Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020

_______________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (tờ trình số 1279/TTr-BGTVT ngày 08 tháng 02 năm 2013) về Điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh cũng như chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải quốc gia và của các địa phương có liên quan.

2. Phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh phải gắn liền với địa lý của vùng để đảm bảo giao thông thuận tiện giữa thành phố Hồ Chí Minh với các đô thị vệ tinh trong khu vực, với cả nước và quốc tế.

3. Phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, bền vững, hiện đại đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Chú trọng bảo trì để khai thác triệt để năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, đầu tư có trọng điểm các công trình quan trọng bức thiết mang tính đột phá đóng vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội.

4. Nâng cao chất lượng vận tải, chú trọng vào giao thông vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, đặc biệt là vận tải đa phương thức và logistics.

5. Đảm bảo tính khoa học, hợp lý và khả thi, đáp ứng được các yêu cầu trước mắt và định hướng lâu dài. Huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển giao thông vận tải dưới nhiều hình thức, thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập quốc tế, củng cố an ninh quốc phòng và phát triển bền vững.

6. Ưu tiên dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tăng cường công tác quản lý hành lang an toàn giao thông, hạn chế tiến tới giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu đến năm 2020

a) Về vận tải:

Đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý đảm bảo an toàn, tiện lợi, kiềm chế tiến tới giảm tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường trên cơ sở tổ chức vận tải hợp lý và phát huy lợi thế của thành phố Hồ Chí Minh; từng bước phát triển vận tải công cộng khối lượng lớn, vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics. Các chỉ tiêu cụ thể như sau:

- Giao thông công cộng (xe buýt, đường sắt đô thị, taxi): Thị phần đảm nhận từ 20% ÷ 25%;

- Giao thông cá nhân (ô tô, xe máy, xe đạp): Thị phần đảm nhận từ 72% ÷ 77%;

- Các loại hình giao thông khác: Thị phần đảm nhận ở mức 3%.

b) Về kết cấu hạ tầng giao thông:

Cơ bản đầu tư hệ thống giao thông đường bộ chính bao gồm: Trục đường hướng tâm, đường xuyên tâm và vành đai để đảm nhận vai trò vận tải trong nội thành và phân bổ giao thông từ nội - ngoại thành. Xây dựng từ 1 ÷ 2 tuyến đường bộ trên cao. Đối với các tuyến đường trục chính đô thị hiện hữu tiến hành cải tạo nâng cấp 90 ÷ 100% phần mặt đường để tăng năng lực thông xe. Các trục đường trục chính đô thị xây dựng mới phải đảm bảo lộ giới quy hoạch và tiêu chuẩn cấp đường.

Thực hiện đầu tư xây dựng từ 2 ÷ 3 tuyến đường sắt đô thị để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách công cộng.

Thực hiện di dời các khu bến cảng trên sông Sài Gòn. Phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển và luồng vào cảng; ưu tiên đầu tư các bến cảng biển chính (khu bến cảng Cát Lái, khu bến cảng trên sông Nhà Bè, khu bến cảng Hiệp Phước) để đáp ứng nhu cầu vận tải của khu vực.

Cải tạo, nâng cấp và hoàn thành đưa vào cấp kỹ thuật các luồng tuyến vận tải thủy nội địa; nâng cấp và đầu tư có chiều sâu các cảng sông; xây dựng các bến tàu khách phục vụ cho vận tải hành khách và du lịch.

Cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để đạt công suất 23,5 triệu hành khách/năm và 600.000 tấn hàng hóa/năm vào năm 2015. Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành để đáp ứng nhu cầu trong từng thời kỳ.

2. Định hướng phát triển sau năm 2020

Thỏa mãn được nhu cầu vận tải và dịch vụ vận tải của xã hội với chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá thành hợp lý và cạnh tranh, nhanh chóng, an toàn; kết nối thuận tiện giữa các phương thức vận tải, giữa thành phố Hồ Chí Minh với các đô thị vệ tinh, với cả nước và quốc tế. Chỉ tiêu cụ thể như sau:

- Giao thông công cộng (xe buýt, đường sắt đô thị, taxi): Đến năm 2030, thị phần đảm nhận từ 35% ÷ 45%, sau năm 2030 từ 50% ÷ 60%;

- Giao thông cá nhân (ô tô, xe máy, xe đạp): Đến năm 2030, thị phần đảm nhận từ 51% ÷ 61%, sau năm 2030 từ 35% ÷ 45%;

- Các loại hình giao thông khác: Đến năm 2030, thị phần đảm nhận sẽ ở mức 4%, sau năm 2030 khoảng 5%.

Cơ bản hoàn thiện và hiện đại hóa mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Tiếp tục xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng khác theo quy hoạch.

III. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN

1. Đường bộ

a) Các trục cao tốc:

Xây dựng, hoàn thiện đầu tư các trục cao tốc có năng lực thông xe lớn.

- Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, chiều dài khoảng 55 km, quy mô 6 ÷ 8 làn xe;

- Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, chiều dài khoảng 69 km, quy mô 6 ÷ 8 làn xe;

- Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, chiều dài khoảng 55 km, quy mô 4 ÷ 6 làn xe;

- Cao tốc Bến Lức - Long Thành, chiều dài khoảng 58 km, quy mô 6 ÷ 8 làn xe;

- Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, chiều dài khoảng 76 km, quy mô 6 ÷ 8 làn xe;

- Nâng cấp, mở rộng quy mô 8 làn xe tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, chiều dài khoảng 40 km vào thời điểm nhất định.

b) Các tuyến quốc lộ:

Cải tạo, nâng cấp các quốc lộ hướng tâm.

