• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 20/07/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 29/06/2018
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ-BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN-BỘ TÀI CHÍNH
Số: 03/2012/TTLT-BKHĐT-BNNPTNT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Kạn, ngày 5 tháng 6 năm 2012

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện Quyết định 147/2007/QĐ-TTg và Quyết định 66/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

_____________________________

 

Căn cứ Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015 (sau đây gọi là Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg);

Căn cứ Quyết định số 66/2011/QĐ-TTg ngày 9 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi một số điều của Quyết định 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là: Quyết định 66/2011/QĐ-TTg);

Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này áp dụng các nội dung quy định tại Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015 và Quyết định số 66/2011/QĐ-TTg ngày 9 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về về việc sửa đổi một số điều của Quyết định 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Những từ ngữ trong Thông tư này được hiểu như sau:

a) Đất trống đồi núi trọc để trồng rừng được áp dụng trong Thông tư này là đất đã được quy hoạch cho rừng sản xuất mà ít nhất 3 năm trở lại đây chưa có rừng (trạng thái la, Ib, Ic).

b) Tổ chức quốc doanh trong Thông tư này bao gồm: Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, Lâm trường quốc doanh, Công ty lâm nghiệp, các doanh nghiệp do Nhà nước đang sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở lên và được Nhà nước giao, cho thuê đất lâm nghiệp.

c) Tổ chức ngoài quốc doanh trong Thông tư này bao gồm: hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mà Nhà nước sở hữu dưới 50% vốn điều lệ, công ty hợp danh, cộng đồng dân cư.

d) Các hoạt động lâm sinh trong Thông tư này bao gồm: trồng rừng và chăm sóc rừng (bao gồm cả xây dựng rừng giống, vườn giống, rừng khảo nghiệm); xây dựng vườn ươm; hoạt động tư vấn lâm sinh (xây dựng dự án, thiết kế kỹ thuật lâm sinh; giao đất, giao rừng, khoán đất trồng rừng); xây dựng đường ranh cản lửa; xây dựng bản đồ trồng rừng.

đ) Khoán đất trồng rừng lâu dài: các tổ chức quốc doanh được giao đất, cho thuê đất khi khoán cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thì thời gian khoán là thời gian khoán còn lại của quyết định giao đất, hợp đồng cho thuê đất của tổ chức quốc doanh đó với cơ quan có thẩm quyền, nhưng không quá 50 năm.

e) Diện tích khu rừng tập trung là diện tích các lô rừng liền kề nhau hoặc gần kề nhau tạo thành một vùng rừng, trong đó diện tích đất không có rừng không quá 10% tổng diện tích khu rừng tập trung.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Lập, thẩm định, phê duyệt dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất

1.1. Xác định chủ đầu tư và phạm vi dự án: chủ đầu tư dự án hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

a) Dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất cho hộ gia đình, cá nhân (sau đây gọi chung là hộ gia đình): căn cứ năng lực hiện có của tổ chức quốc doanh, Hạt Kiểm lâm, Đồn biên phòng (sau đây gọi chung là tổ chức quốc doanh) và căn cứ diện tích đất rừng sản xuất hiện có, ban chỉ đạo cấp huyện thống nhất giao cho mỗi đơn vị xây dựng dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất trên một số xã nhất định.

b) Các tổ chức ngoài quốc doanh có thể tự xây dựng dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất. Dự án này có thể nằm trùng vào xã của các dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất cho hộ gia đình nhưng không được trùng về vị trí trên thực địa.

c) Đối với việc hỗ trợ trồng rừng cho cá nhân hộ gia đình nằm trong các dự án được quy hoạch vùng nguyên liệu của nhà máy chế biến gỗ cụ thể (sau đây gọi là nhà máy gỗ) đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhà máy và UBND tỉnh phê duyệt dự án vùng nguyên liệu cho nhà máy gỗ, UBND tỉnh yêu cầu Hạt kiểm lâm ủy quyền cho chủ đầu tư nhà máy gỗ và UBND các xã trong quy hoạch vùng nguyên liệu ký hợp đồng trồng rừng với hộ gia đình cá nhân. Cho phép chủ đầu tư nhà máy chế biến hỗ trợ thêm tiền đầu tư nhằm nâng cao chất lượng rừng và ăn chia sản phẩm với dân theo nguyên tắc tự nguyện.

d) Đối với tổ chức ngoài quốc doanh chưa có dự án nhưng có nhu cầu trồng rừng: Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh cho phép xây dựng dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất, sau khi được duyệt dự án này là căn cứ để giao đất, cho thuê đất.

1.2. Nội dung xây dựng dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất:

a) Xác định diện tích, đối tượng trồng rừng đến năm định hình bao gồm:

- Trồng rừng mới trên đất trống đồi núi trọc được quy hoạch là đất rừng sản xuất;

- Trồng rừng sau khai thác từ rừng đã trồng từ nguồn vốn 327 và nguồn vốn 661 nay được quy hoạch thành đất rừng sản xuất;

- Xác định đối tượng đất được hỗ trợ (xã đặc biệt khó khăn, biên giới, xã khác);

- Xác định sơ bộ chủ rừng được hỗ trợ (đồng bào dân tộc thiểu số hay đồng bào dân tộc kinh);

- Xác định tập đoàn cây trồng chủ yếu để khuyến cáo cho chủ rừng.

b) Lập kế hoạch giao đất, cho thuê đất và khoán đất trồng rừng (theo Mục 2, Thông tư này).

c) Quy hoạch hệ thống vườn ươm (theo Mục 14, Thông tư này).

d) Quy hoạch hệ thống đường ranh phòng chống cháy rừng (theo Mục 15, Thông tư này).

đ) Bản đồ tổng thể (tỷ lệ 1:10.000) phân rõ ranh giới vùng dự án.

e) Tổng vốn đầu tư trong đó nhu cầu vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Nhà nước và ghi rõ dự kiến vốn đầu tư cho từng hạng mục.

g) Dự kiến kết quả tài chính thu được.

h) Khả năng huy động vốn của chủ đầu tư.

Trong một số trường hợp quy hoạch hệ thống vườn ươm, lập kế hoạch giao đất, cho thuê đất, khoán đất trồng rừng, quy hoạch hệ thống đường ranh cản lửa có thể được xây dựng thành dự án khác nhưng cần có lý do cụ thể và được Ban chỉ đạo cấp huyện chấp thuận, chi phí nằm trong mức được giao quy định tại khoản 1.4 Mục này.

1.3. Thẩm định phê duyệt:

a) Đối với dự án hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất cho hộ gia đình do tổ chức quốc doanh lập:

- Sau khi dự án được lập, Ban quản lý dự án (BQLDA) cấp huyện báo cáo Ban chỉ đạo cấp huyện và lấy ý kiến thẩm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT). Sau 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, nếu Sở Nông nghiệp và PTNT không có ý kiến bằng văn bản thì coi như đã đồng ý với dự án. Trong vòng 10 ngày làm việc tiếp theo, BQLDA cấp huyện trình UBND cấp huyện thẩm định và phê duyệt. Quyết định phê duyệt dự án phải được gửi đến thành viên Ban chỉ đạo huyện, BQLDA tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan; Trước khi phê duyệt UBND huyện báo cáo UBND tỉnh để xin thẩm định về nguồn vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính theo quy định tại Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Đối với dự án của tổ chức ngoài quốc doanh:

- Đối với những dự án thuộc nguồn ngân sách địa phương: UBND cấp tỉnh giao cho cơ quan chức năng (Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì đối với dự án trồng rừng và đầu tư các công trình lâm sinh; Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đối với dự án đầu tư tổng hợp) tổ chức thẩm định trình UBND cấp tỉnh phê duyệt.

- Đối với các dự án sử dụng nguồn ngân sách Trung ương: UBND cấp tỉnh giao cho cơ quan chức năng (Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì đối với dự án trồng rừng và đầu tư các công trình lâm sinh; Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đối với dự án đầu tư tổng hợp) tổ chức thẩm định, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính thẩm định về vốn theo quy định tại Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ, trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Đối với các tổ chức ngoài quốc doanh đã có dự án đầu tư và có một trong những chủ trương sau của cấp có thẩm quyền: quyết định phê duyệt dự án; quyết định giao đất; hợp đồng cho thuê đất thì chỉ cần lập kế hoạch sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư theo Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg trình UBND cấp tỉnh phê duyệt và giao kế hoạch.

1.4. Chi phí lập, thẩm định dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất cho cá nhân, hộ gia đình được tính 45.000 đ/ha bao gồm cả quy hoạch đường ranh cản lửa, quy hoạch hệ thống vườn ươm và lập kế hoạch giao đất.

2. Trình tự lập kế hoạch giao đất giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khoán đất trồng rừng cho tổ chức và hộ gia đình thuộc Dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất

2.1. Lập kế hoạch giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và khoán đất lâm nghiệp:

a) Nguyên tắc giao đất, cho thuê đất và khoán đất lâm nghiệp:

- Tất cả diện tích đất lâm nghiệp trong dự án phải được giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc cấp bản đồ khoán đất trồng rừng (chỉ ở những nơi chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) để trồng rừng, xây dựng vườn ươm, xây dựng rừng giống, vườn giống, trung tâm giống;

- Diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch là rừng sản xuất (hoặc được chuyển đổi từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất) do hộ gia đình nhận khoán của Lâm trường quốc doanh, Công ty nông lâm nghiệp, các đơn vị Nhà nước khác hoặc doanh nghiệp ngoài quốc doanh được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước khi thực hiện chương trình sắp xếp đổi mới doanh nghiệp của Nhà nước mà trong vòng 3 năm liên tục người nhận khoán không được hỗ trợ về giống, vật tư, kỹ thuật, hoặc bên giao khoán chỉ dùng nguồn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ (Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, hoặc chương trình 327 trước đây), thực chất bên giao khoán chỉ khoán trắng, thu địa tô thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định thu hồi diện tích này để giao, cho thuê và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.

