QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt dự án xây dựng và quản lý
tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn
_____________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị định số 38/CP ngày 4 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Tư pháp;
Để tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi trong cán bộ và nhân dân, tạo điều kiện cho việc chấp hành cũng như giám sát việc thi hành pháp luật, chủ trương, chính sách, chế độ của Nhà nước;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Dự án xây dựng và quản lý Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn với các nội dung như sau:
I. MỤC TIÊU CỦA DỰ ÁN
1. Mục tiêu tổng quát: triển khai việc xây dựng và quản lý Tủ sách pháp luật ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc theo Quyết định số 69/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ với những bước đi, biện pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn và tính đặc thù của từng vùng, miền; qua đó làm cơ sở cho việc duy trì và phát triển Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn trong những năm tiếp theo.
2. Mục tiêu trước mắt: trong 3 năm, từ năm 1999 đến năm 2001 về cơ bản xây dựng được Tủ sách pháp luật ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc theo mô hình với ít nhất 4 bộ phận sách, báo, tài liệu pháp lý sau:
- Bộ phận văn bản quy phạm pháp luật bao gồm: công báo; các tập hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành; một số sách hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan trực tiếp đến nhân dân và chính quyền địa phương;
- Bộ phận sách pháp luật phổ thông bao gồm: sách hỏi đáp, bình luận, giải thích pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân; các tờ gấp tuyên truyền, phổ biến pháp luật;
- Bộ phận sách hướng dẫn nghiệp vụ công tác chính quyền, hành chính, tư pháp cơ sở;
- Bộ phận báo pháp luật của trung ương và địa phương.
II. NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO
1. Tủ sách pháp luật phải được xây dựng theo những mô hình thống nhất cho từng loại địa bàn trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc và phát triển các kinh nghiệm tốt, có tính đến các xu hướng phát triển công nghệ thông tin trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
2. Việc xây dựng và quản lý Tủ sách pháp luật phải được đặt trong tổng thể các biện pháp tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật và thực hiện dân chủ ở cơ sở; góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, năng lực thực hành quyền dân chủ của công dân.
3. Triển khai việc xây dựng Tủ sách pháp luật trên diện rộng kết hợp với việc chỉ đạo điểm để rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này.
III. NHIỆM VỤ CỦA DỰ ÁN
1. Xây dựng và quản lý Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn phù hợp với từng loại địa bàn.
Bộ Tư pháp có trách nhiệm xây dựng và hướng dẫn mô hình chung về Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn có tính đến những đặc thù của từng loại địa bàn trong phạm vi toàn quốc; làm đầu mối, lập danh mục tên các tài liệu, sách báo pháp lý sẽ được in trong 6 tháng hoặc 1 năm để cung cấp cho các địa phương; biên soạn các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ công tác chính quyền, hành chính, tư pháp cơ sở; phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu để ra các số báo pháp luật chuyên đề phục vụ công tác quản lý Nhà nước, công tác Tư pháp ở cơ sở.
2. Tập hợp, hệ thống hoá, in và phát hành hàng quý hoặc hàng tháng văn bản quy phạm pháp luật của các cấp chính quyền địa phương.
Bộ Tư pháp phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ hướng dẫn các Sở Tư pháp giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố thực hiện nhiệm vụ này.
3. Hướng dẫn nghiệp vụ khai thác và quản lý Tủ sách pháp luật cho số cán bộ làm công tác Tư pháp chuyên trách ở các xã, phường, thị trấn.
Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn điểm cho cán bộ các Sở Tư pháp.
4. Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổ chức chỉ đạo điểm với mục tiêu đánh giá kịp thời, có trọng điểm các mô hình Tủ sách pháp luật ở từng loại địa bàn đồng thời qua đó rút kinh nghiệm tiếp tục chỉ đạo công tác này.
IV. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN DỰ ÁN
1. Kế hoạch triển khai: Dự án được thực hiện trong 3 năm từ năm 1999 đến năm 2001 và được chia thành các giai đoạn sau đây:
a) Trong năm 1999 tiến hành việc chỉ đạo điểm xây dựng Tủ sách pháp luật đồng thời với quá trình triển khai việc xây dựng Tủ sách pháp luật trên toàn quốc;
Biên soạn, xuất bản một số sách pháp luật phổ thông và sách hướng dẫn nghiệp vụ công tác chính quyền, hành chính, tư pháp cơ sở;
Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thư viện cho số cán bộ Tư pháp chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
b) Giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2001: duy trì, củng cố và phát triển các Tủ sách pháp luật đã xây dựng trong năm 1999;
Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thư viện cho số cán bộ Tư pháp chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
2. Kinh phí thực hiện Dự án:
Dự kiến Tổng kinh phí (ước tính): 52 tỷ đồng trong 3 năm (từ 1999 - 2001);
Trong đó:
- Từ ngân sách các xã, phường, thị trấn: 51 tỷ đồng (trung bình 4,6 triệu đồng/1 xã/ 3 năm);
- Từ ngân sách trung ương: 1 tỷ đồng/ 3 năm.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan triển khai thực hiện Dự án theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành mình;
Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính lập kế hoạch dự toán kinh phí hàng năm để thực hiện Dự án này;
Bộ Tài chính hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn lập dự toán, cân đối ngân sách xã hàng năm trong việc xây dựng và duy trì Tủ sách pháp luật theo đúng quy định của Luật ngân sách Nhà nước.
2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch tổ chức, thực hiện việc xây dựng và duy trì Tủ sách pháp luật ở các xã, phường, thị trấn.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.