• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/11/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 22/07/2024
CHÍNH PHỦ
Số: 89/2014/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Kạn, ngày 29 tháng 9 năm 2014

NGHỊ ĐỊNH

Quy định về xét tặng danh hiệu “nghệ sĩ nhân dân”, “nghệ sĩ ưu tú”

_____________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nghị định này áp dụng đối với:

a) Cá nhân hoạt động nghệ thuật tại các đơn vị nghệ thuật cơ sở;

b) Cá nhân hoạt động nghệ thuật tự do;

c) Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.

2. Cá nhân quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Diễn viên: Hát, múa, nhạc, sân khấu, điện ảnh, truyền hình thuộc các lĩnh vực Tuồng; Chèo; Cải lương; Kịch dân ca; Kịch nói; Kịch hình thể; Nhạc kịch; Nhạc vũ kịch; Xiếc; Múa rối; Hát; Múa; Ngâm thơ; Điện ảnh; Truyền hình;

b) Đạo diễn tác phẩm thuộc lĩnh vực: Tuồng; Chèo; Cải lương; Kịch dân ca; Kịch nói; Kịch hình thể; Nhạc kịch; Kịch múa; Nhạc vũ kịch; Xiếc; Múa rối; Chương trình nghệ thuật tổng hợp ca múa nhạc; Điện ảnh và truyền hình (các thể loại phim truyện, tài liệu, khoa học, hoạt hình), sân khấu truyền thanh, truyền hình;

c) Người làm âm thanh trong tác phẩm điện ảnh, truyền hình và sân khấu; người làm ánh sáng sân khấu và chương trình nghệ thuật tổng hợp;

d) Biên đạo múa; chỉ huy dàn nhạc; chỉ huy hợp xướng; chỉ huy giao hưởng nhạc vũ kịch; chỉ đạo nghệ thuật;

đ) Quay phim điện ảnh và truyền hình các thể loại: Phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình;

e) Họa sỹ: Tạo hình con rối; động tác phim hoạt hình; thiết kế trang trí sân khấu; hóa trang, phục trang sân khấu, điện ảnh, truyền hình;

g) Phát thanh viên phát thanh, truyền hình hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

3. Các cá nhân quy định tại Khoản 2 Điều này, do yêu cầu và nhiệm vụ được điều động làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, quản lý trong lĩnh vực nghệ thuật, đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định này thì được đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Giải Vàng quốc gia là giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam hoặc giải Huy chương Vàng tại cuộc thi, liên hoan, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

2. Giải Bạc quốc gia là giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam hoặc giải Huy chương Bạc tại cuộc thi, liên hoan, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

3. Thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được tính từ thời điểm cá nhân tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” tại Hội đồng cấp cơ sở.

Điều 4. Nguyên tắc xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”

1. Không sử dụng thành tích đã được xét tặng các danh hiệu vinh dự nhà nước khác để đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.

2. Được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.

3. Bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác và công khai.

Điều 5. Thẩm quyền tổ chức xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức việc xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” (sau đây gọi là Kế hoạch) trước mỗi đợt xét tặng.

Điều 6. Quyền lợi và nghĩa vụ của người được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”

Cá nhân được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” được nhận Huy hiệu, Bằng chứng nhận do Chủ tịch nước tặng và tiền thưởng, được hưởng các quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Điều 7. Kinh phí tổ chức xét tặng và tiền thưởng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”

1. Kinh phí tổ chức xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” sử dụng để chi cho các hoạt động sau đây:

a) Xây dựng, triển khai Kế hoạch xét tặng danh hiệu tại Hội đồng các cấp;

b) Trả thù lao cho các thành viên Hội đồng các cấp, thư ký và việc thẩm định hồ sơ đề nghị xét tặng Danh hiệu;

c) Tổ chức phiên họp Hội đồng các cấp;

d) Công bố thông tin về kết quả xét tặng của Hội đồng các cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân;

đ) Họp báo công bố kết quả của Hội đồng các cấp;

e) Tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”;

g) Các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

Mức chi cụ thể được thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Kinh phí tổ chức xét tặng và tiền thưởng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” được quy định như sau:

a) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm bố trí kinh phí cho các hoạt động tổ chức xét tặng của Hội đồng cấp Nhà nước; tổ chức lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” và các chi phí liên quan khác theo quy định của pháp luật;

b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bố trí kinh phí cho các hoạt động xét tặng của Hội đồng cấp cơ sở và Hội đồng cấp Bộ, tỉnh;

c) Tiền thưởng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” được bố trí trong kinh phí của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật.

