KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
QUY ĐỊNH
LẬP, THẨM ĐỊNH VÀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH KIỂM TOÁN NĂM,
KẾ HOẠCH KIỂM TOÁN TRUNG HẠN CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02/2023/QĐ-KTNN ngày 09/02/2023 của Tổng Kiểm toán nhà nước)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này quy định về trình tự, nội dung công việc, nhiệm vụ và trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn của Kiểm toán nhà nước.
2. Quy định này không áp dụng đối với các trường hợp điều chỉnh, bổ sung, thay đổi kế hoạch kiểm toán năm hoặc các kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đã cam kết thực hiện theo các văn bản ký kết với đối tác nước ngoài.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn của Kiểm toán nhà nước.
Điều 3. Nguyên tắc xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn
1. Đảm bảo tính độc lập của Kiểm toán nhà nước theo quy định tại Điều 118 Hiến pháp năm 2013; tuân thủ quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
2. Đảm bảo tính khách quan, minh bạch.
3. Đảm bảo tính hệ thống, toàn diện và khả thi: Kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn được xây dựng phù hợp với quỹ thời gian, nguồn nhân lực và điều kiện về cơ sở vật chất của Kiểm toán nhà nước; cân đối và phù hợp với kế hoạch công tác khác; dự phòng quỹ thời gian và nhân lực thích hợp để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
4. Đảm bảo nguyên tắc tập trung, dân chủ: Kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn do các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước đề xuất trên cơ sở các định hướng của Kiểm toán nhà nước; tập hợp được trí tuệ của tập thể công chức, kiểm toán viên.
5. Đảm bảo sự phối hợp tốt với các cơ quan trong hệ thống thanh tra, kiểm tra của Đảng và Nhà nước; hạn chế trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
6. Đảm bảo sự phù hợp giữa kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn và kế hoạch, chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước theo từng thời kỳ.
Điều 4. Căn cứ lập kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn
1. Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng và các luật khác có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước.
2. Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước; kế hoạch thực hiện chiến lược từng giai đoạn của Kiểm toán nhà nước; kế hoạch kiểm toán trung hạn (đối với kế hoạch kiểm toán năm).
3. Các văn bản quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách hàng năm, trung hạn, dài hạn của Trung ương và địa phương; thực tiễn quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách trong năm và các thời kỳ trước, sau có liên quan.
4. Yêu cầu thực tiễn và năng lực thực tế của Kiểm toán nhà nước.
5. Các kế hoạch công tác của Kiểm toán nhà nước.
6. Các văn bản yêu cầu của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội và của các cơ quan chức năng có liên quan.
Điều 5. Tiêu chí lựa chọn đơn vị, đầu mối, chủ đề kiểm toán
Việc lựa chọn đơn vị, đầu mối, chủ đề kiểm toán dựa trên một hoặc các tiêu chí sau:
1. Đơn vị, đầu mối, chủ đề kiểm toán có mục tiêu, trọng tâm và nội dung kiểm toán phù hợp với định hướng xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn của Kiểm toán nhà nước.
2. Đơn vị, đầu mối, chủ đề kiểm toán được đánh giá có rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát cao.
3. Đơn vị, đầu mối, chủ đề kiểm toán đang được Quốc hội, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương và dư luận xã hội quan tâm.
4. Đơn vị, đầu mối, chủ đề kiểm toán liên quan đến công tác thu, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí có quy mô lớn so với các đơn vị, chủ đề kiểm toán khác.
5. Đơn vị, đầu mối, chủ đề chưa được kiểm toán hoặc có khoảng cách thời gian dài kể từ lần kiểm toán trước hoặc phải kiểm toán thường xuyên, định kỳ theo quy định.
Chương II
TRÌNH TỰ LẬP, THẨM ĐỊNH VÀ BAN HÀNH
KẾ HOẠCH KIỂM TOÁN NĂM
Điều 6. Trình tự các bước lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán năm
1. Định hướng, hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm toán năm.
