• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 30/03/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 25/04/2005
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Số: 08/1999/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BKHĐT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Kạn, ngày 15 tháng 3 năm 1999

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn giải quyết các dự án vay vốn từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm (Quỹ quốc gia giải quyết việc làm) bị rủi ro

__________________________

 

Thực hiện Nghị quyết số 120/HĐBT ngày 11/4/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về chủ trương, phương hướng và biện pháp giải quyết việc làm trong các năm tới;

Thi hành Quyết định số 126/1998/ QĐ-TTg ngày 11/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về việc làm đến năm 2000;

Để tăng cường công tác quản lý cho vay, thu hồi và giải quyết các khoản rủi ro trong tổ chức vay Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn 4513/VPCP-VX ngày 06/11/1998, Liên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội-Tài chính-Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện như sau:

I - NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG :

1- Các dự án vay vốn từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm và các dự án vay từ nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Tiệp khắc (cũ) nếu bị rủi ro do các nguyên nhân khách quan, mất một phần hoặc toàn bộ vốn, người vay vốn hay chủ dự án (sau đây gọi chung là người vay vốn) có khó khăn về tài chính hoặc bị chết, bị mất tích, người thừa kế thực sự không có khả năng trả nợ, có thể được xem xét cho giảm, miễn một phần lãi, khoanh nợ hoặc xoá nợ.

2-Các dự án được xem xét giảm, miễn lãi, khoanh nợ hoặc xoá nợ phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý, các căn cứ chứng minh những thiệt hại rủi ro do những nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến khó khăn, không còn khả năng trả nợ.

3- Thẩm quyền giải quyết dự án rủi ro: Uỷ quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là tỉnh), Bộ Trưởng các Bộ và Thủ trưởng cơ quan TW Tổ chức đoàn thể, Hội quần chúng quyết định phê duyệt giảm, miễn lãi, khoanh nợ. Đối với các dự án phải xoá nợ do Liên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội-Tài chính-Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, thẩm định và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

4- Nguồn vốn để giải quyết các dự án bị rủi ro lấy từ quỹ dự phòng rủi ro được hình thành từ một phần lãi suất theo quy định tại khoản c, Điều 1, Quyết định số 950 TC/HCSN, ngày 17/10/1996 của Bộ Tài chính.

II - NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

1- Đối tượng và phạm vi áp dụng:

- Các dự án sử dụng vốn vay đúng mục đích đã được duyệt, bị thiệt hại do các nguyên nhân khách quan không phụ thuộc vào ý muốn của người vay vốn ( gọi là nguyên nhân bất khả kháng ) bao gồm: bão, lũ lụt, hoả hoạn, hạn hán, động đất, dịch bệnh xảy ra trong phạm vi 1 xã, phường, thị trấn ( sau đây gọi chung là xã ) trở lên.

- Người vay vốn bị chết, bị mất tích, không có người thừa kế hoặc người thừa kế thực sự không có khả năng trả nợ thay cho người vay vốn.

2- Các trường hợp được xem xét giảm, miễn lãi, khoanh nợ hoặc xoá nợ:

a. Giảm hoặc miễn lãi: Các dự án bị thiệt hại một phần do các nguyên nhân bất khả kháng được xét giảm một phần lãi hoặc miễn toàn bộ lãi tuỳ thuộc vào mức độ thiệt hại. Phần vốn gốc và phần lãi không được miễn, giảm thì chủ dự án có trách nhiệm hoàn trả cho Nhà nước đúng thời hạn.

b. Khoanh nợ: Các dự án bị thiệt hại một phần hay toàn bộ do các nguyên nhân bất khả kháng được xem xét khoanh nợ. Thời hạn khoanh nợ tuỳ thuộc vào khả năng của người vay, tối đa không quá 36 tháng. Trong thời gian được khoanh nợ, người vay vốn không phải trả lãi tiền vay, nhưng phải có phương án để trả nợ khi hết thời hạn khoanh nợ.

c. Xoá nợ : Đối với các dự án mà người vay vốn bị chết, bị mất tích không có người thừa kế hoặc người thừa kế thực sự không có khả năng trả nợ thay cho người vay vốn thì được xem xét xoá nợ một phần hoặc toàn bộ, căn cứ vào mức độ thiệt hại và tài sản của người chết, mất tích để lại.