Trường hợp diện tích đất lâm nghiệp nằm trong quy hoạch vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến gỗ cụ thể đã được phê duyệt khi trồng rừng theo Quyết định 147/2007/QĐ-TTg thì không phải thu hồi diện tích đất trên mà chuyển sang khoán đất trồng rừng ổn định lâu dài cho người nhận khoán. Phân chia sản phẩm theo tỷ lệ góp vốn cụ thể của mỗi bên và giá bán sản phẩm theo giá thị trường được các bên chấp thuận theo hợp đồng giao khoán. Nếu bên giao khoán đất không góp vốn đầu tư thì người nhận khoán chỉ phải nộp phí quản lý theo quy định tại Mục 2 Điều 6 Quyết định 147/2007/QĐ-TTg.

b) Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp phải thu hồi trình UBND cấp tỉnh quyết định, giao cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện theo hướng dẫn tại điểm a, khoản này.

c) Căn cứ vào quy hoạch 3 loại rừng đã được duyệt và nguyên tắc giao đất, thu hồi đất, BQLDA cấp huyện chủ trì lập kế hoạch giao đất, cho thuê đất, khoán đất trồng rừng, tiến hành thông báo và tham vấn người dân và cộng đồng tại chỗ để chỉnh sửa kế hoạch (nếu cần). Sau đó thuê các đơn vị có chức năng đo đạc, hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

2.2. Nội dung lập kế hoạch giao đất: xác định diện tích đất trong vùng dự án trong đó phân rõ diện tích đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích đất cần phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc khoán đất trồng rừng, diện tích đất cần phải thu hồi để chuyển sang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Riêng đối với diện tích đất khoán (không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), khi khoán đất bên giao khoán phải lập bản đo khoán đất tỷ lệ 1/5000 có xác nhận của của UBND cấp huyện để giao cho người nhận khoán.

2.3. Chi phí giao đất, giao rừng khoán đất trồng rừng (đến khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất)

a) Chi phí giao đất, cho thuê đất, khoán đất lâm nghiệp cho hộ gia đình bình quân là 300.000đ/ha, chi phí cụ thể do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Chi phí giao đất, cho thuê đất cho tổ chức ngoài quốc doanh là 150.000đ/ha (từ khâu lập phương án đến khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Chủ đầu tư được phép tự lập thiết kế dự toán, phê duyệt chi phí giao đất, cho thuê đất và triển khai theo kế hoạch được giao.

2.4. Thời gian hoàn chỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là trong vòng 12 tháng kể từ khi ký hợp đồng trồng rừng.

3. Trình tự, thủ tục hỗ trợ đầu tư trồng rừng (hỗ trợ trước)

3.1. Đối với hộ gia đình

a) Trình tự, thủ tục hỗ trợ

- Căn cứ kế hoạch hỗ trợ trồng rừng được giao 3 năm và diện tích đất của dự án, BQLDA cấp huyện có văn bản thông báo tới tất cả các xã và tổ chức họp với từng thôn bản để phổ biến kế hoạch trồng rừng, địa điểm trồng rừng, các biện pháp quản lý bảo vệ, để bàn bạc sửa đổi (nếu cần), đi đến nhất trí của 70% số người tham dự trở lên và cung cấp mẫu đơn đề nghị trồng rừng cho hộ gia đình;

- Nếu có nhu cầu trồng rừng, hộ gia đình làm đơn (theo mẫu kèm theo) gửi cho UBND xã. Sau 10 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn, UBND xã phải tổng hợp nhu cầu trồng rừng trên địa bàn bao gồm danh sách các hộ, diện tích và địa điểm trồng rừng từng hộ theo thứ tự ưu tiên và được niêm yết công khai tại UBND xã và gửi BQLDA cấp huyện;

- Căn cứ vào đơn, biên bản họp dân, diện tích đất được quy hoạch và kế hoạch trồng rừng được duyệt, BQLDA cấp huyện phối hợp cùng với UBND cấp xã, thôn thống nhất trình UBND cấp huyện phê duyệt danh sách các hộ tham gia trồng rừng, diện tích trồng, địa điểm trồng;

b) Hỗ trợ trước được thanh toán làm hai lần. Năm đầu tiên hỗ trợ chi phí cây giống và phân bón trồng rừng (nếu có), số tiền còn lại (nếu còn) sẽ được thanh toán sau khi nghiệm thu rừng. Thời gian nghiệm thu lần cuối khi rừng đạt 10-12 tháng tuổi.

c) Về thời hạn giải quyết

- Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách hộ gia đình cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải ban hành quyết định phê duyệt danh sách, diện tích, địa điểm của hộ gia đình được hỗ trợ và phải có cán bộ hướng dẫn ký hợp đồng và hướng dẫn kỹ thuật;

- Thời hạn thông báo công khai danh sách hộ gia đình được hỗ trợ và ký hợp đồng trồng rừng là 05 ngày làm việc kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt danh sách.

d) Nghiệm thu, thanh quyết toán:

- Hàng năm khi rừng đạt tiêu chuẩn nghiệm thu, chủ đầu tư thông báo lịch nghiệm thu cho tất cả các chủ rừng và Ban phát triển rừng xã, Ban phát triển rừng thôn. Căn cứ lịch nghiệm thu, chủ đầu tư chủ trì, mời Ban phát triển rừng xã, Ban phát triển rừng thôn làm thành viên để nghiệm thu cho chủ rừng;

- Hồ sơ để nghiệm thu đối với rừng của hộ gia đình: hợp đồng trồng rừng, giấy chứng nhận nguồn gốc giống (nếu loại giống cần chứng nhận xuất xứ);

- Hồ sơ thanh quyết toán: trích lục hợp đồng do chủ đầu tư lập, biên bản nghiệm thu rừng.

3.2. Đối với tổ chức ngoài quốc doanh

a) Hỗ trợ trước được thanh toán làm hai lần: khi được giao kế hoạch, chủ đầu tư được phép ứng trước 30% kinh phí hỗ trợ để chuẩn bị giống và chuẩn bị hiện trường trồng rừng; phần còn lại được thanh toán khi rừng được BQLDA cấp tỉnh nghiệm thu.

b) Nghiệm thu, thanh quyết toán:

- Khi rừng đạt tiêu chuẩn nghiệm thu, chủ đầu tư có văn bản đề nghị nghiệm thu kèm theo biên bản nghiệm thu nội bộ của chủ đầu tư gửi BQLDA cấp tỉnh. Trong vòng 15 ngày làm việc, BQLDA cấp tỉnh chủ trì, mời một số sở ngành và UBND cấp huyện sở tại để nghiệm thu cho chủ rừng;

- Hồ sơ để nghiệm thu: quyết định phê duyệt dự án, văn bản chấp thuận kế hoạch, quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự toán trồng và chăm sóc rừng, quyết định thành lập BQLDA, giấy chứng nhận nguồn gốc giống (nếu loại giống có yêu cầu xuất xứ);

- Hồ sơ thanh quyết toán: văn bản chấp thuận kế hoạch trồng rừng và biên bản nghiệm thu rừng.

4. Trình tự, thủ tục hỗ trợ trồng rừng sau đầu tư

4.1. Đối với hộ gia đình

a) Đối tượng:

- Hộ gia đình đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (để trồng rừng sản xuất);

- Hộ gia đình đã có hợp đồng khoán sử dụng đất lâu dài (gồm đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ nay chuyển sang quy hoạch là rừng sản xuất) với tổ chức quốc doanh (kể cả các doanh nghiệp quốc doanh nay đã cổ phần hoá)

- Hộ gia đình có đất nằm trong quy hoạch trồng rừng sản xuất, đang canh tác ổn định từ 3 năm trở lên mà không có tranh chấp nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc hợp đồng khoán sử dụng đất lâu dài. Diện tích này phải hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc bản đồ khoán đất trồng rừng trong vòng 12 tháng cho chủ rừng.

b) Thủ tục: như khoản 3.1, Mục 3 Thông tư này.

Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, BQLDA cấp huyện căn cứ vào kế hoạch hỗ trợ trồng rừng của Dự án được duyệt, có trách nhiệm cử cán bộ xác minh hiện trường và xác định mức hỗ trợ theo quy định để ký hợp đồng hỗ trợ trồng rừng, kèm theo bản hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng cho hộ gia đình.

c) Nghiệm thu, thanh quyết toán:

- Khi rừng trồng đạt 10-12 tháng tuổi, BQLDA cấp huyện thông báo lịch nghiệm thu cho tất cả các chủ rừng, Ban phát triển rừng xã và Ban phát triển rừng thôn và tổ chức nghiệm thu theo lịch thông báo cho chủ rừng;

- Hồ sơ để nghiệm thu: hợp đồng hỗ trợ trồng rừng, giấy chứng nhận nguồn gốc giống (nếu loại giống cần chứng nhận xuất xứ);

- Hồ sơ thanh quyết toán: trích lục hợp đồng do chủ đầu tư lập, biên bản nghiệm thu rừng;

- Hỗ trợ sau đầu tư được thanh toán một lần ngay sau khi rừng được nghiệm thu.

4.2. Đối với tổ chức ngoài quốc doanh

a) Khi có quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm, quyền, chủ dự án đăng ký kế hoạch trồng rừng 3 năm với UBND cấp tỉnh. Trong vòng 15 ngày làm việc, UBND cấp tỉnh căn cứ vào kế hoạch được giao, có văn bản chấp thuận kế hoạch cho chủ đầu tư.

b) Chủ dự án căn cứ vào kế hoạch được giao, xây dựng thiết kế kỹ thuật, dự toán trồng, chăm sóc rừng và tự phê duyệt theo quy định hiện hành để triển khai trồng rừng.

c) Nghiệm thu và thanh toán:

- Khi rừng đạt tiêu chuẩn nghiệm thu, chủ rừng có văn bản báo cáo (kèm theo biên bản nghiệm thu nội bộ theo từng lô, khoảnh) gửi BQLDA cấp tỉnh yêu cầu nghiệm thu rừng. Trong vòng 15 ngày làm việc BQLDA cấp tỉnh có trách nhiệm mời các ngành liên quan và đại diện của UBND cấp huyện để tổ chức nghiệm thu rừng cho chủ đầu tư;

- Hồ sơ để nghiệm thu: quyết định phê duyệt dự án, văn bản chấp thuận kế hoạch, quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự toán trồng và chăm sóc rừng, giấy chứng nhận nguồn gốc giống (nếu loại giống có yêu cầu xuất xứ);

- Hồ sơ thanh quyết toán: văn bản chấp thuận kế hoạch trồng rừng và biên bản nghiệm thu rừng của cơ quan có thẩm quyền;

- Hỗ trợ sau đầu tư được thanh toán một lần ngay sau khi rừng được nghiệm thu.