2. Tổ chức xây dựng, thẩm định, lấy ý kiến tham gia và hoàn thiện dự kiến kế hoạch kiểm toán năm.
3. Ban hành kế hoạch kiểm toán năm.
Điều 7. Định hướng, hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm toán năm
1. Trước ngày 15 tháng 6 hàng năm, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm toán năm sau theo những nội dung chủ yếu sau: Đánh giá tình hình xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm toán năm hiện tại; phân tích đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách và các chủ trương, chính sách quản lý, điều hành kinh tế - xã hội nổi bật trong năm kế hoạch; xác định mục tiêu kiểm toán tổng quát; định hướng xây dựng kế hoạch năm kế hoạch; định hướng về phương án tổ chức kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và các giải pháp tổ chức thực hiện.
2. Định hướng xây dựng kế hoạch kiểm toán năm được thực hiện thông qua việc xem xét, phân tích các thông tin, văn bản sau:
a) Các thông tin, văn bản được quy định tại Điều 4 Quy định này.
b) Các yêu cầu kiểm toán của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đề nghị của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
c) Thông tin từ các cơ quan truyền thông, dư luận xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đào tạo, nghiên cứu trong và ngoài nước.
d) Thông tin về kết quả kiểm toán qua các năm; ý kiến chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước và ý kiến của tổ chức, cá nhân thuộc Kiểm toán nhà nước liên quan đến công tác kế hoạch kiểm toán năm.
Điều 8. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc kiểm toán nhà nước tổ chức xây dựng dự kiến kế hoạch kiểm toán năm
1. Khảo sát thu thập thông tin
a) Tổ chức khảo sát, thu thập và cập nhật thường xuyên thông tin về đầu mối, đơn vị, chương trình, dự án thuộc phạm vi kiểm toán được phân giao của đơn vị và cập nhật dữ liệu kiểm toán qua các năm.
b) Trường hợp thông tin đã cập nhật trên Hệ thống công nghệ thông tin của Kiểm toán nhà nước chưa đầy đủ, không đủ cơ sở để lựa chọn đầu mối, đơn vị, chủ đề kiểm toán để đưa vào dự kiến kế hoạch kiểm toán năm, Thủ trưởng đơn vị tổ chức khảo sát, thu thập bổ sung thông tin. Việc khảo sát và thu thập bổ sung thông tin có thể thực hiện bằng hình thức điện tử, trực tiếp hoặc gửi công văn đề nghị cung cấp.
c) Các thông tin chủ yếu cần thu thập:
- Thông tin, văn bản được quy định tại Điều 4 Quy định này;
- Thông tin theo các Phụ lục kèm theo Quy định này và các thông tin khác (nếu có);
- Các yêu cầu kiểm toán của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đề nghị của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi kiểm toán của đơn vị;
- Thông tin từ các cơ quan truyền thông, dư luận xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đào tạo, nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến phạm vi kiểm toán của đơn vị;
- Thông tin về kết quả kiểm toán qua các năm; ý kiến chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước và ý kiến của công chức, kiểm toán viên trong đơn vị liên quan đến kế hoạch kiểm toán năm;
- Các thông tin khác có liên quan.
2. Lập dự kiến kế hoạch kiểm toán năm
a) Trên cơ sở các thông tin thu thập, định hướng xây dựng kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước, căn cứ lập kế hoạch kiểm toán năm như quy định tại Điều 4 và tiêu chí lựa chọn đơn vị, đầu mối, chủ đề kiểm toán như quy định tại Điều 5 Quy định này, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước có chức năng kiểm toán tổ chức:
- Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kiểm toán năm hiện tại, trong đó tập trung phân tích, đánh giá rõ kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục đối với việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm toán năm;
- Rà soát, đánh giá tình hình lực lượng công chức kiểm toán của đơn vị, trong đó cân đối giữa lực lượng công chức trực tiếp tham gia kiểm toán với lực lượng công chức đảm nhận công tác kế hoạch kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán và giữa kế hoạch kiểm toán với kế hoạch đào tạo, kế hoạch công tác khác của đơn vị;
- Sơ bộ phân tích, đánh giá các thông tin thu thập, đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán đối với các lĩnh vực, đơn vị, đầu mối, dự án thuộc phạm vi kiểm toán của đơn vị.
