Sign In

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về việc Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006 - 2010

_______________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Chỉ thị số 58/CT-TW ngày 17 tháng 10 năm 2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2001 - 2005;

Căn cứ Quyết định số 272/2003/ QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006 - 2010 với những nội dung chủ yếu sau:

I. Quan điểm phát triển

1. Phát triển thương mại điện tử góp phần thúc đẩy thương mại và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới;

2. Nhà nước đóng vai trò tạo lập môi trường pháp lý và cơ chế chính sách thuận lợi nhằm thu hút công nghệ tiến tiến và khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử; cung cấp các dịch vụ công hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử;

3. Phát triển thương mại điện tử cần được gắn kết chặt chẽ với việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông.

II. Mục tiêu

Đến năm 2010, sự phát triển của thương mại điện tử cần đạt các mục tiêu chủ yếu sau:

1. Khoảng 60% doanh nghiệp có quy mô lớn tiến hành giao dịch thương mại điện tử loại hình "doanh nghiệp với doanh nghiệp";

2. Khoảng 80% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ biết tới tiện ích của thương mại điện tử và tiến hành giao dịch thương mại điện tử loại hình "doanh nghiệp với người tiêu dùng" hoặc "doanh nghiệp với doanh nghiệp";

3. Khoảng 10% hộ gia đình tiến hành giao dịch thương mại điện tử loại hình "doanh nghiệp với người tiêu dùng" hoặc "người tiêu dùng với người tiêu dùng";

4. Các chào thầu mua sắm Chính phủ được công bố trên Trang tin điện tử của các cơ quan Chính phủ và ứng dụng giao dịch thương mại điện tử trong mua sắm Chính phủ.

III. Các chính sách và giải pháp chủ yếu

1. Đào tạo và tuyên truyền, phổ cập về thương mại điện tử

- Phát triển nguồn nhân lực một cách đồng bộ và cân đối trên cơ sở huy động sự đóng góp nguồn lực của toàn xã hội. Trước hết, tập trung đào tạo nguồn nhân lực và sự hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử giữa các doanh nghiệp lớn. Nhà nước có chính sách hỗ trợ trong giai đoạn đầu đối với các chương trình mục tiêu cụ thể;

- Trong giai đoạn 2006 tới 2010, tiến hành đào tạo chính quy tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp thuộc các ngành kinh tế và luật; đồng thời đào tạo theo chương trình đại cương tại các trường dạy nghề thuộc các chuyên ngành thương mại, quản trị kinh doanh; đào tạo cho cán bộ quản lý nhà nước làm công tác hoạch định chính sách và thực thi pháp luật về thương mại điện tử ở Trung ương và các tỉnh, thành phố; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ đào tạo về thương mại điện tử;

- Phổ cập, tuyên truyền rộng rãi về thương mại điện tử trong nhân dân, trước hết cho cộng đồng doanh nghiệp, các cấp quản lý, các hiệp hội ngành hàng.

2. Hoàn thiện hệ thống pháp luật

- Đến cuối năm 2006, ban hành đầy đủ các văn bản dưới luật để thực thi Luật Giao dịch điện tử, Luật Thương mại và Bộ luật Dân sự, tạo cơ sở pháp lý cho thông điệp dữ liệu. Đến cuối năm 2007, ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các khía cạnh liên quan tới thương mại điện tử về giải quyết tranh chấp, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, phòng chống tội phạm, các vấn đề về thuế nội địa và thuế hải quan.

- Rà soát, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm bảo đảm toàn bộ hệ thống pháp luật được định hướng chung là hỗ trợ, tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển.

3. Yêu cầu đối với các cơ quan Chính phủ về cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử và thực hiện giao dịch điện tử trong mua sắm Chính phủ:

- Đến năm 2010 các cơ quan Chính phủ phải đưa hết các dịch vụ công lên mạng, trong đó ưu tiên các dịch vụ: thuế điện tử, hải quan điện tử, các thủ tục xuất nhập khẩu điện tử, thủ tục liên quan tới đầu tư và đăng ký kinh doanh điện tử, các loại giấy phép thương mại chuyên ngành, thủ tục giải quyết tranh chấp;

- Sửa đổi các quy định về đấu thầu trong mua sắm Chính phủ theo hướng các chủ đầu tư phải công bố mời thầu lên Trang tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu và các Trang tin điện tử của các cơ quan khác. Các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan chính quyền địa phương các thành phố lớn phải từng bước tiến hành giao kết hợp đồng mua sắm Chính phủ trên mạng.

4. Phát triển các công nghệ hỗ trợ thương mại điện tử trên cơ sở khuyến khích chuyển giao công nghệ từ nước ngoài:

- Ban hành và phổ cập các chính sách, biện pháp khuyến khích đầu tư phát triển công nghệ phục vụ hoạt động thương mại điện tử; các tiêu chuẩn chung sử dụng trong thương mại điện tử, đặc biệt là chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử (EDI và ebXML);

- Khuyến khích, hỗ trợ các ngân hàng và các tổ chức tín dụng triển khai ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động ngân hàng và các loại hình dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử; xây dựng mạng kinh doanh điện tử cho một số ngành công nghiệp có quy mô kinh tế lớn.

5. Tổ chức thực thi các quy định pháp luật liên quan tới thương mại điện tử:

- Xây dựng cơ chế, bộ máy hữu hiệu để thực thi việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng, bí mật riêng tư và để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong thương mại điện tử theo quy định của pháp luật hiện hành;

- Khẩn trương triển khai hoạt động thống kê về thương mại điện tử.

6. Hợp tác quốc tế về thương mại điện tử:

- Ưu tiên hợp tác đa phương với các tổ chức kinh tế - thương mại quốc tế và khu vực như WTO, APEC, ASEAN, ASEM và các tổ chức chuyên trách về thương mại của Liên Hợp quốc như UNCTAD, UNCITRAL, UNCEFACT.

- Ưu tiên hợp tác song phương với các nước tiên tiến về thương mại điện tử và các nước có kim ngạch thương mại lớn với Việt Nam.

IV. Các chương trình, dự án

Các chương trình với các dự án cụ thể nhằm thực hiện các chính sách, giải pháp chủ yếu được tiến hành trong giai đoạn 2006 - 2010:

1. Chương trình phổ biến, tuyên truyền và đào tạo về thương mại điện tử;

2. Chương trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cho thương mại điện tử;

3. Chương trình cung cấp các dịch vụ công hỗ trợ thương mại điện tử và ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm Chính phủ;

4. Chương trình phát triển công nghệ hỗ trợ thương mại điện tử;

5. Chương trình thực thi pháp luật liên quan đến thương mại điện tử;

6. Chương trình hợp tác quốc tế về thương mại điện tử;

Nội dung và phân công thực hiện các đề án của các chương trình quy định tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao chủ trì các dự án thuộc các chương trình đã nêu ở Mục IV Điều 1 có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai cho cả giai đoạn 5 năm 2006 - 2010 và kế hoạch cụ thể ngay từ năm 2006.

- Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thương mại cân đối, tổng hợp và bố trí nguồn ngân sách trong kế hoạch Nhà nước 5 năm và hàng năm cho các chương trình, dự án của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Giao Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này; hàng năm, tổng hợp tình hình thực hiện, đề xuất các giải pháp cần thiết để thúc đẩy công việc, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; tổng kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả vào năm kết thúc Kế hoạch tổng thể.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải