Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc Phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011 – 2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam

________________________________________________

 THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Điện Việt Nam giai đoạn 2004 - 2010, định hướng đến 2020;

Căn cứ Quyết định số 1855/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến 2030;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011 - 2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với các nội dung chính sau:

I. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT

1. Phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành tập đoàn kinh tế mạnh, giữ vai trò chủ đạo trong ngành điện; đảm bảo an ninh và chất lượng cung cấp điện, đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

2. Nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển thông qua việc sử dụng tối ưu mọi nguồn lực sẵn có, tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu là: Quản lý vận hành và đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện truyền tải, phân phối điện và kinh doanh bán điện.

II. NHIỆM VỤ CHÍNH

1. Đầu tư nguồn điện và lưới điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến 2030, nhằm bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu điện cho nền kinh tế quốc dân.

2. Có trách nhiệm mua điện từ các nguồn điện, nhập khẩu điện, quản lý vận hành lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối, thực hiện vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện cho quốc gia.

3. Thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục giảm tổn thất điện năng, thực hiện chương trình tiết kiệm trong sản xuất, truyền tải và phân phối điện.

4. Thực hiện chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi đã đề ra, đến năm 2015 có 98% số hộ dân nông thôn, đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.

5. Thực hiện các nhiệm vụ được giao trong xây dựng và phát triển thị trường điện theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

6. Tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng hội nhập, nghiên cứu kết nối lưới điện với Lào, Campuchia, Trung Quốc và các nước trong khu vực để mua, bán và trao đổi điện năng.

7. Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, hoàn thiện cơ chế; tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn; nghiên cứu, phát triển và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, tăng doanh thu, giảm chi phí, đảm bảo kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn; nâng cao hiệu quả hoạt động để phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành Tập đoàn kinh tế mạnh, bền vững.

III. CÁC CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH CHỦ YẾU

1. Kế hoạch cung ứng điện 5 năm giai đoạn 2012 - 2015

a) Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu điện với tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 13%/năm, cụ thể như sau:

 

2011

2012

2013

2014

2015

Điện sản xuất và mua của Tập đoàn, triệu kWh

106.482

118.100

133.200

150.200

169.500

Tốc độ tăng (%)

9,40

10,9

12,80

12,80

12,80

Điện thương phẩm, triệu kWh

94.675

105.000

118.650

134.075

151.500

Tốc độ tăng (%)

10,5

10,9

13,0

13,0

13,0

b) Tập đoàn chuẩn bị phương án để có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện với tốc độ tăng cao hơn.

2. Kế hoạch đầu tư phát triển nguồn điện

a) Bảo đảm tiến độ đưa vào vận hành 42 tổ máy thuộc 20 dự án nguồn điện với tổng công suất 11.600 MW, trong đó có các dự án nguồn điện trọng điểm:

- Các dự án nhà máy thủy điện: Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát;

- Các dự án nhà máy nhiệt điện: Hải Phòng 2, Quảng Ninh 2, Mông Dương 1, Nghi Sơn 1, Thái Bình, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3.

b) Khởi công xây dựng 14 dự án nguồn điện với tổng công suất 12.410 MW để đưa vào vận hành giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có các dự án trọng điểm:

- Các dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2;

- Các dự án nhiệt điện Duyên Hải 3, Vĩnh Tân 4;

- Thủy điện tích năng Bắc Ái.

Danh mục các dự án nguồn điện đưa vào vận hành và khởi công xây dựng giai đoạn 2011 - 2015 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định này.

3. Kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện

a) Hoàn thành, đưa vào vận hành 318 công trình lưới điện truyền tải 220 - 500 kV với tổng chiều dài đường dây khoảng 11.577 km và tổng dung lượng trạm biến áp khoảng 44.450 MVA;

b) Đầu tư cải tạo, phát triển lưới điện 110 kV, lưới điện trung, hạ áp từ cấp điện áp 35kV đến 0,4kV; bảo đảm nâng cao chất lượng điện năng và năng lực phân phối điện.

Danh mục đầu tư các công trình lưới điện truyền tải 220 - 500 kV giai đoạn 2011 - 2015 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này.

4. Kế hoạch chỉ tiêu tài chính, kinh doanh giai đoạn 2011 - 2015

a) Phê duyệt định hướng kế hoạch tài chính, kinh doanh của EVN giai đoạn 2011 - 2015 như sau:

- Thực hiện phân bổ các khoản lỗ do sản xuất kinh doanh điện chưa tính hết vào giá điện từ trước năm 2011 cho các năm 2012 và 2013; phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015 theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

- Tổng số vốn điều lệ sau đánh giá lại tài sản là 143.404 tỷ đồng;

- Tăng năng suất lao động hàng năm, đảm bảo tốc độ tăng năng suất lao động cao hơn tốc độ tăng tiền lương; giảm điện năng dùng cho sản xuất, truyền tải và phân phối điện, đảm bảo điện dùng cho truyền tải và phân phối điện năm 2015 không cao hơn 8%.

