NGHỊ QUYẾT
Quy định mức thưởng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cao Văn Lầu
và Giải Báo chí tỉnh Bạc Liêu
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ MƯỜI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Báo chí ngày 05 tháng 4 năm 2016;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 13 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng;
Căn cứ Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan;
Xét Tờ trình số 100/TTr-UBND ngày 05 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh “về việc thông qua dự thảo nghị quyết quy định mức thưởng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cao Văn Lầu và Giải Báo chí tỉnh Bạc Liêu”; Báo cáo thẩm tra của Ban văn hóa - xã hội của Hội đồng nhân dân; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định mức thưởng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cao Văn Lầu và Giải Báo chí tỉnh Bạc Liêu.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Đối tượng xét tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cao Văn Lầu:
a) Là tác giả (hoặc đồng tác giả) những công trình, tác phẩm Văn học nghệ thuật thuộc lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu, lý luận, phê bình, bao gồm các loại hình: Văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật, múa, điện ảnh, kiến trúc, văn nghệ dân gian. Ưu tiên các mảng đề tài: Lịch sử cách mạng kháng chiến và truyền thống văn hóa dân tộc; những thành tựu trong công cuộc đổi mới; dân tộc thiểu số; ca ngợi, biểu dương những nhân tố tích cực, gương điển hình nhằm định hướng chân - thiện - mỹ cho xã hội.
b) Là những văn nghệ sĩ, nghệ nhân có công đóng góp nổi bật trong các loại hình nghệ thuật biểu diễn, truyền nghề, trình diễn dân gian.
c) Các cá nhân có công lao cống hiến và đóng góp đặc biệt cho công tác văn hóa, văn học nghệ thuật của tỉnh Bạc Liêu.
2. Đối tượng, loại hình báo chí xét Giải Báo chí tỉnh Bạc Liêu:
Là công dân Việt Nam trong và ngoài tỉnh có tác phẩm báo chí xuất sắc viết về tỉnh Bạc Liêu bằng tiếng Việt được đăng tải trên báo chí, gồm các thể loại: Báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử của Trung ương và địa phương, có giấy phép hoạt động của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.
Điều 3. Nguyên tắc xét tặng mức thưởng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cao Văn Lầu và Giải Báo chí tỉnh Bạc Liêu
1. Mức thưởng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cao Văn Lầu và Giải Báo chí tỉnh Bạc Liêu xét tặng cho tác giả (hoặc đồng tác giả) phải đảm bảo nguyên tắc:
a) Chính xác, công khai, dân chủ, công bằng, kịp thời.
b) Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được.
c) Bảo đảm thống nhất giữa tính chất, hình thức và đối tượng khen thưởng.
d) Kết hợp chặt chẽ động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất.
đ) Đúng pháp luật, đúng đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục quy định.
e) Tác phẩm, công trình đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật không được xét Giải thưởng này.
2. Bảo đảm nguyên tắc khách quan, công tâm trong quá trình xét khen thưởng.
Điều 4. Tiêu chuẩn xét tặng mức thưởng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cao Văn Lầu và Giải Báo chí tỉnh Bạc Liêu
1. Quy định chung:
a) Là công dân Việt Nam.
b) Có đạo đức nghề nghiệp và không vi phạm pháp luật.
2. Đối với Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cao Văn Lầu phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau:
a) Có công lao cống hiến và đóng góp cho công tác văn hóa, văn học nghệ thuật của tỉnh Bạc Liêu, đặc biệt là trong lĩnh vực đề nghị xét tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cao Văn Lầu.
b) Đã đạt được các giải thưởng trong lĩnh vực đề nghị xét tặng, cụ thể: Công trình, tác phẩm thuộc lĩnh vực văn xuôi, thơ, nghiên cứu - lý luận - phê bình Văn học nghệ thuật phải là công trình, tác phẩm đã được công bố trên báo, tạp chí của Trung ương, địa phương hoặc được in thành sách, phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình Trung ương, địa phương, mỗi tác giả có từ 02 tác phẩm trở lên được cơ quan chuyên môn về văn học nghệ thuật từ cấp tỉnh trở lên đánh giá đạt chất lượng về nghệ thuật (do Hội đồng Nghệ thuật tỉnh xét công nhận).
c) Đối với tác phẩm thuộc loại hình âm nhạc, sân khấu, múa, điện ảnh: phải là tác phẩm đã được dàn dựng, biểu diễn, được thu âm, ghi hình, thu âm và ghi hình được trình diễn tại các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn (đạt giải Nhất, Nhì hoặc tương đương) cấp tỉnh trở lên hoặc được thu âm và ghi hình phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình Trung ương, địa phương.
