• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 25/06/2012
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Số: 1427/QĐ-BKHCN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 25 tháng 6 năm 2012

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành chương trình hành động của Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 24/4/2012 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 – 2015

______________________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 24/4/2012 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011-2015;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Chánh Văn phòng Bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 24/4/2012 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011 - 2020 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 -2015.

Điều 2. Chương trình hành động này thay thế Chương trình hành động của Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011 - 2020 được ban hành kèm theo Quyết định số 809/QĐ-BKHCN ngày 25/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, các đơn vị quản lý KH&CN thuộc các Bộ, ngành và Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

BỘ TRƯỞNG
(Đã ký)

Nguyễn Quân

 

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA

 

 BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Thực hiện nghị Quyết số 10/NQ-CP ngày 24/4/2012 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1427/QĐ-BKHCN ngày 25/6/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

_______________________________

 

Ngày 24/4/2012 Chính phủ đã ra Nghị quyết số 10/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011 - 2020 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 - 2015. Để triển khai thực hiện thành công các nhiệm vụ được giao trong Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011-2015 với những nội dung chính như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Chương trình hành động bao gồm các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu được xác định có tính hệ thống, tổng hợp mà Bộ Khoa học và Công nghệ cần tập trung chỉ đạo, triển khai nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011-2015.

2. Chương trình hành động gồm các nội dung cần thể chế hóa để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2010; Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 2011-2015 và Đề án Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý và cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN).

3. Chương trình hành động là căn cứ để các đơn vị trực thuộc Bộ, các đơn vị quản lý KH&CN của các Bộ, ngành và Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình công tác hàng năm, kế hoạch trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020 của đơn vị nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KH&CN của đất nước.

II. ĐỊNH HƯỚNG VÀ MỘT SỐ CHỈ TIÊU

1. Định hướng phát triển KH&CN

Phát triển đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động KH&CN các cấp nhằm tạo ra kết quả nghiên cứu có chất lượng, tiếp cận trình độ công nghệ quốc tế; đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt, đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại của khu vực ASEAN và thế giới.

2. Một số chỉ tiêu

a) Giai đoạn đến năm 2015:

- Nâng tỷ lệ đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế, số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 10%/năm. Giá trị giao dịch trên thị trường khoa học và công nghệ tăng trung bình 15- 17%/năm.

- Số lượng công bố quốc tế tăng trung bình 15-20%. Số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2006 - 2010.

- Xây dựng 4.000 tiêu chuẩn quốc gia, trong đó phấn đấu đạt 45% tiêu chuẩn quốc gia hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế.

- Tổng đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ đạt 1,5% GDP.

- Hình thành 30 tổ chức nghiên cứu và phát triển có cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại và năng lực nghiên cứu mạnh để giải quyết những vấn đề lớn của quốc gia, đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới; 3.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ; 30 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao. Ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 30% tổng giá trị công nghiệp.

- Hình thành, phát triển tối thiểu 10 sản phẩm dựa trên công nghệ tiên tiến và do các doanh nghiệp khoa học và công nghệ sản xuất; phát triển và mở rộng thị trường của sản phẩm quốc gia.

- Về nhân lực, đến năm 2015, số cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ đạt 9-10 người/vạn dân.

b) Giai đoạn đến năm 2020:

- Đến năm 2020, khoa học và công nghệ góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế. Số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm. Giá trị giao dịch trên thị trường khoa học và công nghệ tăng trung bình 15 - 17%/năm.

- Số lượng công bố quốc tế tăng hơn so với giai đoạn 2011-2015. Số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ tăng 2 lần so với giai đoạn 2011 - 2015.

- Xây dựng 2.000 tiêu chuẩn quốc gia, trong đó phấn đấu đạt 60% tiêu chuẩn quốc gia hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế.

- Tổng đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ đạt 2% GDP.

- Hình thành 60 tổ chức nghiên cứu và phát triển có năng lực nghiên cứu mạnh để giải quyết những vấn đề lớn của quốc gia, đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới; 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ; 60 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao. Ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 40% tổng giá trị công nghiệp.