- Quốc lộ 1 phía Bắc, đoạn nút giao Trạm 2 - ngã Ba Vũng Tàu, chiều dài khoảng 7,5 km, quy mô 10 làn xe, tiêu chuẩn đường ô tô cấp I;

- Quốc lộ 1 phía Nam, đoạn nút giao An Lạc - Vành đai 4 (Bến Lức), chiều dài khoảng 16,5 km, quy mô 8 làn xe, tiêu chuẩn đường ô tô cấp I;

- Quốc lộ 1, đoạn nút giao Trạm 2 - nút giao An Lạc (Vành đai 2), chiều dài khoảng 34,0 km, quy mô 8 làn xe, tiêu chuẩn đường phố chính chủ yếu;

- Quốc lộ 1K, cầu Hóa An - nút giao Linh Xuân, chiều dài khoảng 10,2 km, quy mô 8 làn xe, tiêu chuẩn đường ô tô cấp II;

- Quốc lộ 13:

+ Đoạn ngã tư Bình Phước (Vành đai 2) - Thủ Dầu Một, chiều dài khoảng 13,5 km, quy mô 8 làn xe, tiêu chuẩn đường ô tô cấp I;

+ Đoạn ngã tư Bình Phước (Vành đai 2) - khu vực nội thành, chiều dài khoảng 6,0 km, quy mô 6 làn xe, tiêu chuẩn đường phố chính thứ yếu;

- Quốc lộ 22, đoạn nút giao An Sương - Củ Chi (Vành đai 4), chiều dài khoảng 31,0 km, quy mô 10 ÷ 12 làn xe, tiêu chuẩn đường ô tô cấp I;

- Quốc lộ 50:

+ Đoạn Vành đai 2 - thị trấn cần Giuộc, chiều dài khoảng 15,0 km, quy mô 6 làn xe, tiêu chuẩn đường ô tô cấp II;

+ Đoạn Vành đai 2 - khu vực nội thành được cải tạo, nâng cấp thành đường phố chính thứ yếu, chiều dài 3 km, quy mô 4 ÷ 6 làn xe. Xây dựng tuyến song hành, chiều dài khoảng 7,4 km, quy mô 4 ÷ 6 làn xe.

c) Các tuyến đường vành đai:

- Xây dựng khép kín đường Vành đai 2 với chiều dài khoảng 64,0 km, quy mô 6 ÷ 10 làn xe, tiêu chuẩn đường phố chính theo các điểm khống chế: Ngã tư Gò Dưa - ngã tư Bình Phước - ngã tư An Sương - cắt trục xuyên tâm Đông - Tây - đường Nguyễn Văn Linh - cầu Phú Mỹ - cắt đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây - cắt xa lộ Hà Nội tại nút giao Bình Thái - ngã tư Gò Dưa;

- Xây dựng đường Vành đai 3 với chiều dài khoảng 89,0 km, quy mô 6 ÷ 8 làn xe, tiêu chuẩn đường cao tốc được phê duyệt theo Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ, có cập nhật điều chỉnh quy mô mặt cắt ngang đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn là 32 m, kết hợp xây dựng cao tốc Vành đai 3 trên cao;

- Xây dựng đường Vành đai 4 với chiều dài khoảng 198,0 km, quy mô 6 ÷ 8 làn xe, tiêu chuẩn đường cao tốc được phê duyệt theo Quyết định số 1698/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Các tuyến đường trục chính đô thị:

- Xây dựng hoàn chỉnh và kéo dài trục đường Đông - Tây về phía Nam nối ra đường Vành đai 3, chiều dài toàn tuyến khoảng 30,7 km, quy mô 6 ÷ 10 làn xe;

- Xây dựng hoàn chỉnh trục đường Bắc - Nam từ An Sương đến Khu công nghiệp Hiệp Phước, chiều dài toàn tuyến khoảng 34,0 km, quy mô 4 ÷ 8 làn xe;

- Xây dựng hoàn chỉnh trục đường Phạm Văn Đồng - Bạch Đằng và Hồng Hà - Trường Sơn - Hoàng Văn Thụ - Thoại Ngọc Hầu - Vành đai trong, kéo đến đường Nguyễn Văn Linh, chiều dài toàn tuyến khoảng 30,0 km, quy mô 4 ÷ 8 làn xe;

- Xây dựng mới tuyến đường nối quốc lộ 1 (nút giao Trạm 2) - Vành đai 3, chiều dài khoảng khoảng 6,0 km, quy mô 6 làn xe, tiêu chuẩn đường phố chính đô thị.

- Cải tạo, nâng cao năng lực thông xe các đường phố chính trong nội đô phù hợp với quy hoạch chung xây dựng đô thị đã được duyệt theo hướng hạn chế giải phóng mặt bằng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng tuyến đường với trên 90 tuyến và tổng chiều dài khoảng 441 km.

d) Các tuyến đường trên cao:

Xây dựng hệ thống đường trên cao gồm 5 tuyến, tổng chiều dài 70,7 km, quy mô 4 làn xe, bao gồm:

- Tuyến số 1: Từ nút giao Cộng Hòa theo đường Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyên - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long - Phan Xích Long (nối dài) - giao với đường Điện Biên Phủ. Tại đây, tuyến tách 01 nhánh lên xuống tại khu vực nút giao đường Điện Biên Phủ, nhánh còn lại sẽ kéo dài theo đường Ngô Tất Tố - kết thúc trước cầu Phú An. Chiều dài khoảng 9,5 km;

- Tuyến số 2: Giao với đường trên cao số 1 tại nút giao Lăng Cha Cả - Bùi Thị Xuân - vị trí cầu số 5 trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - hẻm số 656 Cách Mạng Tháng Tám - Bắc Hải - hẻm số 2 Thiên Phước - hẻm số 654 Âu Cơ - dọc theo công viên Đầm Sen - rạch Bàu Trâu - đường Chiến Lược - Hương lộ 2, kết thúc tại điểm giao với quốc lộ 1 (Vành đai 2). Chiều dài khoảng 11,8 km;

- Tuyến số 3: Giao với tuyến số 2 tại đường Thành Thái - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - rạch ông Lớn - Nguyễn Văn Linh. Chiều dài khoảng 8,1 km;

- Tuyến số 4: Bắt đầu từ quốc lộ 1 (giao với tuyến trên cao số 5) - Vườn Lài - vượt sông Vàm Thuật tại vị trí rạch Lăng và đường sắt Bắc Nam (tại khu vực cầu Đen) - đường Phan Chu Trinh quy hoạch kéo dài qua khu vực chung cư Mỹ Phước rồi nối vào đường Điện Biên Phủ, giao với tuyến số 1. Chiều dài khoảng 7,3 km;

- Tuyến số 5: Đi trùng đường Vành đai 2 (quốc lộ 1) từ nút giao Trạm 2 đến nút giao An Lạc. Chiều dài khoảng 34,0 km.

