THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên,
huấn luyện viên thể thao thành tích cao
______________
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Quyết định số 67/2008/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao;
Liên Bộ Tài chính - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:
1. Đối tượng:
a- Vận động viên, huấn luyện viên thể thao đang tập luyện, huấn luyện tại các trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao, các trường năng khiếu thể thao, các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp;
b- Vận động viên, huấn luyện viên thể thao đang làm nhiệm vụ tại các giải thể thao thành tích cao quy định tại Điều 37 Luật Thể dục thể thao (Đại hội thể thao khu vực, châu lục; giải vô địch từng môn thể thao khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam; Đại hội thể dục thể thao toàn quốc; giải vô địch quốc gia; giải trẻ quốc gia hàng năm của từng môn thể thao; giải vô địch từng môn của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).
2. Phạm vi áp dụng:
a- Đội tuyển quốc gia;
b- Đội tuyển trẻ quốc gia;
c- Đội tuyển tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ngành (gọi là đội tuyển tỉnh, ngành);
d- Đội tuyển năng khiếu các cấp;
e- Đội tuyển quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
3. Thời gian áp dụng: là số ngày có mặt thực tế tập trung tập luyện và tập trung thi đấu theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
4. Nguồn kinh phí chi trả cho chế độ quy định tại Thông tư này được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các Bộ, ngành, địa phương theo quy định hiện hành của Nhà nước về phân cấp ngân sách nhà nước.
5. Nhà nước khuyến khích các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia, các đơn vị quản lý vận động viên, huấn luyện viên và các tổ chức liên quan khai thác các nguồn thu hợp pháp khác để bổ sung thêm chế độ dinh dưỡng cho vận động viên, huấn luyện viên thể thao.
II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 2. Chế độ dinh dưỡng được tính bằng tiền cho một ngày tập trung tập luyện, thi đấu của một vận động viên, huấn luyện viên. Mức quy định cụ thể như sau:
1. Chế độ dinh dưỡng đối với vận động viên, huấn luyện viên trong thời gian tập trung tập luyện:
a- Tập luyện ở trong nước: là số ngày vận động viên, huấn luyện viên có mặt thực tế tập trung tập luyện theo quyết định của cấp có thẩm quyền:
Đơn vị tính: (đồng/người/ngày)
STT
|
Vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển
|
Mức ăn hàng ngày
|
1
|
Đội tuyển quốc gia
|
200.000
|
2
|
Đội tuyển trẻ quốc gia
|
150.000
|
3
|
Đội tuyển tỉnh, ngành
|
150.000
|
4
|
Đội tuyển trẻ tỉnh, ngành
|
120.000
|
5
|
Đội tuyển năng khiếu các cấp
|
90.000
|
b- Đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao thuộc nhóm có khả năng giành huy chương được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc biệt trong thời gian tập trung tập luyện để chuẩn bị tham dự Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Đại hội thể thao châu Á (Asiad), Đại hội thể thao thế giới (Olympic Games) được hưởng mức ăn hàng ngày là 300.000 đồng/người/ngày, trong thời gian tối đa là 90 ngày. Trong thời gian hưởng chế độ này các vận động viên, huấn luyện viên không được hưởng chế độ quy định tại điểm a khoản này.
c- Tập luyện ở nước ngoài: là số ngày thực tế theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền trên cơ sở thư mời hoặc hợp đồng đào tạo, tập huấn được ký kết giữa cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo vận động viên, huấn luyện viên thể thao ở trong nước với nước ngoài và cân đối trong khuôn khổ dự toán ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp thể dục thể thao được cấp có thẩm quyền thông báo đầu năm.Trong thời gian đi tập huấn ở nước ngoài các vận động viên, huấn luyện viên không được hưởng chế độ quy định tại điểm a khoản này.
