• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 08/04/1995
  • Ngày hết hiệu lực: 01/09/1998
TỔNG CỤC HẢI QUAN
Số: 126/TCHQ-QĐ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Kạn, ngày 8 tháng 4 năm 1995

QUYẾT ĐỊNH

CỦA TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 126/TCHQ-QĐ NGÀY 8 THÁNG 4 NĂM 1995 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG GIA CÔNG XUẤT, NHẬP KHẨU VÀ NGUYÊN LIỆU NHẬP KHẨU
ĐỂ SẢN XUẤT HÀNG XUẤT KHẨU.

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

- Căn cứ Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

- Căn cứ Pháp lệnh hải quan ngày 20-2-1990;

- Căn cứ Nghị định 16/CP ngày 7-3-1994 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Tổng cục Hải quan;

- Để đảm bảo chức năng quản lý Nhà nước về hải quan, đồng thời góp phần khuyến khích và thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng gia công XNK và nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu.

- Xét đề nghị của ông Cục trưởng Cục Giám sát - quản lý về Hải quan,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế về chế độ giám sát và quản lý về hải quan đối với hàng gia công cho nước ngoài (kể cả hàng gia công của xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) và nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu.

Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 90/TCHQ-QĐ ngày 2-8-1994 của Tổng cục Hải quan.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Điều 4. Các ông thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan, Hiệu trưởng trường Hải quan Việt Nam; ông Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

QUY CHẾ

VỀ QUẢN LÝ HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG GIA CÔNG XUẤT, NHẬP KHẨU VÀ NGUYÊN LIỆU NHẬP KHẨU ĐỂ SẢN XUẤT HÀNG XUẤT KHẨU

(Ban hành kèm theo Quyết định số 126/TCHQ-QĐ
ngày 8 tháng 4 năm1995 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)

 

CHƯƠNG I: QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Hàng hoá gia công XNK của các doanh nghiệp Việt Nam (kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) là loại hình tạm nhập khẩu nguyên, phụ liệu của chủ hàng nước ngoài để tạo ra sản phẩm và tái xuất khẩu sản phẩm đó theo yêu cầu của chủ hàng nước ngoài, trên cơ sở hợp đồng gia công đã được Bộ Thương mại phê duyệt và cấp giấy phép (nếu có).

Điều 2. Tất cả hàng hoá gia công từ khi nhập khẩu nguyên, phụ liệu cho đến khi xuất khẩu sản phẩm đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát và quản lý của Hải quan và nộp lệ phí hải quan theo quy định.

Điều 3. Toàn bộ sản phẩm gia công phải được xuất trả cho chủ hàng nước ngoài hoặc khách hàng nước ngoài mà chủ hàng thuê gia công chỉ định.

Điều 4.

4.1. Hợp đồng gia công và phụ kiện hợp đồng phải thể hiện đầy đủ các điều khoản như: yêu cầu gia công, mẫu mã, định mức tiêu hao nguyên, phụ liệu, phương thức cung cấp nguyên, phụ liệu; phương thức đảm bảo máy móc, thiết bị; phương thức giao sản phẩm; phương thức thanh toán tiền công gia công và thời gian để hoàn thành hợp đồng gia công hoặc từng phụ kiện của hợp đồng gia công.

4.2. Trong quá trình thực hiện hợp dồng gia công, nếu có điều chỉnh, thay đổi các điều khoản của hợp đồng gia công, doanh nghiệp phải cung cấp cho Hải quan văn bản điều chỉnh đó.

Điều 5. Thủ tục hải quan dối với việc nhập khẩu nguyên, phụ liệu, xuất khẩu sản phẩm gia công thực hiện theo quy định trình nghiệp vụ hải quan hiện hành như đối với một lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu. Ngoài ra do đặc điểm của loại hình gia công, Quy chế này quy định thêm các điểm sau:

5.1. Doanh nghiệp nhận gia công phải mở sổ theo dõi, quản lý hợp đồng gia công cho từng hợp đồng (theo mẫu của Tổng cục hải quan ban hành).