đ) Các nút giao thông:

Cải tạo, xây dựng mới 102 nút giao thông chính khác mức tập trung trên các đường vành đai, các đường hướng tâm, các đường phố chính nội đô, ở các vị trí có điều kiện và có nhu cầu ưu tiên tổ chức thành các nút giao liên thông. Cải tạo, mở rộng 34 nút giao chính đồng mức. Cải tạo, chỉnh trang các nút giao còn lại.

e) Các cầu lớn, hầm vượt sông:

Xây dựng mới 34 cầu, 01 hầm vượt sông với quy mô các cầu, hầm cùng cấp với đường. Cụ thể, các cầu, hầm vượt sông lớn như sau:

- Sông Nhà Bè: Xây dựng mới 01 cầu;

- Sông Lòng Tàu: Xây dựng mới 01 cầu;

- Sông Thị Vải: Xây dựng mới 01 cầu;

- Sông Đồng Nai: Xây dựng mới 09 cầu;

- Sông Sài Gòn: Xây dựng mới 14 cầu, 01 hầm;

- Kênh Đôi, kênh Tẻ, kênh Chợ Đệm, rạch Ông Lớn, rạch Xóm Củi, rạch Các: Xây dựng mới 08 cầu.

g) Các đường tỉnh:

Xây dựng, cải tạo các đường tỉnh hiện tại để hỗ trợ các quốc lộ hướng tâm bao gồm:

- Đường mở mới phía Tây - Bắc, đoạn Vành đai 2 - Hậu Nghĩa, chiều dài khoảng 19,8 km, quy mô 6 làn xe;

- Đường tỉnh 15, đoạn công viên phần mềm Quang Trung - cầu Bến Súc, chiều dài khoảng 41,0 km, quy mô 4 ÷ 6 làn xe;

- Đường tỉnh 10 (đường Trần Văn Giàu), đoạn Vành đai 2 - Đức Hòa, chiều dài khoảng 22,4 km, quy mô 6 làn xe;

- Đường tỉnh 10B, đoạn đường Tên Lửa - cầu Tân Tạo, chiều dài khoảng 5,0 km, quy mô 6 làn xe;

- Đường tỉnh 14 (đường Phan Văn Hớn), đoạn Vành đai 2 - Vành đai 4, chiều dài khoảng 22,3 km, quy mô 6 làn xe;

- Đường tỉnh 16 (đường Lê Văn Khương), đoạn Vành đai 2 - Đường tỉnh 8 chiều dài khoảng 16,0 km, quy mô 6 làn xe;

- Đường tỉnh 12 (đường Hà Huy Giáp), đoạn Vành đai 2 - cầu Phú Long, chiều dài khoảng 7,3 km, quy mô 6 làn xe;

- Đường song hành Hà Huy Giáp, đoạn Nguyễn Oanh - Đường tỉnh 12, chiều dài khoảng 4,0 km, quy mô 6 làn xe;

- Đường nối dài xuống cảng Phước An, đoạn từ cao tốc Bến Lức - Long Thành - cảng Phước An, chiều dài 4,8 km, quy mô 6 làn xe.

h) Giao thông tĩnh:

Sắp xếp lại toàn bộ hệ thống các điểm, bến, bãi đỗ xe cho phù hợp, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông cũng như đảm bảo mỹ quan đô thị theo nguyên tắc:

- Ưu tiên dành quỹ đất hợp lý để phát triển giao thông tĩnh; các công trình xây dựng mới phải có tỷ lệ quỹ đất hợp lý dành cho giao thông tĩnh;

- Ưu tiên sử dụng một phần quỹ đất dành cho giao thông tĩnh từ các nhà máy sản xuất, xí nghiệp, cơ quan... khi di dời ra khỏi trung tâm thành phố (phía trong đường Vành đai 2);

- Diện tích đất của các bến xe cũ khi di chuyển phải giữ lại làm điểm trung chuyển, điểm đầu cuối xe buýt và giữ lại một phần diện tích dành cho giao thông tĩnh;

- Tổng diện tích bến bãi khoảng 1.146 ha, bao gồm:

+ Cải tạo, xây dựng, chuyển công năng bến bãi để hình thành 07 bến xe khách liên tỉnh với diện tích khoảng 79 ha. Bố trí 22 bến xe buýt gồm 11 bến xe buýt chính và 11 bến xe buýt khu vực với diện tích khoảng 30 ha. Quy hoạch 20 bến xe ô tô hàng hóa ở cửa ngõ ra vào nội đô và trên đường Vành đai 2 phục vụ tập kết hàng hóa từ các tỉnh đến để sau đó chuyển tiếp vào nội đô hoặc chuyển tiếp ra cảng và ngược lại, diện tích khoảng 305 ha. Cải tạo, xây dựng mới 3 bên hàng hóa, diện tích 130 ha. Tổng diện tích cho các bên khoảng 544 ha;

+ Cải tạo, xây dựng mới 17 bãi kỹ thuật cho xe buýt với diện tích khoảng 51 ha. Bố trí 15 bãi đậu xe taxi với diện tích khoảng 31 ha. Quy hoạch 42 bãi đỗ xe ô tô với diện tích khoảng 520 ha cho xe tải và xe con, ưu tiên bố trí các bãi đỗ xe ô tô dọc theo đường Vành đai 2, tại các vị trí ra vào nội đô. Tổng diện tích cho các bãi khoảng 602 ha;

i) Giao thông nông thôn:

Hoàn thiện đường giao thông đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã và hệ thống giao thông nông thôn theo đúng Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1509/QĐ-BGTVT ngày 08 tháng 7 năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải.