Chương II

TIÊU CHUẨN XÉT TẶNG DANH HIỆU “NGHỆ SĨ NHÂN DÂN”, NGHỆ SĨ ƯU TÚ”

Điều 8. Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”

Danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” được xét tặng cho đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này khi đạt các tiêu chuẩn sau đây:

1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương;

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành, nghề nghệ thuật; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ;

3. Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 20 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên;

4. Đã được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” và có ít nhất 02 giải Vàng quốc gia sau khi được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”.

Các giải Vàng trong nước hoặc quốc tế khác của cá nhân hoặc tập thể được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 9. Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”

Danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú được xét tặng cho đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này khi đạt các tiêu chuẩn sau:

1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương;

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ;

3. Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 10 năm trở lên;

4. Có ít nhất 02 Giải Vàng quốc gia hoặc 01 Giải Vàng quốc gia và 02 Giải Bạc quốc gia.

Các giải Vàng trong nước hoặc quốc tế khác của cá nhân hoặc tập thể được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

Tỷ lệ quy đổi các giải Bạc trong nước và quốc tế khác của cá nhân hoặc tập thể sang giải Bạc quốc gia được tính như tỷ lệ quy đổi của giải Vàng.

Chương III

THỦ TỤC XÉT TẶNG DANH HIỆU

 “NGHỆ SĨ NHÂN DÂN”, “NGHỆ SĨ ƯU TÚ”

Điều 10. Thời gian xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”

Danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” được xét tặng và công bố 03 năm một lần, vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2 tháng 9.

Điều 11. Quy trình xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”

Việc xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” được thực hiện qua 3 cấp Hội đồng như sau:

1. Hội đồng cấp cơ sở tại đơn vị nghệ thuật cơ sở do người đứng đầu đơn vị thành lập bao gồm: Nhà hát, Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thuộc các Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Viện, trường đào tạo nghệ thuật, hãng phim thuộc các Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chức năng nghiên cứu, đào tạo, sáng tạo nghệ thuật; Cục Điện ảnh, Cục Nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đơn vị quản lý hoạt động nghệ thuật thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đài Phát thanh, Đài Truyền hình, Đài Phát thanh - Truyền hình cấp tỉnh.

2. Hội đồng cấp Bộ tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an do các Bộ trưởng thành lập; tại Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam do Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam thành lập hoặc Hội đồng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập.

3. Hội đồng cấp Nhà nước thực hiện qua hai bước:

a) Bước 1: Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập theo từng lĩnh vực nghệ thuật: Âm nhạc, Điện ảnh, Sân khấu, Múa, Phát thanh, Truyền hình;

b) Bước 2: Hội đồng cấp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Điều 12. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng các cấp

1. Hội đồng được thành lập theo từng đợt xét tặng và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

2. Cá nhân đang là đối tượng xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” không tham gia các cấp Hội đồng.

3. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc dân chủ, công khai và bỏ phiếu kín.

4. Hội đồng tổ chức phiên họp khi có mặt ít nhất 75% thành viên Hội đồng, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền. Những thành viên Hội đồng vắng mặt được lấy ý kiến bằng phiếu.

5. Hội đồng xem xét, đánh giá về từng cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” theo tiêu chuẩn quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Nghị định này.

6. Hội đồng cấp trên chỉ tiếp nhận và xem xét các hồ sơ do Hội đồng cấp dưới trình theo thủ tục quy định tại các Điều 14, 15 và 16 của Nghị định này.

Điều 13. Hồ sơ xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”

1. Hồ sơ xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” và “Nghệ sĩ ưu tú” gồm:

a) Bản kê khai thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” và “Nghệ sĩ ưu tú” theo Mẫu số 1a và Mẫu số 1b tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao có chứng thực các Quyết định tặng giải thưởng quy định tại Khoản 4 Điều 8 hoặc Khoản 4 Điều 9 của Nghị định này;

c) Bản xác nhận của cơ quan tổ chức cuộc thi, liên hoan, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp về sự tham gia của cá nhân trong các tác phẩm nghệ thuật đạt giải Vàng hoặc Bạc dùng để quy đổi khi tính thành tích cho cá nhân tham gia quy định tại Khoản 4 Điều 8 hoặc Khoản 4 Điều 9 của Nghị định này (nếu có);

d) Bản sao các Quyết định về danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng (nếu có).