5.2. Đối với hợp đồng gia công kéo dài trong nhiều năm thì mở sổ theo dõi từng phụ kiện hợp đồng, việc thanh, quyết toán như hợp đồng riêng lẻ.

5.3. Mỗi hợp đồng (hoặc phụ kiện hợp đồng) phải mở hai sổ theo dõi, một sổ do doanh nghiệp giữ, một sổ lưu tại Hải quan tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục chính để thống kê, theo dõi việc nhập nguyên, phụ liệu và xuất sản phẩm từ khi bắt đầu thực hiện hợp dồng gia công cho đến khi kết thúc toàn bộ hợp dồng gia công. Việc sử dụng sổ theo hướng dẫn riêng của Tổng cục Hải quan.

Điều 6.

6.1. Việc đăng ký tờ khai và làm thủ tục hải quan đối với một hợp đồng gia công từ khi nhập khẩu nguyên, phụ liệu đến khi xuất khẩu sản phẩm, duyệt định mức nguyên, phụ liệu, thanh lý hợp dồng chỉ do một đơn vị Hải quan tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục Hải quan đảm nhiệm.

6.2. Trường hợp doanh nghiệp được phép nhập khẩu nguyên, phụ liệu, xuất khẩu sản phẩm tại một cửa khẩu ở tỉnh, thành phố khác thì phải đăng ký và làm thủ tục hải quan ở Hải quan tỉnh, thành phố quản lý sổ để tiện theo dõi và thanh khoản hợp dồng. Trong trường hợp đó, Hải quan có cửa khẩu xuất, nhập cho làm thủ tục trên cơ sở bộ hồ sơ đã được Hải quan tỉnh, thành phố quản lý sổ chuyển đến, không yêu cầu doanh nghiệp phải xuất trình sổ quan lý.

 

CHƯƠNG II. QUẢN LÝ ĐỐI VỚI NGUYÊN,
PHỤ LIỆU NHẬP KHẨU

Điều 7. Các phương thức cung cấp nguyên, phụ liệu gia công được cấp chấp nhận.

7.1. Bên thuê gia công cung cấp toàn bộ nguyên, phụ liệu để thực hiện hợp đồng gia công.

7.2. Bên thuê gia công cung cấp một phần nguyên, phụ liệu; phần còn lại mua tại thị trường Việt Nam. Hải quan tạo thuận lợi cho việc mua nguyên, phụ liệu tại thị trường Việt Nam, không hạn chế số lượng, chủng loại với điều kiện nộp đủ thuế xuất khẩu (nếu có).

Điều 8. Bộ hồ sơ để đăng ký làm thủ tục hải quan đối với nguyên, phụ liệu nhập khẩu gia công bao gồm những chứng từ như quy định với một lô hàng nhập khẩu. Ngoài ra phải nộp thêm:

- 01 bản hợp dồng gia công hoặc phụ kiện hợp đồng với nội dung như quy định tại Điều 4.

- 01 sổ quản lý hàng gia công.

Điều 9. Trừ một số trường hợp đặc biệt (gia công vàng, bạc, da sống...), còn lại các trường hợp khác khi kiểm hoá thực tế, nguyên, phụ liệu gia công nhập khẩu Hải quan phải lưu giữ lại những mẫu nguyên, phụ liệu để làm cơ sở đối chiếu với sản phẩm gia công xuất khẩu theo hợp đồng.

Điều 10. Kiểm tra định mức: Đối với những mặt hàng có thể kiểm tra định mức được (hàng may, hàng dệt...) hoặc có căn cứ không chấp nhận định mức của hợp đồng thì phải kiểm tra định mức. Các trường hợp khác thì căn cứ vào định mức của hợp đồng đã được Bộ Thương mại duyệt.