2. Đường sắt

a) Đường sắt quốc gia:

- Tuyến đường sắt: Quy hoạch các tuyến đường sắt quốc gia hướng tâm, đường đôi, điện khí hóa, khổ đường 1.435 mm như sau:

+ Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam khu vực thành phố Hồ Chí Minh đoạn Trảng Bom - Hòa Hưng, trong đó xây dựng mới tuyến tránh thành phố Biên Hòa về phía Nam và đoạn Bình Triệu - Hòa Hưng thành đường sắt trên cao, chiều dài khoảng 41,0 km;

+ Nghiên cứu xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao thành phố Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ (định hướng kéo dài đến Cà Mau), kết nối với đường sắt Bắc - Nam tại ga An Bình, chiều dài khoảng 174,0 km;

+ Xây dựng tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, trung chuyển hàng với đường sắt Bắc - Nam tại ga Trảng Bom mới, kết nối với đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng tại ga Biên Hòa mới, chiều dài khoảng 107,0 km;

+ Nghiên cứu đầu tư mới tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh (định hướng kéo dài lên cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát), kết nối với đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ tại ga Tân Chánh Hiệp, chiều dài khoảng 139,0 km;

+ Nghiên cứu xây dựng mới tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh nối Campuchia (đường sắt Xuyên Á), kết nối với đường sắt Bắc - Nam tại ga Dĩ An, chiều dài khoảng 128,0 km;

+ Nghiên cứu xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang với ga đầu tại Thủ Thiêm, chiều dài qua khu vực từ thành phố Hồ Chí Minh đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) khoảng 33,0 km;

+ Nghiên cứu xây dựng mới tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Cảng hàng không quốc tế Long Thành với điểm đầu tại ga Thủ Thiêm, chiều dài khoảng 37,0 km;

+ Nghiên cứu xây dựng mới tuyến đường sắt chuyên dụng nối từ đường sắt quốc gia tới Cảng Hiệp Phước, chiều dài khoảng 38,0 km.

- Ga đường sắt: Nghiên cứu, đầu tư xây dựng mới các ga trong khu đầu mối đường sắt thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm:

+ Ga khách: Ga khách kỹ thuật phía Bắc (ga Bình Triệu với diện tích khoảng 41,0 ha), ga khách trung tâm (ga Sài Gòn với diện tích khoảng 6,14 ha) và ga khách kỹ thuật phía Nam (ga Tân Kiên với diện tích khoảng 75,0 ha bao gồm cả diện tích ga hàng hóa và cảng cạn ICD Tân Kiên). Xây dựng mới ga Thủ Thiêm cho tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, diện tích ga Thủ Thiêm khoảng 17,2 ha; các trạm khách cho tàu ngoại ô trên đoạn đường sắt trên cao Bình Triệu - Hòa Hưng, cũng như trên các đoạn Tân Kiên - Mỹ Tho, Bình Triệu - Biên Hòa, Dĩ An - Chánh Lưu (thuộc tuyến Dĩ An - Lộc Ninh), Tân Chánh Hiệp - Trảng Bàng (thuộc tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh). Xây dựng mới các ga trên tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ đoạn từ An Bình - Tân Kiên theo Vành đai bao gồm các ga: Vĩnh Phú (diện tích khoảng 4,70 ha), Thạnh Xuân (diện tích khoảng 3,2 ha), Tân Chánh Hiệp (diện tích khoảng 1,74 ha), Vĩnh Lộc (diện tích khoảng 5,8 ha). Tổng diện tích các ga khoảng 154,8 ha;

+ Ga hàng: Ga lập tàu và bãi hàng An Bình (diện tích khoảng 71,0 ha), ga hàng hóa Trảng Bom trung chuyển giữa đường sắt khổ 1.000mm và đường sắt khổ 1.435 mm (diện tích khoảng 27,2 ha), ga hàng hóa Phước Tân - ga nối ray vào ICD Long Bình (diện tích khoảng 8,4 ha), ga Tiền cảng Thị Vải - ga đưa và rút Container vào cụm cảng Thị Vải, Cái Mép (diện tích khoảng 16,7 ha); ga hàng hóa và cảng cạn ICD Tân Kiên; ga hàng hóa Long Định - là ga nối ray xuống cảng Hiệp Phước và phục vụ xếp dỡ hàng hóa cho các cụm công nghiệp Bến Lức, Long An (diện tích khoảng 15,0 ha). Tổng diện tích các ga khoảng 138,2 ha.

b) Đường sắt đô thị:

Xây dựng 08 tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố, chủ yếu đi ngầm trong nội đô, bao gồm:

- Tuyến số 1: Bến Thành - Suối Tiên, chiều dài khoảng 19,7 km; nghiên cứu kéo dài tới thành phố Biên Hòa - tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương như sau:

+ Kéo dài đến thành phố Biên Hòa - tỉnh Đồng Nai: Từ ga Suối Tiên, đi dọc theo quốc lộ 1 đến ngã 3 Chợ Sặt, thành phố Biên Hòa;

+ Kéo dài đến Bình Dương: Từ ga Suối Tiên - Mỹ Phước - Tân Vạn - Đường XT1 - ga trung tâm (Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Bình Dương).

