THÔNG TƯ
Hướng dẫn về bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình
và giám sát thi công xây dựng công trình
_______________
Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Bộ Xây dựng hướng dẫn về bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và giám sát thi công xây dựng công trình như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Hướng dẫn hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình (sau đây viết tắt là QLDA) và giám sát thi công xây dựng công trình (sau đây viết tắt là GSTC) theo Điều 36, Điều 40 và Điều 57 của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, bao gồm: quy định về điều kiện năng lực của cơ sở đào tạo; về việc đăng ký, thẩm định, công nhận các cơ sở đào tạo; quy định về chương trình khung; về công tác tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, cấp chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ; việc quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ.
2. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan trong hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA và GSTC; các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng.
Điều 2. Mục đích, yêu cầu của việc bồi dưỡng nghiệp vụ và đối tượng học viên
1. Mục đích: Giúp cho học viên có đủ điều kiện năng lực khi tham gia QLDA hoặc GSTC.
2. Yêu cầu: Cung cấp kiến thức pháp luật và chuyên môn về nghiệp vụ QLDA và GSTC; phương pháp, kỹ năng và kinh nghiệm thực tế cho các cá nhân trực tiếp tham gia QLDA và GSTC.
3. Đối tượng học viên: Các cá nhân có bằng trung cấp chuyên nghiệp trở lên thuộc các lĩnh vực liên quan tới hoạt động xây dựng.
Chương II
ĐIỀU KIỆN NĂNG LỰC, ĐĂNG KÝ, THẨM ĐỊNH VÀ CÔNG NHẬN CƠ SỞ ĐÀO TẠO
Điều 3. Điều kiện năng lực để công nhận cơ sở đào tạo
1. Tư cách pháp nhân: Các cơ sở đào tạo từ cao đẳng chuyên nghiệp trở lên, các trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ, các viện, học viện, trung tâm nghiên cứu có chức năng bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành xây dựng; các trung tâm có chức năng đào tạo thuộc các Hội nghề nghiệp liên quan đến hoạt động xây dựng.
Đối với các pháp nhân khác, Bộ Xây dựng sẽ xem xét cụ thể trên cơ sở nhu cầu và tình hình thực tế để công nhận.
2. Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo:
a) Đảm bảo các phòng học có quy mô và tiện nghi phù hợp với số lượng học viên và các phương tiện, thiết bị đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập.
b) Có các phòng thí nghiệm hoặc các băng đĩa hình để giới thiệu về các thí nghiệm chuyên ngành xây dựng (đối với bồi dưỡng nghiệp vụ GSTC).
3. Giảng viên:
a) Cơ sở đào tạo phải có ít nhất 40% giảng viên trong biên chế hoặc có hợp đồng không xác định thời hạn trên tổng số giảng viên tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA hoặc GSTC.
b) Tiêu chuẩn: Tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành phù hợp với nội dung tham gia giảng dạy; Giảng viên tham gia giảng dạy kỹ năng QLDA và GSTC phải có kinh nghiệm thực tế từ 7 năm trở lên hoạt động trong các lĩnh vực quản lý dự án, quản lý kinh tế xây dựng; khảo sát, thiết kế; thi công xây dựng; giám sát thi công xây dựng công trình; nghiên cứu, giảng dạy về chuyên ngành xây dựng.
c) Giảng viên có bản kê khai về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế trong hoạt động nghề nghiệp.
4. Tài liệu giảng dạy:
a) Tài liệu giảng dạy phải được in, đóng thành quyển kèm theo bộ đề kiểm tra của chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA hoặc GSTC.
b) Nội dung tài liệu giảng dạy phù hợp với chương trình khung quy định tại Phụ lục 1 và Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
5. Quản lý đào tạo:
a) Có bộ máy quản lý đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn và nghiệp vụ để tổ chức các khoá bồi dưỡng, lưu trữ hồ sơ học viên, hồ sơ tài liệu liên quan tới công tác bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA và GSTC.
b) Có quy trình quản lý và kiểm soát chất lượng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ.
c) Có người phụ trách khoá học có kinh nghiệm 5 năm trở lên trong việc tổ chức các khoá bồi dưỡng hoặc tập huấn nghiệp vụ về các lĩnh vực liên quan đến hoạt động xây dựng.
Điều 4. Hồ sơ đăng ký
1. Đăng ký: Các cơ sở đào tạo có nhu cầu và nếu đáp ứng được điều kiện năng lực nêu tại Điều 3 của Thông tư này có thể lập hồ sơ trình Bộ Xây dựng để được xem xét, công nhận là cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA hoặc GSTC.