 

CHƯƠNG III: QUẢN LÝ ĐỐI VỚI SẢN PHẨM GIA CÔNG
XUẤT KHẨU

Điều 11. Bộ hồ sơ để đăng ký làm thủ tục hải quan đối với sản phẩm gia công xuất khẩu bao gồm những chứng từ như quy định đối với một lô hàng xuất khẩu. Ngoài ra phải xuất trình:

- Hợp đồng gia công hoặc phụ kiện hợp đồng đã được đăng ký.

- Sổ theo dõi hàng gia công đã được đăng ký hải quan.

Điều 12. Giải quyết các trường hợp cụ thể đối với nguyên, phụ liệu gia công thừa, thiếu, hàng thứ phẩm:

12.1. Nguyên, phụ liệu thừa, hàng thứ phẩm được xử lý như sau:

a) Xuất trả lại cho chủ hàng nước ngoài thuê gia công, hoặc:

b) Nếu doanh nghiệp đề nghị trên cơ sở thoả thuận bằng văn bản giữa bên thuê gia công và bên nhận gia công, hải quan chấp nhận cho chuyển nguyên, phụ liệu từ hợp dồng này sang hợp đồng khác (hoặc từ phụ kiện hợp đồng này sang phụ kiện hợp đồng khác) với điều kiện là phải đảm bảo tổng số nguyên, phụ liệu nhập khẩu đầu vào bằng tổng sản phẩm xuất theo định mức đã được Hải quan chấp thuận, hoặc:

c) Nếu số lượng nguyên, phụ liệu thừa chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số nguyên, phụ liệu nhập khẩu, bên thuê gia công xin bán tại Việt Nam thì Hải quan chấp nhận cho bán (trừ những mặt hàng hạn ngạch và hàng Nhà nước quản lý theo kế hoạch định hướng phải xin phép Bộ Thương mại) nhưng phải nộp thuế nhập khẩu; hoặc:

d) Muốn biếu tặng cho tổ chức từ thiện thì Hải quan chấp nhận cho biếu tặng miễn thuế với điều kiện bên nhận phải có văn bản cam kết sử dụng đúng mục đích từ thiện, văn bản phải có ý kiến đề nghị của cơ quan cấp trên; hoặc:

e) Nguyên, phụ liệu thừa, sản phẩm thứ phẩm nếu không còn sử dụng được thì lập Hội đồng cho huỷ theo đúng quy định, không thu thuế.

12.2. Nguyên, phụ liệu gia công của một hợp đồng chưa nhập hết, trong khi sản phẩm gia công đã xuất đủ (do đã mua một phần nguyên, phụ liệu ở Việt Nam) thì không được nhận tiếp. Muốn nhận tiếp thì phải tái xuất số sản phẩm tương ứng trên cơ sở thoả thuận bổ sung giữa bên thuê gia công và bên nhận gia công.

12.3. Nguyên, phụ liệu thiếu:

a) Nhập từ nước ngoài vào phải được phép của Bộ Thương mại.

b) Nếu xin chuyển từ hợp đồng khác thay thế nhập khẩu từ nước ngoài vào phải đúng với điểm b - khoản 12.1 như trên.

c) Sử dụng nguyên, phụ liệu có sẵn ở Việt Nam (bao gồm cả nguồn từ nước ngoài vào Việt Nam) Hải quan chấp nhận cho mua tại thị trường Việt Nam không hạn chế số lượng, nhưng phải nộp đủ thuế xuất khẩu (nếu có).

 

CHƯƠNG IV

THANH KHOẢN HỢP ĐỒNG GIA CÔNG

Điều 13. Sau khi kết thúc hợp đồng gia công (hoặc phù kiện hợp đồng gia công), doanh nghiệp phải tổng hợp quyết toán với cơ quan Hải quan về số lượng nguyên, phụ liệu gia công nhập khẩu, sản phẩm xuất khẩu và nguyên, phụ liệu, sản phẩm gia công hư hỏng, thừa, thiếu.

Sau 45 ngày kể từ khi kết thúc hợp đồng gia công (theo thời gian ghi trong hợp đồng) nếu doanh nghiệp nhận gia công không quyết toán sổ sách với cơ quan Hải quan thì cơ quan Hải quan sẽ ngừng làm thủ tục xuất, nhập khẩu và thủ tục miễn thuế nhập khẩu cho những lô hàng của hợp đồng tiếp theo.