- Tuyến số 2: Đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi) - quốc lộ 22 - Bến xe Tây Ninh - Trường Chinh - (nhánh vào Depot Tham Lương) - Cách Mạng Tháng Tám - Phạm Hồng Thái - Lê Lai - Bến Thành - Thủ Thiêm, chiều dài khoảng 48,0 km;

- Tuyến số 3a: Bến Thành - Phạm Ngũ Lão - Ngã 6 Cộng Hòa - Hùng Vương - Hồng Bàng - Kinh Dương Vương - Depot Tân Kiên - ga Tân Kiên, chiều dài khoảng 19,8 km. Nghiên cứu kéo dài tuyến số 3a kết nối thành phố Tân An (tỉnh Long An) từ ga Hưng Nhơn đi dọc theo quốc lộ 1;

- Tuyến số 3b: Ngã 6 Cộng Hòa - Nguyễn Thị Minh Khai - Xô Viết Nghệ Tĩnh - quốc lộ 13 - Hiệp Bình Phước, chiều dài khoảng 12,1 km. Nghiên cứu kết nối với thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) từ ga Hiệp Bình và đi dọc quốc lộ 13, kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 của tỉnh Bình Dương;

- Tuyến số 4: Thạnh Xuân - Hà Huy Giáp - Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm - Phan Đình Phùng - Hai Bà Trung - Bến Thành - Nguyễn Thái Học -Tôn Đản - Nguyễn Hữu Thọ - Khu đô thị Hiệp Phước, chiều dài khoảng 36,2 km;

- Tuyến số 4b: Ga Công viên Gia Định (tuyến số 4) - Nguyễn Thái Sơn - Hồng Hà - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - Trường Sơn - Công viên Hoàng Văn Thụ - Ga Lăng Cha Cả (tuyến số 5), chiều dài khoảng 5,2 km;

- Tuyến số 5: Bến xe cần Giuộc mới - quốc lộ 50 - Tùng Thiện Vương - Phù Đổng Thiên Vương - Lý Thường Kiệt - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Bạch Đằng - Điện Biên Phủ - cầu Sài Gòn, chiều dài khoảng 26,0 km;

- Tuyến số 6: Bà Quẹo - Âu Cơ - Lũy Bán Bích - Tân Hòa Đông - Vòng xoay Phú Lâm, chiều dài khoảng 5,6 km.

Quy hoạch xây dựng 07 Depot như sau: Suối Tiên - diện tích khoảng 27,7 ha (tuyến số 1), Tham Lương - diện tích khoảng 25 ha (tuyến số 2), Tân Kiên - diện tích khoảng 26,5 ha (tuyến số 3a), Hiệp Bình Phước - diện tích khoảng 20,0 ha (tuyến số 3b), Thạnh Xuân - diện tích khoảng 27,0 ha, Nhà Bè - diện tích khoảng 20,0 ha (tuyến số 4), Đa Phước - diện tích khoảng 32,0 ha (tuyến số 5), tổng diện tích các Depot khoảng 158,2 ha và các ga đường sắt đô thị: Ga trung tâm (Ga Bến Thành), Ga nối ray và ga đấu nối giữa các tuyến (ga Bà Quẹo , ga Ngã 6 Cộng Hòa; ga Lăng Cha Cả...), Ga trung gian: Trung bình từ 700 m đến 2.000 m bố trí 01 ga.

c) Đường sắt đô thị khác:

Xây dựng 03 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (Tramway hoặc Monorail), bao gồm:

Tuyến xe điện mặt đất số 1: Ba Son - Tôn Đức Thắng - Công trường Mê Linh - Võ Văn Kiệt - Lý Chiêu Hoàng - Bến xe Miền Tây hiện hữu, chiều dài khoảng 12,8 km. Định hướng kéo dài từ Ba Son đến khu đô thị Bình Quới (Thanh Đa - Bình Thạnh);

- Tuyến Monorail số 2: Quốc lộ 50 (quận 8) - Nguyễn Văn Linh - Trần Não - Xuân Thủy (quận 2) - Khu đô thị Bình Quới (Thanh Đa - Bình Thạnh); Định hướng kết nối tuyến đường sắt đô thị số 3a, chiều dài khoảng 27,2 km;

- Tuyến Monorail số 3: Ngã tư (Phan Văn Trị - Nguyễn Oanh) - Phan Văn Trị - Quang Trung - Công viên phần mềm Quang Trung - Tô Ký - ga Tân Chánh Hiệp, chiều dài khoảng 16,5 km.

- Xây dựng 03 Depot cho các tuyến xe điện mặt đất hoặc Monorail như sau: Bến xe Miền Tây, diện tích khoảng 2,1 ha (tuyến xe điện mặt đất số 1); đường Nguyễn Văn Linh, diện tích khoảng 5,9 ha (tuyến Monorail số 2); đường Tân Chánh Hiệp, diện tích khoảng 5,90 ha (tuyến Monorail số 3). Tổng diện tích các Depot khoảng 13,9 ha.

3. Hệ thống xe buýt nhanh

Xây dựng 6 tuyến xe buýt nhanh (BRT), bao gồm:

- Tuyến BRT số 1: Theo đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, chiều dài khoảng 20,5 km;

- Tuyến BRT số 2: Theo đường Nguyễn Văn Linh từ Bến xe Miền Tây mới tới cầu Phú Mỹ, chiều dài khoảng 24,0 km;

- Tuyến BRT số 3: Dọc theo đường Vành đai 2 từ ngã tư An Sương đến Bến xe Miền Tây mới, chiều dài khoảng 19,0 km;

- Tuyến BRT số 4: Theo trục đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi (sau khi được đưa vào khai thác) từ đường Kha Vạn Cân đến Công viên Chiến Thắng, chiều dài khoảng 14,5 km;

- Tuyến BRT số 5: Theo trục đường Thoại Ngọc Hầu - Vành đai trong - nối dài ra đường Nguyễn Văn Linh (sau khi mở rộng, hoàn thiện đưa vào khai thác) từ ngã tư Bốn Xã đến đường Nguyễn Văn Linh, chiều dài khoảng 8,7km;

- Tuyến BRT số 6: Dọc theo đường Quang Trung (sau khi mở rộng, hoàn thiện đưa vào khai thác), theo hướng tuyến Monorail số 3, chiều dài khoảng 8,5 km;

- Trong đó, khi các tuyến xe điện mặt đất số 1, Monorail số 2 và số 3 được đầu tư hoàn thiện và đưa vào khai thác, sẽ thay thế các tuyến BRT số 1, 2 và 6.

Các tuyến BRT khác sẽ nghiên cứu đầu tư xây dựng căn cứ vào thực trạng phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông và nhu cầu đi lại.