5. Thời gian nghiệm thu rừng và tiêu chuẩn chất lượng rừng được nghiệm thu

5.1. Thời gian nghiệm thu: nghiệm thu rừng khi rừng đạt 10-12 tháng tuổi.

5.2. Tiêu chuẩn chất lượng rừng được nghiệm thu:

Cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ cây sống phân bố tương đối đều, mỗi khoảng trống không có cây có diện tích nhỏ hơn 100 m2, tỷ lệ cây sống đạt từ 85% trở lên, đã hoàn thiện các yêu cầu theo quy định về mặt kỹ thuật tại hợp đồng đã ký. Những diện tích nào chưa đạt tiêu chuẩn phải trồng dặm và được nghiệm thu bổ sung vào năm sau.

6. Bản đồ hoàn công trồng rừng: Năm thứ ba của kế hoạch trồng rừng 3 năm, BQLDA cấp huyện có trách nhiệm lên bản đồ số để hoàn công kết quả trồng rừng cho toàn bộ diện tích rừng được trồng trong kỳ kế hoạch 3 năm, bản đồ có tỷ lệ 1/10.000. Bản đồ được xây dựng cùng với việc xây dựng báo cáo giám sát đánh giá cuối kỳ kế hoạch để BQLDA cấp tỉnh giám sát, tổng hợp báo cáo Ban điều hành Trung ương. Chi phí lên bản đồ số là 45.000 đồng/ha.

7. Trình tự, thủ tục hỗ trợ trồng cây phân tán

7.1. Nguyên tắc hỗ trợ

a) BQLDA cấp huyện phối hợp với UBND xã và thôn, các tổ chức có đất trồng cây phân tán xây dựng kế hoạch trồng cây phân tán trên địa bàn vùng dự án. BQLDA cấp huyện tổ chức cho các đối tượng tham gia đăng ký trồng trong đó xác định rõ địa điểm trồng, thời gian trồng, loài cây trồng.

b) Mỗi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chỉ được hỗ trợ một lần trong cả giai đoạn thực hiện từ nay đến năm 2015.

c) Trồng cây phân tán của hộ gia đình trên bờ lô, khoảnh ở nương rẫy kết hợp bảo vệ cây nông nghiệp; cây phân tán do các tổ chức có đất cụ thể (trường học, bệnh xá..) trồng và hưởng lợi, hỗ trợ trồng không quá 200 cây phân tán trên một ha đất hiện có. Mức cụ thể do UBND cấp huyện quyết định.

d) Cây phân tán trên đất công cộng (đường giao thông, bờ mương), UBND xã có thể giao cho tổ chức như: đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, hợp tác xã, hội nông dân, cộng đồng đứng ra trồng và hưởng lợi.

đ) Trên cơ sở kế hoạch được duyệt, BQLDA cấp huyện thông báo cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đăng ký trước để chuẩn bị giống. Thời gian đăng ký trước tuỳ vào thời gian ươm cây giống. Tổ chức cá nhân có nhu cầu trồng cây phân tán nộp 01 bản đăng ký trồng cây phân tán (theo mẫu tại phụ lục kèm theo Thông tư này) cho BQLDA cấp huyện. Sau khi các hộ gia đình, các tổ chức đăng ký nhu cầu cây giống phân tán, BQLDA thông báo công khai kế hoạch phân bổ trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được chỉ tiêu hàng năm;

e) Sau khi có kế hoạch và tổng hợp nhu cầu trồng cây phân tán trên địa bàn, BQLDA cấp huyện cùng với xã, thôn sắp xếp ưu tiên, trình UBND cấp huyện phê duyệt kế hoạch trồng cây phân tán. Kế hoạch trồng cây phân tán phải được công khai ở trụ sở xã, thôn (nhà văn hoá thôn bản) và thông báo đến từng tổ chức, cá nhân và hộ gia đình liên quan.

7.2. Phương thức hỗ trợ và mức hỗ trợ. Chủ rừng được lựa chọn một trong hai hình thức sau:

a) Hỗ trợ sau đầu tư: Tổ chức, hộ gia đình trồng cây phân tán theo quy định tại khoản 7.1 Mục này, sau khi cây trồng được 10-12 tháng tuổi và đạt tiêu chuẩn nghiệm thu quy định tại khoản 5.3 Mục 5 thì được thanh toán hỗ trợ 100% giá giống, theo mức là 2,25 triệu đồng/1500 cây gỗ; tre luồng là 2,25 triệu đồng/225 khóm.

b) Hỗ trợ trước: cây giống trồng phân tán cho tổ chức, hộ gia đình được hỗ trợ 100% giá cây giống, nhưng không vượt quá mức hỗ trợ sau đầu tư.

7.3. Diện tích quy đổi từ trồng cây phân tán là: 1000 cây gỗ được tính bằng một ha trồng tập trung đối với cây chu kỳ trên 10 năm; 1500 cây gỗ được tính bằng một ha đối với cây có chu kỳ dưới 10 năm, tre luồng 225 khóm/ha.

8. Quản lý nguồn giống trồng rừng

8.1. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được phép sản xuất, cung cấp nguồn giống trồng rừng (cây giống, hạt giống, vật liệu giống), đối với các loài cây trồng lâm nghiệp chính trong danh mục công bố nhất thiết phải có giấy chứng nhận nguồn gốc lô giống theo quy định tại Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành (Quyết định số 89/2005/QĐ-BNN).

8.2. Tổ chức, hộ gia đình trồng rừng có thể mua vật liệu giống, giống từ các chủ nguồn giống, cơ sở sản xuất giống nhưng phải đảm bảo theo quy định tại khoản 8.1 mục này.

BQLDA cấp huyện căn cứ vào nhu cầu cung cấp giống của các hợp đồng trồng rừng và đề nghị cung cấp giống của hộ gia đình để xây dựng kế hoạch trồng cây phân tán phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

8.3. Quản lý giá giống: tháng 1 hàng năm, UBND cấp tỉnh phê duyệt và công bố giá giống trồng rừng cho tất cả các loại giống trên địa bàn.

8.4. Công khai nguồn giống: hàng năm Sở Nông nghiệp và PTNT công bố bằng văn bản các cơ sở sản xuất giống đạt chất lượng và nguồn giống trên địa bàn. Bộ Nông nghiệp và PTNT công khai trên trang web quản lý giống các cơ sở sản xuất giống đạt chất lượng và nguồn giống trên cả nước.

9. Xác định, thực hiện mức hỗ trợ trồng rừng (kể cả tre luồng)

Mức hỗ trợ từng hạng mục được lấy trong tổng nguồn kinh phí được giao, cụ thể như sau:

 

Đối tượng

Trồng rừng sản xuất ở Xã đặc biệt khó khăn (Quyết định 164/2006/QĐ-TTg)

Ngoài xã đặc biệt khó khăn

Gỗ lớn

Gỗ nhỏ

Biên giới

Tái định cư

Gỗ lớn

Gỗ nhỏ

Gỗ lớn

Gỗ nhỏ

Hộ gia đình cá nhân

4.5 tr.đ

3 tr.đ

6 tr.đ

4.5 tr.đ

7.5 tr.đ

6 tr.đ

2.25 tr.đ

Chi phí khuyến lâm

300.000đ/ha

150.000đ/ha

Chi phí khảo sát, thiết kế, ký kết hợp đồng

75.000đ/ha

Chi phí lập thẩm định dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất

45.000 đ/ha

Chi phí hỗ trợ một lần giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khoán đất trồng rừng

300.000 đ/ha đối với hộ gia đình, cá nhân 150.000 đ/ha đối với tổ chức, cộng đồng

Hỗ trợ một lần chi phí cấp giấy chứng chỉ rừng bền vững (FSC)

100.000 đồng/ha

Chi phí lập bản đồ số hoàn công kết quả trồng rừng

45.000 đ/ha

Vườn giống trồng mới

52.500.000 đ/vườn

Rừng giống trồng mới

37.500.000 đ/ha

Rừng giống chuyển hóa

15.000.000 đ/ha

Trung tâm giống

2.250.000.000 đ/trung tâm

Vườn ươm xây dựng mới

300.000.000 đ/vườn

Nâng cấp vườn ươm

75.000.000 đ/vườn

Đường ranh cản lửa

30.000.000 đ/km

Đường lâm nghiệp

450.000.000 đ/km

Hỗ trợ vận chuyển ở Tây Bắc

1500 đ/tấn/km

Trồng rừng khảo nghiệm

60% dự toán được duyệt

Quyền lợi

Được hưởng 100% sản phẩm

Nghĩa vụ

Trồng rừng nộp 80kg thóc/ha/chu kỳ, tre nộp 20 kg thóc/1 năm/ha kể từ khi khai thác

 

(tre gồm: mây, tre, luồng, vầu, nứa... theo Quyết định 11/2011/QĐ-TTg, 18/2/2011).

Các tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, có thể sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ bổ sung đối với dự án có chi phí cây giống cao, thực hiện trên địa bàn khó khăn.

Đối với khoản hỗ trợ chi phí cho công tác khuyến lâm 150.000đ - 300.000đ/ha/4 năm: chủ yếu dùng để trả lương, đào tạo, công tác phí cho cán bộ.

Sử dụng mức hỗ trợ khảo sát, thiết kế 75.000 đồng/ha:

+ Đối với những diện tích đã giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Chỉ cần bản thuyết minh thiết kế đơn giản, trong đó nêu rõ trồng loài cây gì và có hướng dẫn kỹ thuật trồng (kèm bản sao giấy chứng nhận QSD đất, trích lục sơ đồ).

Trong quá trình lập hồ sơ thiết kế, có thể vận dụng kết hợp một lần ngay từ đầu giữa kinh phí hỗ trợ thiết kế (75.000 đồng/ha) với kinh phí lập bản đồ số hoàn công (45.000 đồng/ha) và sử dụng bản đồ này để báo cáo giám sát đánh giá cuối kỳ kế hoạch như qui định tại khoản 6, mục II.

+ Đối với diện tích đất chưa giao, cho thuê và chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Kết hợp nguồn kinh phí hỗ trợ giao, khoán đất với kinh phí hỗ trợ khảo sát, thiết kể để thực hiện: Dùng máy định vị (GPS) để xác định diện tích, vị trí lô rừng, vẽ sơ đồ theo tỷ lệ qui định; Sau đó, lập bản thuyết minh thiết kế như đối với trường hợp trên (kèm theo sơ đồ diện tích lô rừng sau khi xác định vị trí, diện tích).

