NGHỊ QUYẾT
Về việc quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp, mức khoán kinh phí
và chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách
ở các xã, phường, thị trấn và khóm, ấp
trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 17
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ;
Căn cứ Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;
Xét Tờ trình số 87/TTr-UBND ngày 05 tháng 7 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh “về dự thảo nghị quyết quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp, mức khoán kinh phí và chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở các xã, phường, thị trấn và khóm, ấp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”; báo cáo thẩm tra của Ban pháp chế của Hội đồng nhân dân; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm, mức khoán kinh phí hoạt động và chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) và khóm, ấp; mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở khóm, ấp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, cụ thể như sau:
1. Chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã:
a) Chức danh cấp trưởng, cấp phó:
- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra.
- Phó Trưởng ban Tuyên giáo.
- Phó Trưởng ban Dân vận.
- Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Phó Chủ tịch Hội Nông dân.
- Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ.
- Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
- Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh.
- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ - Đông y.
- Phó Chỉ huy trưởng Quân sự (02 người).
b) Các chức danh còn lại:
- Lực lượng Quân sự.
- Thủ quỹ, văn thư - lưu trữ.
- Quản lý thiết chế văn hóa cấp xã.
2. Bố trí số lượng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã:
Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã cho từng đơn vị hành chính cấp xã và bố trí số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng đơn vị hành chính cấp xã có thể thấp hơn hoặc cao hơn 14 người, nhưng phải đảm bảo không vượt quá tổng số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã của cả đơn vị hành chính cấp huyện được Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
3. Mức phụ cấp hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (được tính theo hệ số mức lương cơ sở):
a) Các chức danh quy định tại điểm a khoản 1 Điều này: Chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ hệ số 1,00; có trình độ sơ cấp hệ số 1,20; có trình độ trung cấp hệ số 1,50; có trình độ cao đẳng hệ số 1,70; có trình độ đại học hệ số 1,90.
b) Các chức danh quy định tại điểm b khoản 1 Điều này: Chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ hệ số 0,90; có trình độ sơ cấp hệ số 1,10; có trình độ trung cấp hệ số 1,40; có trình độ cao đẳng hệ số 1,60; có trình độ đại học hệ số 1,80.
4. Mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã:
Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều này (nếu giảm được 01 người so với quy định) thì được hưởng mức phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp theo trình độ đào tạo quy định tại khoản 3 Điều này. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm cao nhất.
Trường hợp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều này (nếu giảm được 01 người so với quy định) thì được hưởng mức phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp theo trình độ đào tạo quy định tại khoản 3 Điều này. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm cao nhất.
5. Về chức danh, số lượng và mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở khóm, ấp:
a) Chức danh (có 03 chức danh): Bí thư Chi bộ khóm, ấp; Trưởng khóm, ấp; Trưởng Ban công tác Mặt trận khóm, ấp.
b) Số lượng: Khóm, ấp bố trí không quá 03 người (được hưởng phụ cấp hàng tháng). Khuyến khích việc kiêm nhiệm Bí thư Chi bộ đồng thời Trưởng khóm, ấp hoặc Trưởng Ban công tác Mặt trận khóm, ấp.
c) Mức phụ cấp hàng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở khóm, ấp quy định tại điểm a khoản này:
Nội dung
|
Mức phụ cấp
(Mức lương cơ sở/người/tháng)
|
Bí thư
Chi bộ
|
Trưởng Khóm, ấp
|
Trưởng Ban công tác Mặt trận
|
Ấp có từ 350 hộ gia đình trở lên; Khóm có từ 500 hộ gia đình trở lên; ấp, khóm thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; ấp có từ 350 hộ gia đình trở lên chuyển thành khóm do thành lập đơn vị hành chính đô thị cấp xã
|
1,30
|
1,30
|
1,10
|
Đối với các khóm, ấp còn lại
|
1,25
|
1,25
|
1,00
|
d) Mức phụ cấp kiêm nhiệm (được tính theo hệ số mức lương cơ sở):
Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở khóm, ấp quy định tại điểm a khoản này (nếu giảm được 01 người so với quy định) thì được hưởng mức phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp quy định của chức danh kiêm nhiệm. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm cao nhất.
Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở khóm, ấp quy định tại điểm a khoản này (nếu giảm được 01 người so với quy định) thì được hưởng mức phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp quy định của chức danh kiêm nhiệm. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm cao nhất.
Người hoạt động không chuyên trách ở khóm, ấp kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở khóm, ấp quy định tại điểm a khoản này thì được hưởng mức phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm.
Người hoạt động không chuyên trách ở khóm, ấp kiêm nhiệm chức danh người trực tiếp tham gia công việc ở khóm, ấp quy định tại khoản 7 Điều này thì được hưởng mức bồi dưỡng kiêm nhiệm bằng 100% mức bồi dưỡng của chức danh kiêm nhiệm cao nhất.