2. Chế độ dinh dưỡng đối với vận động viên, huấn luyện viên trong thời gian tập trung thi đấu:
Đơn vị tính:(đồng/người/ngày)
STT
|
Vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển
|
Mức ăn hàng ngày
|
1
|
Đội tuyển trẻ quốc gia
|
200.000
|
2
|
Đội tuyển tỉnh, ngành
|
200.000
|
3
|
Đội tuyển trẻ tỉnh, ngành
|
150.000
|
4
|
Đội tuyển năng khiếu các cấp
|
150.000
|
Trong thời gian tập trung thi đấu tại Đại hội thể thao khu vực, châu lục, thế giới và các giải thể thao quốc tế khác, vận động viên, huấn luyên viên được hưởng chế độ dinh dưỡng theo quy định của Điều lệ tổ chức giải (không được hưởng mức ăn hàng ngày quy định tại Khoản 2 Điều này)
Căn cứ tình hình thực tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định cụ thể việc sử dụng số tiền theo chế độ dinh dưỡng trên đây cho phù hợp.
3. Căn cứ khả năng ngân sách và tình hình thực tế tại Bộ, ngành và các địa phương, Thủ trưởng các Bộ, ngành, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định cụ thể chế độ dinh dưỡng đối với vận động viên, huấn luyện viên thuộc cấp mình quản lý.
4. Chế độ dinh dưỡng đối với các vận động viên khuyết tật khi được cấp có thẩm quyền triệu tập tập huấn và thi đấu được vận dụng mức quy định tại điểm 1, 2, 3 Điều 2 Thông tư này.
Điều 3. Về chế độ thuốc bổ tăng lực và thực phẩm chức năng đối với vận động viên thể thao: Căn cứ vào khả năng ngân sách được cân đối trong dự toán chi sự nghiệp thể dục thể thao hàng năm và tính đặc thù của từng môn thi đấu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định chế độ thuốc bổ tăng lực và thực phẩm chức năng cho vận động viên thuộc các đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia; Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định chế độ thuốc bổ tăng lực và thực phẩm chức năng cho vận động viên thuộc các đội tuyển, đội tuyển trẻ, đội tuyển năng khiếu các cấp do các Bộ, ngành, địa phương trực tiếp quản lý.
Điều 4. Trường hợp các giải thi đấu khác không do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức mà do các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia đăng cai tổ chức, trong thời gian tập trung thi đấu, vận động viên, huấn luyện viên được hưởng chế độ dinh dưỡng theo quy định của Điều lệ tổ chức giải. Kinh phí thực hiện chế độ dinh dưỡng do đơn vị cử vận động viên, huấn luyện viên dự giải và các nguồn tài trợ bảo đảm.
Điều 5. Hàng năm, căn cứ vào chỉ tiêu, kế hoạch tập luyện, thi đấu thể thao được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các Bộ, ngành ở Trung ương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập dự toán chi về chế độ dinh dưỡng cho vận động viên, huấn luyện viên và tổng hợp vào dự toán ngân sách của cấp mình, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để xem xét, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Điều 6. Khoản chi về chế độ dinh dưỡng đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao được hạch toán vào mục "Các khoản thanh toán khác cho cá nhân" thuộc các Chương, Loại, Khoản tương ứng.
Điều 7. Nguồn kinh phí thực hiện:
1- Ngân sách Trung ương đảm bảo kinh phí thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với các huấn luyện viên, vận động viên thuộc các đội tuyển do Trung ương quản lý (đội tuyển quốc gia, đội tuyển trẻ quốc gia, đội tuyển cấp ngành, đội tuyển trẻ cấp ngành).
2- Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với các huấn luyện viên, vận động viên thuộc các đội tuyển do địa phương quản lý (đội tuyển cấp tỉnh, đội tuyển trẻ cấp tỉnh, đội tuyển cấp huyện và đội tuyển năng khiếu).
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 25 tháng 12 năm 2011 và thay thế Thông tư Liên tịch số 127/2008/TTLT/BTC-BVHTTDL ngày 24 tháng 12 năm 2008 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về chế độ dinh dưỡng đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao.
Điều 9. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Liên Bộ để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.