2. Cá nhân hoạt động nghệ thuật tại các đơn vị nghệ thuật cơ sở gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến đơn vị nghệ thuật cơ sở nơi cá nhân đó công tác theo thời gian quy định trong Kế hoạch.

3. Cá nhân hoạt động nghệ thuật tự do gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi cá nhân đó đăng ký hộ khẩu thường trú theo thời gian quy định trong Kế hoạch.

Điều 14. Thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” tại Hội đồng cấp cơ sở

1. Hội đồng cấp cơ sở có từ 05 đến 07 thành viên, bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu đơn vị. Trường hợp người đứng đầu đơn vị là đối tượng đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” hoặc “Nghệ sĩ ưu tú” thì cấp phó phụ trách nghệ thuật của đơn vị là Chủ tịch Hội đồng.

b) Phó Chủ tịch Hội đồng là cấp phó phụ trách nghệ thuật của đơn vị;

Trường hợp người đứng đầu đơn vị và cấp phó phụ trách nghệ thuật của đơn vị là đối tượng đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, Nghệ sĩ ưu tú” thì đơn vị phải báo cáo cấp trên trực tiếp bằng văn bản để cử người thay thế Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng.

c) Thành viên Hội đồng bao gồm đại diện có uy tín về chuyên ngành nghệ thuật, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, người phụ trách công tác tổ chức, người phụ trách công tác thi đua, khen thưởng của đơn vị.

Hội đồng sử dụng con dấu của đơn vị. Hội đồng có Tổ Thư ký do Chủ tịch Hội đồng thành lập.

2. Trách nhiệm của Hội đồng cấp cơ sở:

a) Xem xét, đánh giá hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” theo quy định;

b) Thông báo công khai kết quả xét tặng trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn xem xét, đánh giá hồ sơ;

c) Tiếp nhận, xử lý các kiến nghị trong thời gian 20 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo kết quả;

d) Hoàn thiện hồ sơ đủ tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” và được ít nhất 90% tổng số thành viên Hội đồng bỏ phiếu đồng ý gửi cơ quan thường trực Hội đồng cấp Bộ, tỉnh theo thời gian quy định trong Kế hoạch.

3. Hội đồng cấp cơ sở gửi 01 bộ hồ sơ đến cơ quan thường trực của Hội đồng cấp Bộ, tỉnh. Hồ sơ gồm:

a) Tờ trình đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” theo Mẫu số 2a và Mẫu số 2b tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” theo Mẫu số 3a và Mẫu số 3b tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Biên bản họp Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” theo Mẫu số 4a và Mẫu số 4b tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

d) Biên bản kiểm phiếu bầu xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” theo Mẫu số 5a và Mẫu số 5b tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

đ) Báo cáo quá trình xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” theo Mẫu số 6a và Mẫu số 6b tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

e) Quyết định thành lập Hội đồng cấp cơ sở xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”;

g) Hồ sơ cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều 13 của Nghị định này.

Điều 15. Thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” tại Hội đồng cấp Bộ, tỉnh

1. Hội đồng cấp Bộ có từ 11 đến 15 thành viên, bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam;

b) Các Phó Chủ tịch Hội đồng là Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Trưởng Phòng Thi đua, Khen thưởng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hoặc Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và người đứng đầu đơn vị quản lý hoạt động nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam;

c) Thành viên Hội đồng bao gồm đại diện đơn vị phụ trách công tác tổ chức thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; đại diện một số đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; chuyên gia về lĩnh vực nghệ thuật; Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú.

Hội đồng sử dụng con dấu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam. Vụ Thi đua, Khen thưởng hoặc Phòng (Ban) Thi đua - Khen thưởng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam là cơ quan thường trực của Hội đồng. Hội đồng có Tổ Thư ký do Chủ tịch Hội đồng thành lập.

2. Hội đồng cấp tỉnh có từ 11 đến 15 thành viên, bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Các Phó Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc hoặc Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

c) Thành viên Hội đồng bao gồm đại diện Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh, Đài Truyền hình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh; đại diện các đơn vị nghệ thuật tỉnh; chuyên gia về các chuyên ngành nghệ thuật; Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú của tỉnh.