Chi phí nghiệm thu cơ sở lấy từ nguồn quản lý phí hàng năm của Dự án.

10. Hưởng lợi của tổ chức ngoài quốc doanh, cá nhân, hộ gia đình nhận khoán trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trước đây bằng nguồn vốn của Chương trình 327 và Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, sau khi được phê duyệt quy hoạch là rừng sản xuất.

10.1. Đối với những diện tích rừng mà hộ gia đình, tổ chức ngoài quốc doanh đã nhận khoán tất cả các công đoạn, từ trồng rừng, chăm sóc đến bảo vệ thì sẽ được chuyển sang hợp đồng khoán ổn định lâu dài, hoặc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định; hưởng lợi theo quy định tại Điều 6, Quyết định 147/2007/QĐ-TTg.

Khi khai thác, chủ rừng phải trồng lại rừng trong vòng 12 tháng theo quy định mà không được ngân sách Nhà nước hỗ trợ chu kỳ tiếp theo.

10.2. Đối với những diện tích rừng mà hộ gia đình chỉ nhận khoán công đoạn bảo vệ rừng (đang nhận khoán bảo vệ): khi khai thác hộ gia đình được hưởng bổ sung tiền bảo vệ rừng, trung bình là 300.000 đồng/ha/năm bảo vệ từ tiền bán gỗ khai thác của diện tích nhận khoán quản lý bảo vệ. Mức cụ thể do tổ chức quốc doanh đề nghị, UBND cấp huyện quyết định cụ thể.

Toàn bộ tiền thu được sau khi trừ chi phí hợp lệ cho việc đấu giá khai thác và hỗ trợ người nhận khoán phải được nộp vào tài khoản tạm thu để hỗ trợ trồng rừng theo quy định tại Quyết định 147/2007/QĐ-TTg. Nếu trong trường hợp đấu giá mà số tiền thu được thấp hơn (hoặc không đủ) hỗ trợ bổ sung cho người nhận khoán thì số tiền thu được ưu tiên trả chi phí hợp lệ về quản lý, thiết kế, lập hồ sơ đấu giá của tổ chức quốc doanh, số còn lại chia cho hộ gia đình theo số diện tích và số năm nhận khoán quản lý bảo vệ rừng.

Việc khai thác và bán gỗ thuộc đối tượng này phải thông qua hình thức đấu giá theo quy định hiện hành: tổ chức quốc doanh đang được giao quản lý rừng tự quyết định thời điểm khai thác, lập hồ sơ đấu giá diện tích rừng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức bán đấu giá công khai.

10.3. Đối với diện tích rừng phòng hộ chủ dự án trước đây có đầu tư thêm nguồn vốn tự có để trồng, chăm sóc, bảo vệ mà đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, khi bán diện tích rừng này số tiền thu được xử lý theo thứ tự ưu tiên như sau: chi phí hợp lệ cho việc bán đấu giá, khai thác gỗ, hỗ trợ bổ sung cho hộ gia đình, phần còn lại được chia theo tỷ lệ vốn đầu tư giữa vốn ngân sách và vốn của chủ dự án, phần tỷ lệ thuộc vốn ngân sách sẽ được thu về để tiếp tục đầu tư trồng rừng theo chính sách này. Chủ dự án được chia lợi nhuận tương ứng với số tiền đã đầu tư thêm.

10.4. Đối với diện tích rừng phòng hộ cho đến nay chủ dự án vẫn tự quản lý mà không có hộ gia đình tham gia, thì chủ dự án tự quyết định thời điểm khai thác. Chủ dự án lập hồ sơ bán đấu giá trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện, số tiền thu được nộp vào tài khoản tạm thu của chủ dự án và báo cáo UBND cấp tỉnh để cho phép thực hiện đầu tư theo quy định tại Quyết định 147/2007/QĐ-TTg.

10.5. Đối với những diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng đang được đầu tư xây dựng cơ bản lâm sinh (1 năm trồng + 3 năm chăm sóc), khi quy hoạch chuyển sang rừng sản xuất theo chỉ thị 38/2005/CT-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2005 thì xử lý như sau:

a) Đối với diện tích rừng đã giao, khoán ổn định cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh thì các thành phần kinh tế này tự bỏ vốn để tiếp tục chăm sóc, bảo vệ rừng và hưởng lợi.

b) Đối với diện tích rừng của tổ chức quốc doanh, thực hiện theo định mức đã được phê duyệt cho đủ thời gian xây dựng cơ bản lâm sinh.

11. Khai thác, thu nộp tiền nghĩa vụ của chủ rừng

11.1. Trước khi khai thác, chủ rừng có văn bản thông báo kế hoạch khai thác cụ thể theo từng lô khoảnh gửi Hạt Kiểm lâm huyện, đồng gửi UBND xã để theo dõi. Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, nếu Hạt Kiểm lâm không có ý kiến phản đối bằng văn bản, chủ rừng có quyền khai thác rừng, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Trong vòng 45 ngày kể từ ngày gửi kế hoạch khai thác gỗ cho Hạt Kiểm lâm, chủ rừng có trách nhiệm nộp tiền vào quỹ phát triển rừng của xã, thôn theo quy định. Trong thời hạn trên nếu chủ rừng chưa nộp thì sẽ xử phạt như chậm nộp thuế.

Diện tích rừng trồng, sau khai thác phải trồng lại trong vòng 12 tháng.

11.2. Giá thóc tính để thu nộp vào ngân sách xã được tính như giá thóc tẻ thường được UBND cấp tỉnh quy định hàng năm (như giá thóc thu thuế nông nghiệp).

11.3. Ban phát triển rừng xã, Ban phát triển rừng thôn có trách nhiệm mở tài khoản riêng và thu tiền nộp của các chủ rừng. Sử dụng khoản tiền này theo quy định tại khoản 21.8, Mục 21 của Thông tư này.

12. Hỗ trợ đầu tư trồng và quản lý rừng giống, vườn giống

12.1. Lập dự án quy hoạch rừng giống vườn giống:

a) Quy hoạch rừng giống, vườn giống là quy hoạch dài hạn, ổn định, được Bộ Nông nghiệp và PTNT thống nhất quản lý theo quy chế chung. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, lập quy hoạch hệ thống rừng giống, vườn giống đến năm 2050:

- Dự án quy hoạch hệ thống rừng giống, vườn giống trên nguyên tắc cơ bản là đảm bảo khả năng cung cấp giống cho ngành. Sử dụng nguồn giống hiện có là chính, quy hoạch bổ sung nguồn giống mới, phù hợp quy hoạch chiến lược giống lâm nghiệp của ngành đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt;

- Xác định chủ đầu tư, địa điểm, diện tích rừng giống, vườn giống có khả năng cung cấp giống, diện tích cần chuyển đổi chủ sở hữu, trong đó tổ chức quốc doanh chỉ quản lý 30% diện tích rừng giống, vườn giống có tầm quan trọng quốc gia;

- Các giải pháp chuyển đổi chủ đầu tư đối với rừng giống, vườn giống cần chuyển đổi;

- Đối với rừng giống trồng mới và vườn giống trồng mới cần có quy mô ít nhất 01 ha. Đối với rừng giống chuyển hoá quy mô ít nhất là 05 ha.

b) Quy hoạch rừng giống, vườn giống được Sở Nông nghiệp và PTNT trình Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt. Quyết định phê duyệt quy hoạch phải được gửi các chủ rừng giống, vườn giống và công bố công khai.

12.2. Đầu tư, nghiệm thu thanh quyết toán rừng giống vườn giống

a) Điều kiện được hỗ trợ đầu tư rừng giống, vườn giống: có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; có hợp đồng khoán đất, khoán rừng ổn định lâu dài; hoặc có sơ đồ khu vực rừng giống, vườn giống do chủ đầu tư vẽ được xác nhận không tranh chấp của người sử dụng đất liền kề và xác nhận của UBND xã. Giấy cam kết của chủ đầu tư sử dụng đất vào mục đích xây dựng rừng giống, vườn giống ổn định lâu dài và cam kết chỉ được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng giống khi được phép của cơ quan có thẩm quyền. Ưu tiên quy hoạch cho những chủ đầu tư, hộ gia đình có kiến thức về lâm nghiệp (có bằng cấp của các trường đại học, trung cấp chuyên ngành).

b) Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm hướng dẫn chủ đầu tư thiết kế kỹ thuật, dự toán chi tiết việc trồng mới rừng giống, vườn giống, chuyển hoá rừng giống, vườn giống bảo vệ rừng giống vườn giống. Chủ đầu tư có thể thuê tư vấn lập thiết kế kỹ thuật dự toán, hoặc tự lập thiết kế kỹ thuật dự toán dựa trên hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT. Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm ký hợp đồng hỗ trợ đầu tư (theo mẫu hợp đồng kèm theo) với chủ đầu tư theo nội dung dự toán thiết kế kỹ thuật đã được lập trong vòng 3 tháng sau khi có quyết định của UBND cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch rừng giống, vườn giống.

c) Sau khi ký hợp đồng, chủ đầu tư triển khai đầu tư theo hợp đồng.

d) Vào quý 4 hàng năm, chủ đầu tư có báo cáo kết quả thực hiện theo hợp đồng cho Sở Nông nghiệp và PTNT, trong vòng 20 ngày làm việc Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm lập hội đồng nghiệm thu. Thành phần hội đồng nghiệm thu tương tự hội đồng công nhận nguồn giống lâm nghiệp (theo quy chế quản lý giống lâm nghiệp) mời thêm BQLDA cấp huyện, Ban phát triển rừng cấp xã nơi có rừng giống, vườn giống để nghiệm thu cho chủ đầu tư.

đ) Hồ sơ để nghiệm thu: hợp đồng của chủ rừng giống, vườn giống với Sở Nông nghiệp và PTNT, hồ sơ chứng minh về nguồn gốc cây trội, nhật ký gieo ươm, thi công trồng so với thiết kế kỹ thuật đã được hướng dẫn. Hồ sơ này là căn cứ để cấp giấy chứng nhận nguồn giống đủ tiêu chuẩn cho chủ nguồn giống.

e) Hồ sơ thanh toán: biên bản nghiệm thu và quyết định phê duyệt dự án quy hoạch rừng giống, vườn giống của UBND cấp tỉnh.

g) Thời gian ứng và thanh quyết toán vốn hỗ trợ như sau:

- Đối với vườn ươm giống:

+ Ứng vốn: sau khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật và ký hợp đồng được ứng 30% vốn kế hoạch năm.