- Về nhân lực, đến năm 2020, số cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ đạt 11-12 người/vạn dân.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách về KH&CN nhằm đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN

a) Tập trung triển khai thực hiện Đề án Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN nhằm nâng cao tiềm lực, trình độ, chất lượng, hiệu quả của hoạt động KH&CN theo hướng hội nhập quốc tế, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững; phấn đấu đạt được các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-­2020 và Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2011­-2015.

b) Hoàn thiện hành lang pháp lý về KH&CN tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa hệ thống pháp luật chuyên ngành với các lĩnh vực khác có liên quan, bảo đảm thực hiện các chủ trương đổi mới hoạt động KH&CN của Đảng, Chính phủ.

Hoàn thành và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về phát triển KH&CN trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Xây dựng trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật KH&CN sửa đổi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.

Tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến trong quá trình sửa đổi các Luật Ngân sách nhà nước, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Thương mại và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Xây dựng kế hoạch soạn thảo văn pháp quy phạm pháp luật về KH&CN hàng năm của Bộ, trong đó, tập trung hoàn thành các văn bản liên quan đến việc lập kế hoạch và quản lý các Chương trình quốc gia và nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước; cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN; cơ chế, chính sách đối với cán bộ KH&CN, tổ chức KH&CN khi thực hiện chuyển đổi theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (xử lý tài sản; định giá tài sản trí tuệ; góp vốn bằng tài sản trí tuệ;...); chính sách nhập khẩu công nghệ; phát triển các tổ chức dịch vụ KH&CN và các vấn đề phục vụ phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam.

2. Tăng cường tiềm lực KH&CN quốc gia

a) Sử dụng có hiệu quả nguồn đầu tư 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm cho KH&CN; thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện nghiêm túc công tác đầu tư phát triển, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các nguồn đầu tư khác của xã hội, của doanh nghiệp cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia. Thành lập và đưa vào vận hành Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Phát triển hệ thống Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao.

b) Đầu tư thành lập các tổ chức KH&CN mạnh để giải quyết các nhiệm vụ ưu tiên, trọng điểm quốc gia; chú trọng tìm kiếm, phát hiện, hỗ trợ và khuyến khích khởi nghiệp kinh doanh, thương mại hoá kết quả nghiên cứu của các nhóm nghiên cứu trẻ, nhóm nghiên cứu mạnh từ các viện nghiên cứu, trường đại học để trở thành các doanh nghiệp KH&CN đi tiên phong trong ứng dụng, đổi mới công nghệ và định hướng thị trường; đầu tư xây dựng một số viện nghiên cứu trọng điểm đầu ngành và một số trường đại học nghiên cứu đạt trình độ khu vực và quốc tế.

Thúc đẩy gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh theo hướng tập trung ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, hình thành doanh nghiệp KH&CN trong các trường đại học, viện nghiên cứu; tập trung nguồn lực xây dựng các trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo quốc gia, trung tâm ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghệ cao. Đẩy mạnh hoạt động đánh giá khoa học và định giá công nghệ. Tập trung đánh giá các tổ chức KH&CN, các nhiệm vụ KH&CN; định giá tài sản trí tuệ và giá trị công nghệ.

Rà soát, sắp xếp lại, tăng cường đầu tư và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; tổ chức thực hiện Chương trình nâng cao năng lực của các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, trung tâm tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đầu tư xây dựng Trung tâm Thông tin KH&CN khu vực phía Nam (tại Thành phố Hồ Chí Minh) và Trung tâm Thông tin khoa học và giao dịch công nghệ quốc gia (tại Thành phố Hà Nội).

c) Phát triển nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao và đội ngũ trí thức. Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia trong từng lĩnh vực. Rà soát, đánh giá các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý khoa học và công nghệ của lực lượng cán bộ quản lý khoa học và công nghệ ở các cấp. Triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ, kỹ sư trưởng, tổng công trình sư trong các hướng, lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên. Hoàn thiện chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ, đặc biệt coi trọng nguồn nhân lực trí thức Việt kiều. Xây dựng đề án phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2020.

d) Đẩy mạnh phát triển Mạng thông tin KH&CN Việt Nam (VISTA), mở rộng kết nối Mạng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam (VinaREN) tới 100% các viện nghiên cứu, các phòng thí nghiệm trọng điểm, các trường đại học, các bệnh viện lớn, các trung tâm thông tin - thư viện đầu mối.

Phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ, đặc biệt là dịch vụ thông tin, tư vấn, môi giới, đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng. Hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin công nghệ và mạng lưới các trung tâm chuyển giao công nghệ để hỗ trợ hoạt động nhập khẩu, đổi mới công nghệ.

