• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 21/07/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 06/12/2016
BỘ QUỐC PHÒNG
Số: 89/2004/TT-BQP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Kạn, ngày 19 tháng 6 năm 2004

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 161/2003/NĐ-CP của Chính phủ

về Quy chế khu vực biên giới biển

 

Ngày 18 tháng 12 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 161/2003/NĐ-CP về Quy chế khu vực biên giới biển, trong đó khoản 2 Điều 36 quy định "Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Nghị định này".

 

Sau khi thống nhất với các Bộ, ngành liên quan, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện cụ thể một số nội dung sau đây:

1. Quy định về khu vực biên giới biển, vùng cấm, khu vực hạn chế hoạt động.

2. Một số quy định đối với người, tầu thuyền Việt Nam, nước ngoài hoạt động trong khu vực biên giới biển.

3. Một số quy định về quản lý, bảo vệ khu vực biên giới biển.

4. Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

I. KHU VỰC BIÊN GIỚI BIỂN, VÙNG CẤM, KHU VỰC HẠN CHẾ HOẠT ĐỘNG

A. KHU VỰC BIÊN GIỚI BIỂN

1. Khu vực biên giới biển tính từ biên giới quốc gia trên biển vào hết địa giới hành chính các xã, phường, thị trấn giáp biển và các đảo, quần đảo.

Biên giới quốc gia trên biển là ranh giới phía ngoài lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải của quần đảo thuộc Việt Nam; biên giới quốc gia trên biển được xác định và đánh dấu bằng các tọa độ trên hải đồ.

Ở những nơi lãnh hải, nội thuỷ hoặc vùng nước lịch sử của Việt Nam tiếp giáp với lãnh hải, nội thuỷ hoặc vùng nước lịch sử của nước láng giềng thì biên giới quốc gia trên biển được xác định theo thoả thuận giữa các nước có chung vùng biển phù hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

2. Khu vực biên giới biển gồm:

- Các xã, phường, thị trấn giáp biển và các đảo, quần đảo (theo Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 161/2003/NĐ-CP ngày 18/12/2003 của Chính phủ).

- Nội thuỷ, lãnh hải của đất liền và nội thuỷ, lãnh hải của các đảo, quần đảo.

3. Khu du lịch, dịch vụ, thương mại, khu kinh tế liên doanh và nước ngoài trong khu vực biên giới biển thực hiện theo quy định của Chính phủ đối với khu vực đó. Nếu hoạt động ở các khu vực này liên quan đến biên giới quốc gia, vùng cấm, khu vực hạn chế hoạt động thì thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 161/2003/NĐ-CP và Thông tư này.

B. VÙNG CẤM

1. Vùng cấm chỉ quy định ở những nơi cần thiết, những khu vực quan trọng hoặc trong từng thời điểm nhất định nhằm  bảo đảm an ninh cho các hoạt động quân sự và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (thành) chủ trì phối hợp và thống nhất với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban giám đốc Công an tỉnh xác định tính chất,thời gian, phạm vi cụ thể của vùng cấm; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổng hợp báo cáo Bộ Quốc phòng quyết định. Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng có trách nhiệm thông báo Quyết định vùng cấm cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các đối tượng có liên quan nơi xác định vùng cấm; nếu vùng cấm năm trong nội thuỷ hoặc lãnh hải thì thông báo cho Cục Hàng hải Việt Nam để thông báo hàng hải cho người, tầu thuyền Việt Nam và nước ngoài biết để thực hiện.

2. Vùng cấm được quản lý, bảo vệ theo quy định của pháp luật hiện hành và quy chế quản lý, bảo vệ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành.

3. Khi xác định vùng cấm nếu cần di dời dân phải thông báo trước và thực hiện việc đền bù theo quy định của pháp luật.

4. Phạm vi vùng cấm được đánh dấu bằng biển báo (trên bộ) hoặc xác định, đánh dấu bằng các toạ độ trên hải đồ (trên biển).

