• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 04/07/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 03/08/2007
CHÍNH PHỦ
Số: 78/2005/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Kạn, ngày 10 tháng 6 năm 2005

 

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và sắc phục
của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều

________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 08 tháng 3 năm 1993 và Pháp lệnh số 27/2000/PL-UBTVQH10 ngày 24 tháng 8 năm 2000 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão;

Căn cứ Pháp lệnh Đê điều ngày 24 tháng 8 năm 2000;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Lực lượng chuyên trách quản lý đê điều thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là cấp tỉnh) có đê được tổ chức thành các Hạt Quản lý đê trong phạm vi một huyện hoặc liên huyện.

Hạt Quản lý đê là đơn vị của Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt, bão thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp tỉnh.

2. Lực lượng chuyên trách quản lý đê điều có chức năng trực tiếp quản lý và bảo vệ đê, từ đê cấp III đến đê cấp đặc biệt trên địa bàn cấp tỉnh.

3. Hạt Quản lý đê có trụ sở làm việc, có con dấu và tài khoản riêng.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có đê quy định cụ thể về tổ chức của Hạt Quản lý đê.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hạt Quản lý đê

1. Nhiệm vụ

a) Trực tiếp quản lý bảo vệ đê điều, từ đê cấp III đến đê cấp đặc biệt, cụ thể như sau:

- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến tình trạng đê điều.

- Lập hồ sơ lưu trữ và cập nhật thường xuyên các dữ liệu về đê điều.

- Quản lý vật tư dự trữ chuyên dùng phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão theo quy định.

- Phát hiện, có biện pháp ngăn chặn kịp thời và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm về đê điều theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức hướng dẫn về nghiệp vụ kỹ thuật đối với lực lượng quản lý đê nhân dân.

b) Tham mưu, đề xuất về kỹ thuật, nghiệp vụ trong việc bảo vệ đê điều và phòng, chống lụt, bão, cụ thể như sau:

- Xây dựng kế hoạch tu bổ đê điều hàng năm.

- Phương án hộ đê, phòng, chống lụt, bão.

- Xử lý sự cố đê điều.

- Xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều.

- Chuẩn bị vật tư dự trữ phục vụ hộ đê, phòng, chống lụt, bão trong dân.

- Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về đê điều, vận động cộng đồng tham gia quản lý và bảo vệ đê điều.

c) Giám sát việc xây dựng, tu bổ các công trình đê điều, cụ thể như sau:

- Kỹ thuật và tiến độ xây dựng, tu bổ đê điều từ mọi nguồn vốn đầu tư.

- Việc xây dựng công trình được cấp phép xây dựng có liên quan đến an toàn của đê điều và thoát lũ.

- Quá trình xử lý vi phạm đê điều theo quy định của pháp luật.

d) Tổ chức xử lý giờ đầu các sự cố đê điều, cụ thể như sau:

- Tuần tra, phát hiện và báo cáo kịp thời tình trạng, các diễn biến hư hỏng và sự cố đê điều.

- Lập ngay phương án xử lý khẩn cấp giờ đầu các sự cố đê điều.

- Trực tiếp tham gia xử lý và hướng dẫn kỹ thuật xử lý các sự cố.

- Tập huấn kỹ thuật cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ hộ đê, phòng, chống lụt, bão.

đ) Kiểm tra và phối hợp với các tổ chức thanh tra việc thi hành pháp luật về quản lý đê điều.

