• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/11/2008
BỘ CÔNG THƯƠNG
Số: 34/2008/QĐ-BCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Kạn, ngày 1 tháng 10 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt đề án Tăng cường quản lý và kiếm soát tiền chất đến năm 2010

____________________________

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy đã được Quốc hội thông qua ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Quyết định số 156/2007/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 42/2002/QĐ-TTg ngày 19 tháng 3 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý và kiểm soát tiền chất” đến năm 2010 với các nội dung chính sau:

I. MỤC TIÊU QUẢN LÝ VÀ KIỂM SOÁT TIỀN CHẤT

- Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến tiền chất về công tác quản lý, kiểm soát tiền chất;

- Góp phần đấu tranh làm giảm tội phạm ma túy và nguồn cung cấp ma túy tổng hợp;

- Quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến tiền chất, không để bọn tội phạm lợi dụng sản xuất trái phép ma túy ở Việt Nam, đồng thời không làm ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến tiền chất;

- Quản lý, kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, đặc biệt các loại tiền chất có nguy cơ cao không thể thất thoát vào mục đích sản xuất trái phép ma túy và kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất tham gia sản xuất ATS;

- 100% tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến các loại tiền chất có nguy cơ cao đều được quản lý, kiểm soát đến khâu cuối cùng;

- 100% cán bộ làm công tác chuyên trách quản lý, kiểm soát tiền chất từ trung ương đến địa phương đều được tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn về tiền chất;

- Xây dựng Trung tâm dữ liệu, hoạt động nối mạng thông tin quản lý và kiểm soát tiền chất trong phạm vi các nước.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VÀ KIỂM SOÁT TIỀN CHẤT

I. Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách về quản lý, kiểm soát tiền chất: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về quản lý và kiểm soát tiền chất, bổ sung trách nhiệm quản lý, kiểm soát tiền chất cho:

- Cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc Bộ đội biên phòng;

- Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy của Cảnh sát biển;

- Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy của Hải quan;

- Cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc viện kiểm soát nhân dân; Tòa án nhân dân; Ủy ban nhân dân các cấp v.v…

2. Khảo sát, đánh giá trung thực tình hình sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả xuất, nhập khẩu), sử dụng, lưu thông, tồn trữ v.v… quản lý, kiểm soát các loại tiền chất: Khảo sát, điều tra cơ bản trên phạm vi toàn quốc về thực trạng tình hình sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả xuất, nhập khẩu), sử dụng, lưu thông, tồn trữ v.v…, quản lý, kiểm soát các loại tiền chất. Tổng hợp số lượng, chủng loại tiền chất sử dụng của các ngành: Công nghiệp, Dược, Y tế, v.v…; Số lượng tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tiền chất; các nguy cơ thất thoát tiền chất để sản xuất các loại ma túy tổng hợp.

3. Hoàn thiện tổ chức quản lý, kiểm soát tiền chất:

- Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương chủ trì thành lập tổ công tác liên ngành về quản lý và kiểm soát tiền chất;

- Hoàn thiện tổ chức quản lý, kiểm soát tiền chất của các Bộ: Công an, Công Thương, Y tế, Quốc phòng; Hải quan; Bộ đội Biên phòng; Cảnh sát biển và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ biên chế và năng lực hoàn thành nhiệm vụ quản lý và kiểm soát tiền chất được giao;

- Tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn về tiền chất cho 100% cán bộ làm công tác chuyên trách quản lý, kiểm soát tiền chất từ trung ương đến địa phương.

4. Nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tiền chất; phòng ngừa, chống thất thoát tiền chất để sản xuất ma túy bất hợp pháp:

- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động tiền chất; phòng ngừa chống thất thoát tiền chất để sản xuất ma túy bất hợp pháp. Tuyên truyền, giáo dục phải liên tục, thường xuyên; các tài liệu tuyên truyền, giáo dục phải đơn giản, dễ hiểu.

