Sign In

NGHỊ QUYẾT

Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình,

cá nhân thuộc đối tượng của Chương trình Bố trí dân cư

trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2024 - 2025

                                                                           

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 17

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Thông tư số 24/2023/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Xét Tờ trình số 64/TTr-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh “về dự thảo nghị quyết ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng của Chương trình Bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2024 - 2025”; báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách của Hội đồng nhân dân; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

 

 

QUYẾT NGHỊ:

 

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Nghị quyết này ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, cá nhân thuộc Chương trình thực hiện bố trí ổn định dân cư theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước tại các vùng: Thiên tai (sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng); đặc biệt khó khăn (thiếu đất, thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu; ô nhiễm môi trường); vùng dân di cư tự do đến đời sống quá khó khăn và khu rừng đặc dụng.

2. Đối tượng áp dụng:

Hộ gia đình, cá nhân được bố trí ổn định theo hình thức tái định cư tập trung theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm:

a) Hộ gia đình, cá nhân bị mất nhà ở đất ở do sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét; hộ gia đình, cá nhân sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng.

b) Hộ gia đình, cá nhân sống ở vùng đặc biệt khó khăn, thiếu đất, nước để sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu, ô nhiễm môi trường.

c) Hộ gia đình, cá nhân đã di cư tự do đến địa bàn tỉnh không theo quy hoạch, kế hoạch, đời sống còn khó khăn; hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu rừng đặc dụng cần phải bố trí, ổn định lâu dài.

3. Phạm vi và đối tượng của nghị quyết không bao gồm phạm vi, đối tượng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Nguyên tắc hỗ trợ

1. Sắp xếp, bố trí dân cư phải phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch, dự án trên địa bàn tỉnh; ưu tiên bố trí ổn định dân cư để khắc phục phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai; trong đó, các hộ bị mất nhà ở, chỗ ở và các hộ có nguy cơ cao hơn được ưu tiên thực hiện trước.

2. Sắp xếp, ổn định dân cư phải trên cơ sở nguyện vọng và sự đồng thuận của người dân, cộng đồng dân cư, phù hợp với phong tục, tập quán sinh hoạt sản xuất của người dân địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo điều kiện kết cấu hạ tầng thiết yếu, an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái.

 

3. Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng hỗ trợ của nghị quyết này bằng tiền để thực hiện di chuyển người và tài sản, xây dựng mới nhà ở và lương thực trong thời gian đầu tại nơi tái định cư.

4. Công tác hỗ trợ phải kịp thời, đảm bảo công khai, minh bạch, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền và cộng đồng dân cư; phải đảm bảo đúng đối tượng, đủ điều kiện theo quy định.

5. Trong cùng một thời điểm, một nội dung chính sách hỗ trợ có nhiều mức khác nhau, đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng chính sách hỗ trợ có lợi nhất.

6. Mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được hỗ trợ 01 lần; các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ tái định cư (tự lo tái định cư) do bị ảnh hưởng các dự án trước đây trên địa bàn tỉnh thì không được hưởng chính sách hỗ trợ của nghị quyết này.

Điều 3. Nội dung và mức hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình và cá nhân

1. Hỗ trợ di chuyển người và tài sản: Thực hiện theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 7 Thông tư số 24/2023/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

2. Hỗ trợ nhà ở (hỗ trợ chi phí xây dựng mới nhà ở ở nơi tái định cư): 85.000.000 đồng / hộ gia đình.

3. Lương thực: Hỗ trợ 12 tháng lương thực (gạo ăn) theo mức tương đương 30 kg / người (khẩu) / tháng trong thời gian 12 tháng đầu tại nơi tái định cư (mức giá gạo hỗ trợ cụ thể theo mức giá gạo tại địa phương do Sở Tài chính thẩm định và thông báo hàng năm).

Điều 4. Nguồn kinh phí thực hiện

Sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước (ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và quy định của pháp luật về đầu tư công; nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, kế hoạch, dự án và các nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện nghị quyết theo quy định pháp luật.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu khóa X, kỳ họp thứ 17 thông qua ngày 12 tháng 7 năm 2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 22 tháng 7 năm 2024./.

 

Hội đồng Nhân dân tỉnh Bạc Liêu

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lữ Văn Hùng