2. Quyền hạn:

a) Triển khai thực hiện các quy định tại mục 1, mục 2 của Điều này.

b) Là thành viên chính thức trong Hội đồng nghiệm thu các công trình xây dựng, tu bổ đê điều thuộc mọi nguồn vốn.

c) Lập biên bản hoặc quyết định tạm đình chỉ và chậm nhất trong 03 ngày kể từ khi ra quyết định phải báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đê điều.

d) Trong tình huống khẩn cấp, có nguy cơ vỡ đê, được quyền báo cáo lên ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan quản lý nhà nước về đê điều thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

đ) Tổ chức thực hiện việc sửa chữa nhỏ, duy tu, bảo dưỡng đê điều theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Trách nhiệm của Hạt Quản lý đê

1. Chịu trách nhiệm trước pháp luật do thiếu trách nhiệm dẫn đến vỡ đê trong các trường hợp:

a) Đối với công chức, viên chức trực tiếp quản lý đê:

- Không phát hiện kịp thời sự cố hư hỏng đê điều hoặc báo cáo chậm, báo cáo không trung thực.

- Không đề xuất kịp thời các biện pháp kỹ thuật xử lý giờ đầu các sự cố về đê điều.

b) Đối với Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý đê:

- Không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Không kiểm tra, đôn đốc công việc đã giao cho công chức, viên chức quản lý đê.

2. Liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp thiếu kiểm tra, giám sát để các đơn vị thi công làm sai đồ án kỹ thuật tu bổ đê điều; thiếu giám sát để các tổ chức, cá nhân làm sai các nội dung cho phép liên quan đến sự an toàn của đê điều và công trình thoát lũ.

3. Khi thi hành công vụ, cán bộ, công chức, viên chức lực lượng chuyên trách quản lý đê điều phải mặc sắc phục, phù hiệu, cấp hiệu và thẻ công chức.

Điều 4. Biên chế, kinh phí và trang bị của lực lượng chuyên trách quản lý đê

1. Biên chế của Hạt Quản lý đê do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo định mức:

a) Một người quản lý trực tiếp từ 3 đến 4 km đê (đối với đê từ cấp I đến cấp III) và 1 đến 2 km đê (đối với đê cấp đặc biệt).

b) Định mức biên chế quản lý tuyến đê cấp IV, các tuyến đê địa phương; tuyến đê và công trình phân lũ, chậm lũ do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

2. Kinh phí hoạt động của Hạt Quản lý đê do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp quy định của pháp luật về ngân sách.

Chế độ tiền lương, phụ cấp ưu đãi và chế độ trang bị dụng cụ, thiết bị, phương tiện, sắc phục và bảo hộ lao động thực hiện theo quy định của Nhà nước.

Điều 5. Phù hiệu, cấp hiệu, thẻ và sắc phục của lực lượng chuyên trách quản lý đê

1. Phù hiệu, cấp hiệu, thẻ và sắc phục của lực lượng chuyên trách quản lý đê thực hiện theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Việc cấp phù hiệu, cấp hiệu, thẻ và sắc phục của lực lượng chuyên trách quản lý đê được thực hiện theo các quy định như sau:

- Mũ kêpi 3 năm cấp một lần.

- Mũ mềm 2 năm cấp một lần.

- Mũ bông 3 năm cấp một lần.

- Áo bông 3 năm cấp một lần.

- Quần áo thu đông, áo gi lê và ca vát 3 năm cấp một lần.

- Quần áo xuân hè 1 năm cấp một lần (năm đầu cấp hai bộ).

- Tất chân 1 năm cấp một lần (năm đầu cấp hai đôi).

- Giày da 3 năm cấp một lần.

- Thắt lưng da 3 năm cấp một lần.

2. Kinh phí cấp cho làm phù hiệu, cấp hiệu, thẻ và sắc phục do ngân sách nhà nước bảo đảm, trong kinh phí hoạt động của Hạt Quản lý đê quy định tại Điều 4 Nghị định này.

Điều 6. Trách nhiệm của Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có đê

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều.

2. Các Bộ, ngành có đê chuyên dùng chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý, bảo vệ đê chuyên dùng của Bộ, ngành mình theo quy định của pháp luật.

3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có đê có trách nhiệm chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra hoạt động của các Hạt Quản lý đê điều.

Điều 7. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo; thay thế Quyết định số 398-HĐBT ngày 14 tháng 11 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn Đội chuyên trách quản lý đê điều và các quy định trước đây trái với Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.