d) Đối với công trình, tác phẩm thuộc loại hình kiến trúc đạt tiêu chuẩn công trình mỹ thuật: Là những công trình, cụm công trình kiến trúc công cộng, công trình phục vụ dân sinh xã hội, những công trình nhằm mục đích sử dụng cho cộng đồng đã được xây dựng và đưa vào sử dụng được Nhân dân đón nhận trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu (tại Điều 5 Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc).
e) Đối với những loại hình Văn học nghệ thuật thường xuyên tổ chức thi như: Nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu chỉ xét chọn những công trình, tác phẩm đã đoạt giải thưởng cấp khu vực, quốc gia, quốc tế (Giải Nhất, Nhì, Ba hoặc tương đương). Đối với những công trình, tác phẩm đã đoạt giải thưởng cấp quốc tế phải được cơ quan chuyên môn Trung ương, địa phương cử tham dự.
f) Đối với những loại hình Văn học nghệ thuật ít hoặc không tổ chức thi thường xuyên như: Văn nghệ dân gian, kiến trúc nếu không phải là công trình, tác phẩm có giải thưởng thì phải được Hội đồng Nghệ thuật cấp tỉnh trở lên xét công nhận.
g) Đối với lĩnh vực nhiếp ảnh đã đoạt được các giải thưởng: Cấp khu vực đoạt 02 giải thưởng cao (huy chương Vàng, Bạc, Đồng), trong đó, phải có 01 huy chương Vàng. Cấp quốc gia đoạt 01 huy chương Vàng hoặc 02 huy chương Bạc cá nhân. Cấp quốc tế đoạt 01 huy chương Vàng hoặc 01 huy chương Bạc cá nhân do các tổ chức chuyên nghiệp tổ chức (điều kiện kèm theo là tác phẩm dự thi phải được các cơ quan chuyên môn cấp Nhà nước như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cử đi dự thi).
h) Đối với nghệ nhân, nghệ sĩ các loại hình nghệ thuật biểu diễn: Đạt từ 02 giải Nhất hoặc 02 huy chương Vàng hoặc tương đương tại các Hội thi, Hội diễn chuyên ngành từ cấp khu vực trở lên.
i) Các tổ chức và cá nhân có công lao cống hiến và đóng góp đặc biệt cho công tác văn hóa, văn học - nghệ thuật của tỉnh: Có công lao đóng góp trong lãnh đạo, chỉ đạo; có những đề xuất, cống hiến và tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển lĩnh vực văn hóa, văn học - nghệ thuật của tỉnh, khu vực, quốc gia và quốc tế; có những tác phẩm văn học nghệ thuật, công trình nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa, văn học - nghệ thuật của tỉnh được xã hội đón nhận và đi vào lòng công chúng.
3. Đối với Giải Báo chí tỉnh Bạc Liêu phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau:
a) Về nội dung:
- Đề tài bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của địa phương; tập trung phản ánh kịp thời và sâu sắc tình hình thực tế, phục vụ thiết thực sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phản ánh trung thực đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của tỉnh.
- Phát hiện những cái mới, những điển hình tiêu biểu, đặc biệt là đề cao những cá nhân, đơn vị, địa phương có nhiều sáng tạo, tìm ra những giải pháp khắc phục khó khăn huy động mọi nguồn lực, đầu tư, nghiên cứu, tạo bước đột phá để nâng cao hiệu quả trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội.
- Biểu dương những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến trong việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Phản ánh sinh động công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phê phán các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan,…
- Không xét những tác phẩm có yếu tố hư cấu (thơ, tranh vẽ, tiểu phẩm, ký văn học, câu chuyện văn nghệ, truyện ngắn, tạp văn,…).
b) Về chất lượng và hiệu quả xã hội của tác phẩm:
- Đảm bảo tính chính xác, trung thực, khách quan, có tính phát hiện, tính định hướng dư luận và hiệu quả xã hội cao.
- Đề cập đến những vấn đề Đảng, Nhà nước và Nhân dân quan tâm.
- Tác phẩm đề cập những vụ việc tiêu cực phải được các cơ quan có thẩm quyền kết luận là đúng sự thật hoặc đã được các tổ chức, cá nhân sai phạm thừa nhận và khắc phục.