Điều 14. Việc miễn thuế, truy thu thuế thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 72A/TC-TCT ngày 30-8-1989.

Điều 15. Thuế xuất, nhập khẩu đối với nguyên, phụ liệu thừa, thiếu hàng thứ phẩm:

15.1. Nguyên, phụ liệu mua tại thị trường Việt Nam phải nộp thuế xuất khẩu theo Luật định như quy định tại điểm c khoản 12.3 trên.

15.2. Thuế xuất, nhập khẩu đối với nguyên, phụ liệu thừa, sản phẩm thứ phẩm, hư hỏng không sử dụng được giải quyết như quy định tại điểm c, d, e - khoản 12.1 như trên.

15.3. Giấy, phấn để vẽ cắt mẫu, hàng gia công và các tài liệu phục vụ cho yêu cầu về kỹ thuật gia công, nếu phù hợp với yêu cầu của hợp đồng thì cho nhập miễn thuế; nếu không phù hợp thì không cho nhập hoặc cho nhập nhưng phần vượt phải nộp thuế

 

CHƯƠNG V

QUẢN LÝ HẢI QUAN ĐỐI VỚI NGUYÊN, PHỤ LIỆU NHẬP KHẨU ĐỂ SẢN XUẤT HÀNG XUẤT KHẨU

Điều 16. Nhập khẩu nguyên, phụ liệu để sản xuất hàng xuất khẩu là hình thức mua đứt, bán đoạn: Doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên, phụ liệu và xuất khẩu sản phẩm sản xuất từ nguyên phụ liệu đó. Cơ sở pháp lý của phương thức này là hai hợp đồng riêng biệt: hợp đồng nhập khẩu nguyên, phụ liệu và hợp đồng xuất khẩu sản phẩm.

Điều 17.

17.1. Thủ tục Hải quan đối với việc nhập khẩu nguyên, phụ liệu và xuất khẩu sản phẩm như quy định về thủ tục hải quan đối với lô hàng xuất hoặc nhập khẩu.

17.2. Quản lý hải quan đối với việc nhập khẩu nguyên, phụ liệu và xuất khẩu sản phẩm như nội dung tương ứng quy định tại các điều 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12.3a, 12.3c trên đây.

Điều 18. Việc hoàn thuế đối với nguyên, phụ liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu như quy định tại điểm VII.1.đ Thông tư 72A-TC-TCT dẫn trên.

Điều 19. Trường hợp nhập khẩu nguyên, phụ liệu một lần cho sản xuất một thời gian dài, sản phẩm giao làm nhiều lần thì dù quá 90 ngày chưa xuất hết sản phẩm cũng không bị cưỡng chế. tuy nhiên phần nguyên, phụ liệu kéo dài quá 90 ngày phải bị phạt chậm nộp thuế 0,2%, hoặc nộp thuế (trừ phần đã xuất khẩu trong 90 ngày) và sau khi đã xuất hết sản phẩm sẽ được hoàn thuế.

Điều 20. Ngày thực xuất hàng: Trong khi chưa sửa đổi được thời gian chưa phải nộp thuê cho dù hợp từng loại hình sản xuất hàng xuất khẩu, để tạo thêm điều kiện cho doanh nghiệp, Tổng cục hải quan quy định ngày thực xuất hàng là ngày Hải quan đã kiểm hoá hàng xuất khẩu xong, hàng đã đưa vào cảng chờ xếp xuống tầu.

 

CHƯƠNG VI: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21. Những hành vi vi phạm các quy định tại Quy chế này tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị xử ký theo quy định của Pháp luật hiện hành.

Điều 22. Quy chế này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Điều 23. Cục trưởng Cục giám sát - quản lý về hải quan; thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục hải quan; Hiệu trưởng trường Hải quan Việt Nam; Cục trưởng Cục hải quan các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

 

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Phan Văn Dĩnh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.