3. Đẩy nhanh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và doanh nghiệp

a) Đổi mới phương thức xây dựng, tổ chức và quản lý các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước, cũng như các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai cấp bộ và cơ sở; nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu, tăng tỷ lệ các dự án sản xuất thử nghiệm và huy động tiềm lực của doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh.

Rà soát, lồng ghép các nhiệm vụ thuộc chương trình, đề án KH&CN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với việc sắp xếp, tổ chức lại các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước.

Đổi mới phương thức đánh giá nhiệm vụ KH&CN. Sửa đổi các quy định về việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo hướng bảo đảm khách quan, minh bạch và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế, gắn với kết quả đầu ra và trách nhiệm cụ thể của người giao nhiệm vụ. Tăng cường kiểm tra, giám sát và thanh tra chuyên ngành việc thực hiện các chương trình, đề tài, dự án KH&CN sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong quá trình thực hiện và sau nghiệm thu.

b) Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, phấn đấu tạo ra các sản phẩm quốc gia, sản phẩm công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn, mang thương hiệu Việt Nam, đủ sức cạnh tranh trong xuất khẩu và thay thế nhập khẩu.

c) Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội:

- Hoàn thiện cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư đổi mới công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi.

- Đẩy mạnh ứng dụng và đổi mới công nghệ trong công nghiệp; tăng cường nhập khẩu công nghệ kết hợp với nâng cao năng lực nghiên cứu, giải mã, làm chủ, bản địa hoá công nghệ nhập khẩu.

- Thúc đẩy nghiên cứu tiếp thu, phát triển, ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ mới phù hợp để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá các ngành, các lĩnh vực trong nước và hướng tới xuất khẩu. Phát triển có chọn lọc các ngành công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao. Xây dựng đề án phát triển năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm mới, công nghệ cao.

d) Xác định danh mục sản phẩm, hàng hóa chủ lực của nền kinh tế và sản phẩm, hàng hóa có chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Lựa chọn và hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực áp dụng các giải pháp ứng dụng, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng phù hợp với đặc thù của ngành, địa phương và doanh nghiệp.

e) Phát triển mạnh các hoạt động xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, hỗ trợ đăng ký và khai thác sáng chế trong các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp. Hỗ trợ phát triển hoạt động nhập khẩu công nghệ, khai thác, tìm kiếm, tư vấn xác định nhu cầu công nghệ trong doanh nghiệp. Phát triển mạnh các trung tâm xúc tiến và hỗ trợ giao dịch công nghệ. Hình thành mạng lưới các tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ trong cả nước. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các sản phẩm khoa học và công nghệ trong và ngoài nước được trao đổi, mua bán trên thị trường.

f) Đẩy mạnh công tác thống kê, thông tin, tuyên truyền về KH&CN. Tổ chức biên soạn niên giám thống kê KH&CN hàng năm. Tổ chức giải thưởng báo chí thường niên về KH&CN (bắt đầu từ năm 2012).

4. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; hình thành hệ thống doanh nghiệp KH&CN; phát triển thị trường công nghệ

a) Tổ chức thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

b) Thúc đẩy hoạt động đổi mới, ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu đổi mới công nghệ và thành lập tổ chức KH&CN của doanh nghiệp. Khuyến khích hình thành và phát triển các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong doanh nghiệp.

Nâng cao năng lực các tổ chức dịch vụ KH&CN trên cả nước, hình thành hệ thống các tổ chức dịch vụ về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, chuyển giao công nghệ, thông tin công nghệ (tư vấn, đánh giá, định giá, thẩm định, giám định, kiểm nghiệm, thử nghiệm, sàn giao dịch công nghệ ...).

Hình thành các trung tâm giao dịch công nghệ tại các vùng kinh tế lớn, các sàn giao dịch công nghệ thực và ảo tại các địa phương. Tổ chức Chợ Công nghệ và Thiết bị ở các quy mô khác nhau. Tăng cường hoạt động kết nối cung-cầu công nghệ.

5. Nâng cao chất lượng hoạt động quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng và hoạt động sở hữu trí tuệ

a) Phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực. Hoàn thành xây dựng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các nhóm sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, vệ sinh và ô nhiễm môi trường. Tăng cường áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra đo lường, chất lượng hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động đo lường, thử nghiệm.

Xây dựng mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm, hàng hóa chủ lực. Xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân hoạt động chuyên nghiệp về năng suất và chất lượng. Tổ chức hoạt động tuyên truyền, xây dựng phong trào và hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng.