b) Căn cứ kết quả thực hiện các nội dung công việc theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, Thủ trưởng đơn vị tổ chức xây dựng dự kiến kế hoạch kiểm toán năm sau của đơn vị và gửi về Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Tổng hợp) trước ngày 20 tháng 7 hàng năm.
c) Dự kiến kế hoạch kiểm toán năm của các đơn vị gửi gồm: Báo cáo thuyết minh dự kiến kế hoạch kiểm toán năm và các phụ lục số 01, 02, 03(a, b, c, d, e), 04, 05, 06/KHKT kèm theo Quy định này.
d) Nội dung báo cáo thuyết minh dự kiến kế hoạch kiểm toán năm:
- Kết quả thực hiện các nội dung công việc theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
- Cơ sở lựa chọn đơn vị, đầu mối, chủ đề trong dự kiến kế hoạch kiểm toán năm;
- Danh mục các đơn vị, đầu mối, chủ đề dự kiến kiểm toán chính thức và dự phòng cho năm kế hoạch (các đơn vị, đầu mối, chủ đề dự phòng sắp xếp theo trình tự ưu tiên; số lượng không quá 30% số lượng các đơn vị, đầu mối, chủ đề trong dự kiến kế hoạch kiểm toán chính thức).
Điều 9. Vụ Tổng hợp tổ chức thẩm định, tổng hợp, lập và hoàn thiện dự kiến kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước
1. Tổ chức thẩm định, kiểm tra dự kiến kế hoạch kiểm toán năm của các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước theo các nguyên tắc, căn cứ, tiêu chí lập kế hoạch kiểm toán năm quy định tại Điều 3, 4, 5 Quy định này và định hướng, hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước.
2. Tổng hợp kết quả thẩm định, kiểm tra đối với dự kiến kế hoạch kiểm toán năm của các đơn vị báo cáo Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.
3. Tổng hợp dự kiến kế hoạch kiểm toán năm của các đơn vị và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước đối với từng đơn vị, trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét quyết định. Trường hợp cần thiết, Tổng Kiểm toán nhà nước tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước.
4. Hoàn thiện kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước theo ý kiến chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước; tổ chức xây dựng Báo cáo thuyết minh dự kiến kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định. Thời gian hoàn thành trước ngày 30 tháng 8 hàng năm.
5. Gửi dự kiến kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước để lấy ý kiến tham gia của các cơ quan hữu quan, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội và gửi các Đại biểu Quốc hội.
6. Tổng hợp ý kiến tham gia của các cơ quan hữu quan, ý kiến chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội và ý kiến của các Đại biểu Quốc hội báo cáo Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước việc hoàn thiện dự kiến kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước.
7. Hoàn thiện dự kiến kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành. Thời gian hoàn thành trước ngày 15 tháng 12 hàng năm.
Điều 10. Ban hành kế hoạch kiểm toán năm
1. Kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước được Tổng Kiểm toán nhà nước ký ban hành trước ngày 31 tháng 12 năm trước.
2. Kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước sau khi Tổng Kiểm toán nhà nước ký ban hành được công khai theo quy định.
Chương III
LẬP, BAN HÀNH KẾ HOẠCH KIỂM TOÁN TRUNG HẠN
Điều 11. Yêu cầu lập kế hoạch kiểm toán trung hạn
Trên cơ sở nguyên tắc, căn cứ lập kế hoạch kiểm toán trung hạn quy định tại Điều 3, Điều 4 và tiêu chí lựa chọn đơn vị, đầu mối, chủ đề kiểm toán quy định tại Điều 5 Quy định này, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi được giao xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn theo giai đoạn 03 năm cụ thể hóa mục tiêu kiểm toán, xác định trọng tâm hoạt động trong từng năm và trong cả giai đoạn. Kế hoạch kiểm toán trung hạn được xây dựng cho giai đoạn 3 năm theo hình thức cuốn chiếu hằng năm cùng với kế hoạch kiểm toán năm và thay thế kế hoạch kiểm toán trung hạn trước đó. Kế hoạch kiểm toán trung hạn có tính định hướng để các đơn vị thuộc Kiểm toán nhà nước xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm của đơn vị.
