoại giao của người đó. Trong trường hợp do nhu cầu công tác, người mang hàm ngoại giao có thể được bổ nhiệm giữ một chức vụ ngoại giao hoặc chức vụ lãnh sự cao hơn hoặc thấp hơn so với hàm ngoại giao của người đó.

2- Người mang hàm ngoại giao có hàm từ Tham tán trở lên có thể được cử giữ chức vụ người đứng đầu Cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; khi hết thời hạn công tác về nước thì giữ hàm ngoại giao đã được phong trước đó.

Điều 11

Trong giao tiếp đối ngoại, người mang hàm ngoại giao được xếp thứ bậc theo chức vụ ngoại giao hoặc chức vụ lãnh sự. Những người mang hàm ngoại giao có cùng chức vụ ngoại giao hoặc chức vụ lãnh sự thì người có hàm ngoại giao cao hơn hoặc nếu mang cùng hàm thì người mang hàm lâu hơn được xếp thứ bậc cao hơn.

Điều 12

Công chức thuộc cơ quan, tổ chức khác được cử đi công tác tại Cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài nếu có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và căn cứ vào nhu cầu công tác, thì được xét bổ nhiệm giữ một chức vụ ngoại giao hoặc chức vụ lãnh sự để thực hiện công tác của Cơ quan đại diện.

CHƯƠNG III

TIÊU CHUẨN CÁC HÀM NGOẠI GIAO

PHONG HÀM, THĂNG HÀM, HẠ HÀM VÀ TƯỚC HÀM NGOẠI GIAO

Điều 13

Công chức ngành ngoại giao có đủ các tiêu chuẩn: trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; nắm vững và có khả năng thực hiện đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối nội và đối ngoại; có trình độ văn hoá đại học, trình độ chính trị cao cấp; được đào tạo chính quy về nghiệp vụ ngoại giao, biết sử dụng thông thạo ít nhất một ngoại ngữ; có thời gian công tác trong ngành ngoại giao từ 10 năm trở lên, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong công tác đối ngoại; là Bộ trưởng, Thứ trưởng hoặc tương đương, Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng hoặc tương đương, chuyên viên cao cấp hoặc đã là người đứng đầu cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, có những đóng góp xứng đáng vào các hoạt động ngoại giao của Việt Nam, thì được xét phong hàm Đại sứ.

Điều 14

Công chức ngành ngoại giao có đủ các tiêu chuẩn: trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có khả năng thực hiện đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối nội và đối ngoại; có trình độ văn hoá đại học, trình độ chính trị từ trung cấp trở lên; được đào tạo về nghiệp vụ ngoại giao, biết sử dụng ít nhất một ngoại ngữ; có thời gian công tác trong ngành ngoại giao từ 8 năm trở lên, tích luỹ được kinh nghiệm trong công tác đối ngoại; là Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng hoặc tương đương, chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính hoặc chuyên viên thì được xét phong từ hàm Tham tán đến hàm Công sứ.

Điều 15

1- Công chức ngành ngoại giao có đủ các tiêu chuẩn: trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có khả năng thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối nội và đối ngoại; có trình độ văn hoá đại học, trình độ chính trị trung cấp; được đào tạo về nghiệp vụ ngoại giao; biết sử dụng một ngoại ngữ; có thời gian công tác trong ngành ngoại giao từ 5 năm trở lên, có hiểu biết về nghiệp vụ chuyên ngành, là chuyên viên chính hoặc chuyên viên thì được xét phong từ hàm Bí thư thứ hai đến hàm Bí thư thứ nhất.

2- Công chức ngành ngoại giao có đủ các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, có thời gian công tác trong ngành ngoại giao từ 3 năm trở lên, là chuyên viên thì được xét phong từ hàm Tuỳ viên đến hàm Bí thư thứ ba.

Điều 16

Việc phong, thăng, hạ và tước hàm, cấp ngoại giao thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước.

Điều 17

Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng tư vấn về hàm, cấp ngoại giao; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và quy chế làm việc của Hội đồng này.

Điều 18

1- Việc thăng hàm, cấp ngoại giao được tiến hành khi có nhu cầu của công tác đối ngoại và căn cứ vào các tiêu chuẩn được quy định tại các điều 13, 14 và 15 của Pháp lệnh này.

2- Người mang hàm ngoại giao hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và theo nhu cầu cần thiết của công tác đối ngoại, có thể được xét thăng vượt hàm ngoại giao.

Điều 19

Công chức ngành ngoại giao bị thi hành kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên không được xét phong hoặc thăng hàm, cấp ngoại giao trong thời gian quyết định thi hành kỷ luật còn hiệu lực.

Điều 20

Người mang hàm ngoại giao bị thi hành kỷ luật thì tuỳ theo hình thức kỷ luật có thể bị hạ hàm, cấp ngoại giao; nếu bị buộc thôi việc hoặc phạm tội, bị Toà án kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì tước hàm, cấp ngoại giao.

CHƯƠNG IV

NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI

CỦA NGƯỜI MANG HÀM NGOẠI GIAO

Điều 21

Người mang hàm ngoại giao có nghĩa vụ:

1- Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

2- Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy chế và các quy định của ngành ngoại giao;

3- Bảo vệ lợi ích quốc gia, bí mật Nhà nước và danh dự của dân tộc;

4- Thường xuyên rèn luyện, học tập nâng cao trình độ và năng lực chính trị, nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ, giữ gìn tư cách công chức ngành ngoại giao Việt Nam.

5- Hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Điều 22

Người mang hàm ngoại giao đang công tác được hưởng mọi quyền lợi của công chức Nhà nước. Việc phong, thăng hàm, cấp ngoại giao là một cơ sở để bố trí công tác, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đề bạt chức vụ và xếp lương cho công chức phù hợp với quy định chung về chế độ tiền lương của Nhà nước.

Điều 23

Người mang hàm ngoại giao được quyền sử dụng hàm ngoại giao trong công tác đối ngoại, nhưng không được sử dụng vào mục đích khác trái với quy định của pháp luật.

Điều 24

Người mang hàm ngoại giao được pháp luật bảo vệ và được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giúp đỡ khi thi hành công vụ.

Điều 25

Người mang hàm ngoại giao được cấp giấy chứng nhận về hàm, cấp ngoại giao. Mẫu giấy chứng nhận và thủ tục cấp giấy chứng nhận về hàm, cấp ngoại giao do Chính phủ quy định.

Điều 26

Người nào vi phạm các quy định của Pháp lệnh này và các văn bản pháp luật khác có liên quan, thì tuỳ mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

CHƯƠNG V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27

Pháp lệnh này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.

Điều 28

Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này.

Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 1995

 

TM. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nông Đức Mạnh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.