4. Đường biển

a) Luồng tàu biển:

- Luồng Sài Gòn - Vũng Tàu: Cải tạo một số đoạn cong gấp, duy trì độ sâu và hệ thống báo hiệu hàng hải luồng Lòng Tàu cho tàu trọng tải 30.000 DWT lợi dụng thủy triều ra vào cả ban ngày và ban đêm;

- Luồng Soài Rạp: Giai đoạn đến năm 2015 đáp ứng cho tàu trọng tải đến 30.000 DWT đầy tải và 50.000 DWT giảm tải. Trong giai đoạn tiếp theo, tiếp tục nghiên cứu nạo vét cho tàu trọng tải đến 50.000 DWT đầy tải và tàu trên 50.000 DWT giảm tải.

b) Cảng biển:

- Cảng thành phố Hồ Chí Minh là cảng tổng hợp Quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), gồm các khu bến chính: Khu bến trên sông Sài Gòn; khu bến Cát Lái trên sông Đồng Nai; khu bến trên sông Nhà Bè; khu bến Hiệp Phước trên sông Soài Rạp; khu bến cảng thuộc tỉnh Long An, Tiền Giang trên sông Soài Rạp.

- Quy hoạch chi tiết cho các khu bến chức năng chính như sau:

+ Khu bến cảng trên sông Sài Gòn: Bao gồm 11 bến cảng/cầu cảng cho tàu có trọng tải từ 20.000 - 30.000 DWT hoạt động. Khu bến này thực hiện di dời chuyển đổi công năng theo Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ; chuyển đổi một phần bến Khánh Hội làm bến khách nội địa và trung tâm dịch vụ hàng hải. Những bến cảng chưa di dời chỉ cải tạo nâng cấp, không mở rộng;

+ Khu bến cảng Cát Lái (sông Đồng Nai): Bao gồm 09 bến cảng/cầu cảng cho tàu có trọng tải đến 30.000 DWT hoạt động. Đây là khu bến Container chính của cảng trong giai đoạn trước mắt;

+ Khu bến cảng Nhà Bè (sông Nhà Bè): Bao gồm 10 bến cảng/cầu cảng cho tàu có trọng tải từ 20.000 - 30.000 DWT. Quy hoạch cải tạo nâng cấp (không mở rộng) các bến trên sông Nhà Bè cho tàu trọng tải đến 30.000 DWT. Quy hoạch xây dựng mới bến khách cho tàu 50.000 GRT tại Phú Thuận (hạ lưu cầu Phú Mỹ);

+ Khu bến cảng Hiệp Phước (sông Soài Rạp): Là khu bến chính của cảng trong tương lai, chủ yếu làm hàng tổng hợp Container cho tàu có trọng tải 50.000 DWT và tàu Container 4.000 TEU; có một số bến chuyên dùng cho tàu có trọng tải từ 20.000 - 30.000 DWT phục vụ trực tiếp cơ sở công nghiệp liền kề;

+ Khu bến cảng Long An, Tiền Giang (trên sông Soài Rạp): Các bến với chức năng là khu bến tổng hợp, dịch vụ dầu khí, khu bến chuyên dụng LPG tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 DWT và lớn hơn phù hợp với khả năng luồng tàu.

c) Cảng cạn:

- Khu vực Đông - Bắc thành phố Hồ Chí Minh: Xây dựng cảng cạn ICD Trảng Bom với công suất thông qua khoảng 6 triệu TEU/năm, phục vụ hàng hóa chủ yếu qua cụm cảng Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh;

- Khu vực Tây - Nam thành phố Hồ Chí Minh: Hình thành cảng cạn ICD Tân Kiên với công suất thông qua khoảng 1,7 triệu TEU/năm, phục vụ hàng hóa chủ yếu qua cụm cảng thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và cảng Tiền Giang.

5. Đường thủy nội địa

a) Luồng tuyến đường thủy nội địa:

* Các tuyến liên tỉnh:

- Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây (Đồng bằng sông Cửu Long):

+ Thành phố Hồ Chí Minh - Cà Mau - Hà Tiên (Kiên Lương), chiều dài khoảng 320,0 km, tiêu chuẩn sông cấp III;

+ Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Tháp Mười - Tứ giác Long Xuyên chiều dài khoảng 288,0 km, tiêu chuẩn sông cấp III.

- Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Đông:

+ Thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hòa (Đồng Nai), chiều dài khoảng 53,0 km, tiêu chuẩn sông cấp I cho sông Đồng Nai và cấp II sông Sài Gòn;

+ Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương (Thủ Dầu Một), chiều dài khoảng 85,7 km tính từ cầu Sài Gòn, tiêu chuẩn sông cấp III.

- Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh chiều dài khoảng 44,0 km, tiêu chuẩn sông cấp IV - cấp V.

* Các tuyến nối tắt và liên kết nội thành với khu vực cảng biển mới:

- Các tuyến nối tắt:

+ Tuyến rạch Chiếc - rạch Trau Trảu - sông Tắc, chiều dài khoảng 14,0 km, tiêu chuẩn sông cấp IV;

+ Tuyến rạch Giồng Ông Tố - rạch Đồng Trong - rạch Chiếc, chiều dài khoảng 7,4 km, tiêu chuẩn sông cấp IV;

+ Tuyến nối tắt Thị Vải - Đồng bằng sông Cửu Long, chiều dài khoảng 17,6 km, tiêu chuẩn sông cấp IV - cấp V.

- Các tuyến liên kết nội thành - khu cảng biển Gò Dầu - Thị Vải:

+ Tuyến sông Bến Lức - sông Thị Vải, chiều dài khoảng 61,2 km, tiêu chuẩn sông cấp VI;

+ Tuyến kênh Tẻ - sông Thị Vải, chiều dài khoảng 52,2 km, tiêu chuẩn sông cấp IV.

