CHỈ THỊ
Về tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác quản lý văn bản quy phạm pháp luật
của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
__________________
Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của Hội đồng nhân dân (HĐND), Uỷ ban nhân dân (UBND) năm 2004 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, trong những năm qua, công tác quản lý văn bản QPPL của HĐND, UBND các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) trong toàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần quan trọng vào việc thực hiện có hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và thi hành pháp luật ở địa phương, cơ sở.
Tuy nhiên, công tác quản lý văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp xã vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở như: Hầu hết các địa phương chưa chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này, chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần chỉ đạo triển khai; nhiều địa phương chưa ban hành được Quy chế xây dựng, kiểm tra, rà soát hệ thống hoá văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp xã; chất lượng văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp xã chưa cao và không đồng đều giữa các địa phương; nhiều văn bản QPPL chưa được ban hành đúng trình tự, thủ tục theo quy định (không có ý kiến tham gia của công chức Tư pháp - Hộ tịch, không gửi đến cơ quan có thẩm quyền kiểm tra để kiểm tra...).
Để khắc phục những yếu kém, hạn chế nêu trên, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp xã trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBND tỉnh yêu cầu:
1. Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã (sau đây gọi chung là cấp huyện); Chủ tịch UBND cấp xã tiếp tục chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt rộng rãi quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND và các văn bản hướng dẫn thi hành; các quy định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác quản lý văn bản QPPL của HĐND, UBND như Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 11/4/2007 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác văn bản QPPL; Chỉ thị số 15/2005/CT-UBND ngày 07/11/2005 về triển khai thực hiện Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004; Chỉ thị số 15/2007/CT-UBND ngày 22/8/2007 về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, kiểm tra và rà soát văn bản QPPL của HĐND, UBND; Chỉ thị số 10/2009/CT-UBND ngày 25/6/2009 về tăng cường trách nhiệm phối hợp trong công tác xây dựng văn bản QPPL của HĐND, UBND; Quyết định số 114/2010/QĐ-UBND ngày 20/01/2010 ban hành Quy định về lấy ý kiến của người dân đối với dự thảo văn bản QPPL liên quan trực tiếp đến người dân trên địa bàn tỉnh đến cán bộ, công chức và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã, đặc biệt là tại các địa phương hiện đang có nhiều yếu kém, hạn chế về công tác này.
2. Trong năm 2010, giao Giám đốc Sở Tư pháp tham mưu xây dựng Kế hoạch phát động “Năm văn bản QPPL cấp xã”, trình UBND tỉnh ban hành để tổ chức thực hiện thí điểm tại một số địa phương; tổ chức tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ xây dựng, kiểm tra, rà soát hệ thống hoá văn bản QPPL cho cấp xã; tổ chức rút kinh nghiệm và nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh.
3. Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo:
3.1. Phòng Tư pháp xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên đối với công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát hệ thống hoá văn bản QPPL của HĐND, UBND; tổ chức kiểm tra 100% văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp xã. Tham mưu xây dựng giải pháp chỉ đạo, đôn đốc 100% đơn vị cấp xã trên địa bàn ban hành được Quy chế xây dựng, kiểm tra, rà soát hệ thống hoá văn bản QPPL của HĐND, UBND.
3.2. Phòng Tài chính - Kế hoạch chủ trì phối hợp với Văn phòng HĐND, UBND và Phòng Tư pháp hướng dẫn UBND cấp xã xây dựng dự toán và đảm bảo bố trí nguồn kinh phí phục vụ cho công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát hệ thống hoá văn bản QPPL cho 100% các đơn vị cấp xã.
4. Chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo công chức Văn phòng - Thống kê phối hợp với công chức Tư pháp - Hộ tịch xây dựng Kế hoạch (hoặc Dự kiến) ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND hàng năm; trong đó, nêu rõ tên, hình thức văn bản QPPL (nghị quyết, quyết định, chỉ thị) HĐND, UBND sẽ ban hành trong năm; sự cần thiết ban hành, trách nhiệm chủ trì soạn thảo, phối hợp soạn thảo, nguồn kinh phí đảm bảo... để chủ động trong việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND; đồng thời, làm căn cứ để bố trí kinh phí cho công tác xây dựng văn bản QPPL theo quy định của Quyết định số 1959/2008/QĐ-UBND ngày 15/10/2008 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định về quản lý và sử dụng kinh phí đảm bảo cho công tác xây dựng văn bản QPPL của HĐND, UBND. Chỉ đạo công chức Tư pháp - Hộ tịch phối hợp với công chức Tài chính - Kế toán tham mưu đề xuất kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra và cán bộ làm công tác kiểm tra văn bản QPPL.
5. Trong quá trình xây dựng văn bản QPPL, UBND cấp xã phải tuân thủ nghiêm chỉnh quy trình xây dựng văn bản QPPL theo quy định hiện hành; chỉ đạo công chức Tư pháp - Hộ tịch tham gia ý kiến đầy đủ, có chất lượng đối với dự thảo văn bản QPPL theo quy định tại khoản 3 Điều 22 của Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004; lập báo cáo tham gia ý kiến bằng văn bản và lưu trong hồ sơ xây dựng văn bản QPPL. Chỉ đạo công chức Văn phòng UBND gửi đầy đủ văn bản QPPL của HĐND, UBND đến công chức Tư pháp - Hộ tịch để tự kiểm tra, rà soát; đến Phòng Tư pháp để kiểm tra theo thẩm quyền. Chỉ đạo công chức Tư pháp - Hộ tịch tham mưu xem xét, xử lý đối với văn bản có dấu hiệu trái pháp luật; thực hiện nghiêm túc việc lập hồ sơ kiểm tra và thực hiện chế độ báo cáo theo đúng quy định.
6. Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan theo dõi, đôn đốc, thường xuyên báo cáo UBND tỉnh tình hình và kết quả thực hiện Chỉ thị này.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.