+ Thanh toán khối lượng hoàn thành: Sau khi có khối lượng hoàn thành thực hiện thu hồi vốn ứng và thanh toán khối lượng theo quy định về Quản lý XDCB hiện hành và các văn bản pháp lý thay thế (nếu có).

+ Thời gian thanh toán lần cuối ngay sau năm sản xuất lần đầu.

- Đối với rừng giống:

+ Ứng vốn năm 1: sau khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật và ký hợp đồng được ứng 30% vốn kế hoạch năm. Trường hợp chủ đầu tư có nhu cầu ứng tiếp thì phải làm thủ tục nghiệm thu giai đoạn giữa hai bên và thanh toán ứng lần trước, sau đó được ứng tiếp.

+ Nghiệm thu và thanh toán lần thứ nhất: năm thứ 2, chủ đầu tư và các bên liên quan nghiệm thu và thanh toán 80% tổng số vốn hỗ trợ;

+ Thời gian thanh toán lần cuối sau khi rừng giống nghiệm thu chăm, sóc năm thứ 03.

h) BQLDA cấp tỉnh được hưởng 3% trên tổng mức vốn hỗ trợ của Nhà nước cho chủ rừng giống, vườn giống để thực hiện việc quy hoạch, hướng dẫn kỹ thuật, quản lý hợp đồng, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ rừng giống, vườn giống, cấp giấy chứng nhận nguồn gốc giống đủ tiêu chuẩn. Chi phí này được nêu rõ trong hợp đồng giữa các bên. BQLDA cấp tỉnh chi theo quy định chi phí sự nghiệp hành chính hiện hành.

13. Trình tự xây dựng dự án hỗ trợ vốn đầu tư đối với trung tâm sản xuất giống cây rừng chất lượng cao

13.1. Chủ trương và thủ tục đầu tư:

a) Trường hợp tại địa bàn chưa có cơ sở nuôi cấy mô nhân giống cây lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT hoặc BQLDA cấp tỉnh (nếu có) thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để lựa chọn doanh nghiệp đầu tư, ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp có diện tích trồng rừng lớn trên địa bàn, doanh nghiệp có liên doanh, liên kết, hợp tác với Viện khoa học, Trường Đại học của Nhà nước đã có công nghệ nuôi cấy mô cây rừng. Sau khi lựa chọn, Sở Nông nghiệp và PTNT hoặc BQLDA cấp tỉnh tổng hợp trình UBND cấp tỉnh cho phép đầu tư.

b) Sau khi có chủ trương, chủ đầu tư xây dựng dự án trình. Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định. Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Nông nghiệp và PTNT phải có văn bản thẩm định cho chủ đầu tư. Nội dung thẩm định đảm bảo quy định tại Điều 8, Quyết định 147/2007/QĐ-TTg.

c) Chủ đầu tư phê duyệt thiết kế dự toán. Quyết định của chủ đầu tư phải được gửi cho các cơ quan liên quan tại tỉnh, Bộ Nông ngliiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

d) Sau khi có quyết định phê duyệt, Sở Nông nghiệp và PTNT ký hợp đồng (theo mẫu kèm theo) cho chủ đầu tư trong vòng 20 ngày làm việc kể từ khi nhận được quyết định của chủ đầu tư.

13.2. Ứng vốn và nghiệm thu, thanh quyết toán

a) Sau khi ký hợp đồng được ứng 30% vốn hỗ trợ.Trường hợp chủ đầu tư có nhu cầu ứng tiếp thì phải làm thủ tục nghiệm thu giai đoạn giữa hai bên và thanh toán ứng lần trước, sau đó được ứng tiếp.

b) Nghiệm thu và thanh toán: Sau khi đầu tư xong, chủ đầu tư có văn bản báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT. Trong vòng 20 ngày, Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập hội đồng nghiệm thu và nghiệm thu cho chủ đầu tư. Thành phần gồm Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng và Sở Khoa học công nghệ. Biên bản nghiệm thu, văn bản thẩm định, quyết định đầu tư, chủ trương đầu tư là căn cứ để giải ngân tiền hỗ trợ lần một cho chủ đầu tư, bằng 80% mức hỗ trợ.

c) Để giải ngân hết số tiền còn lại chủ đầu tư báo cáo cụ thể sản lượng sản xuất thực tế được tiêu thụ để Sở Nông nghiệp và PTNT xác minh, trường hợp tiêu thụ đạt công suất 1 triệu cây năm thì lập biên bản nghiệm thu cho chủ đầu tư để giải ngân hết số tiền còn lại.

d) Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh và BQLDA tỉnh được hưởng 2% trên tổng mức vốn hỗ trợ của Nhà nước cho chủ đầu tư trung tâm giống chất lượng cao để thực hiện việc thẩm định, nghiệm thu, quản lý hợp đồng, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chi phí này được nêu rõ trong hợp đồng giữa các bên. BQLDA cấp tỉnh chi theo quy định chi phí sự nghiệp hành chính hiện hành.

14. Hỗ trợ đầu tư vườn ươm giống

14.1. Trình tự, thủ tục quy hoạch hệ thống vườn ươm của BQLDA cấp huyện thuộc Tổ chức quốc doanh:

a) BQLDA cấp huyện thống kê toàn bộ vườn ươm hiện có trên địa bàn (về địa điểm, diện tích, quy mô, năng lực sản xuất, chủ vườn ươm…).

b) Tổ chức quy hoạch hệ thống vườn ươm trên địa bàn theo quy định tại điều 9 của Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg, trong đó phải đưa vườn ươm đã có vào quy hoạch.

c) Xác định chủ vườn ươm: là tổ chức trong nước, hộ gia đình, cá nhân.

d) Những vườn ươm quy hoạch mới phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc có sơ đồ khu vực vườn ươm do chủ đầu tư vẽ được xác nhận không tranh chấp của người sử dụng đất liền kề và xác nhận của UBND xã. Giấy cam kết của chủ vườn ươm sử dụng đất vào mục đích xây dựng vườn ươm trên 10 năm.

đ) Nội dung quy hoạch gồm: xác định địa điểm vườn ươm, vườn ươm xây dựng mới hay nâng cấp, diện tích đất hiện có, chủ vườn ươm.

e) Sau khi quy hoạch, chủ đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ (hồ sơ gồm: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hoặc sơ đồ khu vực vườn ươm do chủ đầu tư vẽ có xác nhận của UBND xã; giấy cam kết của chủ đầu tư sử dụng đất vào mục đích xây dựng vườn ươm trên 10 năm) để lấy ý kiến thẩm tra của Sở Nông nghiệp và PTNT sau đó trình UBND cấp huyện thẩm định và phê duyệt. Quyết định phê duyệt quy hoạch phải được gửi đến thành viên Ban chỉ đạo huyện, BQLDA cấp tỉnh và các chủ vườn ươm.

Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm thẩm tra trong thời hạn là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị thẩm định của tổ chức;

UBND cấp huyện thẩm định và ra quyết định đầu tư trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm tra của Sở NN và PTNT.

g) Sau khi được phê duyệt quy hoạch, BQLDA cấp huyện phải có trách nhiệm hướng dẫn thiết kế kỹ thuật cho chủ vườn ươm.

h) Sau khi có thiết kế, BQLDA cấp huyện phải ký hợp đồng cho chủ vườn ươm (mẫu hợp đồng kèm theo).

i) Mức hỗ trợ của Nhà nước theo quy định tại khoản 4, Điều 1, Quyết định 66/2011/QĐ-TTg. Mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương cho vườn ươm tại các xã biên giới không quá 700 triệu đồng/vườn ươm, phần còn lại do ngân sách địa phương hỗ trợ bổ sung.

14.2. Ứng vốn và nghiệm thu thanh quyết toán:

a) Sau khi ký hợp đồng được ứng 30% vốn hỗ trợ. Trường hợp chủ đầu tư có nhu cầu ứng tiếp thì phải làm thủ tục nghiệm thu giai đoạn giữa hai bên và thanh toán ứng lần trước, sau đó được ứng tiếp nhưng không quá 80% tổng vốn hỗ trợ.

b) Nghiệm thu và giải ngân lần cuối: Khi đầu tư xong vườn ươm theo hợp đồng, chủ vườn ươm báo cáo bằng văn bản cho BQLDA cấp huyện, trong vòng 20 ngày làm việc BQLDA cấp huyện có trách nhiệm mời thêm đại diện của Ban chỉ đạo huyện, Ban phát triển rừng xã để nghiệm thu cho chủ đầu tư. Hồ sơ thanh quyết toán gồm: Văn bản báo cáo của chủ đầu tư vườn ươm cho BQLDA cấp huyện; Hợp đồng hỗ trợ đầu tư vườn ươm, biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình vườn ươm.

c) BQLDA cấp huyện được hưởng 3% trên tổng mức vốn hỗ trợ của Nhà nước cho chủ vườn ươm để thực hiện việc quy hoạch, hướng dẫn kỹ thuật, quản lý hợp đồng, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các vườn ươm. Chi phí này được nêu rõ trong hợp đồng giữa các bên. BQLDA cấp huyện chi theo quy định chi phí sự nghiệp hành chính hiện hành.

14.3. Đối với vườn ươm của tổ chức ngoài quốc doanh có trồng rừng quy mô trên 1.000 ha trở lên, đầu tư vườn ươm được quyết định ngay trong quá trình xây dựng dự án trồng rừng, doanh nghiệp là chủ đầu tư vườn ươm (không cần hợp đồng xây dựng vườn ươm). Doanh nghiệp (chính là BQLDA cấp huyện) tự xây dựng thiết kế kỹ thuật, dự toán trình Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định, sau đó chủ đầu tư phê duyệt và tự triển khai đối với vườn ươm mới có hỗ trợ 300 triệu đồng/vườn ươm và nâng cấp vườn ươm. BQLDA tỉnh chủ trì nghiệm thu cho BQLDA cấp huyện.