Đẩy mạnh thực hiện quy định pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Đề án triển khai thực hiện Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) giai đoạn 2011-2015, Chương trình quốc gia thúc đẩy năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020.

b) Tập trung công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ. Triển khai các giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên phạm vi toàn quốc.

Tổ chức triển khai và quản lý có hiệu quả Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn đến 2015, đặc biệt hỗ trợ mặt chuyên môn và pháp lý cho việc bảo vệ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa của các doanh nghiệp, địa phương.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn, xây dựng, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ. Thúc đẩy việc khai thác tài nguyên sở hữu trí tuệ, nhất là sáng chế phục vụ sản xuất.

Duy trì và mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ. Chủ động tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ WTO.

6. Chủ động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ

a) Thực hiện Đề án hội nhập quốc tế về KH&CN, tăng cường hợp tác với các quốc gia phát triển về KH&CN, tổ chức các hoạt động nghiên cứu chung, đào tạo cán bộ khoa học và cán bộ quản lý khoa học ở nước ngoài, chủ trì phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế tại Việt Nam.

b) Tăng cường hiệu quả hoạt động của mạng lưới đại diện KH&CN ở nước ngoài nhằm tìm kiếm, chuyển giao công nghệ tiên tiến; tiếp thu tiến bộ trong công tác nghiên cứu chiến lược, cơ chế chính sách về KH&CN của nước ngoài; huy động nguồn tài chính quốc tế cho hoạt động KH&CN thông qua Nghị định thư, huy động các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức KH&CN nước ngoài và người nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN ở Việt Nam; kết nối cung cầu công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam với nước ngoài.

c) Triển khai hiệu quả các dự án hợp tác với các đối tác lớn như Ngân hàng thế giới và các quốc gia Đức, Phần Lan, Đan Mạch, ... Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài trợ ODA của Nhật Bản tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

d) Hình thành các trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ xuất sắc trên cơ sở hợp tác dài hạn giữa các tổ chức nghiên cứu khoa học của Việt Nam và của nước ngoài. Thí điểm xây dựng một số viện khoa học và công nghệ tiên tiến có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

7. Tích cực chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật và nhân lực cho phát triển điện hạt nhân; đẩy mạnh quản lý về năng lượng nguyên tử và an toàn bức xạ, hạt nhân

a) Tích cực triển khai Quy hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đến năm 2020. Tập trung chuẩn bị vật chất - kỹ thuật; hoàn thiện hành lang pháp lý; đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý trình độ cao phục vụ phát triển điện hạt nhân; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn, an ninh hạt nhân.

b) Tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước về an toàn, an ninh, kiểm soát nguồn phóng xạ và hạt nhân. Kiện toàn tổ chức cơ quan quản lý về năng lượng nguyên tử, an toàn, bức xạ hạt nhân. Hoàn thành thủ tục đàm phán để ký kết và tham gia các điều ước quốc tế song phương và đa phương quan trọng trong lĩnh vực này.

c) Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng bức xạ; năng lượng nguyên tử trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp, môi trường, y tế,... phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Khởi động Dự án xây dựng Trung tâm nghiên cứu KH&CN hạt nhân.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, các đơn vị quản lý KH&CN thuộc các Bộ, ngành và Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, căn cứ vào Chương trình hành động này để xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung công việc được giao.

2. Định kỳ hàng năm và 5 năm, các cơ quan, đơn vị nêu trên tiến hành xây dựng báo cáo kết quả thực hiện, trong đó bao gồm số liệu thống kê kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch (nếu có). Riêng các Vụ chuyên ngành (Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế-kỹ thuật, Vụ Khoa học xã hội và tự nhiên, Vụ Công nghệ cao) chịu trách nhiệm đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện của các Bộ, ngành được phân công theo dõi, quản lý; Ban KH&CN địa phương chịu trách nhiệm đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện của các Sở Khoa học và Công nghệ. Báo cáo của các đơn vị gửi về Vụ Kế hoạch-Tài chính và Văn phòng Bộ trước ngày 5/12 hàng năm.

Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị chuẩn bị báo cáo và xây dựng báo cáo chung của Bộ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Chính phủ theo đúng yêu cầu.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, chủ động báo cáo, kiến nghị với Bộ trưởng về các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm Chương trình hành động này được thực hiện hiệu quả, đồng bộ./.

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.