Điều 12. Trình tự các bước lập và ban hành kế hoạch kiểm toán trung hạn
1. Định hướng, hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn.
2. Tổ chức xây dựng và hoàn thiện dự kiến kế hoạch kiểm toán trung hạn.
3. Ban hành kế hoạch kiểm toán trung hạn.
Điều 13. Định hướng, hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn
1. Trước ngày 15 tháng 6 hàng năm, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn cùng thời điểm ban hành hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm toán năm sau, trong đó định hướng một số nội dung chủ yếu về các chủ đề kiểm toán trong giai đoạn 03 năm, các chủ đề thực hiện kiểm toán hàng năm hoặc định kỳ theo quy định của pháp luật; một số nội dung kiểm toán cần quan tâm của Kiểm toán nhà nước.
2. Định hướng xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn được thực hiện thông qua việc xem xét, phân tích các thông tin nêu tại Điều 4 Quy định này.
Điều 14. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước tổ chức xây dựng dự kiến kế hoạch kiểm toán trung hạn
1. Trên cơ sở các thông tin thu thập, định hướng xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn của Kiểm toán nhà nước, căn cứ lập kế hoạch kiểm toán trung hạn quy định tại Điều 4 và tiêu chí lựa chọn đơn vị, đầu mối, dự án, chủ đề kiểm toán quy định tại Điều 5 Quy định này; căn cứ các văn bản về phát triển kinh tế xã hội 05 năm của quốc gia; các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ… Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước tổ chức xây dựng dự kiến kế hoạch kiểm toán trung hạn:
- Sơ bộ phân tích, đánh giá các thông tin thu thập, đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán đối với các lĩnh vực, đơn vị, đầu mối, dự án thuộc phạm vi kiểm toán của đơn vị.
- Xây dựng danh mục các nội dung, đơn vị, đầu mối hoặc các cuộc kiểm toán chính trong kế hoạch kiểm toán trung hạn giai đoạn 03 năm (mức độ chi tiết, cụ thể của danh mục này tùy thuộc vào tính chất cấp thiết, thông tin thu thập, đánh giá và thời gian dự kiến kiểm toán, trong đó có thể nêu ở mức độ tổng quan về lĩnh vực, chương trình, dự án hoặc một loại hình đơn vị hoặc chi tiết tới từng cuộc kiểm toán như trong kế hoạch kiểm toán năm).
2. Dự kiến kế hoạch kiểm toán trung hạn của các đơn vị được xây dựng cùng với kế hoạch kiểm toán hàng năm gửi về Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Tổng hợp) trước ngày 20 tháng 7 hàng năm gồm: Báo cáo thuyết minh dự kiến kế hoạch kiểm toán trung hạn và các phụ lục 07a, 07b, 07c/KHKTTH kèm theo Quy định này.
Điều 15. Vụ Tổng hợp tổng hợp, xây dựng dự kiến kế hoạch kiểm toán trung hạn của Kiểm toán nhà nước
1. Trên cơ sở nguyên tắc, căn cứ lập kế hoạch kiểm toán trung hạn quy định Điều 3, Điều 4 Quy định này và dự kiến kế hoạch kiểm toán trung hạn do các đơn vị xây dựng, Vụ Tổng hợp tổ chức tổng hợp, xây dựng dự kiến kế hoạch kiểm toán trung hạn của Kiểm toán nhà nước, trong đó định hướng: một số nội dung chủ yếu về các chủ đề kiểm toán trong giai đoạn 03 năm, các chủ đề thực hiện kiểm toán hàng năm hoặc định kỳ theo quy định của pháp luật; một số nội dung kiểm toán cần quan tâm của các lĩnh vực kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và đơn vị chủ trì thực hiện các nội dung trên.
2. Tổ chức lấy ý kiến của các đơn vị trong ngành về dự kiến kế hoạch kiểm toán trung hạn của Kiểm toán nhà nước.
3. Tổng hợp ý kiến tham gia của các đơn vị trong ngành và hoàn chỉnh dự kiến kế hoạch kiểm toán trung hạn của Kiểm toán nhà nước, báo cáo xin ý kiến Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước.