Cơ sở đào tạo có nhu cầu tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ GSTC đối với nhiều chuyên ngành xây dựng (dân dụng, công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật; giao thông; thuỷ lợi, thuỷ điện) phải lập hồ sơ đăng ký đáp ứng năng lực đối với từng chuyên ngành.
2. Hồ sơ đăng ký gồm: Các tài liệu chứng minh và thuyết minh của cơ sở đào tạo thể hiện việc đáp ứng điều kiện năng lực nêu tại Điều 3 của Thông tư này, cụ thể như sau:
a) Công văn đề nghị được tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA hoặc GSTC;
b) Hồ sơ pháp lý: Quyết định thành lập, Quy định chức năng nhiệm vụ, đăng ký hoạt động khoa học, Điều lệ tổ chức hoạt động;
c) Kê khai, xác nhận về năng lực của cơ sở đào tạo (cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm);
d) Tài liệu giảng dạy, bộ đề kiểm tra;
đ) Danh sách giảng viên (có kê khai về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế trong hoạt động nghề nghiệp) kèm theo hợp đồng giảng dạy hoặc hợp đồng lao động.
Điều 5. Thẩm định và công nhận cơ sở đào tạo
1. Thẩm định: Bộ Xây dựng thành lập Hội đồng để thẩm định hồ sơ đăng ký của cơ sở đào tạo. Trước khi họp Hội đồng, Bộ Xây dựng có thể tổ chức kiểm tra trực tiếp năng lực của cơ sở đào tạo theo nội dung quy định tại Điều 3 của Thông tư này.
2. Công nhận: Căn cứ kết quả thẩm định, Bộ Xây dựng quyết định công nhận cơ sở đào tạo đủ điều kiện tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA hoặc GSTC.
Đối với chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ GSTC, trong Quyết định có thể công nhận cơ sở đào tạo được bồi dưỡng nghiệp vụ GSTC một hoặc nhiều chuyên ngành xây dựng (dân dụng, công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật; giao thông; thuỷ lợi, thuỷ điện).
Chương III
TỔ CHỨC BỒI DƯỠNG VÀ CẤP CHỨNG NHẬN BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ
Điều 6. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA hoặc GSTC
1. Cơ sở đào tạo thực hiện các quy định về tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ như sau:
a) Thông báo tuyển sinh, trong đó nêu rõ lĩnh vực bồi dưỡng, yêu cầu đối với học viên, chương trình và nội dung khoá bồi dưỡng, thời gian, địa điểm, kinh phí và các thông tin cần thiết khác;
b) Thông báo kế hoạch tổ chức (thời gian, địa điểm, thời lượng, giảng viên) về Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng địa phương nơi tổ chức khoá học trước ngày khai giảng để theo dõi và kiểm tra khi cần thiết. Trường hợp có thay đổi kế hoạch thì cơ sở đào tạo phải thông báo kịp thời về Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng;
c) Phổ biến nội quy, quy định của khoá học và cung cấp đầy đủ tài liệu của khoá học cho học viên trong ngày khai giảng;
d) Tổ chức giảng dạy và học tập theo chương trình đảm bảo về nội dung và thời lượng. Đảm bảo giảng viên lên lớp đúng như danh sách đã đăng ký. Tổ chức kiểm soát thời gian học của học viên;
đ) Tổ chức thi, kiểm tra và đánh giá, xếp loại kết quả học tập để cấp chứng nhận cho học viên;
e) Lấy ý kiến đóng góp của học viên về khóa học;
g) Gửi Quyết định cấp chứng nhận và danh sách học viên được cấp chứng nhận, báo cáo việc thực hiện kế hoạch thay đổi (nếu có) về Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng nơi tổ chức khoá học trong thời gian không quá 7 ngày kể từ ngày kết thúc khoá học.
2. Các khoá bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA và GSTC phải được tổ chức tập trung; đảm bảo đủ thời gian, nội dung theo quy định của chương trình khung. Khuyến khích cơ sở đào tạo mở rộng nội dung của từng chuyên đề và bổ sung thêm các chuyên đề nâng cao cho khoá học. Số lượng học viên không được quá 150 học viên cho 01 lớp học để đảm bảo chất lượng giảng dạy và học tập.
3. Học viên không nhất thiết phải tham dự liên tục các chuyên đề trong cùng một khoá học mà có thể tham dự các chuyên đề của các khoá học khác nhau của cùng một cơ sở đào tạo. Thời gian bắt đầu đến kết thúc việc bồi dưỡng nghiệp vụ không quá 12 tháng.