3 - Hồ sơ pháp lý để xem xét giảm, miễn lãi, khoanh nợ hoặc xoá nợ:

- Đơn xin giảm, miễn lãi, khoanh nợ của người vay vốn hoặc đơn xin xoá nợ của người thừa kế ( nêu rõ mức độ thiệt hại, nguyên nhân thiệt hại, khả năng trả nợ, số tiền xin giảm, miễn lãi, khoanh nợ và nêu phương án trả nợ, số tiền xin xoá nợ) có xác nhận của UBND xã. Các dự án của người kinh doanh ( có giấy đăng ký kinh doanh) ngoài xác nhận của UBND xã nơi thực hiện dự án phải có thêm xác nhận của Thủ trưởng cơ quan tài chính cấp huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện); Trường hợp người vay vốn bị chết, bị mất tích phải có giấy chứng tử hoặc giấy xác nhận mất tích của cơ quan có thẩm quyền kèm theo hồ sơ. Đối với dự án của Doanh nghiệp Nhà nước phải có xác nhận của Thủ trưởng Cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp;

- Biên bản kiểm tra về tài sản thiệt hại do cơ quan Lao động- Thương binh và Xã hội, Kho bạc Nhà nước huyện lập, có lãnh đạo UBND xã, tham gia ( biểu mẫu số 1 kèm theo thông tư này).

- Bản sao khế ước vay vốn với Kho bạc Nhà nước;

- Bản sao Quyết định duyệt cho vay của cấp có thẩm quyền.

4 - Thẩm quyền xét duyệt và trình tự thực hiện ở các cấp:

Đối với người vay vốn và cơ quan trực tiếp quản lý người vay vốn :

Khi dự án bị thiệt hại do các nguyên nhân quy định tại Điểm 1, Mục II Thông tư này thì người vay vốn (hay người thừa kế) làm đơn nêu rõ nguyên nhân, số vốn thiệt hại và các đề nghị gửi UBND xã. Sau khi nhận đơn, UBND xã tổ chức xem xét, giải quyết :

- Đối với đơn của người vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình: Tập thể UBND xã xem xét, xác nhận đối tượng trên địa bàn quản lý, thời gian có nguyên nhân bất khả kháng xảy ra, mức độ thiệt hại và gửi Ban chỉ đạo giải quyết việc làm huyện, (qua Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội).

- Đối với đơn của dự án người kinh doanh: Tập thể UBND xã xem xét, xác nhận người vay vốn đang thực hiện dự án trên địa bàn xã, thời gian có nguyên nhân bất khả kháng xảy ra, chuyển đơn của người vay vốn về cơ quan tài chính cấp huyện để xin ý kiến xác nhận mức độ thiệt hại của dự án.

Cơ quan tài chính cấp huyện sau khi nhận được đơn của người vay vốn, tổ chức xem xét, đánh giá mức độ thiệt hại của dự án, xác nhận và gửi về Ban chỉ đạo giải quyết việc làm huyện, (qua Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội).

Đối với Ban chỉ đạo giải quyết việc làm cấp huyện:

Sau khi nhận được đơn xin giảm, miễn lãi, khoanh nợ, xoá nợ của người vay vốn ( hay người thừa kế), Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện chủ trì cùng Kho bạc Nhà nước huyện kiểm tra, xác minh và lập biên bản từng trường hợp cụ thể. Biên bản phải được lập kịp thời, phản ánh đúng thực trạng, phân tích rõ số thiệt hại (trong đó vốn của chủ dự án, vốn vay ngân hàng, vốn vay của Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm, các nguồn khác); Kiến nghị mức giải quyết, phân loại và tổng hợp theo biểu (2a,2b,2c) kèm theo thông tư này; Báo cáo Chủ tịch UBND huyện xem xét và đề nghị UBND tỉnh (qua Ban chỉ đạo giải quyết việc làm tỉnh).

* Hồ sơ gửi Ban chỉ đạo giải quyết việc làm tỉnh, gồm:

- Các văn bản quy định tại Điểm 3, Mục II Thông tư này.

- Biểu tổng hợp theo mẫu 2a,2b,2c (kèm theo Thông tư này).