5. Biển báo "Vùng cấm" làm theo mẫu thống nhất; biển làm bằng kim loại, dày 1,5 mm; cột biển bằng thép ống, đường kính 100 mm; biển làm bằng chất liệu phản quang, nền sơn mầu xanh, chữ sơn mầu trắng. Biển báo được cắm ở những nơi dễ nhận biết. Trên biển báo viết bằng hai thứ tiếng, thành hai dòng, dòng trên viết bằng chữ Việt Nam, dòng dưới viết bằng chữ Anh. Quy định cụ thể theo Phụ lục kèm theo Thông tư này.

C. KHU VỰC HẠN CHẾ HOẠT ĐỘNG

1. Trong khu vực biên giới biển được xác lập khu vực hạn chế hoạt động vì lý do sau đây:

- Quản lý, bảo vệ môi trường;

- Khai thác, trục vớt;

- Tìm kiếm cứu nạn;

- Diễn tập quân sự;

- Phòng chống dịch bệnh;

- Các trường hợp khác.

2. Khu vực hạn chế hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành do các Bộ, ngành xác định (phạm vi, tính chất, mức độ, thời gian) sau khi thống nhất với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sở tại quyết định đồng thời thông báo cho Bộ Quốc phòng.

3. Cơ quan ra quyết định khu vực hạn chế hoạt động phải thông báo cho các đối tượng  có liên quan; nếu khu vực hạn chế hoạt động nằm trong nội thuỷ hoặc lãnh hải thì thông báo cho Cục Hàng hải Việt Nam để thông báo hàng hải cho người, tầu thuyền Việt Nam và nước ngoài biết để thực hiện.

4. Phạm vi khu vực hạn chế hoạt động được đánh dấu bằng các biển báo (trên bộ ) hoặc được đaáh dấu bằng các tọa độ trên hải đồ (trên biển) hoặc thông báo theo khu vực; biển báo làm bằng tôn hoặc gỗ, cắm ở nơi dễ nhận biết.

II. QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI NGƯỜI, TẦU THUYỀN HOẠT ĐỘNG TRONG KHU VỰC BIÊN GIỚI  BIỂN

A. ĐỐI VỚI NGƯỜI, TẦU THUYỀN VIỆT NAM

1. Người, tầu thuyền ra, vào hoạt động trong lãnh hải, nội thuỷ, tại các cảng biển, bến đậu thực hiện theo quy định của Nghị định số 161/2003/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Bộ đội Biên phòng và lực lượng kiểm soát chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

2. Các cơ quan, đơn vị khi tổ chức diễn tập quân sự, diễn tập tìm kiếm cứu nạn,  tuần tra chung, bắn đạn thật hoặc sử dụng vật liệu nổ trong khu vực biên giới biển phải:

- Thực hiện theo kế hoạch và quyết định đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Thông báo rõ địa điểm, phạm vi, thời gian thực hiện cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh biết ít nhất 05 ngày trước khi tiến hành. Trường hợp tổ chức trong nội thuỷ, lãnh hải thì phải thông báo cho Cục Hàng hải Việt Nam để thông báo hàng hải cho tầu thuyền Việt Nam và nước ngoài biết để thực hiện.

3. Tầu thuyền ra, vào hoạt động trong khu vực biên giới biển phải có biển số đăng ký theo quy định (kể cả tầu thuyền của các doanh nghiệp Quân đội, Công an hoạt động vì mục đích kinh tế), có đầy đủ giấy tờ quy định tại Điều 10 Nghị định số 161/2003/NĐ-CP, phương tiện phải bảo đảm an toàn hàng hải và những giấy tờ liên quan trực tiếp đến linh vực hoạt động của người, tầu thuyền theo quy định của pháp luật.

4. Người Việt Nam khi làm việc trên tầu thuyền nước ngoài phải có một trong các giấy tờ sau:

- Thẻ thuyền viên (nếu là thuyền viên).

- Giấy phép do Đồn biên phòng nơi tầu thuyền neo đậu cấp.

B. ĐỐI VỚI NGƯỜI, TẦU THUYỀN NƯỚC NGOÀI

1. Người, tầu thuyền nước ngoài hoạt động trong khu vực biên giới biển Việt Nam phải được phép của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam, có đầy đủ giấy tờ theo quy định tại Điều 13 của Nghị định số 161/2003/NĐ-CP; chịu sự giám sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng của Việt Nam.