- Từng bước nâng dần giá bán điện, đến năm 2013 giá bán điện bình quân theo giá thị trường;

- Trong các năm 2012 - 2015, Tập đoàn đảm bảo kinh doanh có lãi;

- Đến năm 2015 các chỉ tiêu tài chính đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính cho vay vốn: Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 3 lần; tỷ lệ tự đầu tư lớn hơn 30%; hệ số thanh toán nợ: Lớn hơn 1,5 lần.

b) Kế hoạch vốn đầu tư

Tập trung mọi nỗ lực, huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư và trả nợ vốn vay trong giai đoạn 2011 - 2015 là 501.470 tỷ đồng. Trong đó:

- Nhu cầu vốn đầu tư là 368.759 tỷ đồng:

+ Nguồn điện khoảng 223.281 tỷ đồng (chiếm 60,5%);

+ Lưới điện truyền tải: 65.699 tỷ đồng (chiếm 17,8%);

+ Lưới điện phân phối trung, hạ thế: 76.151 tỷ đồng (chiếm 20,7%);

+ Các công trình khác là 3.628 tỷ đồng (chiếm 1,0%).

- Góp vốn đầu tư các dự án điện: 2.042 tỷ đồng.

- Trả nợ gốc và lãi vay: 130.668 tỷ đồng.

c) Kế hoạch chỉ tiêu điện khí hóa nông thôn

- Đến năm 2015 là 100% số xã có điện và 98% số hộ dân nông thôn có điện và được hưởng giá bán điện theo đúng quy định hiện hành;

- Tiếp tục bố trí vốn đầu tư để cải tạo nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn tiếp nhận nhằm tăng cường khả năng cấp điện cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt ở nông thôn, đặc biệt là khu vực miền núi và hải đảo. Đẩy mạnh phát triển điện nông thôn theo định hướng đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.

IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 5 NĂM 2011 - 2015

1. Giải pháp trong sản xuất và cung ứng điện

- Vận hành an toàn và ổn định hệ thống điện: Đảm bảo tiến độ sửa chữa các nhà máy điện, các công trình lưới điện theo kế hoạch;

- Huy động hợp lý công suất, điện năng các nhà máy thủy điện, các nguồn điện mua của các nhà máy điện độc lập và các nguồn điện dự phòng của khách hàng;

- Đảm bảo nguồn năng lượng sơ cấp cho phát điện: Khai thác tối ưu đối các nguồn năng lượng, đặc biệt là nguồn thủy điện, nguồn nhiên liệu khí và nguồn than trong nước;

- Đưa các nhà máy điện mới vào khai thác đúng tiến độ và ổn định.

2. Giải pháp về quản lý, tổ chức

- Xây dựng mô hình tổ chức thống nhất và bộ máy quản lý ở các nhà máy điện, các công ty truyền tải và phân phối điện một cách hợp lý;

- Hoàn thiện công tác tổ chức, từng bước đưa vào hoạt động ổn định 03 Tổng công ty phát điện trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam;

- Rà soát, hoàn thiện Điều lệ/Quy chế tổ chức và hoạt động của các đơn vị trực thuộc, các công ty con; thực hiện việc chuyên môn hóa nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và giảm biên chế;

- Tham gia xây dựng và phát triển thị trường điện Việt Nam theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Giải pháp về đảm bảo tài chính

a) Giảm giá thành sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh bán điện:

- Triệt để tiết kiệm chi phí, chống lãng phí, không tăng chi phí sửa chữa lớn và chi phí vật liệu phụ cho một đơn vị điện năng. Giảm tỷ lệ định mức chi phí sửa chữa lớn trên tài sản cố định của các đơn vị;

- Xây dựng mô hình tổ chức thống nhất và bộ máy quản lý ở các nhà máy điện, các công ty truyền tải và phân phối điện một cách hợp lý;

- Tiếp tục hoàn thiện công tác xây dựng lại định mức vật tư, chi phí, định mức tiền lương.

b) Tăng doanh thu:

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả và đúng quy định về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường;

- Bán điện trực tiếp đến tất cả các khách hàng sử dụng điện, đặc biệt trong các khu công nghiệp, các khu đô thị mới;