4. Hoàn thiện Kế hoạch kiểm toán trung hạn của Kiểm toán nhà nước trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành.
Điều 16. Ban hành kế hoạch kiểm toán trung hạn
1. Kế hoạch kiểm toán trung hạn được Tổng Kiểm toán nhà nước ký ban hành đồng thời với Kế hoạch kiểm toán năm đầu thuộc giai đoạn của Kiểm toán nhà nước.
2. Kế hoạch kiểm toán trung hạn của Kiểm toán nhà nước sau khi Tổng Kiểm toán nhà nước ký ban hành được công khai trong toàn ngành.
3. Kế hoạch kiểm toán trung hạn của Kiểm toán nhà nước là căn cứ để các đơn vị hoàn thiện kế hoạch kiểm toán trung hạn của đơn vị mình và xây dựng Kế hoạch kiểm toán hàng năm của các đơn vị.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ TRONG TỔ CHỨC
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH KIỂM TOÁN NĂM,
KẾ HOẠCH KIỂM TOÁN TRUNG HẠN
Điều 17. Trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước
1. Tổ chức thu thập, cập nhật, lưu trữ thông tin về đầu mối, đơn vị và dự án thuộc phạm vi kiểm toán của đơn vị và dữ liệu kiểm toán qua các năm.
2. Phổ biến, quán triệt các quan điểm, định hướng và hướng dẫn về xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn của Kiểm toán nhà nước và các văn bản có liên quan tới toàn thể công chức, kiểm toán viên trong đơn vị.
3. Ứng dụng hệ thống phần mềm của Kiểm toán nhà nước để tổ chức xây dựng dự kiến kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn của đơn vị.
4. Chủ động phối hợp với Vụ Tổng hợp, các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước có liên quan trong quá trình tổ chức xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn; hoàn thiện, bổ sung kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn của đơn vị theo định hướng, chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước.
5. Chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán nhà nước về chất lượng và tiến độ xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn của đơn vị.
Điều 18. Trách nhiệm của Vụ Tổng hợp
1. Theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn của Kiểm toán nhà nước.
2. Tổ chức thu thập, nghiên cứu, phân tích thông tin và các tài liệu liên quan đến kế hoạch kiểm toán, xây dựng và trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn; đôn đốc các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước tổ chức xây dựng và hoàn thiện kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn.
3. Tổ chức thẩm định, tổng hợp dự kiến kế hoạch kiểm toán năm của các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước; tổ chức xây dựng dự kiến kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn của Kiểm toán nhà nước.
4. Tham mưu giúp Tổng Kiểm toán nhà nước tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan hữu quan, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội và gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội đối với dự kiến kế hoạch kiểm toán năm.
5. Hoàn thiện dự kiến kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn, trình Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định ban hành.
6. Chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán nhà nước về chất lượng và tiến độ xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn của Kiểm toán nhà nước.
Điều 19. Trách nhiệm của Văn phòng Kiểm toán nhà nước
Thực hiện nhiệm vụ thư ký, giúp việc Tổng Kiểm toán nhà nước và công tác hành chính trong quá trình tổ chức xây dựng, hoàn thiện và ban hành kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn của Kiểm toán nhà nước.
Điều 20. Trách nhiệm của Trung tâm tin học
Chủ trì xây dựng phần mềm để cập nhật và lưu trữ dữ liệu của các đầu mối, đơn vị, dự án thuộc phạm vi kiểm toán của kiểm toán nhà nước và dữ liệu kiểm toán qua các năm phục vụ công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn của Kiểm toán nhà nước. Hướng dẫn và hỗ trợ các đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin lập kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn; đôn đốc các đơn vị cập nhật đầy đủ thông tin, cơ sở dữ liệu của các đơn vị được kiểm toán vào hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu của Kiểm toán nhà nước.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 21. Trách nhiệm thi hành
1. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước và các tổ chức, các nhân có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này; trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ánh về Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Tổng hợp) để trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
2. Vụ Tổng hợp chủ trì phối hợp với các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước có liên quan theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy định này và định kỳ tổng hợp báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước./.