15. Trình tự, thủ tục hỗ trợ đầu tư đường ranh phòng chống cháy rừng (đường ranh cản lửa)

15.1. Tiêu chuẩn đường ranh cản lửa

a) Áp dụng theo tiêu chuẩn ngành (tiêu chuẩn 04 TCVN 89-2007), đường ranh cản lửa có chiều rộng trung bình từ 8-12 m và tuỳ theo chiều cao cây rừng, địa hình và khả năng tài chính. Đường ranh cản lửa được quy hoạch gắn với đường lô khoảnh, thuận lợi cho việc vận chuyển, vận xuất, kết nối với hệ thống đường dân sinh hiện có. Trong một chu kỳ trồng rừng được đầu tư lần đầu gồm ủi, san gạt, đập tràn qua suối (mặt đường trung bình khoảng 5 m) để kết hợp làm đường vận xuất, vận chuyển, bề rộng đường còn lại được phát trắng, các năm sau phát dọn sạch, duy tu bảo dưỡng trên toàn bộ đường ranh.

b) Ngoài đường ranh cản lửa được hỗ trợ trên đây, BQLDA cấp huyện phải quy hoạch các đường băng phụ ở các khu rừng có diện tích tập trung từ 100 ha trở lên chia cắt các khoảnh lô, đường băng phụ được nối với đường ranh; hoặc quy hoạch đường băng xanh ở đối tượng rừng có nguy cơ cháy cao. Độ rộng của đường băng phụ từ 5-10 m, khoảng cách giữa các đường băng là 50-100m.

15.2. Nguyên tắc và trình tự quy hoạch đối với đường ranh cản lửa của BQLDA cấp huyện thuộc tổ chức quốc doanh:

- Lợi dụng được hệ thống đường mòn, đường dân sinh hiện có;

- Bảo đảm thuận lợi cho việc vận xuất vận chuyển và phòng chống cháy rừng;

- Mạng lưới đường phân bố đều và đảm bảo theo khoản 1 Điều 10 Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg;

- Có sự đồng thuận của ít nhất 70% chủ rừng;

- BQLDA cấp huyện là chủ đầu tư, chịu trách nhiệm quy hoạch và đầu tư đường ranh cản lửa. Trong quá trình quy hoạch phải thống nhất các phương án với các chủ rừng. Nếu đường ranh cản lửa đi qua diện tích đất của chủ rừng, BQLDA cấp huyện cản giải thích, tuyên truyền, thỏa thuận để chủ rừng tự nguyện hiến tặng cho cộng đồng vì lợi ích chung, không sử dụng tiền hỗ trợ của Nhà nước để đền bù;

- Khi quy hoạch chú ý đối với những diện tích rừng sản xuất đã trồng trước đây chưa được hỗ trợ đường ranh phòng chống cháy rừng được phép quy hoạch bổ sung và nhận hỗ trợ theo khoản 5 Điều 1 Quyết định 66/2011/QĐ-TTg.

15.3. Thủ tục đầu tư và nghiệm thu thanh toán:

- Khi quy hoạch được duyệt, BQLDA cấp huyện phối hợp với các chủ rừng cắm mốc trên thực địa, để hình thành hệ thống đường;

- Căn cứ vào kế hoạch được giao, BQLDA cấp huyện có thể tự thiết kế hoặc thuê thiết kế dự toán để trình UBND cấp huyện phê duyệt. Sau khi thiết kế dự toán được phê duyệt BQLDA cấp huyện tự thi công hoặc thuê thi công để hoàn thành công trình;

- Nghiệm thu thanh quyết toán: sau khi đầu tư, BQLDA cấp huyện có trách nhiệm báo cáo UBND cấp huyện, trong vòng 20 ngày, UBND cấp huyện có trách nhiệm mời thêm đại diện BQLDA cấp tỉnh, Ban phát triển rừng xã để nghiệm thu cho chủ đầu tư.

15.4. Duy tu bảo dưỡng.

Hàng năm BQLDA cấp huyện lập kế hoạch duy tu bảo dưỡng trình UBND cấp huyện phê duyệt và thực hiện. Mức tính trung bình mỗi năm 1 triệu đồng/km.

15.5. Ứng vốn: sau khi thiết kế dự toán được duyệt, BQLDA cấp huyện được ứng 30% vốn được duyệt để đầu tư cho công trình. Trường hợp chủ đầu tư có nhu cầu ứng tiếp thì phải làm thủ tục nghiệm thu giai đoạn giữa hai bên và thanh toán ứng lần trước.

16. Đường lâm nghiệp

Các tuyến đường được hỗ trợ đầu tư xây dựng cho các dự án phát triển rừng sản xuất của các cơ sở chế biến cụ thể và vùng nguyên liệu tập trung, có quy mô diện tích từ 500 ha trở lên, ở những vùng chưa có đường ô tô để vận chuyển sản phẩm trong mùa mưa thì được hỗ trợ đầu tư đường lâm nghiệp với mức không quá 450 triệu đồng/km (bao gồm cả cầu, ngầm, đập tràn), phần còn lại là vốn của địa phương và chủ dự án. Thực hiện theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình hiện hành.

17. Hỗ trợ vận chuyển gỗ được chế biến tại vùng Tây Bắc

Hỗ trợ chế biến gỗ rừng trồng, tre, luồng được chế biến tại vùng Tây bắc bao gồm hỗ trợ đầu tư và hỗ trợ sau đầu tư, là dự án được ưu tiên của Chính sách này để tạo đầu ra cho nghề rừng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.

17.1. Nội dung chấp thuận dự án đầu tư của UBND cấp tỉnh:

- Chấp thuận quy mô nhà máy phù hợp với vùng nguyên liệu;

- Chấp thuận về địa điểm đặt nhà máy.

17.2. Hướng dẫn quy đổi đơn vị thể tích (m3) gỗ sản phẩm sang đơn vị trọng lượng (tấn) như sau:

Đối với ván MDF, 01 m3 sản phẩm tương đương với 750 kg;

Đối với ván HDF, 01 m3 sản phẩm tương đương với 1000 kg;

Đối với ván dăm, 01 m3 sản phẩm tương đương với 700 kg;

Đối với tre, luồng: ván ép, khối ép, ép thanh 01 m3 sản phẩm tương đương với 1000 kg (sau đây gọi chung là ván tre luồng).

17.3. Các nước phát triển quy định tại điểm d, khoản 6 Điều 1, Quyết định 66/2011/QĐ-TTg là các nước có thu nhập bình quân đầu người trên 15.000 USD/năm theo công bố năm gần nhất khi nhập khẩu thiết bị.

17.4. Hỗ trợ sau đầu tư:

a) Tổng số vốn hỗ trợ sau đầu tư: được tính theo khoản 6, Điều 1, Quyết định 66/2011/QĐ-TTg và mục 17.1, 17.2 của Thông tư này. Tổng vốn hỗ trợ do chủ đầu tư nhà máy căn cứ vào chấp thuận đầu tư của UBND tỉnh về khoảng cách vận chuyển, công suất thiết kế nhà máy và định mức hỗ trợ này để tính vốn được hỗ trợ và gửi cho UBND tỉnh và các cơ quan liên quan. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của số liệu về vốn hỗ trợ.

b) Nhà máy khi được chấp thuận đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư và khởi công xây dựng nhà máy là đủ điều kiện giao kế hoạch vốn hỗ trợ và được giao kế hoạch vốn hỗ trợ năm đầu tối thiểu là 50%, năm thứ 2 giao phần còn lại trên tổng số vốn được hỗ trợ.

c) Thanh toán vốn hỗ trợ đợt 1: khi nhà máy trong quá trình đầu tư, với khối lượng đã thực hiện được 30% trở lên bao gồm nhà xưởng đã xây dựng xong trên 30% và thiết bị đã được chuyển về đạt 30% theo hợp đồng mua bán thì Sở Nông nghiệp và PTNT hoặc ban quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh xác nhận, cho phép chủ đầu tư thanh toán 30% tổng số vốn được hỗ trợ; Hồ sơ thanh toán vốn đợt 1 là văn bản giao kế hoạch vốn và biên bản xác nhận khối lượng đợt 1 của cơ quan có thẩm quyền.

d) Thanh toán vốn hỗ trợ đợt 2: khi nhà máy trong quá trình đầu tư, với khối lượng đã thực hiện được 60% trở lên bao gồm nhà xưởng đã xây dựng xong trên 60% và thiết bị đã được chuyển về đạt 60% theo hợp đồng mua bán thì Sở Nông nghiệp và PTNT hoặc ban quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh xác nhận, cho phép chủ đầu tư thanh toán tiếp 30% tổng số vốn được hỗ trợ theo thiết kế nhà máy (thanh toán hai lần bằng 60% tổng vốn hỗ trợ); Hồ sơ thanh toán vốn đợt 2 là văn bản giao kế hoạch vốn và biên bản xác nhận khối lượng đợt 2 của cơ quan có thẩm quyền.

đ) Giải ngân hết vốn hỗ trợ (đợt 3): Khi nhà máy hoàn thành xây dựng, có sản phẩm, Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập hội đồng nghiệm thu đầu tư nhà máy. Thành phần gồm lãnh đạo UBND cấp tỉnh làm Chủ tịch hội đồng, thành viên là đại diện các Sở Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học Công nghệ, Công thương. Nội dung nghiệm thu là xác định công suất thực tế nhà máy để làm căn cứ thanh toán vốn đầu tư cho chủ đầu tư. UBND tỉnh chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ vốn hỗ trợ cho nhà máy theo công suất thực tế ngay sau khi được nghiệm thu. Nếu thiếu thì phần thiếu ngân sách địa phương phải trả cả gốc và lãi theo lãi suất thương mại cho nhà máy để đưa nhà máy vào hoạt động đúng tiến độ.

