• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 11/12/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 30/12/2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 29/2007/CT-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Kạn, ngày 11 tháng 12 năm 2007

CHỈ THỊ

Về việc thực hiện cải cách hành chính trong công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của cán bộ, công chức, công dân

_______________________

Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 08 năm 2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có nhiều quy định mới về tổ chức công tác quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, đặc biệt là quy định thủ tục cấp hộ chiếu đơn giản tạo thuận lợi tối đa cho nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, các ngành liên quan.

Để việc triển khai thực hiện Nghị định số 136/2007/NĐ-CP có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt các công việc sau:

1. Các cơ quan, các ngành từ trung ương đến địa phương không được tự đặt ra các loại giấy tờ phải nộp khi công dân đề nghị cấp, sửa đổi hộ chiếu ngoài quy định của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP và Thông tư hướng dẫn.

Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên trong các đơn vị Quân đội nhân dân và Công an nhân dân (dưới đây viết chung là cán bộ, công chức, viên chức) nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông như mọi công dân, không phải nộp thêm giấy tờ khác.

Giữ gìn và sử dụng hộ chiếu phổ thông đúng pháp luật là quyền và trách nhiệm của cá nhân được cấp hộ chiếu. Các cơ quan, đơn vị không thu giữ hộ chiếu phổ thông của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi ở trong nước cũng như khi ở nước ngoài.

Hộ chiếu phổ thông của công dân chỉ bị thu giữ trong trường hợp người mang hộ chiếu vi phạm pháp luật Việt Nam, bị cơ quan có thẩm quyền quyết định thu giữ.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền theo quy định hiện hành. Nếu thấy cần thiết có thể ban hành quy định nội bộ về việc sử dụng hộ chiếu phổ thông của cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình để đi nước ngoài, nhằm bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ nội bộ...

3. Bộ Công an cùng các cơ quan, các ngành có liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong công tác xuất cảnh, nhập cảnh, công tác đảm bảo an ninh trật tự, trong đó lưu ý thực hiện các việc sau:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Giao thông vận tải khẩn trương nối mạng để truyền dữ liệu theo quy định tại Điều 36 của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP, hoàn thành trước ngày 31 tháng 3 năm 2008. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

b) Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tổ chức đầu mối thống nhất quản lý cơ sở dữ liệu công dân, nối mạng toàn quốc theo cấp ngành dọc của Bộ Công an trong việc cấp chứng minh nhân dân, cấp chứng nhận đăng ký hộ khẩu, cấp hộ chiếu, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý an ninh chính trị, trật tự xã hội. Hoàn thành trong quý III năm 2008.

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ Đề án hộ chiếu điện tử vào quý III năm 2008.

d) Phối hợp với các cơ quan liên quan thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin về các điểm mới trong việc cấp hộ chiếu, trong đó lưu ý nêu rõ các quy định về việc gửi hồ sơ qua đường bưu điện và việc ủy thác cho tổ chức có tư cách pháp nhân nộp hồ sơ và nhận kết quả cấp hộ chiếu, đảm bảo thuận lợi cho công dân nhưng không để xảy ra việc thất lạc, tráo đổi hồ sơ trước khi tới cơ quan cấp hộ chiếu. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phát hiên, xử lý các đối tượng, đường dây tổ chức xuất nhập cảnh trái phép.

4. Bộ Ngoại giao chỉ đạo Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc cấp hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài cho công dân Việt Nam phải đảm bảo:

- Thủ tục đơn giản, thuận lợi cho công dân;

- Cấp hộ chiếu phải đúng đối tượng, không để xảy ra việc cấp hộ chiếu cho người không có quốc tịch Việt Nam hoặc cấp cho công dân đang ở trong nước.

- Giải quyết đề nghị cấp hộ chiếu cho công dân trên cơ sở tờ tự khai, các giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam và theo đúng quy định tại Điều 23 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP. Chỉ yêu cầu xác minh những trường hợp có cơ sở nghi vấn về vấn đề nhân thân, quốc tịch.

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần đàm phán với cơ quan có trách nhiệm nước ngoài để người lao động Việt Nam ở nước ngoài được giữ hộ chiếu của cá nhân, không để chủ lao động nước ngoài quản lý hộ chiếu của người lao động Việt Nam như ở một số nước hiện nay.

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần lưu ý chỉ đạo việc công an phường, xã xác nhận hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu cho công dân, đảm bảo nhanh chóng, chính xác, không gây khó, chậm trễ cho dân, không được lợi dụng để sách nhiễu, tiêu cực và tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xác nhận hồ sơ giả.

7. Bộ Tài chính đảm bảo cung cấp kinh phí cho việc thực hiện Đề án về công nghệ thông tin trong việc cấp chứng minh nhân dân, cấp chứng nhận đăng ký hộ khẩu, hộ chiếu điện tử, trang bị phương tiện, kết nối đường truyền.

8. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cấp hộ chiếu cần bố trí đủ cán bộ chuyên trách, có trình độ, năng lực. Trình tự, thủ tục, quy trình cấp hộ chiếu cần được thực hiện theo đúng Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.