- Các tuyến liên kết nội thành - khu cảng biển Hiệp Phước:

+ Tuyến rạch Đỉa - sông Nhà Bè, chiều dài khoảng 9,8 km, tiêu chuẩn sông cấp IV;

+ Tuyến rạch Ông Lớn 2 - sông Soài Rạp, chiều dài khoảng 9,0 km, tiêu chuẩn sông cấp IV;

+ Tuyến rạch Tôm - sông Soài Rạp, chiều dài khoảng 8,2 km, tiêu chuẩn sông cấp IV;

+ Tuyến rạch Dơi - sông Soài Rạp, chiều dài khoảng 9,0 km, tiêu chuẩn sông cấp VI;

+ Tuyến rạch Dừa - sông Soài Rạp, chiều dài khoảng 11,3 km, tiêu chuẩn sông cấp VI.

- Tuyến Vành đai ngoài, chiều dài khoảng 45,0 km, tiêu chuẩn sông cấp VI.

* Các tuyến nội thành:

- Tuyến Vành đai trong: Chiều dài khoảng 30,0 km (không kể đoạn sông Sài Gòn), tiêu chuẩn tuyến sông cấp V;

- Tuyến trục Đông - Tây:

+ Tuyến sông Sài Gòn - sông Chợ Đệm Bến Lức, chiều dài khoảng 13,4 km, tiêu chuẩn sông cấp III;

+ Tuyến rạch Bến Nghé - kênh Tàu Hũ, chiều dài khoảng 12,1 km, tiêu chuẩn sông cấp V.

- Các tuyến riêng lẻ: Tuyến Lò Gốm - ông Buông chiều dài khoảng 3,0 km, tiêu chuẩn sông cấp VI; kênh Ngang số 1 chiều dài khoảng 0,4 km, số 2 chiều dài khoảng 0,4 km, sông 3 chiều dài khoảng 0,4 km, kênh Thanh Đa chiều dài khoảng 1,3 tiêu chuẩn sông cấp V.

* Các tuyến liên kết nội thành vùng ven:

- Tuyến nội đô - ven đô: Sông Sài Gòn (Bến Bạch Đằng) - Đền Bến Dược (Củ Chi), chiều dài khoảng 38,0 km, tiêu chuẩn sông cấp V;

- Tuyến nội thành - khu du lịch Cần Giờ: Sông Sài Gòn (Bến Bạch Đằng) - bến du lịch Đèn Xanh (xã Long Hòa), tiêu chuẩn sông cấp III.

b) Cảng đường thủy nội địa:

- Sắp xếp cảng hàng hóa, hành khách trên tuyến Kênh Tẻ;

- Chỉnh trang và sắp xếp hoạt động khu cảng Trường Thọ trên rạch Đào thuộc địa bàn phường Trường Thọ, quận Thủ Đức;

- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cảng hàng hóa đường sông: Cảng Phú Định cho tàu có trọng tải 3.000 tấn và công suất 2.000.000 tấn/năm (phường 16, quận 8), cảng Long Bình (phường Long Bình, quận 9) cho tàu có trọng tải 2.000 tấn và công suất 1.700.000 tấn/năm;

- Xây dựng mới cảng hàng hóa: Cảng Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) cho tàu có trọng tải 3.000 tấn và công suất 1.200.000 tấn/năm;

- Quy hoạch cải tạo một phần Cảng Sài Gòn tại vị trí Bến Nhà Rồng, Khánh Hội thành cảng hành khách du lịch cỡ nhỏ và trung tâm dịch vụ hàng hải;

- Quy hoạch xây dựng cảng hành khách du lịch tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ.

c) Bến thủy nội địa:

- Cải tạo và sắp xếp lại khu bến tàu khách Bạch Đằng;

- Quy hoạch các bến hàng hóa trên tuyến Vành đai ngoài và phía bắc Thành phố;

- Quy hoạch các bến khách tại các trục kênh Tàu Hũ, kênh Tẻ - kênh Đôi và sông Sài Gòn;

- Sắp xếp lại hệ thống các bến hàng hóa, bến hành khách.

6. Quy hoạch hệ thống cảng hàng không

- Cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để đạt công suất 23,5 triệu hành khách/năm và 600.000 tấn hàng hóa/năm vào năm 2015;

- Lập dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai để có thể triển khai xây dựng sau năm 2015.

7. Các trung tâm điều khiển giao thông thành phố

Bổ sung thêm chức năng quản lý giao thông công cộng chung và hệ thống giao thông thông minh cho toàn thành phố, dự kiến tại vị trí Công viên 23-9 (cho toàn bộ các phương thức vận tải) và xây dựng mới 01 trung tâm điều khiển vận tải hành khách công cộng, dự kiến tại vị trí bến xe miền Tây cũ.

8. Các công trình ưu tiên đầu tư

Các công trình ưu tiên đầu tư là các công trình nhằm giải quyết mục tiêu kết nối đồng bộ mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, là động lực phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn năm 2013 - 2020.

(Chi tiết trong Phụ lục 1-1 và Phụ lục 1-2 kèm theo)

9. Đảm bảo an toàn giao thông

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiện toàn tổ chức quản lý an toàn giao thông từ trung ương đến địa phương hướng tới đảm bảo trật tự an toàn giao thông một cách bền vững, cần phân cấp mạnh mẽ cho địa phương về công tác quản lý, công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông;

- Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kết hợp với tăng cường công tác cưỡng chế thi hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông;

- Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phải đảm bảo hành lang an toàn, phải được thẩm định về an toàn giao thông gắn với việc xây dựng các nút giao và xử lý điểm đen trên tuyến;

- Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý người điều khiển phương tiện vận tải; chất lượng kiểm định phương tiện cơ giới;

- Tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra.

10. Bảo vệ môi trường và đất sử dụng cho giao thông

a) Bảo vệ môi trường:

- Hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy định bảo vệ môi trường trong xây dựng, khai thác các công trình giao thông. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục và cưỡng chế thi hành pháp luật bảo vệ môi trường;

- Thực hiện đánh giá tác động: Tích hợp, lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ khi lập quy hoạch. Giám sát thường xuyên việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường các dự án xây dựng và khai thác công trình giao thông; ưu tiên áp dụng các công nghệ mới thân thiện môi trường, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường;

- Các công trình giao thông và phương tiện vận tải phải có tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng đảm bảo với yêu cầu về bảo vệ môi trường;

- Xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại kết hợp với sử dụng nhiên liệu hiệu quả trong hoạt động giao thông để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

b) Nhu cầu đất sử dụng:

Dự kiến quỹ đất dành cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 khoảng 22.305 ha chiếm 22,3% quỹ đất xây dựng của Thành phố, trong đó:

- Đất dành cho giao thông đường bộ, không bao gồm giao thông tĩnh khoảng 18.015 ha;

- Đất dành cho giao thông tĩnh khoảng 1.146 ha;

- Đất dành cho giao thông đường sắt khoảng 1.320 ha;

- Đất dành cho giao thông đường biển và đường thủy nội địa khoảng 1.008 ha;

- Đất dành cho cảng hàng không khoảng 816 ha.