Nếu đã có chứng nhận của các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ khác do Bộ Xây dựng và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì học viên được miễn tham dự các chuyên đề đã học tại các chương trình bồi dưỡng nêu trên với điều kiện nội dung và thời lượng là tương đương so với quy định tại Thông tư này. Cơ sở đào tạo kiểm tra, lưu giữ bản sao chứng nhận của học viên và chịu trách nhiệm đối với quyết định cho phép học viên được miễn các chuyên đề này.
4. Đối với những khoá học ở vùng sâu, vùng xa, cơ sở đào tạo được quyền điều chỉnh nội dung các chuyên đề phù hợp với yêu cầu đặc thù về QLDA và GSTC của địa phương gửi Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng nơi tổ chức khoá học trước 7 ngày để kiểm tra. Việc điều chỉnh này vẫn phải đảm bảo số lượng chuyên đề và tổng thời lượng theo chương trình khung.
5. Mức thu học phí và việc quản lý, sử dụng học phí do cơ sở đào tạo quyết định trên cơ sở đảm bảo bù đắp được chi phí hợp lý của khoá học.
Điều 7. Hội đồng đánh giá kết quả học tập và xét cấp chứng nhận
Thủ trưởng các cơ sở đào tạo quyết định thành lập Hội đồng đánh giá kết quả học tập, ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng để điều hành công tác tổ chức bồi dưỡng, đánh giá kết quả kiểm tra, xếp loại cuối khoá và xét cấp chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA hoặc GSTC cho học viên.
Điều 8. Cấp chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA hoặc GSTC
1. Học viên tham gia khoá bồi dưỡng nghiệp vụ đảm bảo lên lớp từ 80% thời gian của chương trình trở lên và có kết quả học tập được Hội đồng đánh giá từ đạt yêu cầu trở lên mới được cấp chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA hoặc chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ GSTC. Cơ sở đào tạo phải có sổ theo dõi, quản lý việc cấp chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA hoặc chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ GSTC của đơn vị mình.
2. Cơ sở đào tạo có trách nhiệm in, quản lý chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA hoặc GSTC. Nội dung, hình thức, quy cách của chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA và GSTC theo mẫu tại Phụ lục 3 và Phụ lục 4 của Thông tư này.
Điều 9. Cấp lại chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA hoặc GSTC
1. Người đã được cấp chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ có thể đề nghị cơ sở đào tạo cấp lại chứng nhận trong các trường hợp chứng nhận bị rách nát hoặc bị mất.
2. Người đề nghị phải làm đơn xin cấp lại chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ có dán ảnh và xác nhận của cơ quan quản lý trực tiếp hoặc hội nghề nghiệp.
3. Cơ sở đào tạo đã cấp chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ lần đầu cho học viên căn cứ hồ sơ gốc để thực hiện cấp lại chứng nhận. Nội dung chứng nhận cấp lại được ghi đúng như bản cấp lần đầu. Cơ sở đào tạo chỉ thực hiện cấp lại chứng nhận một lần đối với một cá nhân và ghi rõ cấp lần thứ hai trên chứng nhận. Nếu xin cấp lần thứ ba, cá nhân phải tham gia khoá bồi dưỡng như trường hợp học lần đầu.
Điều 10. Lưu trữ hồ sơ
Cơ sở đào tạo có trách nhiệm lập hồ sơ lưu trữ sau mỗi khoá học ít nhất là 5 năm để phục vụ cho công tác kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và việc cấp lại giấy chứng nhận cho học viên, bao gồm:
1. Danh sách, hồ sơ nhập học của học viên, quyết định và danh sách học viên được cấp chứng nhận (họ tên, năm sinh, nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, địa chỉ, nơi công tác) cho từng khoá học, kết quả điểm kiểm tra có xác nhận của cơ sở đào tạo;
2. Danh sách giảng viên tham gia giảng dạy cho mỗi khóa học bao gồm: họ tên, năm sinh, nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, địa chỉ, nơi công tác.
3. Sổ gốc ký nhận, quản lý cấp chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA hoặc chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ GSTC.
Chương IV
CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, BÁO CÁO, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 11. Quản lý và kiểm tra hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA và GSTC
1. Bộ Xây dựng thống nhất quản lý về hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA và GSTC, chỉ đạo và phối hợp với các Sở Xây dựng trong công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định về bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA, GSTC và xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với các cơ sở đào tạo.
2. Sở Xây dựng có trách nhiệm:
a) Chủ động kiểm tra và phối hợp với Bộ Xây dựng kiểm tra hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA và GSTC của các cơ sở đào tạo trên địa bàn. Kết quả kiểm tra phải được lập thành biên bản.
b) Kiến nghị xử lý vi phạm đối với các cơ sở đào tạo có trụ sở trên địa bàn và cơ sở đào tạo tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA và GSTC trên địa bàn.