- Áp dụng các biện pháp khả thi tại các cơ sở sản xuất – kinh doanh hóa chất để ngăn chặn thất thoát tiền chất: Tiền chất phải được quản lý, kiểm soát chặt chẽ không để bọn tội phạm lợi dụng sử dụng cho sản xuất, pha chế các chất ma túy. Các tiền chất sử dụng trong công nghiệp hóa chất là những hóa chất cơ bản, có nhu cầu sử dụng với khối lượng lớn như là một nguyên liệu chính để phục vụ sản xuất, chế biến các sản phẩm công nghiệp khác nên cần có phương pháp quản lý phù hợp để nhằm vừa bảo đảm cho các doanh nghiệp sản xuất ổn định vừa ngăn chặn được các hoạt động lợi dụng chúng vào sản xuất, pha chế chất ma túy. Các tiền chất dùng làm thuốc ở dạng phối hợp, có thể được dùng để tổng hợp, bán tổng hợp ra các chất hướng thần, chất gây nghiện, cấp độ quản lý các loại tiền chất này phải kiểm soát nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn những loại tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp. Biện pháp khả thi để ngăn chặn thất thoát các tiền chất tại các cơ sở sản xuất – kinh doanh là phải thực hiện tốt chế độ ghi chép báo cáo: Phiếu xuất kho, nhập kho các tiền chất không được viết chung với các loại hàng hóa vật tư khác; phải ghi chép đầy đủ, chính xác số lượng chất lượng; phải thực hiện đầy đủ chế độ hóa đơn chứng từ trong giao nhận, mua bán theo quy định hiện hành của nhà nước. Hồ sơ liên quan đến các hoạt động tiền chất phải lưu giữ theo các quy định hiện hành, hết thời hạn lưu trữ, Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm lập Hội đồng hủy bỏ và phải lập biên bản. Duy trì thường xuyên báo cáo 6 tháng và báo cáo năm về số lượng sản xuất – kinh doanh, sử dụng và tồn kho trong kỳ về Bộ quản lý ngành.

- Tổ chức các Hội nghị tại khu vực miền Bắc và miền Nam để cung cấp cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tiền chất hiểu và tự chịu trách nhiệm về việc quản lý tiền chất, không để thất thoát, lợi dụng sản xuất ma túy bất hợp pháp.

5. Áp dụng các biện pháp kiểm tra các cơ sở sản xuất – kinh doanh hóa chất để ngăn chặn thất thoát tiền chất:

Tổ chức kiểm tra việc thực hiện Quy chế quản lý tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 134/2003/QĐ-BCN ngày 25 tháng 8 năm 2003, Quyết định số 04/2004/QĐ-BCN ngày 07 tháng 01 năm 2004 và Quyết định số 41/2006/QĐ-BCN ngày 01 tháng 12 năm 2006 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương); kiểm tra việc tạm nhập tái xuất tinh dầu xá xị; kiểm tra việc thực hiện Quy chế quản lý thuốc hướng tâm thần, Danh mục thuốc hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc và Danh mục thuốc hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc ở dạng phối hợp ban hành kèm theo Quyết định số 3047/2001/QĐ-BYT ngày 12 tháng 07 năm 2001, Quyết định số 1443/2002/QĐ-BYT ngày 25 tháng 4 năm 2002 và Quyết định số 71/2004/QĐ-BYT ngày 09 tháng 01 năm 2004 của Bộ Y tế và kiểm tra việc sử dụng tiền chất phục vụ công tác đấu tranh chống tội phạm, vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt Nam, của các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến tiền chất.

Nội dung kiểm tra, gồm:

a) Tư cách pháp nhân của doanh nghiệp

- Giấy phép thành lập và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp;

- Giấy chứng nhận đăng ký thuế:

- Giấy chứng nhận đăng ký mã số doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.

b) Tình hình sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả xuất khẩu, nhập khẩu) 6 tháng và hàng năm của doanh nghiệp về các tiền chất.

c) Chế độ ghi chép (sổ sách chứng từ, phiếu xuất kho; nhập kho …) và việc thực hiện báo cáo 6 tháng, năm về Bộ chủ quản, của các doanh nghiệp.

6. Xây dựng Trung tâm dữ liệu, hoạt động nối mạng thông tin quản lý và kiểm soát tiền chất trong phạm vi cả nước:

- ­Trung tâm dữ liệu đặt tại Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương. Vụ Công nghiệp nặng chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Trung tâm dữ liệu và thiết lập mạng thông tin với các Bộ, ngành: Công an, Y tế, Quốc phòng, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, để cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về quản lý và kiểm soát tiền chất.