Hội đồng sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực của Hội đồng. Hội đồng có Tổ Thư ký do Chủ tịch Hội đồng thành lập.

3. Trách nhiệm của Hội đồng cấp Bộ, tỉnh:

a) Xem xét, đánh giá hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” theo quy định;

b) Thông báo công khai kết quả xét tặng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn xem xét, đánh giá hồ sơ;

c) Tiếp nhận, xử lý các kiến nghị trong thời gian 20 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo kết quả;

d) Hoàn thiện hồ sơ đủ tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” và được ít nhất 90% tổng số thành viên Hội đồng bỏ phiếu đồng ý gửi cơ quan thường trực của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước theo thời gian quy định trong Kế hoạch.

4. Hội đồng cấp Bộ, tỉnh gửi 01 bộ hồ sơ đến cơ quan thường trực của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước. Hồ sơ gồm:

a) Văn bản quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và Điểm g Khoản 3 Điều 14 của Nghị định này;

b) Quyết định thành lập Hội đồng cấp Bộ, tỉnh xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.

Điều 16. Thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” tại Hội đồng cấp Nhà nước

Thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” tại Hội đồng cấp Nhà nước được thực hiện qua hai bước như sau:

1. Bước 1 tại Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước theo từng lĩnh vực:

a) Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước theo từng lĩnh vực có từ 15 đến 17 thành viên, bao gồm:

- Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

- Các Phó Chủ tịch Hội đồng là Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng và Cục trưởng Cục Điện ảnh hoặc Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

- Thành viên Hội đồng bao gồm đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, chuyên gia về chuyên ngành nghệ thuật, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú;

b) Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước sử dụng con dấu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Vụ Thi đua, Khen thưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực của Hội đồng. Hội đồng có Tổ Thư ký do Chủ tịch Hội đồng thành lập.

c) Trách nhiệm của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước:

- Xem xét, đánh giá hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” theo quy định;

- Thông báo công khai kết quả xét tặng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn xem xét, đánh giá hồ sơ;

- Tiếp nhận, xử lý các kiến nghị trong thời gian 20 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo kết quả;

- Hoàn thiện hồ sơ đủ tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” và được ít nhất 90% tổng số thành viên Hội đồng bỏ phiếu đồng ý gửi cơ quan thường trực của Hội đồng cấp Nhà nước theo thời gian quy định trong Kế hoạch.

d) Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước gửi 01 bộ hồ sơ đến cơ quan thường trực của Hội đồng cấp Nhà nước. Hồ sơ gồm:

- Văn bản quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và Điểm g Khoản 3 Điều 14 của Nghị định này;

- Quyết định thành lập Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.

2. Bước 2 tại Hội đồng cấp Nhà nước:

a) Hội đồng cấp Nhà nước có từ 21 đến 25 thành viên, bao gồm:

- Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

- Các Phó Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương;

- Thành viên Hội đồng bao gồm đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Vụ Thi đua, Khen thưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, chuyên gia về các chuyên ngành nghệ thuật, Nghệ sĩ nhân dân.

b) Hội đồng cấp Nhà nước sử dụng con dấu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực của Hội đồng. Hội đồng có Tổ thư ký do Chủ tịch Hội đồng thành lập.

c) Trách nhiệm của Hội đồng cấp Nhà nước:

- Xem xét, đánh giá và bỏ phiếu lựa chọn cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” theo quy định;

- Thông báo công khai kết quả xét tặng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn xem xét, đánh giá lựa chọn cá nhân;

- Tiếp nhận, xử lý các kiến nghị trong thời gian 20 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo kết quả;

- Chuẩn bị hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Điểm d Khoản này và được ít nhất 90% tổng số thành viên Hội đồng bỏ phiếu đồng ý.

d) Hội đồng cấp Nhà nước gửi Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương 03 bộ hồ sơ để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ theo thời gian quy định trong Kế hoạch. Hồ sơ gồm:

- Văn bản quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và Điểm g Khoản 3 Điều 14 của Nghị định này;

- Quyết định thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2014.

Điều 18. Tổ chức thực hiện

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra thực hiện Nghị định này./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.