Điều 12. Xử lý vi phạm
1. Các hình thức vi phạm của cơ sở đào tạo: Cho thuê mượn tư cách pháp nhân; tổ chức bồi dưỡng không đúng lĩnh vực được công nhận; rút ngắn thời lượng của chương trình, không tổ chức cho học viên làm bài kiểm tra; giảng viên không đáp ứng yêu cầu quy định; không công khai các nội dung cần thiết cho học viên khi thông báo tuyển sinh; không có quy trình quản lý; không thành lập hội đồng đánh giá kết quả học tập; không báo cáo Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng trước khi tổ chức khoá học; không báo cáo định kỳ về Bộ Xây dựng theo quy định; không lưu trữ hồ sơ học viên sau khoá học; không gửi Quyết định cấp chứng nhận và danh sách học viên được cấp chứng nhận về Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng; vi phạm các quy định khác của Thông tư này.
2. Xử lý vi phạm đối với cơ sở đào tạo: Tuỳ mức độ vi phạm mà cơ sở đào tạo có thể bị xử lý theo các hình thức: nhắc nhở, khắc phục hậu quả vi phạm, bồi thường thiệt hại, tạm đình chỉ, thu hồi có thời hạn hoặc vĩnh viễn quyết định công nhận cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ GSTC.
Người đứng đầu cơ sở đào tạo và cá nhân liên quan tuỳ mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
3. Thẩm quyền xử lý vi phạm:
a) Bộ Xây dựng có thẩm quyền:
- Quyết định yêu cầu khắc phục hậu quả vi phạm, tạm đình chỉ, thu hồi có thời hạn hoặc vĩnh viễn Quyết định công nhận cơ sở đào tạo; thông báo trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng về sai phạm của cơ sở đào tạo.
- Thu hồi Quyết định công nhận đủ điều kiện tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ nếu cơ sở đào tạo không tổ chức được các khoá bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA hoặc GSTC trong thời gian 24 tháng tính từ ngày quyết định công nhận.
b) Sở Xây dựng có thẩm quyền:
- Nhắc nhở bằng văn bản đối với các vi phạm của cơ sở đào tạo tại địa phương và thông báo về Bộ Xây dựng.
- Tuyên huỷ giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ của cá nhân tại địa phương nếu phát hiện sai phạm của cơ sở đào tạo trong việc cấp chứng nhận hoặc sai phạm của cá nhân trong hành nghề và báo cáo Bộ Xây dựng.
Điều 13. Chế độ báo cáo
1. Cơ sở đào tạo có trách nhiệm báo cáo 6 tháng, hàng năm về tình hình bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ GSTC, tự đánh giá và đề xuất góp ý cho hoạt động này (nếu có) gửi Bộ Xây dựng để phục vụ việc đánh giá chất lượng hàng năm. Nội dung báo cáo theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 của Thông tư này.
2. Trung tâm Thông tin - Bộ Xây dựng có trách nhiệm cập nhật danh sách cơ sở đào tạo được công nhận bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA và bồi dưỡng nghiệp vụ GSTC, thông tin về cơ sở đào tạo, cá nhân vi phạm để đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Xử lý chuyển tiếp
1. Các cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình đã được Bộ Xây dựng quyết định công nhận trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành:
a) Được tiếp tục tổ chức đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình đến hết ngày 31/12/2009. Sau thời gian này phải thực hiện đăng ký lại.
b) Phải hoàn thành việc biên soạn lại tài liệu giảng dạy và bộ đề kiểm tra theo chương trình khung tại Phụ lục 2 của Thông tư này báo cáo Bộ Xây dựng trước ngày 31/10/2009.
c) Tuân thủ các nội dung khác quy định tại Thông tư này.
2. Các chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ GSTC do các cơ sở đào tạo được Bộ Xây dựng công nhận cấp trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng.
3. Các cá nhân đã tham gia các khoá bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành:
a) Phải đăng ký và tham gia kỳ kiểm tra theo nội dung của Thông tư này tại cơ sở đào tạo được Bộ Xây dựng công nhận;
b) Được xét cấp chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA theo quy định của Thông tư này nếu kết quả kiểm tra đạt yêu cầu.
Điều 15. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/9/2009 và thay thế cho các văn bản sau:
a) Quyết định số 12/2005/QĐ-BXD ngày 18/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình.
b) Quyết định số 1857/QĐ-BXD ngày 29/9/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Chương trình khung bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các tổ chức, cá nhân gửi ý kiến về Bộ Xây dựng để xem xét, giải quyết./.