7. Biên soạn và xuất bản bộ tài liệu về quản lý, kiểm soát tiền chất; hoàn thiện bộ Test – Kit phát hiện nhanh các loại tiền chất để phục vụ cho công tác quản lý và kiểm soát tiền chất trong phạm vi toàn quốc:

- Tổ chức biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn quản lý và kiểm soát tiền chất để phát hành trong phạm vi toàn quốc;

- Nghiên cứu hoàn chỉnh và sản xuất bộ Test – kit phát hiện nhanh các loại tiền chất, để cung cấp miễn phí cho Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển v.v…;

- Tổ chức nghiên cứu phát hiện các loại tiền chất mới.

8. Hợp tác Quốc tế về quản lý và kiểm soát tiền chất:

- Thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế về quản lý và kiểm soát tiền chất;

- Phối hợp chặt chẽ, tổ chức các đoàn tham quan, tập huấn, học tập, trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế, như: Interpol, Aseanpol, INCB, UNODC … và các tổ chức và cá nhân nước ngoài để khai thác, thu thập thông tin, kinh nghiệm về quản lý và kiểm soát tiền chất.

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỂ THỰC HIỆN CÁC HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ VÀ KIỂM SOÁT TIỀN CHẤT.

- Tổ chức hội thảo;

- In và phổ biến tài liệu;

- Tổ chức các lớp tập huấn

- Thành lập đoàn kiểm tra và tổ chức kiểm tra ít nhất 01 lần/năm;

- Đưa thông tin đại chúng;

- Đẩy mạnh hợp tác Quốc tế.

IV. KINH PHÍ VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện Đề án là 9,53 tỷđồng (chín tỷ năm trăm ba mươi triệu đồng) từ nguồn Ngân sách Nhà nước, trong đó cấp cho năm 2009 là 6,1 tỷ và năm 2010 là 3,43 tỷ đồng.

2. Thời gian thực hiện là 03 năm: Từ năm 2008 đến năm 2010, dự kiến như sau:

Hạng mục công việc

Thời gian dự kiến

Dự kiến kinh phí (triệu đồng)

2009

2010

Cộng

1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách về quản lý, kiểm soát tiền chất

Năm 2008 đến 2010

200

150

350

2. Khảo sát điều tra, đánh giá thực trạng tình hình sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả xuất, nhập khẩu), sử dụng, lưu thông, tồn trữ …, quản lý, kiểm soát các loại tiền chất

Năm 2008 đến 2009

750

 

750

3. Hoàn thiện tổ chức quản lý, kiểm soát tiền chất

Năm 2008 đến 2010

200

150

350

4. Nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tiền chất; phòng ngừa, chống thất thoát tiền chất để sản xuất ma túy bất hợp pháp

Từ 2008 đến 2010

700

350

1.050

5. Áp dụng các biện pháp kiểm tra các cơ sở sản xuất - kinh doanh hóa chất để ngăn chặn thất thoát tiền chất

Từ 2008 đến 2010

500

250

750

6. Xây dựng Trung tâm dữ liệu, hoạt động nối mạng thông tin quản lý và kiểm soát tiền chất trong phạm vi cả nước

Từ 2008 đến 2010

2.450

1.530

3.980

7. Biên soạn và xuất bản bộ tài liệu về quản lý, kiểm soát tiền chất; hoàn thiện bộ Test – Kit phát hiện nhanh các loại tiền chất để phục vụ cho công tác quản lý và kiểm soát tiền chất trong phạm vi toàn Quốc.

Năm 2008 đến 2010

450

300

750

8. Đẩy mạnh hợp tác Quốc tế về quản lý và kiểm soát tiền chất

Từ 2008 đến 2010

850

700

1.550

Tổng cộng

6.100

3.430

9.530

Chi tiết kinh phí thực hiện Đề án như phụ lục từ 1 đến 8 kèm theo.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Công Thương:

- Chủ trì điều tra cơ bản tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp;

- Điều tra cơ bản về tinh dầu xá xị, safrole và isosafrole;

- Hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản lý, kiểm soát tiền chất trong ngành Công nghiệp và Thương mại;

- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tiền chất trong ngành Công nghiệp và Thương mại;

- Tổ chức cấp phép XNK tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp;

- Tổ chức cấp phép tạm nhập tái xuất tinh dầu xá xị, safrole và isosafrole;

- Tổ chức kiểm tra sản xuất kinh doanh tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp;

- Tổ chức kiểm tra việc tạm nhập tái xuất tinh dầu xá xị, safrole và isosafrole;

- Chủ trì xây dựng các giải pháp nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát tiền chất.