Đối với người, tầu thuyền nước ngoài tiến hành thăm dò, khai thác hải sản, nghiên cứu khoa học, khai thác tài nguyên trong khu vực biên giới biển, thuộc lĩnh vực chuyên ngành do các Bộ, ngành chủ quản cấp giấy phép, đồng thời thông báo cho Uỷ ban nhân dân và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh biết ít nhất 02 ngày trước khi tiến hành.

2. Người nước ngoài thường trú, tạm trú ở Việt Nam đến hoạt động ở khu vực biên giới biển (trừ khu du lịch, dịch vụ) phải được Công an cấp tỉnh trở lên cấp giấy phép; khi đến địa điểm ghi trong giấy phép phải trình báo và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc Đồn biên phòng.

Trường hợp người nước ngoài đi trong đoàn của các cơ quan, tổ chức Việt Nam đến khu vực biên giới biển thì đại diện cơ quan, tổ chức đó phải lập đanh sách người nước ngoài đi cùng và báo cho Đồn biên phòng hoặc chính quyền địa phương nơi đoàn đến; nếu nghỉ qua đêm phải đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Đồn biên phòng và chính quyền địa phương sở tại.

Người nước ngoài xuống tầu thuyền của Việt Nam và nước ngoài phải được phép của Đồn biên phòng nơi tầu thuyền neo đậu.

3. Khi tầu thuyền neo đậu tại cảng, bến đậu, nếu thuyền viên, nhân viên nước ngoài có hộ chiếu hoặc sổ thuyền viên hợp lệ, có tên trong danh sách thuyền viên của tầu, được cấp giấy phép đi bờ hoặc sang các tầu thuyền nước ngoài khác.

- Giấy phép do Đồn biên phòng  cấp và thu lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính; giấy phép có giá trị một lần trong thời gian tầu thuyền neo đậu tại cảng.

- Thời gian được phép đi bờ từ 07 giờ đến 27 giờ trong ngày. Nếu đi tham quan, du lịch, chữa bệnh, cấp cứu... sẽ được gia hạn thời gian theo từng trường hợp cụ thể.

- Phạm vi được phép đi bờ: trong nội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có cảng mà tầu thuyền neo đậu.

Trường hợp ra ngoài phạm vi trên đến các tỉnh, thành phố khắc hoặc xuất cảnh khỏi Việt Nam qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt  phải được Bộ Công an (cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh các cấp ) xét duyệt và cấp giấy phép.

- Thuyền viên, nhân viên nước ngoài có các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian tầu thuyền neo đậu tại cảng sẽ bị cấm đi bờ.

- Thuyền viên, nhân viên nước ngoài đi bờ nếu vi phạm quy định sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam.

III. QUẢN LÝ, BẢO VỆ KHU VỰC BIÊN GIỚI BIỂN

1. Chính phủ thống nhất chỉ đạo các hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên biển và duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới biển; Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt chuyên trách, chủ trì phối hợp với các lực lượng Quân đội, Công an, Cảnh sát biển, Hải quan và các lực lượng liên quan khác trên địa bàn phụ trách trong thực hiện nhiệm vụ:

- Tiến hành đồng bộ các biện pháp công tác nghiệp vụ biên phòng tại các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực biên giới biển để nắm chắc tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng, duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội.

- Tuần tra, kiểm soát phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý những cá nhân, tổ chức Việt Nam và nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

- Đăng ký, quản lý, kiểm tra người, tầu thuyền  ra vào các bến bãi, khu vực neo đậu làm ăn, sản xuất kinh doanh và các hoạt động dịch vụ khác ở khu vực biên giới biển.

- Quản lý, duy trì an ninh, trật tự an toàn tại các bến bãi, khu vực neo đậu của tầu thuyền Việt Nam và nước ngoài ở khu vực biên giới biển.

2. Việc xây dựng khu dân cư, bến bãi neo đậu của tầu thuyền, xây dựng các công trình cảng,  khu kinh tế liên doanh với nước ngoài, thăm dò, khai thác tài nguyên trong khu vực biên giới biển phải có quy hoạch và thống nhất giữa cơ quan chủ rủan với chính quyền địa phương cấp tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Giám đốc Công an tỉnh và các ngành liên quan trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chủ dự án các công trình nói trên khi thực hiện phải thông báo cho Uỷ ban nhân dân, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sở tại biết ít nhất 07 ngày trước khi triển khai thực hiện.

3. Trong khu vực biên giới biển các cơ quan, các lực lượng khác hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định; đồng thời có trách nhiệm phối hợp với Bộ đội Biên phòng trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên biển, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới biển theo quy chế phối hợp hoạt động giữa các lực lượng.

4. Người, tầu thuyền hoạt động trong khu vực biên giới biển hoạt động đúng mục đích, phạm vi, thời gian, đi đúng luồng tuyến và trả lời các tín hiệu, yêu cầu của lực lượng tuần tra, kiểm soát và phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan và các lực lượng chức năng khác theo quy định của pháp luật.

5. Tầu thuyền của các lực lượng khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển phải treo quốc kỳ Việt Nam ở vị trí cao nhất, treo cờ hiệu ở phía trước mũi phương tiện; cán bộ, chiến sỹ, nhân viên các ngành chức năng khi làm nhiệm vụ phải mặc trang phục, đeo phù hiệu, biển kiểm soát theo quy định.

6. Trong khi làm nhiệm vụ, Bộ đội Biên  phòng và các lực lượng chức năng được quyền:

- Trưng dụng các loại phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện giao thông, kể cả người điều khiển phương tiện của các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và cá nhân trong các trường hợp cần thiết, trừ phương tiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

- Tổ chức, huy động người, phương tiện thực hiện nhiệm vụ, tham gia tìm kiếm, cứu nạn.

- Bố trí lực lượng, phương tiện, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng các loại phương tiện, vũ khí, khí tài, kỹ thuật quân sự, công cụ hỗ trợ và tổ chức các đội tuần tra, kiểm soát lưu động để kiểm tra, kiểm soát hoạt động của người, tầu thuyền trong khu vực biên giới biển.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi được cơ quan có thẩm quyền huy động phải chấp hành và tuân theo sự chỉ huy, điều hành của người chỉ huy cơ quan đó.

Trong khi thực hiện nhiệm vụ nếu người được huy động bị thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ thì bản thân và gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước; nếu phương tiện được huy động bị hư hỏng hoặc bị mất thì chủ phương tiện được bồi thường theo quy định của pháp luật.

7. Các ngành chức năng phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Giám đốc Công an tỉnh tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định:

- Điểm họp chợ.

- Thành lập các bến bãi, khu vực neo đậu cho tầu thuyền.

- Quy định nội quy bến, bãi, khu vực neo đậu.

- Thành lập ban quản lý, bảo vệ các bến  bãi, khu vực neo đậu.

Khi neo đậu tại cảng, bến bãi, khu vực neo đậu, tầu thuyền phải chấp hành nghiêm chỉnh nội quy đã quy định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức quán triệt đến các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng và các cơ quan liên quan để triển khai thực hiện Nghị định số 161/2003/NĐ-CP của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới biển và Thông tư này; chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện. Hàng năm tiến hành sơ kết và báo cáo kết quả tổ chức thực hiện về Bộ Quốc phòng.

3. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chủ trì phối hợp với Cục Tài chính Bộ Quốc phòng, các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu trình Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính bổ sung, sửa đổi Thông tư số 3729/2001/TTLT/BQP-BTC ngày 29/11/2002 của Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung chi và quản lý ngân sách thực hiện công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới đất liền.

Trong quá trình tổ chức thực hiện có vấn đề gì chưa phù hợp, hoặc khi có sự điều chỉnh địa giới hành chính các tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn giáp biển thì Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chịu trách nhiệm tổng hợp, đề xuất báo cáo Bộ Quốc phòng./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Phạm Văn Trà

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.