- Tác phẩm đề cập đến lĩnh vực chuyên ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, lịch sử,… còn có những ý kiến khác nhau thì phải được cơ quan có thẩm quyền chuyên ngành thẩm định.
c) Hình thức thể hiện:
- Đối với báo in và báo điện tử: Mỗi tác phẩm là một bài hoặc một loạt bài (không quá 05 kỳ) của tác giả hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên phản ánh về một sự kiện, một đề tài và thực hiện bằng một thể loại báo chí. Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng tải khác nhau. Tác phẩm tham dự phải là bản cắt từ trang báo hoặc bản sao chụp có in đầy đủ chi tiết về thời gian và số báo phát hành.
- Đối với báo nói (Phát thanh): Mỗi tác phẩm thực hiện theo một chủ đề, một sự kiện hoặc một đối tượng, phát sóng một kỳ không quá 20 phút và phát nhiều kỳ với tổng thời lượng không quá 60 phút. Âm thanh rõ ràng, tiếng nói nhân vật, tiếng động, âm nhạc bảo đảm chất lượng, hấp dẫn. Tác phẩm khi tham dự giải phải được trình bày trên khổ giấy A4, in một mặt giấy, kèm đĩa thành phẩm CD, VCD, DVD hoặc USB (ghi rõ tên tác giả hoặc nhóm tác giả; thời lượng phát sóng, ngày tháng năm đăng phát).
- Đối với báo hình (Truyền hình): Kỹ thuật hình ảnh phải đạt yêu cầu chất lượng; một tác phẩm phát một kỳ không quá 20 phút, nhiều kỳ không quá 60 phút, riêng phim tài liệu không quá 60 phút. Tác phẩm khi tham dự giải phải được trình bày trên khổ giấy A4, in một mặt giấy, kèm đĩa thành phẩm CD, VCD, DVD hoặc USB (ghi rõ tên tác giả hoặc nhóm tác giả; thời lượng phát sóng, ngày tháng năm đăng phát).
Điều 5. Mức thưởng Giải Văn học nghệ thuật Cao Văn Lầu
Tiền thưởng cho mỗi giải thưởng bằng 15 (mười lăm) lần mức lương cơ sở.
Điều 6. Thời gian xét Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cao Văn Lầu
Định kỳ 03 (ba) năm tổ chức xét tặng một lần.
Điều 7. Mức thưởng Giải Báo chí tỉnh Bạc Liêu
1. Cơ cấu giải thưởng:
a) Mỗi loại hình báo chí quy định tại khoản 2 Điều 2 nghị quyết này được xét các hình thức giải thưởng sau:
- Giải Nhất.
- Giải Nhì.
- Giải Ba.
- Giải Khuyến khích.
b) Tùy thuộc vào chất lượng các tác phẩm tham gia dự giải, không nhất thiết phải cơ cấu đủ các giải thưởng cho từng thể loại.
2. Mức thưởng đối với các tác phẩm báo chí thuộc các thể loại báo chí: Báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử đạt giải (Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích hoặc tương đương) tại các lần tổ chức Giải Báo chí tỉnh Bạc Liêu được thực hiện như sau:
a) Giải Nhất: Bằng 5,5 (năm phẩy năm) lần mức lương cơ sở/giải.
b) Giải Nhì: Bằng 04 (bốn) lần mức lương cơ sở/giải.
c) Giải Ba: Bằng 2,5 (hai phẩy năm) lần mức lương cơ sở/giải.
d) Giải Khuyến khích: Bằng 01 (một) lần mức lương cơ sở/giải.
3. Quy định khác đối với mức thưởng tác phẩm báo hình, phát thanh:
Mức thưởng cho tác phẩm đoạt giải (Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích hoặc tương đương) của tác phẩm phát thanh (báo nói) được hưởng thêm 10%, tác phẩm truyền hình (báo hình) được hưởng thêm 20% so với mức thưởng quy định tại khoản 2 điều này.
Điều 8. Thời gian xét Giải Báo chí tỉnh Bạc Liêu
Định kỳ 01 (một) năm tổ chức xét tặng một lần.
Điều 9. Nguồn kinh phí thực hiện
1. Ngân sách Nhà nước cấp tỉnh bố trí thực hiện khen thưởng cho Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cao Văn Lầu và Giải Báo chí tỉnh Bạc Liêu.
2. Huy động đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và các nguồn tài trợ hợp pháp khác (nếu có).
Điều 10. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện nghị quyết theo quy định pháp luật.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu khóa X, kỳ họp thứ mười thông qua ngày 14 tháng 7 năm 2023 và có hiệu lực từ ngày 24 tháng 7 năm 2023./.