- Chủ trì phối hợp với Văn phòng thường trực Phòng, chống ma túy, Bộ Công an và các Bộ, ngành xây dựng trung tâm dữ liệu quản lý, kiểm soát tiền chất;

- Tổ chức biên soạn tài liệu tuyên truyền, giáo dục về tiền chất;

- Đầu mối hợp tác quốc tế về tiền chất;

2. Bộ Công an:

- Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật (chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn thực hiện Luật sửa đổi bổ sung Luật Phòng, chống ma túy);

- Điều tra cơ bản các loại tiền chất phục vụ đấu tranh chống tội phạm và vận chuyển quá cảnh Việt Nam các loại tiền chất;

- Chủ trì xây dựng kế hoạch hoàn thiện bộ máy tổ chức của lực lượng Công an và các tỉnh thành để quản lý và kiểm soát tiền chất;

- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các lực lượng Công an về tiền chất;

- Tổ chức cấp phép xuất nhập khẩu các loại tiền chất phục vụ đấu tranh chống tội phạm và cấp Giấy phép quá cảnh;

- Tổ chức kiểm tra các loại tiền chất phục vụ đấu tranh chống tội phạm và vận chuyển quá cảnh;

- Xây dựng các giải pháp nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát tiền chất trong ngành Công an.

3. Bộ Y tế:

- Điều tra cơ bản tiền chất trong lĩnh vực y tế;

- Hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản lý, kiểm soát tiền chất trong ngành y tế;

- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tiền chất trong ngành Y tế;

- Tổ chức cấp phép các loại tiền chất sử dụng trong lĩnh vực Y tế;

- Tổ chức kiểm tra sản xuất kinh doanh tiền chất sử dụng trong ngành Y tế;

- Xây dựng các giải pháp nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát tiền chất trong ngành Y tế.

4. Tổng cục Hải quan:

- Điều tra cơ bản về lưu thông, vận chuyển các loại tiền chất qua cửa khẩu sân bay, bến cảng các địa bàn thuộc khu vực kiểm soát của Hải quan;

- Hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản lý, kiểm soát tiền chất trong ngành Hải quan;

- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tiền chất trong ngành Hải quan;

- Xây dựng các giải pháp nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát tiền chất trong ngành Hải quan;

5. Bộ đội Biên phòng:

- Điều tra cơ bản về lưu thông, vận chuyển tiền chất trên toàn tuyến biên giới, đường bộ, đường thủy trừ các cửa khẩu do Hải quan kiểm soát;

- Hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản lý, kiểm soát tiền chất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng;

- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tiền chất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng;

- Xây dựng các giải pháp nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát tiền chất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng.

6. Cảnh sát biển:

-  Điều tra cơ bản việc lưu thông vận chuyển tiền chất trên vùng biển Việt Nam trừ những Khu vực do lực lượng Bộ đội Biên phòng chủ trì;

- Hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản lý, kiểm soát tiền chất trong lực lượng Cảnh sát biển;

- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tiền chất trong lực lượng Cảnh sát biển;

- Xây dựng các giải pháp nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát tiền chất trong lực lượng Cảnh sát biển.

7. Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an và Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam:

- Tổ chức biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn quản lý và kiểm soát tiền chất để phổ biến và phát hành trong phạm vi toàn quốc;

- Nghiên cứu hoàn chỉnh và sản xuất bộ Test - kit phát hiện nhanh các loại tiền chất, để cung cấp cho Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển …;

- Tổ chức nghiên cứu phát hiện các loại tiền chất mới.

8. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ của mình chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương triển khai cụ thể hóa các giải pháp, chính sách để góp phần thực hiện tốt việc quản lý, kiểm soát tiền chất trong phạm vi toàn quốc.

9. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Theo chức năng nhiệm vụ của mình phối hợp với Bộ Công Thương triển khai cụ thể hóa các giải pháp, chính sách để góp phần thực hiện tốt việc quản lý, kiểm soát tiền chất trong phạm vi địa bàn của địa phương.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Dương Quang

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.