- Tăng cường kiểm tra việc áp giá bán điện cho khách hàng theo mục đích sử dụng điện và các đối tượng sử dụng điện, tăng cường các biện pháp quản lý để giảm tổn thất điện năng.

c) Tăng cường quản lý tài chính để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn:

- Tiến hành đánh giá lại tài sản của công ty mẹ và các đơn vị trực thuộc, làm thủ tục tăng vốn điều lệ của Tập đoàn và các đơn vị trực thuộc;

- Thực hiện công tác quyết toán vốn đầu tư các công trình hoàn thành theo đúng quy định của nhà nước;

- Thực hiện tốt công tác thanh, quyết toán công nợ, vật tư thiết bị tồn kho và tài sản cố định.

4. Giải pháp cho đầu tư xây dựng

a) Giải pháp đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư:

- Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ODA và các nguồn vốn vay nước ngoài: Giải ngân nhanh nguồn vốn vay ODA đã ký kết Hiệp định vay vốn;

- Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế vay vốn ODA, các ngân hàng thương mại trong nước để vay vốn đầu tư phát triển các công trình điện;

- Thực hiện điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường theo Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm các doanh nghiệp có mức lợi nhuận hợp lý để tái đầu tư mở rộng phát triển điện;

- Huy động nguồn vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu trong nước và phát hành trái phiếu quốc tế cho các dự án điện giai đoạn 2011 - 2015;

- Tranh thủ vay vốn nước ngoài từ nguồn vốn tín dụng hỗ trợ xuất khẩu thông qua việc đấu thầu chọn nhà thầu cung cấp thiết bị hoặc nhà thầu EPC; nguồn vốn vay nước ngoài có thể do Nhà thầu tìm kiếm theo hình thức Tín dụng người bán (Supplier Credit) hay Tín dụng người mua (Buyer Credit);

- Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện di dân tái định cư các công trình nguồn điện và các dự án trong chương trình phát triển lưới điện khu vực miền núi, hải đảo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

- Thực hiện thoái vốn đã đầu tư tại các công ty liên kết thuộc các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm; đến năm 2015 thoái hết vốn đầu tư các lĩnh vực này để tập trung đầu tư các dự án điện.

b) Giải pháp đảm bảo tiến độ các dự án nguồn và lưới điện:

- Nâng cao năng lực của các Ban Quản lý dự án; thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm theo Quy chế phân cấp quyết định đầu tư của Tập đoàn; điều hành quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện của các Nhà thầu;

- Kịp thời nghiên cứu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đảm bảo chất lượng, tiến độ theo tình hình thực tế của từng dự án.

5. Ứng dụng công nghệ mới để giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động:

- Từng bước hiện đại hóa công tác quản lý các nhà máy điện, trạm biến áp thông qua việc đầu tư trang bị các thiết bị điều khiển từ xa, trang bị hệ thống thông tin liên lạc thông suốt; nâng cao trình độ công nghệ thông tin để giảm dần biên chế vận hành trong các nhà máy điện và trạm biến áp, tiến tới thực hiện trạm biến áp truyền tải không người trực trong giai đoạn 2014 - 2015;

- Tìm kiếm và hợp tác với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực chế tạo thiết bị điện để liên doanh, liên kết chế tạo các thiết bị điện nhu cầu lớn trong nước có để thay thế nhập khẩu;

- Nâng cao năng lực quản lý dự án, thiết kế, công nghệ để chủ động tham gia chuơng trình nội địa hóa các thiết bị phụ của nhà máy nhiệt điện.

6. Giải pháp tiết kiệm điện và sử dụng điện hiệu quả:

- Thực hiện phương thức vận hành ổn định, an toàn trong hệ thống điện; bố trí kế hoạch sửa chữa các nhà máy điện hợp lý; tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, nâng cao năng lực khai thác thiết bị; hạn chế sự cố, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, giảm tổn thất điện năng nhằm huy động tối đa và có hiệu quả các nguồn điện; huy động một cách hợp lý công suất, điện năng các nhà máy thủy điện, các nguồn điện mua của các nhà máy điện độc lập và các nguồn điện dự phòng của khách hàng;

- Tham gia xây dựng và thúc đẩy thực hiện các chính sách khuyến khích tiết kiệm điện và nâng cao hiệu suất sử dụng điện.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Các Bộ, ngành liên quan theo thẩm quyền chức năng được giao, chỉ đạo và phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cụ thể hóa kế hoạch phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh, thành phố phù hợp với Quyết định này.

3. Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm hoàn thành kế hoạch đã được phê duyệt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng