Sign In

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn phân công, phối hợp thực hiện chức năng quản lý nhà nước

về vệ sinh an toàn thực phẩm

Căn cứ Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm số 12/2003/PL-UBTVQH ngày 26 tháng 7 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm;

Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Y tế;

Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Công nghiệp.

Bộ Y tế - Bộ Công nghiệp hướng dẫn việc phân công, phối hợp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến rượu, bia, nước giải khát, bánh, kẹo, sữa, dầu thực vật, bột và tinh bột, thuốc lá điếu (sau đây gọi tắt là Cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm) và các bếp ăn tập thể có quy mô từ 30 suất/bữa trở lên (sau đây gọi tắt là Bếp ăn tập thể) của cơ quan, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công nghiệp như sau:

I. PHÂN CÔNG PHỐI HỢP THỰC HIỆN

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch về vệ sinh an toàn thực phẩm

a) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công nghiệp xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch về vệ sinh an toàn thực phẩm đã được phê duyệt.

b) Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết việc tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch về vệ sinh an toàn thực phẩm.

c) Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Công nghiệp tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch về vệ sinh an toàn thực phẩm đã được phê duyệt trên địa bàn quản lý.

2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy định và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

a) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công nghiệp và các Bộ, ngành có liên quan ban hành yêu cầu chung về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

b) Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan ban hành các quy định cụ thể về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với các quy định của Bộ Y tế và các quy định pháp luật khác có liên quan.

3. Phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm

a) Bộ Y tế chủ trì xây dựng kế hoạch phòng ngừa, tổ chức cấp cứu điều trị, khắc phục ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.

b) Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xây dựng và tổ chức kế hoạch phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm đối với các Cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và Bếp ăn tập thể.

c) Bộ Công nghiệp phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Y tế và các Bộ ngành có liên quan khắc phục và giải quyết hậu quả khi xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể tại các Cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và Bếp ăn tập thể .

d) Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các ngành có liên quan khắc phục và giải quyết hậu quả khi xảy ra ngộ độc thực phẩm tại các Cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và Bếp ăn tập thể trên địa bàn quản lý.

4. Quản lý hệ thống kiểm nghiệm và hệ thống bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm

a) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công nghiệp chỉ định các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công nghiệp có đủ năng lực tham gia công tác kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thực phẩm tiêu thụ tại Việt Nam.

b) Bộ Công nghiệp quy định lộ trình áp dụng và chỉ đạo thực hiện việc áp dụng hệ thống bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo HACCP đối với các Cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm.

5. Nghiên cứu khoa học và công nghệ về vệ sinh an toàn thực phẩm

a) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công nghiệp xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học và công nghệ về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

b) Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế triển khai nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công nghiệp.

6. Tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm

a) Bộ Y tế chủ trì xây dựng kế hoạch về công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

b) Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xây dựng chương trình và triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các Cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và Bếp ăn tập thể.

c) Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Công nghiệp tổ chức tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm và tổ chức tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho người trực tiếp sản xuất thực phẩm của các Cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và Bếp ăn tập thể trên địa bàn quản lý.

7. Hợp tác quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm

a) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công nghiệp xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

b) Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức triển khai kế hoạch hợp tác quốc tế về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công nghiệp.

8. Thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về vệ sinh an toàn thực phẩm

a) Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế thanh tra điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất của các Cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm .

b) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công nghiệp thanh tra các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm khi có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

c) Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế giải quyết khiếu nại, tố cáo về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm của các Cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm.

d) Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Công nghiệp thanh tra điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của các Cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bànquản lý.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Y tế giao Cục An toàn vệ sinh thực phẩm là cơ quan đầu mối tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.

2. Bộ Công nghiệp giao Vụ Khoa học - Công nghệ là cơ quan đầu mối tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.

3. Định kỳ 6 tháng một lần, Bộ Y tế và Bộ Công nghiệp, Sở Y tế và Sở Công nghiệp thông báo cho nhau tình hình thực hiện Thông tư này. Định kỳ vào tháng 12 hằng năm, Lãnh đạo hai Bộ đánh giá kết quả hoạt động và chỉ đạo công tác phối hợp trong năm tiếp theo.

III. HIỆU LỰC THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bị bãi bỏ.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Thông tư này nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Y tế hoặc Bộ Công nghiệp để liên Bộ kịp thời phối hợp giải quyết./.

Bộ Y tế

Bộ Công nghiệp

Thứ trưởng

Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Trần Chí Liêm

Nguyễn Xuân Thuý