Sign In

CHỈ THỊ

Về việc tổ chức triển khai thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

_________________

 

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sau đây gọi là Luật) được Quốc hội khóa 13, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013.

Để kịp thời tổ chức triển khai Luật có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để các quy định của Luật được thực hiện nghiêm túc, triệt để, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm:

a)  Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung của Luật, Nghị quyết số: 24/2012/QH13 ngày 20/6/2012 của Quốc hội về việc thi hành Luật đến cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Chú trọng những nội dung trực tiếp liên quan đến lĩnh vực do cơ quan, đơn vị mình quản lý nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức; động viên sức mạnh của quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính.

b)  Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh và các huyện, thị xã chủ trì, thống nhất chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động tuyên truyền về Luật.

c)  Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh có trách nhiệm tập trung tuyên truyền rộng rãi về mục đích, ý nghĩa và nội dung của Luật góp phần phát huy hiệu quả các quy định của Luật trong đời sống xã hội.

d)  Các cơ quan, đơn vị có lực lượng được giao thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo Luật phải có kế hoạch nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính được giao, đảm bảo cho việc đấu tranh chống vi phạm hành chính đạt hiệu quả cao.

đ) Xử lý kịp thời, đúng pháp luật các vi phạm hành chính xảy ra thuộc lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình.

e)  Cung cấp thông tin về xử lý vi phạm hành chính cho Sở Tư pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi địa phương.

g) Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trong đó, chú trọng tập trung vào những nội dung sau:

-   Tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm hành chính;

-   Công tác phổ biến, tập huấn; bố trí nguồn lực và các điều kiện khác để đảm bảo cho việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính;

-   Việc tuân thủ các quy định trong áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính;

-   Việc thực hiện các quy định thống kê về xử lý vi phạm hành chính;

-   Việc cung cấp thông tin về xử lý vi phạm hành chính cho Sở Tư pháp;

-   Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong xử lý vi phạm hành chính.

h) Thực hiện việc báo cáo tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp).

2.  Sở Tư pháp có trách nhiệm:

a)  Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 5, Điều 17 của Luật.

b) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh.

c)  Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan trong việc xây dựng, rà soát, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

d) Chủ trì, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện Luật và Chỉ thị này, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

đ) Xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính để phục vụ công tác quản lý thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính ở địa phương; đồng thời, thực hiện tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính tại Bộ Tư pháp.

3. Sở Tài chính có trách nhiệm:

a)  Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cấp kinh phí cho nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cấp tỉnh.

b)  Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí phục vụ cho công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định pháp luật.

4.  Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh:

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, định kỳ 06 tháng, hằng năm thực hiện gửi thông báo và cung cấp thông tin về xử lý vi phạm hành chính cho Sở Tư pháp; đồng thời, chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp huyện phối hợp Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện nội dung này.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số: 09/2010/CT-UBND ngày 07/5/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị này, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh đến Sở Tư pháp để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Hoàng Ngọc Đường