đ) Việc bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở khóm, ấp được thực hiện theo hướng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
6. Mức khoán kinh phí hoạt động:
a) Mức khoán kinh phí hoạt động cho mỗi tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã (Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Cựu chiến binh, Phụ nữ, Nông dân) là: 13.200.000 đồng/năm/tổ chức (tương đương 1.100.000 đồng/tháng).
b) Mức khoán kinh phí hoạt động tối thiểu cho Hội Chữ thập đỏ - Đông y cấp xã là: 7.200.000 đồng/năm (tương đương 600.000 đồng/tháng).
c) Mức khoán kinh phí hoạt động tối thiểu cho Hội Người cao tuổi cấp xã là: 7.200.000 đồng/năm (tương đương 600.000 đồng/tháng).
d) Mức khoán kinh phí hoạt động cho mỗi khóm, ấp là 13.200.000 đồng/năm (tương đương 1.100.000 đồng/tháng).
đ) Mức khoán kinh phí hoạt động quy định tại điểm a, b, c khoản này nằm trong tổng kinh phí hoạt động của mỗi đơn vị ở cấp xã và được sử dụng chi hội, họp, đi công tác, văn phòng phẩm theo quy định của Nhà nước (không bao gồm điện, nước và mua sắm, sửa chữa).
e) Mức khoán kinh phí hoạt động quy định tại điểm d khoản này được giao trong dự toán ngân sách cấp xã hàng năm; được sử dụng chi xăng công tác, hội, họp, văn phòng phẩm, điện, nước; tùy điều kiện thực tế địa phương, Ủy ban nhân dân cấp xã trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phân bổ kinh phí hoạt động khóm, ấp có thể cao hơn mức quy định tại điểm d khoản này.
7. Mức bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia công việc ở khóm, ấp:
a) Mức bồi dưỡng hàng tháng đối với các chức danh: Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chi hội trưởng Cựu chiến binh, Chi hội trưởng Phụ nữ, Chi hội trưởng Nông dân là 1.100.000 đồng/tháng.
b) Mức bồi dưỡng hàng tháng đối với chức danh Chi hội trưởng Người cao tuổi là 600.000 đồng/tháng.
c) Chức danh Phó Trưởng khóm, ấp bố trí kiêm nhiệm (việc bố trí kiêm nhiệm Phó Trưởng khóm, ấp được thực hiện theo hướng linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế của địa phương). Chế độ phụ cấp kiêm nhiệm được hưởng thêm 150.000 đồng/tháng.
8. Chế độ, chính sách bảo hiểm y tế:
Người hoạt động không chuyên trách ở khóm, ấp (không quá 03 người, gồm có: Bí thư Chi bộ; Trưởng khóm, ấp; Trưởng Ban Công tác Mặt trận khóm, ấp) được ngân sách Nhà nước (ngân sách cấp tỉnh) hỗ trợ đóng 2/3 bảo hiểm y tế, cá nhân đóng 1/3 bảo hiểm y tế theo mức đóng bảo hiểm y tế tự nguyện do Nhà nước quy định tại thời điểm khi tham gia.
9. Chế độ, chính sách hỗ trợ thôi việc:
Áp dụng chế độ, chính sách hỗ trợ thôi việc một lần đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã như sau:
a) Mức hỗ trợ: Mỗi năm công tác được hưởng số tiền bằng ½ (một phần hai) tháng phụ cấp hiện hưởng (không tính phụ cấp kiêm nhiệm) và được cộng dồn; trường hợp có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 06 tháng được tính bằng ½ (một phần hai) năm, trên 06 tháng được tính bằng 01 năm làm việc.
b) Điều kiện: Có đơn xin thôi việc, không bị kỷ luật và được lãnh đạo Ủy ban nhân dân (hoặc Đảng ủy) cấp xã đồng ý; chưa thực hiện cho thôi việc đối với những người đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị thanh tra, kiểm tra do có dấu hiệu vi phạm.
c) Kinh phí chi trả chế độ, chính sách hỗ trợ thôi việc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được chi từ nguồn ngân sách cấp xã.
Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện
Kính phí thực hiện được ngân sách Nhà nước đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; được bố trí theo dự toán hàng năm.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện nghị quyết theo quy định pháp luật.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu khóa X, kỳ họp thứ 17 thông qua ngày 12 tháng 7 năm 2024, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2024. Thay thế Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 06 tháng 3 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh “về việc quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp và mức khoán kinh phí đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và khóm, ấp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”, Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 13 tháng 12 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh “sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 06 tháng 3 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp và mức khoán kinh phí đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và khóm, ấp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu” và Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh “về việc quy định mức khoán kinh phí hoạt động và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và khóm, ấp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”./.