11. Các giải pháp, chính sách chủ yếu

a) Giải pháp, chính sách phát triển vận tải:

- Ưu tiên tập trung đầu tư phát triển vận tải hành khách đô thị, đặc biệt là vận tải khối lượng lớn, đồng thời kiểm soát sự phát triển phương tiện cá nhân;

- Đổi mới phương tiện, công nghệ, trang thiết bị dịch vụ vận tải, ưu tiên phát triển vận tải container, đa phương thức và dịch vụ logistics để điều tiết hợp lý giữa các phương thức vận tải. Tổ chức các đầu mối vận tải để giảm thiểu lượng xe trung chuyển đi vào trung tâm Thành phố gây ùn tắc giao thông;

- Giai đoạn ngắn hạn cần giải quyết các vấn đề gồm: Các biện pháp tăng cường hệ thống kiểm soát tín hiệu giao thông; cải thiện điều kiện các nút giao; quản lý nhu cầu giao thông; cải thiện thiết bị an toàn giao thông, hệ thống kiểm soát đỗ xe, điều kiện vận hành cho xe buýt; chương trình giáo dục về an toàn giao thông; hệ thống kiểm tra xe cơ giới;

- Giai đoạn trung và dài hạn quy hoạch hệ thống giao thông thông minh (ITS) với các hệ thống như: Dẫn đường; thu phí điện tử; trợ giúp lái xe an toàn; tối ưu hóa quản lý giao thông; tăng cường hiệu quả quản lý đường; trợ giúp cho giao thông công cộng; trợ giúp cho người đi bộ; trợ giúp cho những trường hợp khẩn cấp...

b) Giải pháp, chính sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông:

- Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các địa phương trong vùng cùng các Bộ, ngành liên quan vận dụng các cơ chế, chính sách và các hình thức huy động nguồn vốn dưới mọi hình thức như: Nguồn vốn của địa phương, xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT), hợp tác công tư (PPP), chuyển nhượng quyền kinh doanh khai thác, khai thác quỹ đất và các dịch vụ liên quan, ngân sách nhà nước (bao gồm cả ODA), phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông;

- Để khai thác hết năng lực, hiệu quả các công trình giao thông trên địa bàn, việc xây dựng nâng cấp các công trình giao thông phải tuân thủ quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch vùng;

- Tăng cường sự phối hợp giữa thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương liên quan tạo bước đột phá trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2020, tạo nên sự liên kết thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương liên quan cũng như giữa các phương thức vận tải, giảm ách tắc giao thông đô thị;

- Ưu tiên dành quỹ đất hợp lý cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải giai đoạn năm 2013 ÷ 2020 cũng như giai đoạn sau năm 2020, đặc biệt chú trọng quỹ đất dành cho giao thông tĩnh;

- Triển khai chi tiết các quy hoạch về giao thông: Nút giao thông, giao thông tĩnh...;

- Với các dự án triển khai trong Thành phố, cao độ xây dựng tối thiểu cần tuân thủ theo Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025; đối với các dự án xây dựng ngoài Thành phố, tùy vào cấp công trình, quy mô dự án để xem xét và lựa chọn phù hợp với kịch bản mực nước biển dâng do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố;

- Tăng cường công tác quản lý bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, dành phần vốn thích đáng cho công tác quản lý bảo trì.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân các tỉnh liên quan:

- Sau khi Quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan chịu trách nhiệm công bố quy hoạch, xác định chỉ giới đất dành cho giao thông và quản lý nhằm tránh tình trạng chồng lấn trong cấp phép xây dựng;

- Quản lý quỹ đất dành cho giao thông nhằm đảm bảo tính khả thi của Quy hoạch là yêu cầu cấp bách trong điều kiện đô thị hóa nhanh chóng tại Thành phố;

- Đối với mạng lưới đường sắt đô thị (Metro), ngoài việc quản lý chỉ giới trên mặt đất, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo các Sở, Ban, ngành và chính quyền sở tại có liên quan quản lý chặt chẽ việc quy hoạch và cấp phép xây dựng các nhà cao tầng, các công trình có móng sâu chiếm dụng lòng đất ngầm dọc hành lang tuyến Metro, xác định và quản lý quỹ đất dành cho Depot cho đường sắt đô thị;

- Tiến hành rà soát điều chỉnh các quy hoạch, các dự án trên địa bàn phù hợp với nội dung của Quyết định này;

- Phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải và các ngành liên quan xác định các nguồn vốn đầu tư và xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để đảm bảo tính khả thi của Quy hoạch điều chỉnh được duyệt;

- Tiến hành ngay các Quy hoạch chi tiết có liên quan đến giao thông như: Quy hoạch chi tiết nút giao thông, Quy hoạch giao thông tĩnh..., quyết định quy mô các công trình xây dựng theo quy hoạch điều chỉnh;

- Trong trường hợp cần bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân các tỉnh, có liên quan phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

- Thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ đất dành cho giao thông, đảm bảo việc sử dụng đất đúng mục đích, đúng quy hoạch. Trường hợp phát hiện vi phạm phải kiên quyết thu hồi nhằm đảm bảo quỹ đất cho phát triển giao thông.

2. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan thực hiện các dự án phát triển giao thông vận tải quốc gia trên địa bàn theo Quy hoạch được duyệt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành, thay thế Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2007, các nội dung trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng