• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 08/08/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 16/12/2009
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 63/2007/QĐ-BNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Kạn, ngày 2 tháng 7 năm 2007

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về Quản lý thuốc bảo vệ thực vật

ban hành kèm theo Quyết định số 89/2006/QĐ-BNN ngày 02/10/2006 của

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 07 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;

Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2001;

Căn cứ Điều lệ về Quản lý thuốc bảo vệ thực vật ban hành kèm theo Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 06 năm 2002 của Chính phủ;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về Quản lý thuốc bảo vệ thực vật ban hành kèm theo Quyết định số 89/2006/QĐ-BNN ngày 02/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 5:

"Điều 5. Các loại thuốc bảo vệ thực vật không được đăng ký sử dụng ở Việt Nam

....

4. Thuốc thành phẩm có độ độc cấp tính nhóm I hoặc thuốc thành phẩm có độ độc cấp tính nhóm II nhưng có hoạt chất thuộc nhóm độc I, theo quy định tại mục 1, mục 9, Phụ lục 7 của Quy định này, trừ các thuốc chuyên dùng trong khử trùng kho tàng, bến bãi, thuốc xử lý gỗ, công trình xây dựng, đê điều, thuốc trừ chuột; các loại thuốc không thuộc các nhóm độc nêu trên, nhưng có trong các danh mục cảnh báo của Tổ chức nông lương của Liên hợp quốc (FAO) và Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) về việc hướng dẫn thực hiện Công ước quốc tế Rotterdam."

2. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 6:

"Điều 6. Các hình thức đăng ký

1. Đăng ký chính thức

....

b) Đăng ký chính thức phải tiến hành khảo nghiệm về hiệu lực sinh học (gọi tắt là khảo nghiệm) ở phía Bắc và ở phía Nam (trừ cây trồng đặc thù) theo 2 giai đoạn: khảo nghiệm diện hẹp và khảo nghiệm diện rộng. Đối với thuốc có nguồn gốc sinh học chỉ phải tiến hành hai khảo nghiệm diện rộng ở hai vùng sản xuất (phía Bắc và phía Nam); nếu cây trồng hoặc dịch hại chỉ có ở một vùng sản xuất thì tiến hành khảo nghiệm tại hai địa điểm trong vùng sản xuất đó. Các khảo nghiệm hiệu lực sinh học được tiến hành theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật nhằm mục đích đăng ký ở Việt Nam.

2. Đăng ký bổ sung

....

b) Tất cả các trường hợp đăng ký bổ sung đều phải tiến hành khảo nghiệm hiệu lực sinh học ở Việt Nam.

- Đối với thuốc có nguồn gốc hoá học: trường hợp thay đổi phạm vi sử dụng, liều lượng sử dụng, cách sử dụng, dạng thuốc, hàm lượng hoạt chất, đơn vị ghi hàm lượng hoạt chất của thuốc thì phải tiến hành khảo nghiệm hiệu lực sinh học trên diện rộng. Trường hợp bổ sung tên thương phẩm, hỗn hợp hoặc thay đổi mục đích sử dụng của thuốc thì phải tiến hành khảo nghiệm hiệu lực sinh học trên diện hẹp và diện rộng ở phía Bắc và phía Nam.

- Đối với thuốc có nguồn gốc sinh học: tất cả các trường hợp đăng ký bổ sung chỉ phải tiến hành 01 khảo nghiệm diện rộng ở phía Bắc và 01 khảo nghiệm diện rộng ở phía Nam.

Các khảo nghiệm hiệu lực sinh học được tiến hành theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật nhằm mục đích đăng ký ở Việt Nam"

3. Sửa đổi điểm d, e, bổ sung thêm điểm f Điều 9:

"Điều 9. Cơ quan đăng ký và trách nhiệm của cơ quan đăng ký

....

2. Trách nhiệm của cơ quan đăng ký

....

d) Tổ chức các kỳ họp của Hội đồng tư vấn để xét duyệt các thuốc xin đăng ký chính thức và lập hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định đăng ký chính thức; đăng ký bổ sung các loại thuốc sau khi đã được Hội đồng tư vấn xem xét công nhận.

e) Cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật (theo mẫu tại Phụ lục 11 của Quy định này) trong vòng 15 ngày kể từ ngày quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hiệu lực thi hành.

f) Cấp lại giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật nếu tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký yêu cầu thay đổi nhà sản xuất hoặc chuyển nhượng tên sản phẩm đã đăng ký theo thỏa thuận."

4. Bổ sung thêm khoản 6 Điều 15

"Điều 15. Nguyên tắc chung

....

6. Đối với thuốc có hoạt chất Methyl Bromide việc nhập khẩu và báo cáo số liệu còn phải tuân thủ theo các quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ôzôn."

5. Bổ sung thêm khoản 5 Điều 16

"Điều 16. Điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật

....

5. Việc nhập khẩu thuốc có hoạt chất Methyl Bromide ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 4 của Điều này còn phải có đủ các điều kiện hành nghề xông hơi khử trùng theo quy định của pháp luật"

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 17

"Điều 17. Thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật

1. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục hạn chế sử dụng ở Việt Nam phải nộp cho Cục Bảo vệ thực vật đơn xin nhập khẩu ghi rõ: tên thuốc, khối lượng nhập khẩu, nguồn gốc, xuất xứ, thời gian và địa điểm nhập khẩu.

Tổ chức nhập khẩu thuốc có hoạt chất Methyl Bromide còn phải nộp cho Cục Bảo vệ thực vật báo cáo việc nhập khẩu, sử dụng thuốc có hoạt chất Methyl Bromide nhập khẩu của năm trước"

7. Sửa đổi, bổ sung Điều 18

"Điều 18. Nguyên tắc chung

Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải có đủ điều kiện được quy định tại Điều 16 của Điều lệ quản lý thuốc bảo vệ thực vật ban hành kèm theo Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 06 năm 2002 của Chính phủ và Điều 7 của Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 06 năm 2006 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.

Chỉ được buôn bán các loại thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục được phép sử dụng, hạn chế sử dụng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hàng năm. Đối với thuốc có hoạt chất Methyl Bromide chỉ được bán cho các tổ chức có đủ các điều kiện hành nghề xông hơi khử trùng theo quy định của pháp luật.

Chỉ được buôn bán các loại thuốc bảo vệ thực vật dạng thành phẩm còn hạn sử dụng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có nhãn hàng hoá theo đúng quy định tại Chương IX của Quy định này và các quy định khác của pháp luật về nhãn hàng hoá.

Người trực tiếp buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải có chứng chỉ hành nghề do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp.

Không được buôn bán thuốc bảo vệ thực vật ở chợ hoặc ở các nơi khác không đúng quy định tại Điều 21 của Quy định này."

8. Sửa đổi mẫu đơn xin đăng ký tại Phụ lục 1 của Quy định về Quản lý thuốc bảo vệ thực vật ban hành kèm theo Quyết định số 89/2006/QĐ-BNN ngày 02/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

9. Sửa đổi mẫu Giấy phép nhập khẩu tại Phụ lục 9 của Quy định về Quản lý thuốc bảo vệ thực vật ban hành kèm theo Quyết định số 89/2006/QĐ-BNN ngày 02/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Điều 2. Bãi bỏ một số nội dung của Quy định về Quản lý thuốc bảo vệ thực vật ban hành kèm theo Quyết định số 89/2006/QĐ-BNN ngày 02/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, như sau:

1. Bãi bỏ khoản 3 Điều 6

2. Bãi bỏ điểm đ khoản 2 Điều 9

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Chánh văn phòng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Bùi Bá Bổng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.