17.5. Hỗ trợ đầu tư: quy định tại gạch đầu dòng thứ 2, điểm b, khoản 6 Điều 1, Quyết định 66/2011/QĐ-TTg bao gồm hỗ trợ trong, ngoài hàng rào nhà máy, mức hỗ trợ là 20 tỷ đồng/nhà máy (kể cả nhà máy sản xuất ván tre luồng ép có quy mô công suất trên 30.000 m3/năm). Phần hỗ trợ này được ghi kế hoạch ngay khi khởi công xây dựng nhà máy, chủ đầu tư được thực hiện giải ngân một trong hai cách như sau:

a) Các hạng mục được hỗ trợ theo thiết kế và dự toán được UBND tỉnh phê duyệt, được tạm ứng vốn và đầu tư theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành.

b) Các hạng mục được nhà nước hỗ trợ sau đầu tư: nhà xưởng là 1.000.000 đồng/m2; đường giao thông bê tông và công trình theo đường là 1.000.000 đồng/m2; trạm biến áp và đường điện và trạm biến áp là 1.000.000 đồng/kva; nền bê tông các loại 500.000 đồng/m2, san lấp mặt bằng 10.000 đồng/m3. Khi chủ đầu tư hoàn thành đầu tư các hạng mục này, Sở Nông nghiệp và PTNT hoặc ban quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh nghiệm thu khối lượng; biên bản nghiệm thu là căn cứ để giải ngân vốn hỗ trợ này.

c) Tạm ứng vốn: Căn cứ vào các nội dung tại các điểm a, b của điều 17.5 nêu trên sau khi được giao kế hoạch thì chủ đầu tư nhà máy đề nghị kho bạc nhà nước tạm ứng 30% vốn hỗ trợ đầu tư (6 tỷ đồng).

17.6. Giao kế hoạch hỗ trợ cho nhà máy. UBND cấp tỉnh giao kế hoạch rõ làm hai mục: mục vốn hỗ trợ đầu tư và mục vốn hỗ trợ sau đầu tư. Trong đó mục vốn hỗ trợ đầu tư được giao 100% ngay năm đầu, mục vốn hỗ trợ sau đầu tư giao theo quy định tại mục 17.4, tiết b.

17.7. Khấu trừ tiền hỗ trợ vào các khoản thuế như sau:

a) Mức khấu trừ là: 30% trên tổng mức được hỗ trợ.

b) Thời gian được khấu trừ: trong vòng 5 năm.

c) Việc khấu trừ được thực hiện hàng năm, doanh nghiệp tự xác định mức được khâu trừ và đưa vào báo cáo quyết toán thuế hàng năm của doanh nghiệp và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản báo cáo quyết toán thuế. Giá trị được khấu trừ trong năm nếu chưa được kê khai khấu trừ trong Bản báo cáo quyết toán thuế của năm tài chính đó thì được khấu trừ vào năm tài chính tiếp theo.

Hàng năm khi xác định mức khấu trừ, doanh nghiệp phải gửi Bản xác nhận số tiền được khấu trừ của cơ quan thuế cho BQLDA cấp tỉnh để tổng hợp và theo dõi.

III. GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

18. Ban quản lý hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất các cấp

18.1. BQLDA cấp tỉnh là BQLDA 5 triệu ha rừng chuyển sang. Nếu tỉnh nào không có Chi cục Lâm nghiệp, thì chuyển cho Chi cục Kiểm lâm để thực hiện. Trường hợp tỉnh không có Chi cục Lâm nghiệp, không có Chi cục Kiểm lâm thì giao cho đơn vị sự nghiệp có chức năng về lâm nghiệp thực hiện.

18.2. Ban chỉ đạo cấp huyện:

Huyện có 1000 ha đất trồng rừng sản xuất trở lên phải thành lập Ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo cấp huyện thành lập phải gắn với ban khác về lâm nghiệp trên địa bàn (Ban chỉ huy những vấn đề cấp bách về bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng).

Ban chỉ đạo cấp huyện do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập, do một đồng chí phó Chủ tịch UBND cấp huyện phụ trách nông lâm nghiệp làm trưởng ban, các thành viên gồm: Hạt Kiểm lâm huyện làm thường trực, có đại diện Mặt trận tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Tài nguyên và Môi trường. Quy chế hoạt động do Ban chỉ đạo thống nhất ban hành. Chi phí hoạt động của Ban chỉ đạo cấp huyện được hưởng 0,8% chi phí quản lý của tổng mức chi lâm sinh trên địa bàn, sử dụng mức chi trên theo quy định hiện hành.

18.3. BQLDA cấp huyện là các chủ đầu tư dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất, quy định tại khoản a, b, d khoản 1 Điều 15, Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg.

a) BQLDA cấp huyện có Trưởng ban, 01-02 phó ban, kế toán, một số cán bộ kỹ thuật kiêm nhiệm vụ giám sát đầu tư.

b) BQLDA cấp huyện có tài khoản riêng và được sử dụng con dấu hiện có của cơ quan để giao dịch.

c) Trường hợp người trồng rừng đăng ký và yêu cầu BQLDA cấp huyện cung cấp cây giống thì BQLDA cấp huyện phải tổ chức đấu thầu cung cấp giống công khai theo kế hoạch 3 năm.

18.4. Ban phát triển rừng xã: Ban phát triển rừng xã được thành lập theo quy định tại khoản 3, Điều 16, Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg, thành phần bao gồm:

Một phó Chủ tịch xã làm trưởng ban. Thành viên có: Kiểm lâm địa bàn xã, cán bộ Nông lâm nghiệp xã, Địa chính xã, đại diện Đoàn thanh niên xã, Hội Nông dân xã, Xã đội, hoặc Hội Cựu chiến binh xã và đại diện của các Ban phát triển rừng thôn (mỗi ban phát triển thôn bố trí 01 đại diện).

Quy chế hoạt động của Ban phát triển rừng xã được thiết kế theo hướng dân chủ, công khai. Tất cả các kế hoạch thu, chi hàng năm phải được ít nhất 80% số người tham dự cuộc họp toàn xã viên hàng năm đồng ý thông qua. Quy chế cụ thể do Chủ tịch UBND xã phê duyệt (mẫu tham khảo có trên trang web cùng với Thông tư này).

18.5. Ban phát triển rừng thôn: Ban phát triển rừng thôn được thành lập theo quy định tại khoản 4, Điều 16 Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg, thành phần bao gồm:

- Trưởng thôn hoặc phó Trưởng thôn làm Trưởng ban. Thành viên có: Già làng, đại diện Đoàn thanh niên, đại diện Chi hội nông dân, đại diện Chi hội phụ nữ, đại diện Chi hội cựu chiến binh và đại diện Nông dân (từ 01 - 03 nông dân).

Quy chế hoạt động của Ban phát triển rừng thôn được thiết kế theo hướng dân chủ, công khai, tất cả kế hoạch thu, chi hàng năm phải được ít nhất 80% số người tham dự cuộc họp toàn thôn thông qua, 6 tháng một lần. Quy chế Ban phát triển rừng thôn do Chủ tịch UBND xã phê duyệt (mẫu tham khảo có trên trang web cùng với Thông tư này).

19. Quản lý hợp đồng về lâm sinh và hệ thống thông tin quản lý

19.1. Tất cả các hợp đồng phải được quản lý thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng phần mềm quản lý tất cả các hợp đồng thực hiện Quyết định 147/2007/QĐ-TTg, cung cấp phần mềm quản lý cho tất cả các địa phương, các dự án để thống nhất sử dụng.

19.2. Tất cả các BQLDA cấp huyện phải có máy tính được nối mạng với BQLDA cấp tỉnh. Tất cả các hợp đồng đã ký phải được đưa vào dữ liệu quản lý không quá 3 ngày ngay sau khi ký hợp đồng. Ngày 20 hàng tháng, BQLDA cấp huyện phải chuyển số liệu và có báo cáo thực hiện lên BQLDA tỉnh. BQLDA cấp tỉnh phải cập nhật số liệu và tổng hợp để chuyển cho Ban điều hành dự án Trung ương vào ngày 25 hàng tháng.

19.3. Mã hoá hợp đồng trồng rừng để quản lý:

- Hợp đồng trồng rừng được mã hoá gồm các bộ phận như sau: đầu tiên là số hợp đồng, số hợp đồng được lấy theo số tự nhiên, hợp đồng đầu tiên lấy số 01, sau đó là năm ký hợp đồng trồng rừng, sau nữa là mã tỉnh, tiếp theo là mã huyện, tiếp theo nữa là mã xã, cuối cùng là ký hiệu trồng rừng (HĐTR);

- Mã tỉnh gồm ba chữ cái được đặt theo ký tự chữ cái đầu của tên tỉnh và được viết in hoa nhưng không được trùng lặp (sử dụng mã tỉnh trong thống kê diễn biến tài nguyên rừng (như danh sách kèm theo);

- Mã huyện gồm 2 chữ cái được đặt theo ký tự chữ cái đầu của tên huyện và viết in hoa, nhưng không được trùng lặp với nhau trên cùng một tỉnh.

- Mã xã gồm hai chữ cái, được đặt theo ký tự chữ cái đầu của tên xã và viết in hoa, nhưng không được trùng lặp trên cùng một huyện;

- Mã huyện và mã xã được BQLDA cấp tỉnh thống nhất đặt và thông báo cho BQLDA cấp huyện để sử dụng và Ban điều hành Trung ương để tổng hợp.

Ví dụ: Hợp đồng trồng rừng của hộ Nguyễn văn A, có số thứ tự hợp đồng là số 09, tại xã Phong Vân (PV), huyện Lục Ngạn (LN), tỉnh Bắc Giang (BGI), trồng rừng năm 2009 có ký hiệu như sau: 09/2009/BGI/LN/PV/HĐTR

19.4. Quản lý hợp đồng vườn ươm: như quản lý hợp đồng trồng rừng chỉ khác ký hiệu cuối cùng của vườn ươm (là: HĐVƯ)

19.5. Quản lý hợp đồng rừng giống, vườn giống: như quản lý hợp đồng trồng rừng chỉ khác ký hiệu cuối cùng của rừng giống, vườn giống (là: HĐRVG)

19.6. Quản lý hợp đồng trung tâm giống chất lượng cao: như quản lý hợp đồng trồng rừng chỉ khác ký hiệu cuối cùng của trung tâm giống chất lượng cao (là: HĐGCLC)

20. Kinh phí quản lý

20.1. Kinh phí quản lý cho cấp tỉnh 0,7%; Ban chỉ đạo cấp huyện 0,8% và BQLDA cấp huyện là 6%, Ban phát triển rừng xã 1%, Ban phát triển rừng thôn 1%. Kinh phí quản lý của Ban phát triển rừng xã và Ban phát triển rừng thôn được tính gộp cho BQLDA cấp huyện. Hàng năm căn cứ vào diện tích trồng rừng của thôn, xã, BQLDA cấp huyện có trách nhiệm chuyển cho xã và thôn chi.

20.2. Nội dung chi: ưu tiên chi cho việc đào tạo nâng cao năng lực cán bộ các cấp như đào tạo, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực của cán bộ các cấp và cộng đồng dân cư; chi thẩm định và xét duyệt dự án, chi công tác thông tin tuyên truyền và tham vấn cộng đồng, chi hội nghị sơ kết, tổng kết, thi đua khen thưởng, văn phòng phẩm cho hoạt động chỉ đạo quản lý, chi cho công tác quản lý điều hành, lương, phụ cấp lương cho các BQLDA, công tác phí, công tác quyết toán sử dụng vốn hàng năm và quyết toán dự án hoàn thành, xây dựng chính sách. Đối với trang thiết bị cần thiết (máy vi tính, xe đạp, xe gắn máy) của BQLDA cấp huyện cần được trang bị sớm có thể sử dụng vượt quá 6% theo quy định trong năm đầu, nhưng không vượt quá 6% theo quy định của tổng số 3 năm được giao kế hoạch.

20.3. Kinh phí quản lý của tổ chức quốc doanh, BQLDA cấp tỉnh được lập dự toán chi tiết theo kế hoạch 3 năm được giao và trình cơ quan quyết định đầu tư phê duyệt.

21. Xử lý bồi hoàn, miễn giảm thuế, thu nộp tiền nghĩa vụ của chủ rừng

21.1. Trường hợp chủ rừng hưởng mức hỗ trợ cho loài cây trồng sau 10 năm mới khai thác, nhưng muốn khai thác sớm, thời gian không sớm hơn 5 năm thì bồi hoàn cho Nhà nước 15% tiền đã hỗ trợ cho mỗi năm khai thác sớm. Số tiền bồi hoàn này được thu về tài khoản thu hồi của BQLDA cấp huyện để đầu tư lại cho trồng rừng.

21.2. Đối với diện tích rừng trồng do hộ gia đình nhận khoán ổn định lâu dài của các tổ chức quốc doanh được miễn giảm thuế và tiền sử dụng đất như trường hợp giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình trên địa bàn.

21.3. Rừng không đạt yêu cầu theo quy định tại khoản 5.3, Mục 5 của Thông tư này thì xử lý như sau:

- Trường hợp mất rừng do nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai, hoả hoạn, sâu bệnh được xác định theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT thì người trồng rừng không phải hoàn trả số tiền đã nhận hỗ trợ;

- Trường hợp mất rừng không thuộc đối tượng quy định tại điểm trên thì phải bồi hoàn theo quy định tại khoản 2, Điều 6, Quyết định 147/2007/QĐ-TTg. Cơ quan ký hợp đồng trồng rừng phải có trách nhiệm thanh lý hợp đồng và thu hồi vốn trả về ngân sách và được phép sử dụng tiền thu hồi để đầu tư cho những diện tích khác trong cùng dự án.

21.4. Đối với vườn ươm: nếu trong trường hợp chủ vườn ươm không sử dụng đất được giao vào mục đích sản xuất giống đủ 10 năm thì mỗi năm dừng sản xuất giống lâm nghiệp, chủ vườn ươm phải bồi hoàn 15% số tiền Nhà nước đã hỗ trợ.

21.5. Đối với rừng giống, vườn giống: rừng giống, vườn giống là quy hoạch cố định. Khi chủ vườn giống, rừng giống không có nhu cầu kinh doanh rừng giống, vườn giống, hoặc khi rừng giống, vườn giống không đảm bảo chất lượng, thì Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các ngành xem xét báo cáo UBND cấp tỉnh ra quyết định thu hồi (rừng giống, vườn giống đi liền với đất) và chuyển giao cho chủ đầu tư khác mà không phải bồi hoàn.

Trường hợp thay đổi quy hoạch sử dụng đất rừng giống, vườn giống cho mục đích sử dụng công cộng thì Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép thay đổi, quy hoạch và được bồi hoàn.

21.6. Đối với trung tâm giống chất lượng cao: nếu chủ đầu tư trung tâm giống không thực hiện đúng quy định trong hợp đồng thì phải bồi hoàn toàn bộ số tiền đã hỗ trợ cộng với lãi suất thương mại tại thời điểm thu hồi.

21.7. Cơ quan thu hồi và sử dụng tiền thu hồi: cơ quan nào ký hợp đồng thì có trách nhiệm giám sát thực hiện hợp đồng nếu vi phạm thì xử lý bồi hoàn theo quy định, số tiền thu hồi nộp vào tài khoản thu hồi (tài khoản xử lý bồi hoàn) của cơ quan đó. Sau đó báo cáo với cơ quan quyết định đầu tư (UBND cấp huyện, hoặc UBND cấp tỉnh) để đầu tư hỗ trợ trồng rừng theo quy định tại Quyết định 147/2007/QĐ-TTg.

21.8. Cách thu và quản lý tiền chủ rừng nộp quy định tại khoản 2 Điều 6, Quyết định 147/2007/QĐ-TTg như sau:

- Đối với các xã, thôn: phải xây dựng được quy chế hoạt động của Ban phát triển rừng và quy chế quản lý quỹ phát triển rừng cấp xã và cấp thôn, sau đó mở tài khoản để chủ rừng nộp tiền theo quy định, số tài khoản phải được thông báo tới các chủ rừng trên địa bàn. Nếu chưa có quy chế hoạt động và quản lý quỹ phát triển rừng trước mắt các xã, thôn chỉ mở tài khoản để chủ rừng nộp nghĩa vụ mà chưa được sử dụng.

- Đối với tổ chức quốc doanh: quản lý và sử dụng kinh phí như chi phí sự nghiệp hành chính cho việc bảo vệ phát triển rừng.

22. Xây dựng, tổng hợp, giao kế hoạch và giám sát đánh giá

22.1. Xây dựng kế hoạch 3 năm:

a) Căn cứ Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg, Quyết định 66/2011/QĐ-TTg và Thông tư này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch hỗ trợ trồng rừng sản xuất trung hạn 3 năm có phân bổ cụ thể kế hoạch hàng năm, trên cơ sở các dự án đã được phê duyệt và tham vấn cộng đồng dân cư. Trước mắt xây dựng kế hoạch 2013-2015 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và PTNT.

b) Nội dung lập kế hoạch của các tỉnh gồm:

- Báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch của 3 năm trước (báo cáo cuối kỳ kế hoạch, theo nội dung kế hoạch đã được giao, các hạng mục do các nguồn vốn khác đầu tư và các thành phần kinh tế tham gia);

- Kế hoạch 3 năm tiếp theo bao gồm mục tiêu, kết quả dự kiến và các nguồn vốn đầu tư, trong đó phân rõ nhiệm vụ và vốn đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước;

- Danh mục dự án, nhiệm vụ và vốn theo quy định của Chính sách;

- Việc xây dựng kế hoạch trồng rừng trung hạn phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương theo phương pháp xây dựng kế hoạch 5 năm hiện hành.

22. Giao kế hoạch

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính tổng hợp, cân đối kế hoạch, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao kế hoạch 3 năm để thực hiện.

b) Sau khi được giao kế hoạch, các Bộ ngành và địa phương giao kế hoạch 3 năm cho từng dự án cụ thể trong đó phân rõ vốn và nhiệm vụ từng năm cho từng dự án trong vòng 30 ngày làm việc. Kết quả giao kế hoạch phải gửi về Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để giám sát theo dõi.

c) Kế hoạch 3 năm lần sau phải ưu tiên thanh toán diện tích rừng và các nội dung đầu tư đã được thực hiện theo hình thức hỗ trợ sau đầu tư của kế hoạch 3 năm trước.

22.3. Điều chỉnh kế hoạch

a) Quý III, năm thứ hai của kế hoạch 3 năm, các tỉnh có báo cáo đánh giá việc thực hiện kế hoạch được giao (báo cáo giữa kỳ kế hoạch) về khối lượng, vốn thực hiện và cơ chế chính sách gửi về Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch. Nguyên tắc những tỉnh thực hiện không hết kế hoạch vốn giao, Trung ương sẽ điều chuyển vốn cho các tỉnh có nhu cầu.

b) Hàng năm căn cứ vào tình hình thực hiện của BQLDA cấp huyện. UBND cấp tỉnh điều chuyển kế hoạch của những dự án có nguy cơ không thực hiện được cho dự án thực hiện tốt có nhu cầu vốn. Không điều chuyển vốn từ nhiệm vụ lâm sinh sang xây dựng cơ sở hạ tầng, trừ trường hợp được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

c) Điều chỉnh kế hoạch của BQLDA cấp huyện thực hiện theo điểm c, khoản 2 Điều 17, Quyết định 147/2007/QĐ-TTg.

22.4. Giám sát đánh giá: căn cứ vào Thông tư này và Quyết định 147/2007/QĐ-TTg, mỗi cấp xây dựng kế hoạch giám sát đánh giá để đạt được các mục tiêu và kết quả của Chính sách.

22.5. Trách nhiệm của các Bộ ngành, địa phương liên quan

a) Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì hướng dẫn các tiêu chuẩn kỹ thuật ngành chưa có trong Thông tư này và hướng dẫn khai thác bền vững rừng được trồng.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng hướng dẫn giám sát đánh giá đảm bảo thực hiện Chính sách minh bạch và có hiệu quả.

c) Bộ Tài chính chủ trì hướng dẫn các thủ tục về thanh toán, quyết toán chi ngân sách Nhà nước.

d) UBND các tỉnh chủ động sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện mục tiêu trồng rừng đã được hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt; ngân sách Trung ương hỗ trợ một phần cho ngân sách địa phương để thực hiện chính sách này.

23. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 7 năm 2012 thay thế Thông tư số 02/2008/TTLT-BKH-NN-TC ngày 23/6/2008 về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất.

2. Các chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015 quy định tại Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg đang thực hiện theo quy trình, thủ tục quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-BKH-NN-TC ngày 23/6/2008 và những nội dung quy định tại Quyết định số 66/2011/QĐ-TTg đang được thực hiện trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được áp dụng theo quy định tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện có vướng mắc cần kịp thời có văn bản báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Tài chính, để xem xét giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Cao Viết Sinh

Phạm Sỹ Danh

Nguyễn Đăng Khoa

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.