- Công văn đề nghị của UBND huyện gửi UBND tỉnh.

c. Đối với Ban chỉ đạo giải quyết việc làm tỉnh:

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì cùng với Kho bạc Nhà nước, Sở Tài chính-vật giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ từng hồ sơ các dự án bị rủi ro, tiến hành tổng hợp thẩm tra, phân loại, đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết, cụ thể :

- Đối với các dự án đề nghị giảm, miễn lãi, khoanh nợ: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định, sau đó gửi Quyết định và biểu tổng hợp theo mẫu 3a, 3b kèm theo Thông tư này về Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư.

- Đối với các dự án đề nghị xoá nợ: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, xem xét thẩm định và có công văn đề nghị ( kèm theo biểu tổng hợp mẫu 3c kèm theo Thông tư này) và hồ sơ pháp lý của từng dự án quy định tại Điểm 3, Mục II Thông tư này gửi về Liên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội-Tài chính-Kế hoạch và Đầu tư để kiểm tra, nếu đủ các điều kiện quy định tại Mục II Thông tư này, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

d. Đối với các dự án vay vốn do Thủ trưởng cơ quan Trung ương Tổ chức đoàn thể, Hội quần chúng hoặc Bộ trưởng các Bộ quyết định cho vay:

Việc xử lý các dự án bị rủi ro cũng thực hiện theo quy trình như đối với các dự án do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định cho vay, nhưng thành phần tham gia lập biên bản thiệt hại phải có đại diện Hội, Đoàn thể cấp huyện. Tỉnh hội tổng hợp và xem xét đề nghị Thủ trưởng cơ quan Trung ương Tổ chức đoàn thể, Hội quần chúng giải quyết. Các dự án vay vốn bị rủi ro của các Bộ do Ban chỉ đạo giải quyết việc làm của Bộ xem xét, đề nghị Bộ trưởng giải quyết.

e. Đối với Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội-Tài chính-Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước TW và Kho bạc Nhà nước tỉnh:

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp và tổ chức thẩm định từng dự án xoá nợ do Chủ tịch UBND các tỉnh; Thủ trưởng cơ quan Trung ương Tổ chức đoàn thể, Hội quần chúng, Bộ trưởng các Bộ đề nghị. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Liên Bộ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình Thủ Tướng Chính phủ xem xét ra quyết định xoá nợ.

- Kho bạc Nhà nước tỉnh, căn cứ Quyết định giảm, miễn lãi, khoanh nợ của Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan Trung ương Tổ chức đoàn thể, Hội quần chúng tiến hành làm thủ tục giảm, miễn lãi, khoanh nợ cho chủ dự án và tổng hợp kết quả gửi về Kho bạc Nhà nước TW.

- Kho bạc Nhà nước TW căn cứ Quyết định xoá nợ của Thủ tướng Chính phủ, làm thủ tục cấp vốn cho Kho bạc Nhà nước tỉnh từ nguồn Quỹ dự phòng rủi ro để bù đắp số vốn được xoá nợ và hướng dẫn Kho bạc Nhà nước tỉnh, làm thủ tục xoá nợ phần vốn gốc và lãi đối với chủ dự án.

III-TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, cơ quan TW của các đoàn thể và các cơ quan đầu mối quản lý vốn hỗ trợ việc làm khác triển khai và chỉ đạo rà soát lại các dự án nợ quá hạn, do các nguyên nhân quy định tại Điểm 1, Mục II Thông tư này, bổ sung đầy đủ hồ sơ theo đúng hướng dẫn của Thông tư này và chịu trách nhiệm về tính xác thực của hồ sơ, gửi về Liên Bộ xem xét giải quyết.

2- Các khoản nợ quá hạn và những thiệt hại của dự án vay vốn từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm mà không thuộc đối tương quy định tại Điểm 1, Mục II Thông tư này thì không được giải quyết giảm, miễn lãi, khoanh nợ, xoá nợ. Kho bạc Nhà nước tỉnh chủ trì cùng với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, phối hợp với cơ quan công an, cơ quan pháp luật để tổ chức thu hồi nợ, những trường hợp cố tình không trả Quỹ vay theo quy định thì đề nghị xử lý theo pháp luật .

3- Kho bạc Nhà nước Trung ương hướng dẫn, chỉ đạo Kho bạc Nhà nước địa phương thực hiện đúng quy định tại Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Liên Bộ để nghiên cứu giải quyết. 

 

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Nguyễn Lương Trào

Nguyễn Thị Kim Ngân

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.